VTV.vn - “Có những mối nguy hiểm đã hiện rõ nên chúng ta không nên thờ ơ. Ngay bây giờ chúng ta phải cùng nhau hành động."

Nhìn bộ quần áo giản dị, chiếc xe đạp cũ chở theo những túi rác thải nhựa trên đường, mấy ai biết rằng bà Nguyễn Thị Minh Phương lại là một tiến sĩ chuyên ngành khí tượng thủy văn. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng và hoạt động trong lĩnh vực y khoa, bà Phương luôn đau đáu với việc "mình phải nỗ lực để giữ môi trường sống của quê hương, đất nước mình, để không hoài phí xương máu của cha ông đổ xuống".

12 năm nhặt rác làm sạch Hồ Gươm

Hà Nội một sáng tháng 4 mát mẻ, thời điểm giao mùa, lá đổi màu, cây thay lá, cả tiết trời trở nên thị vị và dễ chịu vô cùng. Nhưng cái đẹp của Thủ đô có lẽ không chỉ ở cảnh sắc, mà còn ở những con người yêu Hà Nội qua từng hành động cụ thể. 8h sáng chủ nhật hàng tuần, nhóm "Làm sạch đẹp Hồ Gươm với Ninomiya" lại tập trung ở Hàm Cá Mập. Tất cả găng tay, kẹp rác, túi giấy đều được chuẩn bị để các tình nguyện viên nhặt rác xung quanh Hồ Gươm. Và người miệt mài, đều đặn chuẩn bị những dụng cụ ấy là bà Nguyễn Thị Minh Phương, 67 tuổi, sống ở phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Nữ tiến sĩ yêu môi trường với hành trình 12 năm nhặt rác làm sạch Hồ Gươm - Ảnh 1.

UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức buổi tạm biệt thân mật với ông Tohru Ninomiya, 74 tuổi, doanh nhân Nhật Bản - người đã dành 12 năm nhặt rác ở Hồ Gươm. (Ảnh Minh Nhân)

Bà Phương kể: "Tháng 9/ 2012, tôi đọc một bài báo giới thiệu về một bác người Nhật. Bác ấy sống, làm việc ở Hà Nội và có tình yêu đặc biệt với thành phố này. Khi đi tham quan Hồ Gươm thì bác thấy nhiều rác quá. Rồi bác ấy đã tự đi nhặt rác. Một thời gian sau bác kêu gọi cộng đồng doanh nhân người Nhật, các bạn Việt Nam làm việc ở các công ty liên doanh với Nhật, và tất cả những ai mà muốn tham gia. Mình nghĩ bây giờ một người nước ngoài tâm huyết với môi trường của Việt Nam như thế thì bản thân mình phải tích cực hơn." 

Thế là gần 12 năm nay, bà Phương đồng hành cùng nhóm "Làm sạch đẹp hồ Gươm với Ninomiya", dù ông Ninomiya đã vừa trở về Nhật Bản vì tuổi cao sức yếu. Các tình nguyện viên thì càng ngày càng đông và ở đa dạng các lứa tuổi, từ người Nhật Bản tới người Việt Nam, từ những em nhỏ chỉ 5 tuổi cho đến những ông bà đã ngoài 60. Dù ở trung tâm thành phố hay ở ngoại thành, thậm chí có những người ở tỉnh khác cũng dành buổi sáng chủ nhật để tham gia vào hoạt động ý nghĩa. Họ đi bộ xung quanh Hồ Gươm để nhặt rác thải còn vất vưởng ở các bụi cây, ven đường, dưới ghế đá. Các loại rác đều được tập hợp và phân loại riêng. Một số được cho vào thùng rác, số còn lại được bà Phương chở về để chuyển đến các cơ sở tái chế. Dù có những ngày hè nắng nóng 40 độ C, nhưng bà vẫn không bỏ qua quy trình nào, phân loại từng cái rác một, bởi bà hiểu rất rõ nguy cơ của từng loại rác ấy.

Nữ tiến sĩ yêu môi trường với hành trình 12 năm nhặt rác làm sạch Hồ Gươm - Ảnh 3.

Bà Phương và chiếc xe đạp thân thuộc của mình.

Bà nói vui mình là con cháu chiến sĩ Điện Biên, nên mình có thể chở rất nhiều thứ. Và chiếc xe đạp cũng là một kỉ vật mang ý nghĩa đặc biệt với bà: "Chiếc xe đạp là món quà bố tôi mua tháng 5/1975 ở TP.Hồ Chí Minh mang về cho tôi đi học, lúc đó tôi học cấp 3, đến nay đã hơn 40 năm gắn bó. Cứ một tuần 2 chuyến như này, tôi còn nhặt rác xung quanh nhà nữa. Buổi sáng đi tập thể dục tôi cũng luôn mang theo 1 cái túi và 1 cái kẹp, tôi nhặt tất cả những chai lọ nhựa mang về.", bà hào hứng chia sẻ. 

Trăn trở với môi trường

Là tiến sĩ chuyên ngành khí tượng nhiệt đới, dự báo bão, phòng chống thiên tai, bà Nguyễn Thị Minh Phương có 31 năm làm việc tại Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương. Bà trăn trở "Trước đây môi trường khác bây giờ rất nhiều. Thời bao cấp con người ăn uống không có bao nhiêu. Đi chợ cũng đựng thịt, đựng rau vào lá chuối, vào làn chứ không bọc đến 3 – 4 túi nilon như bây giờ. Từ bé đến lớn làm gì có ống hút nhưng chúng tôi vẫn uống được. Nhưng ngày nay người ta uống gì cũng cần ống hút. Họ cứ tưởng vậy là sạch sẽ nhưng thực chất vi nhựa rất độc hại, lại mang đến lượng rác thải khổng lồ không phân hủy được. Trong khi Hà Nội mỗi ngày có tới 7.000 tấn rác, chỉ đốt được 1.000 tấn, còn lại là chôn lấp, đất chật người đông, người còn không có chỗ mà rác còn chiếm chỗ. Đặc biệt, pin điện tử bị vứt tràn lan, mà mỗi viên pin như thế làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1 mét khối đất trong 50 năm. Các axit, thủy ngân, chì và những hóa chất độc hại khác tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư. Thế nên mình phải quan tâm tới rác, quan tâm tới môi trường cũng là quan tâm tới sức khoẻ của chính mình, đến gia đình, con cháu, đến đồng bào mình".

'Có những mối nguy hiểm đã hiện rõ nên chúng ta không nên thờ ơ. Ngay bây giờ chúng ta phải cùng nhau hành động. Mình làm được mức độ nào thì mình sẽ làm ở mức tối đa. 100 phần không được thì làm 1 phần cũng tốt.'

Bà Phương tâm huyết

Mỗi hành động nhỏ có thể mang tới sự thay đổi lớn

"Một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas." Câu nói nổi tiếng của nhà khoa học Edward Lorenz vào năm 1961 đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị thực tiễn của nó. Một hành động nhỏ tiêu cực có thể tạo nên một sự hủy hoại lớn, nhưng một việc làm tốt có thể lan tỏa tới nhiều người và mang đến sự thay đổi tốt đẹp. Đôi khi, chỉ cần đặt thêm một thùng rác thì thành phố sẽ sạch hơn. Trồng thêm một cái cây, hàng vạn người có thêm oxy để thở. Và mỗi người có ý thức bảo vệ môi trường thì không khí của chúng ta sẽ trong lành biết bao.

Nữ tiến sĩ yêu môi trường với hành trình 12 năm nhặt rác làm sạch Hồ Gươm - Ảnh 6.

Cậu bé này đã tham gia nhặt rác ở Hồ Gươm hơn 2 năm nay.

Thực tế, mỗi buổi sáng chủ nhật nhặt rác có thể không bớt được bao nhiêu rác thải của toàn thành phố. Nhưng hành động ấy khiến nhiều người thức tỉnh để vứt rác đúng nơi quy định. Và điều tôi cảm thấy vui nhất là có những bạn nhỏ đã tham gia hoạt động nhặt rác ở Hồ Gươm được vài năm. Không cần bố mẹ làm cùng, các em vẫn tự chủ động nhận túi, kẹp, đeo gang tay và cúi xuống nhặt rác không chút ngần ngại. Một hình ảnh đẹp nữa là những gia đình mà cả nhà cùng nhau tham gia nhặt rác.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích (Q. Hai Bà Trưng) kể: "Mình tham gia nhặt rác cùng nhóm này từ khi chưa có con gái, đến nay con mình đã 7 tuổi. Bản thân mình thấy việc giáo dục con bảo vệ môi trường sớm là rất tốt. Từ khi cho con đi cùng, con đã biết phân biệt các loại rác, về nhà cũng có ý thức gom chai nhựa để có dịp thì mang đi gửi để tái chế. Chủ nhật nào con cũng hào hứng và thích thú khi được đi nhặt rác."

Tôi cũng gặp bác Đạm, một thạc sĩ về xử lý rác thải. Dù nhà ở Vĩnh Phúc nhưng bác thường xuyên lên Hà Nội để tham gia nhặt rác, dù phải thuê phòng để nghỉ lại một đêm ở Hà Nội. Bác bảo bác lên đây để học hỏi mô hình rồi về Vĩnh Phúc triển khai.

Chị Ngọc và con gái hăng hái nhặt rác trong buổi sáng chủ nhật.

Một nhóm thiện nguyện hoạt động thuần túy về môi trường, không xin dự án, không nhận tài trợ, ai có tâm thì đến nhặt rác cùng. Mọi người chỉ góp vài chục nghìn để mua túi giấy đựng rác. Thế mà ai cũng toát lên tình yêu môi trường, tình yêu với thành phố Hà Nội.

Nữ tiến sĩ yêu môi trường với hành trình 12 năm nhặt rác làm sạch Hồ Gươm - Ảnh 8.

Những chiếc pin nguy hại bị vứt tràn lan ở vỉa hè, cống nước.

Dọc đường từ Bờ Hồ về, tôi và bà Phương đi qua các quầy hàng bán đồ chơi, nhặt thêm được một đống pin nữa. Bà bảo: "Hôm nay cô với cháu nhặt được 35 viên pin ở vỉa hè rồi, là bao nhiêu mét khối nước đã thoát khỏi ô nhiễm. Mình phải cố gắng, nỗ lực vì đất nước của mình, cháu ạ" – đây là điều bà Phương liên tục nhắc với tôi trong suốt cuộc trò chuyện. 

Và khi nhắc về gia đình, bà xúc động. Tôi đã hiểu vì sao bà lại quyết liệt và mạnh mẽ với công cuộc bảo vệ môi trường như thế. Bố bà Thiếu tướng, Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Sỹ Quốc - Nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Nguyên Cục trưởng Cục Quân y Quân đội nhân dân Việt Nam. Mẹ bà là Giáo sư, Bác sĩ Vũ Thị Phan – Nguyên Viện trưởng Viện sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương. Gia đình bà có truyền thống cách mạng và hoạt động trong lĩnh vực khoa học, sống một đời chỉ vì nước vì dân nên bà cũng mang theo tinh thần ấy trong cuộc sống hòa bình của ngày hôm nay. 

Bà bảo: "Năm nay tôi 67 tuổi rồi, tôi chỉ muốn có sức khoẻ để tiếp tục cống hiến. Hiện tôi vẫn làm chuyên gia cố vấn về khí tượng thuỷ văn theo chuyên môn, tham gia các công tác ở địa phương, bảo vệ môi trường theo khả năng của mình. Tôi muốn làm những gì tốt nhất cho đất nước của chúng ta để không hoài phí xương máu mà cha ông đã hi sinh giành độc lập".

Cũng là một người quan tâm đặc biệt tới môi trường trong vài năm gần đây, tôi thấu hiểu những trăn trở của bà Phương ở thời điểm hiện tại. Dù hiện nay có nhiều nhóm bạn trẻ như Green Life hay Tagom thu gom rác thải nhựa, giấy vụn để tái chế, nhưng riêng thủy tinh thì chưa có một cơ sở nào ở Việt Nam có thể xử lý được, dù thủy tinh làm từ cát sẽ là nguyên vật liệu rất tốt cho ngành xây dựng. Một số dự án xử lý rác thải giá trị thấp hay pin cũ cũng chỉ rầm rộ vài ba tháng lại dừng. Thế nên rất cần khuyến khích cho các bạn trẻ khởi nghiệp về tái chế rác thay vì những ngành nghề tạo thêm gánh nặng cho môi trường. Nhà nước nên ưu tiên cho quỹ bảo vệ môi trường vì đây đang là vấn đề chung mà cả thế giới phải đối mặt. Mỗi người dân cũng cần hạn chế tối đa bao bì, đồ nhựa không cần thiết. Mỗi khi sử dụng túi nilon hãy nghĩ tới hậu quả mà nó sẽ để lại cho chính đời sống của mình. Tương lai có tốt đẹp hay không, phụ thuộc vào hành động của chúng ta ngày hôm nay.

Nữ tiến sĩ yêu môi trường với hành trình 12 năm nhặt rác làm sạch Hồ Gươm - Ảnh 9.

---

Người thực hiện: Giang Châu


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước