ố lượng các cuộc thi sắc đẹp và Hoa hậu càng "bùng nổ", dường như người ta lại càng chứng kiến mức độ tăng lên của những lùm xùm không đáng có.
Cách đây có khi chỉ khoảng hơn 15 năm trước, nhắc đến các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam, nhiều người vẫn nhớ ngay đến một vài cuộc thi tiêu biểu như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ… Lúc ấy, số lượng các Hoa hậu đăng quang trong một năm có thể chỉ cần đếm trên hai bàn tay.
Thế nhưng trong vài năm gần đây, số lượng các Hoa hậu dường như càng trở nên "bùng nổ" hơn. Thời gian qua, có khi cứ 1-2 tuần, người ta lại giật mình ngỡ ngàng vì biết tin về một người đẹp nào đó mới lên ngôi Hoa hậu. Đọc báo, lướt web, ra đầu ngõ nghe thiên hạ bàn tán là đã có thể biết chuyện một người đẹp nào đó mới đăng quang, đến nỗi người ta dường như choáng váng đến mức không hiểu Hoa hậu ở đâu ra mà nhiều đến thế. Chỉ tính riêng trong 3 tháng gần đây đã có hơn 20 cuộc thi Hoa hậu lớn nhỏ được tổ chức trong và ngoài nước.
Từ đó, danh hiệu Hoa hậu giờ trở nên ngập tràn bởi sự xuất hiện của hàng loạt cuộc thi sắc đẹp. Bên cạnh một số cuộc thi Hoa hậu lâu năm và quen thuộc ở Việt Nam, giờ có thể kể đến những cái tên khác như Hoa hậu Đại dương Việt Nam, Hoa hậu Hữu nghị ASEAN, Hoa hậu Biển, Hoa hậu Phu nhân thế giới người Việt, Hoa hậu Doanh nhân thành đạt thế giới người Việt, Nữ hoàng Trang sức Việt Nam, Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu… Chưa kể, người ta còn nghe được không ít thông tin của những người đẹp Việt "chinh chiến" trên cả những đấu trường nhan sắc quốc tế như Hoa hậu Hòa bình quốc tế, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Doanh nhân hoàn vũ, Hoa hậu Liên lục địa…
Chừng ấy những cái tên cuộc thi Hoa hậu thôi cũng đã đủ làm khán giả đau đầu, chứ chưa nói đến tên tuổi của những người đẹp đăng quang. Thậm chí, trong số đó có những cuộc thi "ao làng" với đủ loại danh xưng gần như không thể kết hết ra được. Đặc biệt, trong vài năm gần đây, việc tìm kiếm danh hiệu tại các cuộc thi nhan sắc dành cho người Việt ở nước ngoài dường như cũng nở rộ hơn.
Vì thế, khán giả càng trở nên lẫn lộn đến mức đôi khi không còn nhận ra được đâu là cuộc thi mang tính chất quốc gia, quốc tế hay khu vực nữa. Mới hôm này người ta được nghe tên một người đẹp đăng quang cuộc thi Hoa hậu thì chỉ thời gian ngắn sau đó lại xuất hiện Hoa hậu của cuộc thi khác.
Tên tuổi của những người đẹp và các cuộc thi từ đấy trở nên chồng chéo, bão hòa hơn đến mức nhiều người có lẽ cũng chỉ nhớ ra đó là Hoa hậu, còn Hoa hậu của cuộc thi gì thì… phải xem lại đã.
Hiện nay có một thực tế ai cũng có thể nhận ra, đó là số lượng các cuộc thi sắc đẹp tăng lên lại tỷ lệ thuận với độ tăng của những lùm xùm. Có những cuộc thi từ đầu mùa có khi im lìm hoặc khán giả chưa kịp biết đến nhiều bỗng một ngày, tên cuộc thi và người đẹp tham gia lại xuất hiện đầy rẫy trên các mặt báo, trên mạng xã hội là nhờ… lùm xùm. Dư luận càng tranh cãi, bình luận, bàn tán nhiều, tên cuộc thi và người đẹp lại càng xuất hiện nhiều hơn, càng gây chú ý hơn.
Tất nhiên không phải cuộc thi sắc đẹp nào cũng như vậy, nhưng không ít cuộc thi đã được quan tâm theo cái cách đáng nói ấy. Hoa hậu đăng quang chưa kịp để người ta chú ý đến tài năng, tính cách thì có khi lại nổi tiếng trước nhờ nhan sắc, ngoại hình gây tranh cãi. Một ví dụ điển hình nhất gần đây chính là nhan sắc của Lê Âu Ngân Anh – Hoa hậu Đại dương 2017 – khi cô bị vướng vào tin đồn mua giải, phẫu thuật thẩm mỹ. Cuối cùng sau cuộc thi, người ta chưa biết được Hoa hậu Ngân Anh sẽ làm những việc gì mà chỉ thấy vấn đề gây tranh cãi về nhan sắc và nghi án phẫu thuật thẩm mỹ cứ quanh quẩn mãi.
Vấn đề gây chú ý dư luận còn xảy ra ngay giữa mối quan hệ giữa người đẹp đã đăng quang và ban tổ chức. Vào cuối tháng 10 vừa qua, trước nghi án phẫu thuật thẩm mỹ của tân Hoa hậu Đại dương Ngân Anh, Đặng Thu Thảo – Hoa hậu của cuộc thi này năm 2014 – bất ngờ lên tiếng thắc mắc về kết quả, đồng thời bày tỏ bức xúc khi cho rằng danh hiệu của mình bị hạ thấp và đòi trả lại danh hiệu. Ban tổ chức Hoa hậu Đại dương ngay lập tức phản hồi phát ngôn của Đặng Thu Thảo cho rằng đó là thái độ vô ơn. Sự "giằng co" giữa hai bên bỗng dưng trở thành trò cười để dư luận tiếp tục bàn tán về lùm xùm của cuộc thi.
Ngay cả Hoa hậu Việt Nam – một cuộc thi Hoa hậu lâu năm và được đánh giá là uy tín – cũng có lúc không tránh khỏi lùm xùm về nhan sắc người đẹp đăng quang như Nguyễn Cao Kỳ Duyên ở mùa thi năm 2014. Nhiều khán giả có lẽ vẫn nhớ vào năm 2016, cuộc thi còn có người đẹp Nguyễn Thị Thành bị loại khỏi vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam vì bị tố đã đi bọc răng sứ, vi phạm vào quy định của cuộc thi. Đến đầu năm nay, Nguyễn Thị Thành tiếp tục bị tước đi danh hiệu Á khôi 1 của cuộc thi Hoa khôi Du lịch vì lý do tương tự.
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm nay không kém phần gây xôn xao vì một số vấn đề. Trong đó, việc người đẹp Mai Ngô chủ động rút lui khỏi cuộc thi sau nhiều chỉ trích, tranh luận của cộng đồng mạng lại càng gây bất ngờ và chú ý. Mai Ngô thậm chí đã viết tay một lá đơn dài đến 5 trang gửi tới Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, bày tỏ bản thân cảm thấy bị tổn hại về hình ảnh, danh dự, sức khỏe, tinh thần khi tham gia cuộc thi. Cô còn chia sẻ những điều làm mình bức xúc, nhất là việc ban tổ chức thông báo cô bị kỷ luật, cấm tham gia một thử thách.
Ngoài ra, không ít cuộc thi khác còn vướng phải lùm xùm về tin đồn, nghi án mua bán giải, thiên vị thí sinh, vi phạm quy chế…
Chưa dừng lại ở đó, vấn đề tổ chức đôi khi còn nằm ở sự thiếu minh bạch, không rõ ràng của một số cuộc thi. Mới đây, cuộc thi Hoa hậu Biển toàn cầu 2018 đã khiến dư luận chú ý ngay sau buổi họp báo vì ban tổ chức tự ý cho in logo của nhiều cơ quan báo chí lớn trên phông và gọi đó là đối tác truyền thông, trong đó có hai tờ báo điện tử VOV và VTV News. Mặc dù VOV và VTV News đã nhanh chóng ra thông báo khẳng định không phải là đối tác của cuộc thi và chưa nhận được bất kỳ hợp đồng làm việc nào nhưng hiện tại, mới chỉ có văn bản gửi đến báo điện tử VOV thừa nhận đã dùng logo của báo để "quảng bá và nâng cao chất lượng chương trình mà chưa được sự đồng ý".