"Dù đại dịch khắc nghiệt nhưng người Việt vẫn kiên cường vượt qua và tình yêu gia đình, tình cảm cộng đồng người Việt là sợi dây liên kết, là sức mạnh giúp họ vượt qua những tháng ngày đen tối của cuộc đời"
Đó là thông điệp mà Những ngày chúng ta đang sống – bộ phim tài liệu do ê-kíp của Ban Truyền hình đối ngoại sản xuất - mong muốn gửi gắm đến khán giả. Thông qua những hình ảnh chân thực nhất do chính các nhân vật gửi về, bộ phim với những câu chuyện đặc biệt của người Việt đã và đang chiến đấu với đại dịch Covid-19 ở nước ngoài đã khiến người xem cảm thấy thực sự xúc động sau 30 phút phát sóng.
Với từng thước phim như những trang nhật ký được ghi lại trong 14 ngày, khán giả đã được thấy một cách rõ nét nhất về những ngày chiến đấu với dịch bệnh COVID-19 của những nhân vật trong phim. Đó là Nguyễn Minh Phương, hiện đang làm việc tại New York, Mỹ đã bị nhiễm COVID-19; là anh Trần Ngọc Thành – người chồng và người bố đã bị nhiễm COVID-19 ở Thuỵ Sĩ và vô tình để lây sang con; là bác sỹ Lê Thị Thương hiện đang làm việc tại bệnh viện Dân sự Colmar, Pháp - để lại biết bao nỗi lo lắng cho gia đình ở Việt Nam khi ngày đêm chống dịch ở tuyến đầu. Đây cũng chính là 3 nhân vật chính của bộ phim với những thước phim nhật ký xuyên suốt và xen kẽ nhau.
Thông qua Những ngày chúng ta đang sống, khán giả đã có thể thấy, có thể hiểu, và cảm nhận được đồng hương của mình đã kiên cường và mạnh mẽ chiến đấu với căn bệnh này ra sao, tình người Việt trong dịch bệnh, tình cảm gia đình, tinh thần tương thân tương ái đã trở thành động lực to lớn như thế nào để giúp đỡ họ vượt qua những khoảnh khắc sinh tử đó.
BTV Trần Xuân, đạo diễn và biên kịch của bộ phim hy vọng sau khi xem Ngày chúng ta đang sống, khán giả có thể tìm thấy niềm tin, sự lạc quan để đương đầu với dịch bệnh. Vì cuộc sống vẫn tiếp diễn và vẫn là ngày chúng ta đang sống, hãy sống một cách hết mình, trọn vẹn và ý nghĩa.
Nguyễn Minh Phương
Nhân viên kế toán
Quận Queens, TP New York, Mỹ
"Tôi ở Queens – đang là ổ dịch rất lớn và các bệnh viện ở Queenss đều bị quá tải, gần như tất cả đều là bệnh nhân nhiễm COVID-19. Thậm chí có bệnh viện ở Queens, cách nhà tôi tầm 10 phút thì phải điều một xe đông lạnh để chuyên chở xác. Rất nhiều người nhiễm COVID-19 bị chết chuyển vào xe nên khi nhìn thấy hình ảnh đó tôi rất sợ và không dám đến nữa.
Hôm đó buổi chiều rất lạnh, mưa lây phây. Xe cấp cứu đến thì tôi bước có 2 bước lên xe mà không thở được. Lúc đó bác sĩ trên xe cấp cứu cứ hỏi dồn dập, lúc đấy tôi vừa trả lời bác sĩ vừa khóc" - đó là những dòng nhật mà Phương viết ra khi được xe cấp cứu đưa đến bệnh viện.
Minh Phương hiện đang làm việc tại quận Queens, TP New York, Mỹ. Cô bị nhiễm COVID-19 từ ngày 21/3/2020. Ban đầu, Phương cảm thấy bị khô họng, ho và bắt đầu sốt sau một ngày. Đến ngày thứ 3, Phương sốt cao hơn, mệt mỏi hơn và không làm được gì nữa. Đến ngày thứ 6, bỗng nhiên bệnh tình của Phương đỡ hơn, cô cảm thấy khá hơn và không còn sốt cao nữa. Nhưng cũng chỉ vào đúng đêm thứ 6 đó, Phương lạnh run cầm cập, sốt cao đến 40 độ. Phương vội gọi cho bác sĩ để tư vấn. Ban đầu, bác sĩ hỏi cô có những triệu chứng gì, thời gian được bao lâu, nếu tình hình tệ hơn thì phải đến bệnh viện khám.
Phương có có một người bạn hiện là trợ lý bác sỹ ở California. Người bạn nhắn tin liên tục cho Phương khi biết cô có những triệu chứng của COVID-19. Đến ngày thứ 7, Phương thấy thể trạng kém đi và người chị khuyên cô hãy vào bệnh viện. Vậy là Phương bắt đầu đóng gói đồ đạc rồi tự bắt Uber vào phòng cấp cứu.
Kinh khủng nhất chắc là lúc mình sốt 40 độ và một mình ở nhà. Lúc đó mình uống thuốc mãi không đỡ, nhịp tim của mình vẫn 170. Chẳng may mà truỵ tim thì chẳng biết làm thế nào. Lúc đấy là lúc sợ chết nhất. Mình không biết chuyện gì sẽ xảy ra...."
"Khi vào phòng cấp cứu thì bác sĩ hỏi han rất nhiều. Rồi họ đo các chỉ số, nhịp tim lúc đấy cao tầm 135 nhịp/phút. Sau đó bác sĩ chuyền nước cho tôi, chuyền 2 chai vẫn không giảm thì mới chuyền chai thứ 3 mới xuống 110. Lúc đó bác sĩ đã chụp X-ray ngực và kết quả máu.
Phổi của tôi lúc đó đã bị ảnh hưởng, đã bị viêm phổi cả hai bên đến phần dưới của ngực. Bác sĩ chỉ cho tôi thuốc uống viêm phổi. Thế nên bác sĩ không có gì thấy nguy kịch so với bệnh nhân khác. Thế nên là tôi bị trả về. Lúc đó tầm 3h sáng. Đêm đấy tôi lại thấy nhịp tim cao hơn 170 và sốt hơn 40 độ. Tôi uống thuốc sau 1 tiếng sau vẫn không đỡ. Nhịp tim vẫn tầm 150. Tôi lại tự đi vào cấp cứu thêm lần nữa. Lần này bệnh viện đông hơn rất nhiều và tôi không có phòng cách ly. Lần này cho tôi ở trong đấy 4 tiếng thôi. Họ cho tôi thuốc rồi lại cho về.
Kinh khủng nhất chắc là lúc tôi sốt 40 độ và một mình ở nhà. Lúc đó tôi uống thuốc mãi không đỡ, nhịp tim vẫn 170. Chẳng may mà truỵ tim thì chẳng biết làm thế nào. Lúc đấy là lúc sợ chết nhất. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra...." - những dòng nhật ký đầy nỗi sợ hãi của Phương.
Phương không thể nhớ được mình có nguy cơ bị nhiễm từ ai. Nhưng cô biết có mẹ của đồng nghiệp mình ở công ty và bạn của bạn có dấu hiệu nhiễm COVID-19.
Tình trạng nguy hiểm hơn nên Phương không thể tiếp tục ở nhà. Cô lại một mình xách đồ vào viên. Nhưng Phương tiếp tục bị từ chối, cô nhờ bạn gọi đến các bệnh viện khác thì ở đâu cũng quá tải. Họ lại tiếp tục cho Phương thuốc và cho cô thở Oxy một lần nữa trước khi về.
Phương nhớ lại giây phút cô gọi cho bố mẹ có lẽ đó là giây phút yếu đuối nhất trong cả "cuộc chiến" chống lại căn bệnh này.
