Ở các vùng ven biển miền Trung Việt Nam, có những làng rất giàu có được gọi là "làng nước ngoài". Làng được xây dựng từ nguồn tiền của người thân ở nước ngoài gửi về. Vì không muốn "thua bạn kém bè", một số ngư dân sống gần "làng nước ngoài" đã rủ nhau vượt biên trái phép sang Australia bằng đường biển. Và gia đình ngư dân Phạm Thế Nhân và một nhóm người ở vùng ven biển miền Trung đã tham gia vượt biên trái phép sang Australia bằng con đường ấy - đường biển.
Với thời lượng 50’ cùng nhiều tình tiết bất ngờ, hấp dẫn, bộ phim tài liệu "Chuyện Thế Nhân" sẽ mang đến một bức tranh tổng thể đầy chân thực, sống động về cuộc sống của gia đình anh Phạm Thế Nhân ở vùng biển Quảng Bình. Họ đang phải đối mặt với hệ lụy từ một quyết định sai lầm do anh gây ra từ chuyến vượt biên. Đạo diễn - NSƯT Tạ Quỳnh Tư – đạọ diễn của phim – nói bộ phim là lời nhắc nhớ, cảnh tỉnh gửi đến mọi người. Đó là trong cuộc sống, mỗi cá nhân trước khi quyết định một việc gì thì phải cân nhắc kỹ đến kết quả của nó.
"Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi chúng ta quyết định làm điều gì. Đừng để những quyết định ấy mang đến những hậu quả cho bản thân và gây ra hệ lụy cho gia đình, xã hội..." – đạo diễn Tạ Quỳnh Tư.
Dù không có thông tin nơi mà mình sẽ đặt chân tới nhưng anh Phạm Thế Nhân - một thuyền trưởng giỏi, tiêu biểu nhiều năm của vùng biển Quảng Bình đã nghe theo lời rủ rê, cùng 16 ngư dân khác quyết định tìm đến miền đất mới qua con đường vượt biên trái phép bằng đường biển. 17 người này đều vay mượn tiền để thực hiện chuyến đi này. Họ đóng góp từ 100 – 150 triệu đồng để mua tàu cá làm phương tiện di chuyển.
Chuyến đi được bắt đầu từ cảng Đà Nẵng, vượt qua Thái Bình Dương và dự định sẽ lên bờ tại Queensland - Australia. Hải trình này kéo dài 1 tháng lênh đênh. 17 con người ấy không biết rằng phía chính phủ Australia đã và vẫn luôn có chiến dịch bảo vệ chủ quyền biên giới của mình và họ luôn thực hiện nghiêm ngặt công việc này. Những người có trách nhiệm thường xuyên tuần tra gắt gao các vùng ven biển. Và chiếc tàu đưa anh Phạm Thế Nhân cùng 16 người khác đã bị phát hiện và bắt giữ. Những người vượt biên sang Australia bất hợp pháp đã bị đưa trả về Việt Nam.
Anh Thế Nhân, thành viên trong đoàn 17 người bị đưa trả về Việt Nam, cũng là chủ nhân con tàu đã bán chịu cho mọi người tham gia chuyến vượt biên. Con tàu là tài sản duy nhất, lớn nhất của gia đình anh dùng để thế chấp vay ngân hàng giờ đã bị chính quyền phía Australia tiêu hủy. Chuyến đi bất thành khiến cuộc sống của gia đình anh sau đó gặp vô cùng nhiều khó khăn. Thế Nhân phải đối diện với món nợ khổng lồ.
Tuy nhiên, không chỉ có nợ nần, điều khiến Thế Nhân lo lắng hơn cả là anh có thể chịu án tù lên tới 7 năm nếu bị xét xử vào khung tội tổ chức, lôi kéo một số người tham gia vượt biên trái phép. Trong khoảng thời gian chờ toà xét xử, Thế Nhân sống lo âu, anh bị cấm đi khỏi nơi cư trú nên không thể đi biển dài ngày. Cuộc sống của một thuyền trưởng giỏi giờ chỉ quẩn quanh cùng vợ, mưu sinh mót cá bên cửa biển kiếm tiền nuôi 3 con nhỏ sống qua ngày...
