VTV.vn - Khi học sinh cả nước hân hoan, hồ hởi đón lễ khai giảng năm học mới 2018-2019, chủ đề về sách giáo khoa vẫn chưa hết nóng và đang tạo ra những ý kiến trái chiều.

Năm học 2018-2019 với những lễ khai giảng đặc biệt

Sáng 5/9/2018, hơn 23 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước đã khai giảng năm học mới 2018-2019, đúng Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Trong ngày khai giảng học sinh, sinh viên trên toàn quốc hân hoan, háo hức chào đón năm học mới với bao kỳ vọng nhưng đâu đó, vẫn có những lễ khai giảng đặc biệt đã diễn ra.

Lễ khai giảng đặc biệt tại vùng lũ Mường Lát, Thanh Hóa

Mường Lát (Thanh Hóa) là nơi vẫn đang bị cô lập vì mưa lũ, sạt lở đất. Nhiều lớp học, nhà bán trú học sinh, nhà công vụ giáo viên tại đây đã bị vùi lấp, hư hỏng nặng.

Tại trường tiểu học Tam Chung, chỉ 1/3 học sinh của các trường đến dự lễ khai giảng. Nhiều em không kịp dự lễ khai giảng vì sạt lở đường, nhà bị vùi lấp.

Cả 3 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở Tam Chung đều thiệt hại nặng, có những trường đã hỏng hoàn toàn. Ngay sau lễ khai giảng, thầy cô và các em lại tiếp tục dọn dẹp. Khu nhà bán trú bị đổ sập, toàn bộ sách vở, quần áo, đồ dùng học tập bị vùi lấp.

Năm học mới ở Mường Lát, Thanh Hóa

Ở Mường Lát có 3 trường chưa thể khai giảng vì quá xa và bị cô lập hoàn toàn. Trường sẽ không khai giảng mà tổ chức học luôn vào ngày 7/9. "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục dạy tốt, học tốt" là khẩu hiệu tại nhiều ngôi trường miền núi ở đây.

Khai giảng trầm lặng ở trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu

Lễ khai giảng tại trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu có phần trầm lặng hơn bởi lẽ hơn 300 học sinh của trường đều là trẻ khiếm thị và khiếm thị đa tật. Các em cảm nhận lễ khai giảng của mình không phải bằng đôi mắt mà là từ tâm hồn.

Lễ khai giảng ở ngôi trường đặc biệt

Năm học 2018-2019, ngoài hơn 300 bạn học sinh khiếm thị và khiếm thị đa tật, trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu đón nhận gần 20 em học sinh mang tật đặc biệt nặng đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Được đến trường, những khiếm khuyết của các em dường như được thu nhỏ lại…

Về lại Vạn Ninh, Khánh Hòa 1 năm sau cơn bão số 12 lịch sử đón khai giảng

Nhiều người không thể quên được cơn bão số 12 vào năm 2017 đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa, khiến ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Ở những vùng bị thiệt hại nặng, công tác sửa chữa, xây dựng trường lớp vẫn được tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, tất cả các địa phương tại tỉnh Khánh Hòa đều quyết tâm đưa trẻ ra lớp vào đúng ngày 5/9, ngày khai giảng năm học mới 2018-2019.

Khai giảng năm học mới tại vùng tâm bão số 12 Vạn Ninh, Khánh Hòa

Huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 8.000 lồng tôm hùm với tổng diện tích 550ha mặt nước. Đây là nguồn thu nhập chủ yếu của hầu hết hộ dân nơi đây. Cơn bão số 12 năm 2017 đã khiến nhiều gia đình bị mất nhà và rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Chính vì thế, điều lo lắng nhất của các trường học tại đây là thiệt hại kinh tế do bão sẽ làm ảnh hưởng đến tỷ lệ học sinh ra lớp.

Xúc động cảnh học sinh Lai Châu khai giảng năm học mới bên dòng suối

Ngày 5/9 vừa qua, hòa chung không khí đón năm học mới, các em học sinh ở các trường vùng khó của Lai Châu cũng dự lễ khai giảng. Nhưng các em không được ngồi khai giảng trong một ngôi trường rộng rãi, khang trang mà phải khai giảng ngay bên dòng suối.

Sân trường hẹp không đủ chỗ để tổ chức khai giảng nên nhiều năm nay thầy và trò hai trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS và Tiểu học Nậm Ngà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu phải khai giảng ngay cạnh suối Nậm Ngà.

Quang cảnh trường phổ thông dân tộc bán trú, THCS Nậm Ngà - Xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu trong ngày khai giảng

Tổng số học sinh của hai trường là 558 em. Tuy nhiên, trong ngày khai trường chỉ có 300 em tham dự, 258 em học sinh còn lại là học sinh tại 6 điểm bản. Mưa to những ngày qua khiến đường bị sạt, nước suối dâng cao; với quãng đường núi 12km, các em không thể tới điểm trường trung tâm dự lễ khai giảng.

