Gần 10 năm qua, chương trình Thay lời tri ân đều đặn lên sóng truyền hình trực tiếp mỗi dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, như một điểm hẹn không thể thiếu với khán giả nói chung và những người làm công tác giáo dục nói riêng trong cả nước.
Con số gần 10 năm hay lớn hơn nữa, với ê-kíp sản xuất của Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam, Thay lời tri ân luôn là sự háo hức đối với mỗi biên tập viên, phóng viên. Sau gần 1 năm tìm kiếm, chắt lọc, họ sẽ tỏa đi khắp mọi miền đất nước kể những câu chuyện rất đỗi giản dị, đời thường mà vô cùng cao quý của sự nghiệp trồng người.
Năm nay, với chủ đề "Tôi chọn nghề giáo", Thay lời tri ân 2023 sẽ tôn vinh, lan tỏa những câu chuyện lặng thầm của các thầy cô giáo và hơn hết đó là niềm tự hào với lựa chọn của mình.
Thay lời tri ân 2023 sẽ được truyền hình trực tiếp vào 20h Chủ nhật - ngày 19/11 trên kênh VTV2.
Theo ê-kíp sản xuất, sự chuẩn bị cho chương trình thường chia làm 2 giai đoạn. Hết mùa Thay lời tri ân năm nay nay, ê-kíp đã chuẩn bị cho chương trình năm sau bằng việc theo dõi các câu chuyện về giáo dục trong vòng 1 năm đó, có những câu chuyện gì, nhân vật nào tiêu biểu… sẽ được ghi lại. Đến trước dịp 20/11 khoảng 2 tháng, ê-kíp ngồi lại với nhau để cùng chốt chủ đề, các tuyến nhân vật và tỏa đi các nơi thực hiện phóng sự.
Nhà báo Trịnh Quốc Đông - Phó Trưởng Ban Khoa giáo cũng là tổng đạo diễn nhiều năm của chương trình - cho biết: "Hai tiêu chí quan trọng của Thay lời tri ân và cũng là nét khác biệt so với các chương trình khác là chi tiết xúc động và những câu chuyện mộc mạc giản dị. Nhưng năm nay có thêm một tiêu chí nữa là niềm tự hào của nhà giáo khi được đứng trên bục giảng truyền tải kiến thức. Để truyền tải niềm tự hào đó, chúng tôi đặt ra câu hỏi sẽ chọn nhân vật như thế nào?".
Ê-kíp có nhiều cuộc họp bàn chắt lọc nội dung, nhân vật cho chương trình.
Thông điệp của chương trình năm nay được thể hiện ngay từ chủ đề chương trình - "Tôi chọn nghề giáo". Nghề giáo vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng chúng ta đều tin rằng với tâm huyết và bản lĩnh, các thầy cô sẽ vượt qua tất cả và luôn tự hào về nghề đã chọn - nghề cao quý. Mỗi người có thể có lý do khác nhau, câu chuyện khác nhau khi đến với nghề giáo nhưng khi đã chọn rồi thì họ sẽ yêu và đi đến cùng.
Trong những năm gần đây, ê-kíp Thay lời tri ân mong muốn mang đến những gam màu tươi sáng để khán giả có sự lạc quan, tin tưởng vào ngành giáo dục. Dẫu biết rằng ngành giáo dục còn nhiều khó khăn nhưng những nỗ lực, sự cống hiến của các thầy cô cần được xã hội ghi nhận. Đó là động lực để họ tiếp tục sự nghiệp trồng người.
BTV Nguyễn Phương, Ban Khoa giáo, cho biết thêm: "Ban đầu chúng tôi có mười mấy nhân vật nhưng để chọn ra 4 nhóm nhân vật cho chương trình năm nay là quá trình khá khó khăn đối với ê-kíp sản xuất vì nhân vật nào cũng có những câu chuyện thú vị riêng".
Nhóm nhân vật đầu tiên được ê-kíp hé lộ là các thầy giáo dạy mầm non tại huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Khán giả sẽ thấy ở đó hình ảnh vui tươi, lạc quan của các thầy giáo đến với nghề nuôi dạy trẻ bằng cả trái tim và nhiệt huyết.
Cách dạy học của cô giáo Ngọc Hà tại trường THCS Thăng Long, Hà Nội với lời phê là những lá thư tay khích lệ, động viên, giúp học trò yêu môn Văn nhiều hơn... hứa hẹn sẽ là điểm nhấn thú vị trong chương trình.
Đó còn là câu chuyện của cô giáo Đỗ Thị Hương Trà tại Cao Bằng cùng các học trò dân tộc Tày mang robot sang Mỹ thi đấu. Chương trình còn có sự xuất hiện của một giảng viên Đại học Bách Khoa - người đã từ chối những đãi ngộ, lời mời trường ở Nhật Bản để trở về Việt Nam giảng dạy.
Thay lời tri ân 2023 cũng sẽ đưa khán giả đến với Tây Nguyên cùng câu chuyện đặc biệt của cô giáo Nguyễn Thị Như Yến. Suốt 23 năm qua, kể từ ngày bắt đầu bước chân vào nghề giáo, cô Yến đã dành hết những tình yêu thương cho những em nhỏ người Ba Na ở tại vùng đất Kông Chro - huyện nghèo của tỉnh Gia Lai. Cô đã đón những em học lực kém về nhà chăm sóc, vừa dạy dỗ, vừa kèm cặp, lại vừa nuôi ăn ở và cô không bao giờ lấy chi phí trong suốt 23 năm qua.
BTV Lê Hương, Ban Khoa giáo chia sẻ: "Tôi chưa đi quay một nhân vật nào mà thuyết phục để nhận lời khó như cô Yến. Em có làm được gì đâu, có đáng là gì đâu chị, còn nhiều thầy cô ở các vùng sâu vùng xa còn hy sinh hơn nhiều – cô Yến ban đầu đã từ chối chúng tôi một cách khiêm tốn như vậy". Tuy nhiên, những ngày quay phóng sự tại Gia Lai, di chuyển giữa các địa điểm ghi hình, BTV Lê Hương và đồng nghiệp đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình tại địa phương.
Đan xen giữa những câu chuyện lắng đọng và cảm xúc, không thể thiếu những tiết mục văn nghệ hướng về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. "Năm nay chúng tôi gắn kết giữa phần trò chuyện với các nhân vật với phần văn nghệ nhiều hơn. Sử dụng các chất liệu nghệ thuật để đẩy cảm xúc, tôn các câu chuyện lên" - nhà báo Trịnh Quốc Đông cho biết.
Ê-kíp sản xuất bật mí Thay lời tri ân 2023 sẽ có một tiết mục đặc biệt trên sân khấu sóng truyền hình trực tiếp. 17 thầy giáo mầm non ở huyện Bá Thước, Thanh Hóa sẽ biểu diễn tiết mục múa theo bài hát thiếu nhi.
Những thầy giáo mầm non ở huyện Bá Thước, Thanh Hóa.
Ban đầu khi đưa ra ý tưởng này, ê-kíp khá là lo lắng về tính khả thi, nhưng khi triển khai tập luyện, ê-kíp lại tin tưởng đây sẽ là một điểm nhấn thú vị trong chương trình năm nay.
BTV Ninh Quang Trường, Ban Khoa giáo đã có nhiều buổi tập luyện online cùng các thầy giáo. "Thực ra với công việc làm giáo viên mầm non, các thầy đã quen với việc hát múa rồi. Vì thế, phần biểu diễn của các thầy hứa hẹn sẽ cho thấy các giáo viên của chúng ta rất tài năng và yêu nghệ thuật".
Bên cạnh đó, chương trình còn có nhiều tiết mục có tính giản dị và gần gũi như ca khúc Bụi phấn, Người gieo mầm xanh, Bài ca người giáo viên nhân dân...
Đặc biệt, các phần trò chuyện với các nhân vật là một phần quan trọng trong Thay lời tri ân, luôn chạm tới trái tim người xem. Năm nay, ê-kíp sẽ đưa các chi tiết bất ngờ, thú vị vào các phần giao lưu này hứa hẹn sẽ tạo cảm xúc đặc biệt cho cả nhân vật và khán giả.
Cùng với đó, BTV Nguyễn Phương hé lộ, phần cuối chương trình sẽ dành thời lượng với những lời chúc, lời tri ân của những người nổi tiếng ở nhiều ngành nghề dành cho các thầy cô giáo. Đồng thời, đó còn là lời nhắn nhủ của những nhà giáo nổi tiếng tới những thế hệ trẻ tiếp bước sự nghiệp trồng người.
Từng có 8 năm làm giáo viên và hiện đã trở thành phóng viên-BTV 20 năm, nhà báo Lê Hương là một trong những người gắn bó với Thay lời tri ân từ những ngày đầu của chương trình. Chị nói không biết từ bao giờ chị đã bị chính chương trình "hút". Sau mỗi năm, chị lại háo hức đón chờ với hàng loạt câu hỏi trong đầu: "Năm nay mình sẽ làm gì nhỉ? Chương trình sẽ có hình hài như thế nào nhỉ? Quá trình theo dõi mình sẽ chọn nhân vật nào cho năm nay?".
"Gặp mỗi nhân vật, biết mỗi câu chuyện, chúng tôi lại như được học hỏi thêm, cảm thấy mình cần phải cố gắng hơn rất nhiều. Khi đó, không thấy vất vả, khó khăn gì nữa, chỉ cảm thấy vui và hạnh phúc sau mỗi khi chương trình làm xong" - BTV Lê Hương bộc bạch.
Trong khi đó, Thay lời tri ân ra đời được gần 10 năm, BTV Nguyễn Phương cũng bắt đầu tham gia vào chương trình khoảng 5 năm.
"Với chúng tôi là nhiệm vụ, khi bắt tay vào sản xuất, chúng tôi gặp áp lực về đổi mới. Bởi việc đổi mới một chương trình lâu năm là áp lực rất lớn. Nhưng khi bắt tay triển khai, đi đến với các thầy cô giáo ở khắp mọi miền, chúng tôi sẽ cảm thấy khó khăn của mình không là gì so với các thầy cô.
Tôi còn nhớ có lần tới đi đường đèo mưa gió, ôm máy quay cảm thấy vất vả nhưng đó là quãng đường hàng ngày với các thầy cô để đến điểm trường. Khi thấu những vất vả của các thầy cô, mình sẽ nhận thấy sự vất vả của mình thật nhỏ bé. Một điểm mà tôi luôn ấn tượng khi phỏng vấn các thầy cô, bên cạnh sự khó khăn vất vả thì ở họ luôn ánh lên sự lạc quan." - BTV Nguyễn Phương chia sẻ.
"Khi lan toả được các câu chuyện của thầy cô, chúng tôi rất vui, vì khán giả nhìn thấy những góc đó của giáo dục thì sẽ có sự thấu hiểu." - BTV Nguyễn Phương bộc bạch.
Nhiều năm làm tổng đạo diễn chương trình Thay lời tri ân, nhà báo Trịnh Quốc Đông không bao giờ quên kỷ niệm - đó là những giọt nước mắt của chính các thành viên trong ê-kíp sản xuất. Trước câu chuyện trong phóng sự và những lời tâm sự của khách mời giao lưu, không ai cầm được nước mắt. Từ quay phim đến các biên tập viên, kỹ thuật trường quay đều khóc. Đó là những giọt nước mắt sẻ chia những khó khăn, đồng cảm với câu chuyện của các thầy cô đã thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Với Thay lời tri ân năm nay, mỗi câu chuyện ghép lại sẽ tạo nên một bức tranh tổng thể, giúp cho khán giả nhìn thấy những nét đẹp, sự tươi sáng ở mọi nơi. Tuy khó khăn nhưng luôn luôn là nụ cười của những người thầy, người cô đam mê với nghề.
Chương trình Thay lời tri ân 2023 với chủ đề "Tôi chọn nghề giáo" được truyền hình trực tiếp vào 20h ngày 19/11 trên kênh VTV2.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!