Từ bao đời nay, hôn nhân luôn được coi là một trong những sự kiện quan trọng nhất của mỗi con người. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chiếc váy cưới chính là một trong những bộ trang phục đáng nhớ nhất của đời người con gái. Qua từng năm, xu hướng váy cưới lại thay đổi, trở nên đa dạng hơn bao giờ hết.
Nếu như ở thời đại ngày nay, váy cưới là một điều không thể thiếu trong mỗi đám cưới thì ở những năm 1400, đây là một điều vô cùng xa xỉ và chỉ dành cho những gia đình hoàng tộc. Theo những gì lịch sử ghi lại, bộ trang phục hôn lễ đầu tiên đã thuộc về con gái của vị vua Henry IV (Anh) – công chúa Philippa – với hoàng tử Đan Mạch Frik. Ngay khi xuất hiện với chiếc váy cưới độc nhất vô nhị, công chúa Philippa đã thu hút mọi ánh nhìn, đám cưới đã ngay lập tức trở thành một trong những sự kiện quan trọng nhất thời bấy giờ.
Với việc xuất hiện cùng công chúa Philippa, chiếc váy cưới được mệnh danh là món đồ xa xỉ chỉ dành riêng cho giới hoàng gia. Những chiếc váy ở thời này được sản xuất thủ công, với những chất liệu và phụ kiện đắt tiền như lông thú, đá quý… Chính vì vậy, ở thời kì này, váy cưới tượng trưng cho sự xa hoa và chưa được phổ biến rộng rãi.
Ở những năm 1400, váy cưới được cho là biểu tượng của sự xa hoa và dành riêng cho giới hoàng gia. (Ảnh: Play Buzz)
Mặc dù đã xuất hiện từ năm 1406 nhưng phải đến năm 1840, tại đám cưới của nữ hoàng Anh Victoria và hoàng tử Albert, người ta mới xác nhận đây là chiếc váy cưới trắng chính thức đầu tiên trong lịch sử. Kể từ đó, màu trắng đã được coi là màu sắc tinh khiết dành riêng cho những nàng dâu mới cưới, là biểu tượng của một tình yêu trong sáng và thuần túy.
Qua nhiều năm phát triển, cũng giống như bất kì dòng thời trang nào, ngành công nghiệp váy cưới cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ hơn. Trong suốt 100 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của các mẫu váy cưới, sự thay đổi này nhằm giúp những cô dâu trở nên phù hợp hơn, bắt kịp với xu thế thời trang mới.
Thập niên 1910: Những chiếc váy cưới của 1910 thường kín đáo, che từ cổ đến gót chân, đồng thời có có nhiều lớp vải lót bên trong. Lí giải cho điều này, nhiều chuyên gia nhận định phụ nữ ở những năm 1910 thường ăn mặc vô cùng kín đáo với những chiếc váy dài, bồng bềnh. Chiếc váy cưới theo lẽ đó cũng sẽ được thiết kế với phần cổ cao và tay áo dài theo đúng truyền thống.
Ngoài ra, một đặc điểm không thể thiếu đối với một chiếc váy cưới trong những năm 1910 chính là sự thướt tha và nhẹ nhàng của lớp váy. Điều này giúp những cô dâu di chuyển dễ dàng hơn, đặc biệt là khi khiêu vũ trong tiệc cưới (Ở thời bấy giờ, khiêu vũ đã trở thành một phong tục không thể thiếu trong mỗi hôn lễ).
Thập niên 1920: Chịu ảnh hưởng từ thời trang flapper với những chiếc váy ngắn, để lộ đôi chân quyến rũ của người phụ nữ, váy cưới của thập niên 1920 cũng vì thế mà thay đổi theo. Mặc dù vẫn giữ sự thướt tha của đuôi váy nhưng phần trước của váy đã được thiết kế ngắn hơn nhằm khoe đôi giày của cô dâu.
Ngoài ra, ở thời kì này rất chuộng phong cách ngực phẳng, chính vì vậy, những cô dâu sẽ được quấn băng quanh khuôn ngực để có dáng người nhỏ hơn, giống với hình ảnh của một cô gái trong độ tuổi mới lớn. Một điểm khác biệt nữa giữa thời cưới cưới 1920 và 1910 chính là việc thập niên này có sử dụng mũ cưới. Những chiếc mũ này sẽ được làm bằng chất liệu ren và trải dài xuống tận gót chân, tạo thành một chiếc voan cưới.
Thập niên 1930: Đây là thời điểm Hollywood lên ngôi và thời trang cũng thay đổi để phù hợp với xu thế của Hollywood. Các đám cưới xa hoa trở thành nơi để các cô dâu hóa thân thành những minh tinh điện ảnh với cổ chữ V, để lộ phần ngực trần quyến rũ. Tuy nhiên, phần tay áo vẫn được thiết kế dáng dài theo đúng truyền thống váy cưới như trước đây.
Cỗ chữ V trở thành đặc trưng của váy cưới những năm 1930.
Thập niên 1940: Đây là thời điểm chứng kiến những cuộc chiến tranh, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế. Để tiết kiệm, nhiều cô dâu đã sử dụng váy cưới cũ từ bà hoặc mẹ của mình. Tuy nhiên, với nhiều cô dâu, họ quyết định tự may váy cưới với chất liệu rẻ cùng phom dáng đơn giản. Ngoài ra, để tiết kiệm vải, những chiếc váy cưới thời kỳ này cũng ngắn hơn so với trước đây, chiếc voan cài đầu cũng vì thế trở nên đơn giản hơn.