Được biết, 100% các trường của cụm Nậm Ngà đều đang trong tình trạng chưa có phòng, lớp học kiên cố, các em học sinh phải học ở các phòng học tạm. Mùa nắng đi lại đã rất khó khăn, vào mùa mưa, việc đi lại vất vả hơn bội phần. Các giáo viên ở đây vẫn không ngừng nỗ lực để các em học sinh được đến lớp.

Ngày khai giảng tại vùng lũ Đồng Tháp

Đồng Tháp là tỉnh có đường biên giới dài hơn 50km giáp với Campuchia và cũng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng đầu tiên từ nước lũ. Những ngày này, nước đã tràn đồng. Một số địa bàn bị cô lập. Trong muôn vàn bộn bề khó khăn sau lũ, các em học sinh vẫn nỗ lực vượt qua chặng đường vất vả để đến trường dự lễ.

Trường THCS Thường Phước 1 có gần 1.200 học sinh vùng biên giới đang theo học. Để kịp giờ khai giảng, các em phải dậy từ rất sớm, ngồi đò hơn 5km, bởi con đường duy nhất từ nhà đến trường đã bị nước lũ chia cắt hoàn toàn hơn nửa tháng qua. Đến trường bằng đò lâu gấp 2-3 lần so với đi đường bộ.

Để học sinh đến trường thuận lợi, nhiều ngày trước, ngành giáo dục đã phối hợp với chính quyền địa phương, vận động mạnh thường quân và lên phương án đưa rước để cả giáo viên và học sinh đến trường an toàn, không chỉ trong hôm nay mà cho đến khi mùa lũ kết thúc.

Năm học 2018-2019, với những nỗ lực của cả thầy và gần 350.000 học sinh sinh viên cả tỉnh, Đồng Tháp hứa hẹn sẽ gặt hái thêm nhiều kết quả mới.

Năm học mới với cụm từ hot "sách giáo khoa"

Nhắc tới năm học mới, ngoài Lễ khai giảng, điều học sinh, phụ huynh, thầy cô và toàn xã hội quan tâm là sách giáo khoa. Trước thềm năm học mới 2018-2019, cụm từ "sách giáo khoa" lại càng trở nên nóng và được tìm kiếm cả trên Internet lẫn trên kệ sách.

Tháng 8 vừa qua, học sinh ở một số trường của Hà Nội đã đến lớp học, nhưng đến thời điểm này, không ít phụ huynh có con em học các lớp 1, lớp 6, lớp 10 vẫn chạy đôn, chạy đáo khắp các nhà sách tìm mua sách cho con. Nhiều phụ huynh tại TP.HCM, TP Cần Thơ và nhiều tỉnh thành khác cũng chưa mua được đủ bộ sách giáo khoa cho con em mình do tình trạng thiếu cục bộ một số đầu sách.

Nhà xuất bản Giáo dục cho biết đã in, đã phát hành trên 100 triệu bản, đạt hơn 100% kế hoạch. Thế nhưng, trước khi năm học mới bắt đầu cả tháng, tình trạng khan hiếm sách giáo khoa đã diễn ra tại nhiều địa phương.

"Cháy" sách giáo khoa: Do độc quyền và lãng phí?

Mặc dù sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, là một trong những loại hàng hóa không phải chịu thuế giá trị gia tăng và Nhà xuất bản Giáo dục đang nắm trong tay 2 lợi thế về thị trường và không phải nộp thuế giá trị gia tăng, nhưng vẫn để xảy ra tình trạng thiếu sách.

Báo Người lao động chỉ ra 2 nguyên nhân chính của hiện tượng thiếu sách. Thứ nhất là do số lượng học sinh lớp 1 tăng cơ học ở những thành phố lớn. Nguyên nhân thứ 2 là các đại lý e dè trong việc đặt hàng sách giáo khoa lớp 1 trước thông tin sang năm đổi sách khiến hàng tồn kho không bán được.

Tuy nhiên, cả 2 nguyên nhân này, theo nhiều chuyên gia giáo dục là không thuyết phục. Theo đó, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu sách hiện nay là do hệ quả của việc chỉ duy nhất Nhà xuất bản Giáo dục được quyền in, phát hành sách giáo khoa và việc phụ huynh hiện nay không còn thói quen sử dụng sách cũ cho con.

Phụ huynh xếp hàng mua sách giáo khoa cho con

Trước sự việc trên, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) cho biết: Năm nay, do có sự đột biến về số lượng học sinh các lớp đầu cấp ở một số thành phố lớn nên đã dẫn đến hiện tượng thiếu sách tạm thời ở một vài điểm nhỏ.

Những cửa hàng có hiện tượng thiếu sách giáo khoa phần lớn là những cửa hàng nhỏ lẻ. Một số công ty sách - thiết bị trường học địa phương cũng đặt kế hoạch thấp để tránh tồn kho trong năm nay nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn, phát hành của Nhà xuất bản Giáo dục.

Ngày 22/8, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có công văn gửi các Nhà xuất bản Giáo dục các miền và các đơn vị phát hành sách yêu cầu nhanh chóng nắm bắt thông tin về những điểm phát hành có hiện tượng thiếu để chỉ đạo cung ứng, kịp thời điều phối về lượng sách giữa các điểm phát hành khi cần thiết, đặc biệt, đảm bảo nhu cầu sách cho các vùng sâu vùng xa, các vùng bị thiên tai lũ lụt.

Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống phát hành sách giáo khoa mở cửa phục vụ nhu cầu của phụ huynh, học sinh trong tất cả các ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ; lưu ý nắm bắt và có biện pháp giải quyết triệt để, kịp thời đối với những điểm phát hành sách có hiện tượng lợi dụng tâm lý lo lắng vì thiếu sách của các phụ huynh, học sinh để tăng giá bán sai quy định.

Ngoài ra, Nhà xuất bản Giáo dục cũng đã cung ứng số điện thoại đường dây nóng để phụ huynh phản ánh tình trạng thiếu sách.

Lãng phí sách giáo khoa vì không thể tái sử dụng

Theo tính toán của TS Ngô Minh Oanh, Ủy viên Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, hiện cả nước có 15 triệu học sinh phổ thông. Bình quân, mỗi bộ SGK có từ 7-10 cuốn. Như vậy, mỗi năm cần in đến 150 triệu bản SGK. Ngoài ra, cộng thêm với 850.000 bộ cho giáo viên, vì vậy số lượng SGK phải in mỗi năm rất lớn.

Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh, tại các nước, có nhiều cách để tận dụng sách giáo khoa như nhà trường sẽ chủ động mua SGK, sau đó cho học sinh thuê với một số tiền nhất định, cuối năm học, nhà trường sẽ thu lại và phát cho thế hệ tiếp theo sử dụng.

Để có có thể tái sử dụng sách, các chuyên gia cho rằng, nội dung sách cần phải chuẩn và ít chỉnh sửa. Điều này đòi hỏi sự thẩm định về chất lượng sách giáo khoa thật chặt chẽ trước khi được đưa vào giảng dạy cho các em học sinh.

Từ chuyện khan SGK đến lùm xùm vụ SGK Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục

- Năm 1978, GS. Hồ Ngọc Đại sáng lập "Công nghệ giáo dục"

- Năm 1986: Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Bình khuyến khích các địa phương sử dụng bộ sách của GS. Hồ Ngọc Đại

- Từ năm 2000, cả nước sử dụng 1 chương trình giáo dục chung. Từ đây, Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại được thực hiện riêng tại trường thực nghiệm

- Năm 2006: "Công nghệ giáo dục" được thí điểm tại Lào Cai

- Năm 2008: Tiếp tục thí điểm tại 5 tỉnh

- Năm 2011 - 2012: Mở rộng thí điểm tại 35 tỉnh, thành

- Năm 2013, tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục được xem là một phương án dạy học chính thức.

- Năm 2016 có 48 tỉnh tham gia.

- Năm 2017, Hội đồng Quốc gia thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục họp để đánh giá tài liệu này.

- Năm 2018, Bộ GD&ĐT thẩm định lại tài liệu để dùng cho năm học 2018 - 2019, cho phép sử dụng tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục cho đến khi áp dụng sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới

[MAGAZINE] Năm học 2018-2019: Học sinh hồ hởi khai giảng, phụ huynh hốt hoảng vì… sách giáo khoa - Ảnh 8.

Một chương trình dạy cho học sinh lớp 1 đã tồn tại hàng chục năm được sử dụng trong ngôi trường danh tiếng của Hà Nội, sự danh tiếng do chính các bậc phụ huynh lựa chọn nhưng bỗng chốc lại thành mang tiếng về cách dạy học phi truyền thống và không hướng tới sự trong sáng của tiếng Việt...

Chia sẻ của Nhà giáo Trương Thị Cẩm Tú – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Thực nghiệm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội

Bất kỳ sự đổi mới nào cũng sẽ vấp phải những ý kiến phản biện vì thay đổi thói quen là việc làm vô cùng khó và cần rất nhiều thời gian. Cách nào giúp học nhanh hơn, dễ hiểu hơn vẫn đảm bảo đọc đúng viết đúng mới là quan trọng!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước