Bà Maire McCann là một người phụ nữ Ireland, đã đến Việt Nam để bắt đầu một hành trình đầy ý nghĩa: xây dựng một trung tâm dành cho trẻ em khiếm thính.
Trong gần 20 năm qua, bà để giúp cải thiện cuộc sống của những trẻ em khiếm thính ở Hội An, miền Trung Việt Nam. Kết quả của những nỗ lực này là sự ra đời "Hearing and Beyond in Vietnam" - một ngôi trường hỗ trợ trẻ em khiếm thính phát triển tiềm năng của mình, giúp thay đổi hoàn toàn cuộc sống của các em. Dần dần, ngôi trường và những học sinh khiếm thính đã trở thành mục đích sống của bà.
'Trước đây mình còn nhỏ mình bị khiếm thính, không biết cách nói chuyện. Sau đó gặp cô Mai đã trao cho mình cơ hội. Bây giờ mình cảm thấy vui và hạnh phúc rất nhiều'.
Chị Nguyễn Thị Lành, Trợ giảng Trung tâm Hỗ trợ & Giáo dục hoà nhập cho trẻ khiếm thính Quảng Nam.
'Trước đây Ngọc cảm thấy ở nhà rất buồn vì không có bạn, không giao tiếp được với ai. Khi đến đây học em rất vui vì có bạn'.
Em Lê Ánh Ngọc, Học viên của Trung tâm Hỗ trợ & Giáo dục hoà nhập cho trẻ khiếm thính Quảng Nam.
'Sau này em muốn làm thợ hàn vì được học ở lớp kỹ năng nghề'.
Em Ngô Tấn Lộc.
Nơi trao yêu thương, nơi có những nụ cười ấm áp, nơi thay đổi những số phận...
(Ảnh: Hearing and Beyond in Vietnam page)
Khi được hỏi về việc điều hành ngôi trường này, bà Maire McCann nói: "Tôi nghĩ phần lớn là do may mắn. Tôi bắt đầu công việc này một cách tình cờ chứ không hề có kế hoạch từ trước. Nhưng đến nay tôi đã có một đội ngũ xuất sắc".
"Ban đầu, họ còn có những hạn chế, nhưng bây giờ thì họ rất có năng lực. Họ giúp cho công việc của tôi trở nên dễ dàng hơn nhiều. Đó là thành quả của ngày hôm nay".
'Cách duy nhất để giúp bản thân chính là giúp đỡ một ai đó...'.
Maire McCann.
Trước câu hỏi tại sao lại chọn Việt Nam làm điểm đến thời gian đó, bà Maire nói: "Tôi không hẳn là chọn đến Việt Nam. Vào năm 2005, tôi đã trải qua một cuộc chia tay rất đau lòng khiến tôi, thành thật mà nói, đã có lúc nghĩ đến việc tự kết thúc cuộc đời mình".
"Tôi rơi vào trầm cảm. Và tôi biết, cách duy nhất để giúp bản thân chính là giúp đỡ một ai đó" - bà Maire nói tiếp - "Và để làm thế, tôi phải rời Australia - nơi tôi đang làm việc lúc bấy giờ. Tôi không quan trọng việc mình sẽ đi đâu, có thể là Việt Nam, Châu Phi hay Trung Quốc... miễn là tôi có thể giúp được ai đó".
Bà Maire McCann trong cuộc trò chuyện tại Talk Vietnam. (Ảnh chụp màn hình)
"Tuy nhiên, trong khoảng một năm, khi tôi đang tiết kiệm tiền để thực hiện dự định này, mọi người mà tôi nói chuyện cùng, mọi tạp chí mà tôi đọc, mọi chương trình truyền hình mà tôi lướt qua đều nhắc đến từ "Việt Nam". Mọi thứ đều chỉ về Việt Nam nên tôi đã quyết định mình sẽ tới đó".
"Tôi đáp máy bay xuống Đà Nẵng, nhưng giây phút tôi đặt chân tới Hội An, ngay lập tức tôi cảm thấy đây là nhà của mình".
Chỉ định ở Việt Nam 3 tháng...
Vậy điều gì đã thôi thúc bà đặt ra mục tiêu cải thiện cuộc sống của các em nhỏ khiếm thính? Và đó có phải là mục tiêu ngay khi bà đặt chân đến Việt Nam?
"Đây không phải là mục đích ban đầu của tôi" - bà Maire trả lời" - Vốn dĩ tôi chỉ định đến Việt Nam 3 tháng để làm điều dưỡng viên tình nguyện cho một tổ chức thiện nguyện. Và tôi dự định trở lại quê hương mình, Ireland, sau khi hoàn thành công việc. Chỉ ở 3 tháng rồi rời đi".
Bà Maire McCann trong cuộc trò chuyện tại Talk Vietnam. (Ảnh chụp màn hình)
"Tôi không ngờ mình sẽ đem lòng yêu Hội An và trở nên thoải mái với việc sống ở đây đến vậy" - bà Maire nói tiếp - "Trong quá trình tôi làm điều dưỡng viên tình nguyện tôi đã có một ngày làm việc với một chuyên gia ngôn ngữ trị liệu người Australia. Lúc đó tôi mới biết ở Hội an có nhiều trẻ điếc nhưng lại chưa có một tổ chức từ thiện nào hỗ trợ các em. Tôi cho rằng mình có thể hỗ trợ một đến hai em và tôi đã làm vậy".
"Mọi việc bắt đầu theo một cách rất tình cờ. Tôi không phải là giáo viên. Tôi cũng không biết gì về cộng đồng ngưuowif điếc. Tôi là một điều dưỡng. Tôi không hề biết cách vận hành một tổ chức từ thiện hay cách hỗ trợ trẻ điếc. Nhưng chúng tôi cứ làm, dần dà từng bước một, và có lẽ trong hành trình này, chúng tôi đã có những bước đi đúng đắn".
Bà Maire sau đó kể về hành trình học tập nhiều khó khăn của 2 em bé khiếm thính bà nhận hỗ trợ - cô giáo đi lấy chồng và sau đó việc tìm giáo viên cho các em rất khó khăn, gần như không thể.
'Càng dành thời gian với các em nhỏ tôi càng không muốn trở lại Australia...'.
Maire McCann.
"Thời điểm đó, tôi muốn gần như ngay lập tức, không phải là xây, mà là mở một trường học cho các em. Vì tôi cứ tiếp tục nghe kể rằng còn nhiều trẻ em khiếm thính ngoài kia chưa được đến trường. Tại sao vây? Các em bị khiếm thính chứ không thiếu khả năng tư duy".
"Càng về sau càng có nhiều em tìm đến học và tôi mất khoảng hơn một năm để tìm được giáo viên. Ngay khi có giáo viên, chúng tôi đã đưa các em về Hội An. Lúc đó, chúng tôi mở lớp học ngay tại căn nhà tôi thuê. Phòng ngủ của tôi ở tầng dưới cò lớp học ở tầng trên. Đó là khởi đầu của chúng tôi".
Nói về vấn đề tài chính để thực hiện việc này, bà Maire cho biết: "Ban đầu, việc gom quỹ dễ dàng hơn nhiều vì tôi sống một mình, không vướng bận gì, ngoài công việc điều dưỡng. Tất cả tiền lương tôi kiếm được ở Australia tôi đều gom hết về Việt Nam. Tôi thường sẽ quay về Australia để làm việc khoảng 3 đến 4 tháng, chỉ để kiếm tiền chứ không tiêu gì cả. Rồi mang tiền đó về Việt Nam để duy trì ngôi trường được thêm khoảng 4 đến 5 tháng. Đến khi sắp hết tiền thì tôi lại quay về Australia để làm việc và gom góp thêm".
Đây là một lớp học tiếng Việt đặc biệt. Không có âm thanh nhưng những bạn trẻ này vẫn háo hức khi viết được những dòng chữ hay xung phong trả lời bằng ngôn ngữ ký hiệu. Đây là một trong những lớp học ý nghĩa tại Trung tâm Hỗ trợ & Giáo dục hoà nhập cho trẻ khiếm thính Quảng Nam. (Ảnh chụp màn hình)
Bà Maire nói ban đầu, việc điều hành cũng không gặp nhiều khó khăn do số lượng trẻ bà nhận hỗ trợ không nhiều. Nhưng khi con số các em được hỗ trợ tăng lên thì Maire phải thay đổi cách vận hành cũng như suy nghĩ lại.
"Ban đầu mọi thứ rất dễ dàng vì chúng tôi chỉ hỗ trợ khoảng 4 em" - bà Maire nói tại Talk Vietnam - "Nhưng càng dành thời gian với các em nhỏ tôi càng không muốn trở lại Australia. Nhưng không có cách nào khác, tôi vẫn phải làm vậy".
"Về sau, vì chúng tôi nhận thêm học sinh, nên cần một quỹ vận hành lớn hơn - mà nếu chỉ mình tôi thì không thể xoay xở được. Nếu tôi về Australia làm việc toàn thời gian thì chắc tôi cũng có thể kiếm đủ tiền để tiếp tục tự vận hành nhưng tôi không muốn về Australia. Tôi muốn ở lại đây".
"Đó là khi tôi bắt đầu phải nhờ đến gia đình, bạn bè để mọi người hỗ trợ phần nào".
Được bà Maire McCann thành lập vào năm 2008, lúc đầu trung tâm chỉ có 2 học viên nhưng hiện tại có 27 học viên. Trung tâm đã kín chỗ dù đang có danh sách dài nhiều trẻ chờ tới lượt được nhận vào.
Các em từ 7 tuổi đến 18 tuổi sẽ được xét duyệt để nhập học. Trung tâm sẽ hỗ trợ một phần hoặc miễn phí đối với đối tượng học viên có hoàn cảnh khó khăn. Các giáo viên ở Trung tâm cũng rất tận tâm, luôn dành sự sẻ chia, kiên nhẫn và yêu thương các em nhỏ không may mắn.
Chị Nguyễn Thị Mai Khuyên - Giáo viên của Trung tâm.
Chị Nguyễn Thị Mai Khuyên - Giáo viên của Trung tâm - nói: "Tôi cảm thấy giúp đỡ được các em, giúp các em học và hàng ngày các em tiến bộ hơn qua mỗi ngày, mỗi ngày... tôi cảm thấy vui. Và tôi nghĩ có thể gắn bó với các em. Mình mong muốn và hy vọng khi các bạn lớn lên các bạn có thể tìm được một công việc phù hợp với mình, có thể tự nuôi sống bản thân".
Điều bà Mai và các cộng sự quan tâm nhất chính là để các em có thể phát triển niềm yêu thích học tập và khám phá thế giới xung quang qua những môn học như tiếng Việt, Toá học, ngôn ngữ ký hiệu, đạo đức, tự nhiên xã hội và kỹ năng như phát âm và tin học. Tất cả để cho các bạn trẻ có hành trang để hoà nhập với cuộc sống sau này.
Em Lê Phạm Nguyên Khanh nói: "Em thích học ở đây vì có nhiều bạn bè, còn được đọc sách nữa. Lớn lên em muốn trở thành một người bán hàng ở siêu thị".
Em Lê Phạm Nguyên Khanh. (Ảnh chụp màn hình)
Em Lê Ánh Ngọc: "Em thích làm bác sĩ vì có thẻ cứu giúp và khám bệnh cho nhiều người".
Hearing and Beyond in Vietnam
'Chúng tôi ở đây để dạy các em học'.
Maire McCann.
(Ảnh: Hearing and Beyond in Vietnam)
Nói về sứ mệnh của Tổ chức "Hearing and Beyond in Vietnam" khi tổ chức này được sáng lập, bà Maire cho biết: "Sứ mệnh của chúng tôi là mang đến một chương trình giáo dục chất lượng cao cho trẻ điếc và trẻ khiếm thính. Chúng tôi có thể nhận 100 em, nhưng như vậy, mỗi em chỉ được hỗ trợ phần nào. Thực tế, sẽ tốt hơn nếu chúng tôi có thể tập trung vào một nhóm nhỏ nhưng lại có thể giúp thay đổi hoàn toàn cuộc sống của các em".
"Ban đầu, nhiều phụ huynh tưởng rằng trường của chúng tôi là nơi trông trẻ. Chúng tôi sẽ chăm sóc người con khuyết tật của họ trong lúc họ đi làm. Nhưng không phải vậy!" - bà Maire nói tiếp - "Chúng tôi ở đây để dạy các em học".
'Các em không thiếu khả năng tư duy. Thậm chí, các em còn rất thông minh'.
Bà Maire nói về các học trò của mình.
(Ảnh: Hearing and Beyond in Vietnam page)
Nói về sự hỗ trợ của mình với các em, bà Maire cho biết: "Khi các em ở trường, các em cũng học một chương trình giáo dục cơ bản nhưng học chậm hơn. Các môn như đọc, viết, Toán, Tiếng Việt, ngôn ngữ ký hiệu. Một số còn học cả ngôn ngữ nói".
"Khi các em lớn hơn, chúng tôi sẽ dạy các em kỹ năng sống và dạy nghề" - bà Maire nói tiếp - "Không chỉ dạy đọc, dạy viết, chúng tôi còn muốn làm thế nào để sau này các em có thể tìm được một công việc tốt. Tôi không muốn nghề nghiệp của các em bị giới hạn sau những bàn may, chỉ suốt ngày ngồi may quần áo. Các em có khả năng làm nhiều hơn thế".
"Tại sao các em không thể trở thành giáo viên, điều dưỡng, bác sĩ hay doanh nhân chứ? Đấy mới là những nghề nghiệp mà tôi mong các em được theo đuổi".
Bà Maire McCann và Sơn - cậu học trò đầu tiên của bà. Bà Maire nói mọi người đều nói với bà rằng "đầu óc của cậu ấy có vấn đề. Đừng nhận cậu ấy. Cậu ấy không học được đâu". Nhưng Maire đã không nghe lời họ và vẫn nhận Sơn. "Sơn là học sinh đầu tiên đến học và cũng là học sinh đầu tiên tốt nghiệp" - bà Maire nói và Sơn cũng là cậu học trò bà vô cùng tự hào. (Ảnh: Hearing and Beyond in Vietnam page)
'Đối với tôi mà nói, nếu một ngày nào đó tôi không còn, thì việc tôi có thể giúp thay đổi cuộc đời dù chỉ của một đứa trẻ, thì cuộc đời tôi như thế là đã thành công lắm rồi. Đằng nà tôi còn giúp được nhiều cuộc đời như thế. Tôi thấy mình thật may mắn'.
Maire McCann.
___
Người thực hiện: Tiêu Trang Ngọc Bảo (Theo Talk Vietnam)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!