Thập niên 1950: Sau khi chiến tranh kết thúc, kinh tế trở nên ổn định hơn, những chiếc váy cưới cũng cầu kỳ hơn. Có thể nói, khi nhìn vào thời trang váy cưới của từng thời kỳ, chúng ta hoàn toàn có thể đánh giá nền kinh tế của một quốc gia.
Để khoe sự giàu có và sang trọng của một đám cưới, các cô dâu của những năm 1950 thường chọn dáng váy bồng công chúa, kết hợp cùng chiếc voan trắng ngắn. Ngoài ra, cổ chữ V cũng đã trở nên lỗi mốt, thay vào đó là cổ tròn hoặc cổ tim. Nói thêm về phong cách trang điểm ở thời kỳ này, với sự lên ngôi của "biểu tượng sex" Marilyn Monroe, những cô dâu chọn chon cho mình một lớp make-up đậm, với màu son đỏ làm chủ đạo và lông mi giả. Cho đến tận ngày nay, kiểu trang điểm này vẫn được coi là kiểu cổ điển và được nhiều cô dâu lựa chọn.
Xu thế váy cưới đơn giản trở lại trong thập niên 60.
Thập niên 1960: Sau khi thời trang công chúa "làm mưa làm gió" ở thập kỷ trước, đến năm 1960, xu hướng váy cưới đơn giản lại quay trở lại một lần nữa. Không còn cổ chữ V và cổ tròn, những cô dâu chọn cho mình váy cưới cao cổ, áo tay lỡ và váy cưới ngắn. Thập niên 1960 cũng đánh dấu lần đầu tiên xuất hiện váy cưới tay lỡ thay vì dài tay như trước đây.
Thập niên 1970: Thời trang váy cưới ở thời điểm này ảnh hưởng rất nhiều từ thương hiệu Dior. Khi Dior cho ra mắt mẫu váy cao cổ với phần cổ tay bồng lả lướt, ngành công nghiệp thời trang váy cưới một lần nữa chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ.
Ngoài ra, thời trang mũ cưới đã quay trở lại. Tuy nhiên, thay vì những chiếc mũ Juliet, mũ cưới những năm 1970 mang dáng vẻ hoàng gia hơn với vành rộng và thường được cài hoa. Với một bộ trang phục cưới đơn giản, tinh tế, những cô dâu thường cầm trên những bó hoa cưới sặc sỡ để tạo nên điểm nhấn trong đám cưới của mình.
Thời trang váy cưới ở thập niên 70 ảnh hưởng rất nhiều từ thương hiệu Dior với thiết kế cổ tay bồng.
Thập niên 1980: Ngược lại với sự đơn giản, nhẹ nhàng của 1970s, trang phục cưới của thập niên 80 được thiết kế với nhiều chi tiết hơn và tỉ mỉ hơn trước.
Với váy cưới, các cô dâu chọn những chiếc váy có phần tay bồng lớn, ngoài ra họ còn đeo thêm đệm vai nhằm giúp cho lớp váy được căng phồng hơn. Phần ngực thường được thiết kế bằng ren, trong khi đó từ hông trở xuống lại được may bằng lụa trắng trơn. Chưa dừng lại ở đó, voan cưới cũng được làm cầu kỳ hơn trướcm tạo điểm nhấn cho toàn bộ trang phục.
Thập niên 1990: Ở những năm này, trang phục cô dâu không còn chú ý đế những họa tiết như trước, thay vào đó, chiếc váy được thiết kế để tôn vinh những nét đường cong quyến rũ của người phụ nữ.
Chính vì vậy, váy cưới sẽ được bó sát ở phần nửa trên, cùng với đó là cổ áo khoét sâu và không có tay áo, điều này giúp cô dâu khoe được phần xương quai xanh của mình. Với phần thân dưới, chiếc váy sẽ được buông thả tự nhiên giống như một chiếc váy tango.
Thập niên 2000: Ở thời kỳ này, tuy không rõ ràng như các thời kỳ trước nhưng chúng ta vẫn có thể nhận thấy sự thay đổi khi các cô dâu bắt đầu ưa chuộng dáng váy chữ A. Ngoài ra, voan cưới và các phụ kiện được tối giản hết mức có thể. Thậm chí, nhiều cô dâu đã bỏ đi chiếc voan cưới, để lộ mái tóc dài xoăn nhẹ đầy vẻ nữ tính của mình.
Thập niên 2000 chứng kiến sự thay đổi của thời trang cưới với phom váy chữ A.
Từ năm 2010 đến nay: Trong gần 20 năm, ngành công nghiệp thời trang váy cưới đã chứng kiến sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của trang phục cưới. Không chỉ với cô dâu, ngay cả trang phục của chú rể cũng trở nên đa dạng hơn bao giờ hết.
Nhìn chung, ren trở thành chất liệu được yêu thích nhất của các nàng dâu hiện nay. Cùng với đó, việc để lộ những đường cong quyến rũ như ngực, lưng cũng là xu thế trong đám cưới. Những mẫu váy bồng công chúa vẫn là một trong những dáng váy được nhiều người ưa chuộng, trong khi đó, nhiều cô dâu đã lựa chọn váy đuôi cá nhằm tôn lên nét gợi cảm của mình. Voan cưới cũng là phụ kiện không thể thiếu của các cô dâu trong thời đại hiện nay.
Bài viết: Hà Linh (Theo Insider)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!