"Tôi chỉ khóc thôi. Chưa bao giờ tôi khóc trước mặt bố mẹ. Đặc biệt là bố. Chưa bao giờ tôi khóc trước mặt bố mà còn lại là kiểu khóc tu tu như thế cả. Lúc đấy tôi cảm giác mọi thứ không có gì quan trọng nữa.
Chỉ có bố mẹ là quan trọng nhất. Kể cả bây giờ giấc mơ Mỹ cũng không quan trọng đến thế. Giây phút ở bên cạnh bố mẹ mà được trải lòng với bố mẹ là quan trọng nhất. Lúc ấy là quý giá nhất"
Bố mẹ Phương nhận được tin con gái mình phải vào bệnh viện cấp cứu từ nơi xa nhà đến nửa vòng Trái đất thì "tâm trạng không còn chút sức lực nào nữa. Chân tay nhũn ra rồi".
“Hơn 10 năm bám víu vào cái gọi là giấc mơ Mỹ, đến giờ gần được chạm vào giấc mơ đó rồi thì đương nhiên, đương nhiên lại phải vượt qua một cửa ải gian truân khác. Cửa COVID-19 này phải nói là thập tử nhất sinh. Chưa bao giờ tôi thấy cái chết nó hiền hiện rõ rệt như vậy" - dòng status của cô con gái khiến bố Phương ám ảnh, không cầm được nước mắt. Mẹ Phương từ ngày biết con bị bệnh thì ngày nào cũng tụng kinh rồi cầu nguyện. Ở xa con gái nên làm được gì thì bố mẹ Phương đều làm hết cho con.
Bệnh tình của Phương dần thuyên giảm đến ngày thứ 13...
Anh Trần Ngọc Thành
Tiến sĩ
Thuỵ Sĩ
Đồng hồ tích tắc điểm 22h. Lúc này, anh Thành nhận được một cuộc điện thoại khi đang nằm miên man trên giường, ho liên tục. Bác sĩ yêu cầu anh phải cách ly trong phòng, không được ra ngoài và không được.... Tai anh Thành ù đi không nghe được gì nữa. Khi hỏi bác sĩ về kết quả xét nghiệm COVID-19 của mình, anh nhận được câu trả lời là "Dương tính".
Mọi chuyện bắt đầu từ ngày 16/3, anh Thành ngủ dậy và cảm thấy mình không khỏe. Mấy ngày qua, anh cũng đọc báo chí và biết được bệnh dịch nên đo nhiệt độ thì thấy 37.9 độ. Anh Thành báo với công ty bị sốt, xin cách ly và liên hệ với bác sĩ gia đình để khám. Bác sĩ kết luận anh không nhiễm COVID-19, mà chỉ bị cảm bình thường. Anh cũng không tin mình bị nhiễm căn bệnh này vì rất cẩn thận, không đi đâu sao có thể mắc được. Rồi những ngày sau, những triệu chứng bệnh ngày càng nặng và rõ hơn. Và điều không mong muốn cũng đã đến.
"Tôi lúc đấy đã không còn tỉnh táo, người mê man nhưng vẫn hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Tôi không bị sốc, lúc đó tôi đã chuẩn bị tâm lí trong đầu nếu xảy ra chuyện đó thì sẽ làm như thế nào. Tôi đã chuẩn bị phương án nếu xảy ra tôi phải cách ly 14 ngày không được ra ngoài, phải chuẩn bị tâm lí lạc quan, chuẩn bị sức khỏe để tôi biết thế nào cũng sốt mệt, nhưng tôi không tưởng tượng được mệt mất sức như vậy.
Trước khi tôi bị 2 tuần ở Thụy Sĩ đã có mấy ca. Tôi không nghĩ tốc độ lây truyền dịch lại nhanh như vậy. Ở nhà tôi sử dụng xe riêng cả hai vợ chồng, không sử dụng phương tiện công cộng. Tôi không nghĩ việc đó xảy đến với mình.
Tôi nằm liên tục trên giường, có ngày tôi không đứng nổi dù chỉ vài phút. Nhiều khi tôi phải "bò và lết" ra ngoài cửa để lấy cơm vào trong phòng ăn. Nhiều lúc khi ho nhiều, tức ngực và bị hụt hơi thở, tôi phải đấu tranh với chính bản thân tôi là phải cố gắng lên, không được gọi cấp cứu để đến bệnh viện.
Dù sốt cao nhưng trong người rất lạnh, lạnh đến tận xương sống. Tôi phải ngồi co lại để giữ thân nhiệt cho đỡ run. Bên trong thì lạnh, mà bên ngoài thì nóng, tôi uống thuốc thì 2 tiếng sau toát mồ hôi, lại phải cởi áo ra lau người. Lúc giảm nhiệt độ, đỡ sốt rồi mớ ngủ thiếp đi" - anh Thành kể về những ngày nhiễm COVID-19.
Trong những ngày phải cách ly trong phòng, anh Thành liên lạc với con qua điện thoại. Cô bé thường xuyên viết thiệp rồi nhét qua khe cửa cho ba. Hàng ngày anh Thành gọi điện thoại cho vợ để được nhìn thấy con vui chơi, ca hát, nhảy múa. Lúc nào con gái cũng nói là rất nhớ bố.
Điều anh Thành cảm thấy ân hận nhất là vì sự chủ quan của mình mà bé Na (6 tuổi) - con gái anh và cu Nu (gần 2 tuổi) - con trai anh cũng bị nhiễm bệnh từ ba. May mắn là hai cháu bé không bị quá nặng và may mắn khỏi bệnh.
Ngày thứ 14 và 15, anh Thành đã khỏe lại, bác sĩ cho phép ược "ra trại với 4 bức tường". Cái cảm giác được ra khỏi phòng sau gần 2 tuần giam trong phòng khiến anh cảm thấy vô cùng lạ lẫm dù đó vẫn là ngôi nhà mình đang sống.
Bác sỹ Lê Thị Thương
Bác sỹ nội trú khoa Hồi sức nội, Bệnh viện dân sự Colmar, Pháp
Bác sỹ Lê Thị Thương cảm thấy sốc nặng khi một đồng nghiệp của mình bị nhiễm COVID-19. Vừa mấy ngày trước vị bác sỹ đó còn đi làm bình thường, còn trao đổi công việc với mọi người. Thế mà giờ đây đã nằm trên giường bệnh, phải đặt ống, thở máy, thông khí.
Bác sĩ Thương nhớ lại khoảng thời gian đầu khi Pháp chỉ có trên dưới 1000 ca nhiễm bệnh thì cô rất quan tâm đến con số luôn. Nhưng sau đó, tốc độ ca nhiễm tăng chóng mặt nên chẳng còn ai để ý đến những con số đó.
Chưa bao giờ dịch đến gần mình như thế. Nó gây bệnh cho đồng nghiệp của mình rồi.
"Nếu ở những nơi không có nhiều ca bệnh như Việt Nam chẳng hạn, bạn chỉ cần xét nghiệm có kết quả Dương tính là đã được vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để điều trị. Các bạn hãy cảm thấy may mắn về điều đó. Ở Việt Nam, bệnh nhân mắc COVID-19 được theo dõi liên tục, được các bác sĩ chuyên môn điều trị nhưng bên này họ hoàn toàn không được vào viện.
Mà có đến viện đi chăng nữa thì họ cũng sẽ khám, có những người còn không được xét nghiệm dù có triệu chứng bởi vì bệnh dịch quá nhiều. Thậm chí triệu chứng như thế thì xét nghiệm xong cũng không làm được gì cả" - bác sĩ Thương nói.
Kể từ khi bắt đầu có dịch, mọi việc trong bệnh viện đều bị đảo lộn. Một bác sỹ nội trú tại nơi Thương làm việc đã có kết quả dương tính với COVID-19. Công việc thì tăng lên, số lượng buổi trực cũng phải tăng lên và số người thì ngược lại. Đỉnh điểm của nữ bác sĩ là 4 buổi trực liên tiếp cách ngày, trực xuyên 24h và không ngủ. Chính xác là không ngủ. Điều này không có gì lạ lẫm với các bác sĩ khoa hồi sức nhưng nếu thời gian đó chỉ là một tháng còn nếu kéo dài hơn thì các bác sĩ cũng lực bất tòng tâm và kiệt sức trước cả bệnh nhân.
Thương kể các bác sĩ ngành hồi sức chịu áp lực cũng quen nhưng dịp bệnh này thì số bệnh nhân tăng đột ngột và nhiều bệnh như nhau. Rất nhiều bệnh nhân suy hô hấp, tụt oxy. Họ tụt oxy rất nhanh và bước vào tình trạng khó thở. Và mọi thủ thuật các bác sĩ phải làm rất nhanh. Diễn biến bệnh nhân thay đổi từng giờ, từng phút chứ không phải là mấy tiếng hoặc cả 1 ngày
Ở nước ngoài và còn làm việc ở ngay tuyến đầu chống dịch, gia đình của Thương ở Việt Nam không khỏi lo lắng. Thời điểm Thương sang Pháp làm việc là lúc con trai mới được 13 tháng. Ngày ngày đi làm về với cả cơ thể và tinh thần đều mệt mỏi, Thương chỉ cần thấy bố mẹ, chồng và con trai vẫn mạnh khoẻ đã là động lực to lớn khủng khiếp đối với cô. Những cuộc gọi điện với con trai của mình cũng khiến cô thoát ra khỏi áp lực nặng nề đã và đang đè nặng trên đôi vai người bác sĩ.
Nhiều lúc nửa đêm tự nhiên Thương cũng muốn hét ầm lên, muốn về nhà với con. Thương thấy thương con vì so với các bạn khác con đã bị thiệt thòi hơn vì không được ở nhà với mẹ thường xuyên.
"Từ hồi tôi đi thì con đi viện 2 lần rồi. Bên này tôi cũng rất lo lắng nhưng may mắn là ở viện tôi có khoa Nhi và các anh chị ở viện hỗ trợ rất nhiều. Biết là con của nhân viên trong khoa, mẹ không có nhà nữa nên mọi người rất yêu quý và tạo điều kiện giúp đỡ bạn ấy.
Vừa rồi chồng tôi phải mổ tay, cũng nằm ở khoa chấn thương chỉnh hình thì mọi người cũng giúp đỡ rất nhiều. Chính vì mọi người ở nhà đều ổn như thế, đều được giúp đỡ như thế nên bên này tôi rất là yên tâm hơn khi tôi làm việc và học tập bên này.
Cảm giác mình là người hữu ích có lẽ đó là điều duy nhất mà nghề y mang lại. Phải chấp nhận thôi. Bạn ấy không có quyền chọn mẹ mà. Mà mẹ bạn ấy thì đã chọn Y trước rồi" - Thương cười và nói.
Khi chết không có nghĩa là hết... 2:30 sáng
Ngày 11/4/2020
"Anh mất rồi chị ạ! Tút tút tút…." - đó là nội dung của cuộc điện thoại mà chị Lê nhận được từ phía bệnh viện.
Anh Nguyễn Minh Sơn – người Việt tại Đức đã mất khi điều trị COVID-19. Đau xót khi lúc chồng ra đi, chị không được nhìn anh lần cuối, cũng không nhận được lời trăng trối nào từ chồng. Nhưng di nguyện của anh là được hiến thi hài cho y học để nghiên cứu COVID-19.
Bức ảnh chị chụp trộm anh trước khi bị bệnh giờ đã thành kỉ niệm cuối cùng còn sót lại....
Phim tài liệu "Ngày chúng ta đang sống"