Ở khắp mọi nơi trên dải đất hình chữ S, rất nhiều giáo viên sẵn sàng băng núi vượt sông, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, thậm chí hy sinh chuyện riêng để mang con chữ đến cho học sinh thân yêu. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn kể về 2 câu chuyện của hai thầy giáo - những người đã dành cả tuổi trẻ và tâm huyết của mình để ở lại nơi vùng cao xa xôi hay miền sông nước mênh mông gắn bó với nghề trồng người.
Đó là thầy giáo cắm bản Lưu Văn Hóa - người thầy duy nhất ở điểm trường Nóc Ông Ruộng trên đỉnh Trà Vân, Quảng Nam và thầy Mai Văn Vân - người mang lớp 6 đầu tiên đến vùng sông nước Cù Lao Dung, Sóc Trăng.
Thầy giáo duy nhất của điểm trường Nóc Ông Ruộng trên đỉnh Trà Vân
Nhìn hình ảnh trên đây, nhiều người sẽ tưởng rằng đó là một người công nhân làm đường cần mẫn. Nhưng không, đây là một thầy giáo - một giáo viên cắm bản. Con đường đến trường của học sinh người K’Dong ở điểm trường Nóc Ông Ruộng của trường Tiểu học Trà Vân vốn đã khó đi, càng trở nên nguy hiểm sau mỗi trận mưa. Vì thế, cứ mỗi khi rảnh, không đứng lớp là thầy Hóa lại vác cuốc xuống sửa lại những đoạn đường nguy hiểm, trơn trượt để đảm bảo an toàn hơn cho các em học sinh.
Con đường dẫn tới điểm trường Nóc Ông Ruộng.
Nằm cheo leo trên đỉnh Đông Trường Sơn, Nóc ông Ruộng là nơi sinh sống của 72 hộ dân người K’Dong ở thôn 3, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Cuộc sống của những người K’Dong ở đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nên các thầy cô cũng chịu chung nỗi vất vả: Không điện lưới, không nước sạch, không trạm y tế và chẳng có chợ để mua sắm thức ăn.
Điểm trường Nóc Ông Ruộng có 3 phòng học dành cho 37 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3. Phụ trách 3 lớp, ngoài thầy Lưu Văn Hóa còn có 2 cô giáo trẻ.
Điểm trường Nóc Ông Ruộng còn nhiều khó khăn.
Cả điểm trường lẻ chỉ có duy nhất phòng công vụ nên cả 2 cô giáo và thầy Hóa phải ở chung, chỉ ngăn cách nhau bằng... một tấm rido mỏng. Dẫu được các đồng nghiệp coi như người anh cả trong gia đình, nhưng việc sống chung trong một phòng với các cô giáo, đôi khi không khỏi khiến thầy có đôi chút chạnh lòng.
"Ngồi đó nghe câu chuyện của các cô, tôi cũng buồn. Những lúc đó, tôi lánh đi như đi dạo, trồng hoa, trồng rau..." - thầy Hóa chia sẻ.
Điểm trường chỉ có một nhà công vụ nên các thầy cô không tránh khỏi những lúc bất tiện, chạnh lòng.
Năm nay đã 53 tuổi, thầy Lưu Văn Hóa gắn bó với giáo dục hơn 20 năm. Là con út trong gia đình, các anh chị đều đã lên ông, lên bà, nhưng bản thân thầy Hóa lại chưa tìm được hạnh phúc riêng. Ba mẹ đều đã mất nên giờ đây thầy chỉ còn niềm vui là các học sinh nhỏ ở đỉnh Trà Vân.
Dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, dẫu phải vượt qua nhiều trăn trở đời thường, nhưng thầy Hóa cũng như những giáo viên khác ở Trà Vân đều rất tâm huyết với nghề và hết lòng cống hiến cho giáo dục vùng cao.
38 năm trong nghề là ngần ấy thời gian thầy giáo Mai Văn Vân gắn bó với vùng sông nước Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.
Tại bến đò trước cổng trường THPT Đoàn Văn Tố, huyện Cù Lao Dung, như một thói quen, mỗi sáng sớm, thầy Mai Văn Vân lại lặng lẽ đón những học trò nhỏ sang sông đến trường. Là vùng cù lao sông nước, muốn đến trường, không ít học sinh vẫn phải đi đò sang sông. Song con đường đến trường của thầy và trò Cù Lao Dung nay đã thuận lợi hơn trước nhiều.
Năm 1981, người thanh niên trẻ Mai Văn Vân đã gạt bỏ cơ hội ở những nơi khác để đến Cù Lao Dung. Nhớ lại ngày đầu thầy Vân về đây, ông Huỳnh Văn Bửu (xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) - cha nuôi của thầy Vân chia sẻ: "Cách đây 38 năm, Cù Lao Dung nghèo nàn, vất vả vô cùng nhưng thầy Vân vì yêu nghề, mến trẻ nên vẫn về đây và gắn bó với nơi này".
Khi đó, con đường tới trường gặp muôn trùng khó khăn. Những ngày mưa dầm, đường trơn trượt, đôi lúc đi không khéo có thể bị té "đau thấu trời xanh". Thế nhưng, thầy Vân vẫn gắn bó với nơi này vì trót nặng tình với những học trò thân yêu.
Điều đặc biệt, năm thầy Vân đến Cù Lao Dung cũng là khi ở đây chưa có trường cấp 2. Các em học sinh học hết lớp 5 chưa có lớp để học tiếp. Và, thầy Vân là một trong những người thầy mở lớp 6 đầu tiên ở vùng sông nước này. Thầy tập trung được 34 em học sinh lên lớp 6 cùng đi đến từng nhà, vận động quyên góp từng cành cây để cưa, đóng bàn học, ghế ngồi cho các em. Lớp 6 đầu tiên đã ra đời theo cách giản dị như thế.
Suốt 38 năm nhất là những năm đầu khó khăn, thầy Vân không ít lần nghĩ đến chuyện ra đi. "Có khi cũng nghĩ đến rời đi nhưng học trò lại năn nỉ "Thầy ơi, thầy đừng đi!". Các em không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn thể hiện qua những tờ báo tường. Rồi có những đêm, thầy trò đi kéo tép để lấy thức ăn" - Những điều giản dị ấy đã giữ thầy Vân ở lại nơi đây trọn cả tuổi nghề của mình.