Các phiên tòa đã, đang và sắp diễn ra để xét xử anh Thế Nhân cùng vài thành viên khác với tội danh tổ chức đưa người đi vượt biên trái phép.
Với thời lượng 50' của phim, “Chuyện Thế Nhân” mang đến cho người xem một thông điệp rất rõ ràng, đó là trong cuộc sống đời thường luôn tồn tại những ham muốn, ước vọng, cám dỗ khiến con người dễ bị xoáy vào mà khó thoát ra được, để rồi kết quả họ nhận về là sự ân hận, hối lỗi... Hậu quả họ mang về không chỉ với cá nhân mình mà còn ảnh hưởng đến những người thân, mang đến những nỗi buồn đau, lo lắng cho bản thân và cả gia đình. Nhưng, chỉ khi vấp ngã, ta mới đủ thấu hiểu để nhận ra những giá trị, quy luật khắc nghiệt của cuộc sống. Và cuối cùng, sau tất cả, gia đình, cha mẹ vẫn luôn là điểm tựa vững chắc nhất giúp ta vượt qua mọi khó khăn...
Chia sẻ với Thời báo VTV, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư nói về lý do anh tiếp cận với câu chuyện của Phạm Thế Nhân: “Tôi tiếp cận để làm phim này vẫn là sự tình cờ. Khi tôi đang lang thang làm các chương trình khác thì biết được câu chuyện này. Tôi cho rằng không có vị trí nào hay hơn người phóng viên để quan sát đời sống thật của xã hội, thấy – nghe - thở và thậm chí chìm vào hiện thực cụ thể, cảm được muôn nỗi thế thái nhân tình , chuyện của thế nhân, chân dung những con người…”.
Đó là sự lúng túng của một kiếp người. Sự lúng túng của một người ngư dân thuần phác trước sự biến đổi quá nhanh của công nghiệp hoá, đời sống gấp gáp. Anh ấy lúng túng trong lựa chọn như người đi biển không có la bàn, và sự lúng túng ấy đã đưa đến một kiếp sống bấp bênh, tù tội, tay trắng - về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Anh ấy mất hết - tài sản, kinh tế và con cái thì ngỗ ngược, ngang tàng. Câu chuyện của Thế Nhân thật sự là một chuyện đáng để kể và ngẫm nghĩ.
Đây là bộ phim tôi thực hiện trong một khoảng thời gian có thể nói là rất dài, từ năm 2018 đến nay. Quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn như chúng tôi đã phải ngắt quãng vì đại dịch COVID1-9. Nhưng sau một hành trình dài thì cuối cùng bộ phim cũng đã sắp phát sóng.
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và vợ chồng và con trai anh Phạm Thế Nhân.
- Qua câu chuyện của nhân vật tên Thế Nhân chúng ta có thể thấy được cõi đời thế thái - nhân tình: Cá nhân với xã hội; làng biển với công nghiệp; tình thân bạn bè; cha - con; vợ - chồng. Ứng xử mỗi bên thế nào trước cơn sóng đời, nhịp biến đổi thời đại là điều tôi muốn đề cập đến trong bộ phim này. Từ câu chuyện cụ thể dưới một nếp nhà, bộ phim phản ánh sống động, rất thực, nhiều suy tư về bức tranh chung, lớn hơn, đó là con người ở đâu trong dòng chảy xã hội?
Những quyết định trên hành trình mưu sinh, vật lộn với cuộc sống thường nhật có thể mang đến kết quả như thế nào nếu chúng ta lựa chọn sai? Khi làm hậu kỳ cho phim, tôi luôn tự đặt câu hỏi: “Nếu mình là Nhân, nếu mình rơi vào hoàn cảnh như thế thì mình sẽ phải đối mặt ra sao? Chấp nhận nó thế nào? Bố - mẹ, vợ - con mình sẽ như thế nào? Câu hỏi có câu trả lời nhưng nó sẽ là khoảng trống tâm lý, cảm xúc không thể lột tả được bởi ở vị trí của mình, mình chỉ là “Nếu” chứ mình không phải nhân vật – người “đang phải” đối mặt với mọi thứ.
Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi chúng ta quyết định làm bất cứ việc gì.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!