VTV.vn - Dành cả tâm huyết và tài năng, các thầy cô đã chắp cánh cho biết bao thế hệ học trò bay cao, bay xa tới những chân trời tri thức mới.

Chương trình Thay lời tri ân năm 2023 với chủ đề "Tôi chọn nghề giáo" được truyền hình trực tiếp lúc 20h ngày 19/11 trên kênh VTV2. Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện.

Nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, chương trình như lời tri ân tới tất cả các thế hệ thầy cô giáo trong cả nước đã và đang cống hiến cho nền giáo dục và đào tạo nước nhà bằng cả tâm huyết và tài năng.

Thay lời tri ân năm 2023 đưa khán giả tới khắp mọi miền Tổ quốc từ Cao Bằng, Hà Nội tới Gia Lai... để gặp gỡ những thầy cô hết lòng vì học sinh thân yêu, những người luôn tự hào vì đã lựa chọn nghề giáo.

Nói đến bậc học mầm non, người ta thường nghĩ đến hình ảnh các cô giáo hát hay, múa dẻo nhưng ở chính lớp học mầm non ấy còn có bóng dáng của những người thầy đang từng ngày chăm sóc, nuôi dưỡng cho thế hệ măng non từ bữa ăn, giấc ngủ, dạy cho các em lời ca tiếng hát.

Giáo viên nam đứng lớp mầm non không khác gì các cô giáo. Tất cả mọi việc các thầy đều không nề hà. Thầy Bùi Văn Anh và Lương Văn Sắng - hai thầy trong số 17 thầy giáo mầm non của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa - đã xuất hiện trong chương trình Thay lời tri ân để chia sẻ những câu chuyện thú vị của "thầy nuôi dạy trẻ".

Thay lời tri ân 2023: Niềm tự hào khi Tôi chọn nghề giáo - Ảnh 2.

Thầy Bùi Văn Anh và Lương Văn Sắng trên sân khấu chương trình Thay lời tri ân 2023.

Chia sẻ trên sân khấu chương trình, thầy Bùi Văn Anh, trường Mầm non Hạ Trung cho biết: "Trong thời gian làm công tác văn hoá xã, tôi được tiếp xúc với nhiều cô giáo mầm non, hiểu được những khó khăn của các cô. Từ đó, tôi đặt ra câu hỏi tại sao các cô làm được mà mình không làm được? Vì vậy, tôi đã quyết định đi học ngành Sư phạm mầm non". Đến nay, thầy Anh đã gắn bó với nghề được 6 năm.

Trong khi đó, thầy Lương Văn Sắng - trường Mầm non Văn Nho đã có tới 33 năm gắn bó với nghề giáo dục mầm non. Chia sẻ trên sóng truyền hình trực tiếp, thầy Sắng cho biết đã từng đỗ vào Trường ĐH Sư phạm nhưng không theo học, mà quyết định đi dạy học mầm non. Ban đầu gia đình phản đối nhưng với lòng yêu nghề mến trẻ, thầy Sắng đã thuyết phục được gia đình đồng ý cho mình được theo dạy học mầm non.

Làm điều mình thích là tự do, còn yêu điều mình làm là hạnh phúc. Phải chăng vì thế mà dù vất vả khó khăn thế nào, nét hạnh phúc, tươi vui vẫn luôn hiện hữu trên gương mặt những thầy cô mầm non của huyện miền núi Bá Thước.

Trên sân khấu Thay lời tri ân 2023, 17 thầy giáo mầm non của huyện Bá Thước đã mang đến bất ngờ cho khán giả. "Đây không phải là một tiết mục văn nghệ mà là công việc thường ngày của chúng tôi" - thầy Bùi Văn Anh bật mí.

Thay lời tri ân 2023: Niềm tự hào khi Tôi chọn nghề giáo - Ảnh 5.

Các thầy giáo biểu diễn tiết mục mashup "Con chim vành khuyên nhỏ - Cô và mẹ - Phép lạ hàng ngày".

Cô giáo Đặng Thị Ngọc Hà hiện là giáo viên dạy Ngữ văn của Trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội). Nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi và là Tổ trưởng Tổ chuyên môn Văn - Sử của trường, cô Hà luôn động viên các thầy cô đổi mới trong cách nhìn, cách dạy học.

Với từng bài làm Văn của học sinh, cô đọc kỹ, tỉ mỉ viết từng lời phê mà không phân biệt học trò khá hay kém. Những lời nhận xét của cô không chỉ là kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm bài mà còn là những lời động viên, chia sẻ, tình cảm, kinh nghiệm dành cho các em.

Từ đó, cô đã thổi vào tâm hồn học sinh niềm yêu thích đối với môn Văn một cách rất tinh tế, tự nhiên. Theo cô Hà có rất nhiều phương pháp giảng dạy trong giáo dục đào tạo nhưng phương pháp gì cũng cần thầy cô giáo tận tâm với học trò.

Trên sân khấu Thay lời tri ân, ekip đã mang bất ngờ tới cho cô Hà - đó chính là cuộc gặp gỡ bất ngờ của cô với học sinh cũ. Các em đã tự tay làm một cây điều ước với những lời cảm ơn, tri ân dành tới cô giáo đặc biệt của mình.

Thay lời tri ân 2023: Niềm tự hào khi Tôi chọn nghề giáo - Ảnh 8.

Cuộc hội ngộ bất ngờ của cô Hà và học sinh cũ.

Những trang sách cuộc đời của vùng đất Kông Chro đầy nắng gió và khó khăn đang được bồi đắp bằng tất cả tình yêu thương của một người mẹ vẫn được gọi với cái tên "Hoa mặt trời" ở Tây Nguyên.

23 năm nay, cô Nguyễn Thị Như Yến, giáo viên Trường TH&THCS Lê Quý Đôn (xã Yang Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) luôn dành tất cả tình yêu nghề, đón đưa học trò về nhà chăm sóc, dạy học cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học lực còn kém.

Dù vất vả nhưng cô Yến luôn cảm thấy nhiệt huyết và tràn đầy hạnh phúc. Hành trình 23 năm gieo mầm xanh của cô đã giúp bà con nơi đây hiểu được rằng việc học là con đường để có được cuộc sống tốt đẹp, một tương lai tươi sáng hơn.

Thay lời tri ân 2023: Niềm tự hào khi Tôi chọn nghề giáo - Ảnh 10.

Gia đình cô Yến có 3 con nhưng cô lại là "mẹ" của nhiều em học sinh khác. Mỗi lần đi dạy về chỉ chở được 2 em, có hôm nhiều hơn thì phải nhờ cả đồng nghiệp chở giúp. Các em về cùng ăn, cùng ngủ, cùng học ở nhà cô giáo.

Câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Như Yến thêm cuốn hút khi xuất hiện trên sân khấu Thay lời tri ân một đồng nghiệp và cũng là học trò cũ của cô Yến. Đó là Đinh Thị A Nênh (giáo viên Trường TH&THCS Lê Lợi, xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai).

Thay lời tri ân 2023: Niềm tự hào khi Tôi chọn nghề giáo - Ảnh 11.

Cô Yến và ANenh - học trò cũ cũng là đồng nghiệp hiện tại.

Với A Nenh, cô Yến luôn yêu thương các em học sinh như con của mình. Tình yêu nghề, yêu trò của cô đã truyền cảm hứng, động lực để ANenh chọn nghề giáo, tiếp bước cô giáo mình trên hành trình chuyên chở những chuyến đò cập bến bờ tri thức.

"Tôi rất xúc động và hạnh phúc khi gặp lại cô Yến, cảm xúc như ngày đầu tiên cô Yến đặt chân vào lớp học của tôi" - ANenh bộc bạch trên sâu khấu và gửi tặng cô giáo mình món quà của dân tộc Ba Na do mình tự tay dệt.

Cũng trong chương trình Thay lời tri ân 2023, khán giả có dịp gặp gỡ cô trò trường THPT Chuyên Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, Lần đầu tiên đi máy bay, chân ướt chân ráo vượt nửa vòng trái đất đến nước Mỹ tham dự giải vô địch thế giới Vex Robotics 2023. Đây là lần đầu tiên học sinh Cao Bằng được thi tài ở đấu trường lớn nhất thế giới và đã tự tin xuất sắc đứng trên hàng trăm đội khác.

Thay lời tri ân 2023: Niềm tự hào khi Tôi chọn nghề giáo - Ảnh 13.

Cô Trà và 3 học sinh sang Mỹ thi đấu.

Tại chương trình, cô Đỗ Thị Hương Trà, giáo viên trường THPT Chuyên Cao Bằng chia sẻ: Năm 2019, trường đã thành lập câu lạc bộ STEM. Kết quả đạt được rất xứng đáng với nỗ lực của các em.

Tôi mong muốn không chỉ học sinh các trường THPT chuyên mà các trường THPT ở miền núi, nông thôn đều được tiếp cận với công nghệ giáo dục mới để các con có thể chinh phục những cánh cửa mới.

Cô Trà cũng như nhiều thầy thầy cô khác đang tận tâm khơi dậy được đam mê học tập, truyền cho các em sự tự tin, tinh thần vươn lên để tiếp cận với tri thức thế giới.

Nếu như cô Trà đưa học trò ra thế giới thì cô Nguyễn Phi Lê lại từ thế giới trở về Việt Nam. Điểm chung của họ là mong muốn đổi mới căn bản , toàn diện giáo dục đào tạo, thúc đẩy sáng tạo trong dạy và học.

Là sinh viên xuất sắc tại Đại học Tokyo, Nhật Bản, TS Nguyễn Phi Lê từ chối lời mời ở lại, để trở về công tác tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Hiện cô đang đảm nhiệm vai trò là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BK.AI).

Chia sẻ về lý do trở về nước, cô Phi Lê nói mình không mất nhiều thời gian suy nghĩ. "Về nước, tôi sẽ giúp đỡ được nhiều hơn cho sinh viên của mình. Tôi muốn góp một phần công sức nhỏ của mình vào việc tạo nên nguồn nhân lực cao bằng cách khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu cho các em sinh viên của mình".

TS Nguyễn Phi Lê cho rằng, nghiên cứu khoa học đòi hỏi đầu tư rất lớn về nhân lực, tài chính, chính sách. "Chúng ta thiếu, nhưng nếu ngồi đợi đến đủ điều kiện mới làm thì sẽ bỏ lỡ cơ hội. Ngành trí tuệ nhân tạo thay đổi rất nhanh, nếu chỉ ở "ốc đảo", không kết nối sẽ chỉ ở phía sau. Nên tôi giữ quan hệ với các bạn bè, đồng nghiệp khắp thế giới. Bạn bè của tôi sẽ giúp đỡ các em sinh viên có môi trường nghiên cứu tiệm cận với thế giới và sẽ có cơ hội làm việc trong môi trường tốt", TS Nguyễn Phi Lê chia sẻ.

Thay lời tri ân 2023 - Tôi chọn nghề giáo

Qua những nhân vật, câu chuyện của các thầy cô giáo khắp mọi miền đất nước trong chương trình Thay lời tri ân 2023, ai cũng đều cảm nhận được những tấm lòng, sự tận tâm và niềm tự hào của các thầy cô gáo khi được dìu dắt các thế hệ học sinh. 

Những thay đổi của giáo dục và nhà trường trong bối cảnh mới đã đặt ra những yêu cầu mới đối với người thầy, đòi hỏi người thầy phải có những vai trò mới trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Các thầy cô luôn dành cả tâm huyết và tài năng để thay đổi căn bản và toàn diện trong cách dạy, vững vàng tay chèo lái để đưa con đò ra biển lớn.

Thay lời tri ân 2023: Niềm tự hào khi Tôi chọn nghề giáo - Ảnh 18.
Đinh Hương
Quang Hải

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước