VTV.vn -

GDP tăng hơn 7% trong năm 2024 tạo nền tảng tăng trưởng 8% trong năm 2025 và tạo đà phấn đấu mức 2 con số kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2026 - 2030.

Vượt “cơn gió ngược”

Năm 2024, không chỉ đối diện những “cơn gió ngược” như căng thẳng địa chính trị leo thang, lạm phát cao dai dẳng…, kinh tế Việt Nam còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi. Thống kê, bão Yagi đã gây thiệt hại 40.000 tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc và ước tính kéo GDP giảm 0,15%.

Bão Yagi đã “quét đi” rất nhiều nhiều thành quả phát triển kinh tế. Nhưng với tinh thần vượt khó, miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên cùng cố gắng để bù đắp lại cho miền Bắc bị thiệt hại, cùng với đó là những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, kinh tế Việt Nam đã kết thúc năm 2024 theo cách không thể ấn tượng hơn.

Báo cáo kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2024 tăng đến 7,55% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng cao trong quý IV đã giúp GDP cả năm 2024 của Việt Nam ước tăng 7,09%.

Mức tăng này vượt xa mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%) và chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011 - 2024. Đây cũng là mức cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Việt Nam cũng nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. 

 “Năm 2024, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với những bất định gia tăng do căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn chứng tỏ được sự kiên cường trước các nghịch cảnh”, ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khẳng định.

“Cỗ xe tam mã”

Trong mức tăng trưởng ấn tượng năm 2024, “cỗ xe tam mã” Đầu tư - Xuất khẩu - Tiêu dùng tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. 

Với đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Không chỉ về số lượng, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh thu hút vốn FDI có chọn lọc. 

Trong năm 2024, rất nhiều chính sách mới đang được triển khai để thu hút FDI có chọn lọc, công nghệ cao, mang lại nhiều giá trị tăng thêm cho nền kinh tế như: hai trung tâm tài chính quốc tế và khu vực sẽ được thành lập tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Chính phủ cũng ban hành Chiến lược Quốc gia và Đề án phát triển nhân lực bán dẫn. Trong năm 2024, hàng loạt tên tuổi lớn như tập đoàn chip số 1 thế giới Nvidia hay Hiệp hội bán dẫn Mỹ… đã đến Việt Nam với những cam kết dần được hiện thực hóa. 

Kinh tế Việt Nam 2025: Vững vàng vượt khó, tạo đà tương lai - Ảnh 4.

Thủ tướng và Chủ tịch NVIDIA chứng kiến ký kết và trao Thoả thuận giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - đại diện Chính phủ Việt Nam và ông Jay Puri, Phó Chủ tịch Điều hành Phụ trách Hoạt động Toàn cầu NVIDIA - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Trí tuệ nhân tạo là cơ hội phi thường cho Việt Nam. Sự khuyến khích và ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam với lĩnh vực này sẽ là cú hích lớn để xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo cho Việt Nam, Nvidia và tôi sẽ là đối tác, người bạn của các bạn trên mỗi bước đi, mỗi chặng đường trí tuệ nhân tạo”, Chủ tịch Nvidia Jensen Huang cho biết.

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 2024 đạt trên 786 tỷ USD - cao nhất từ trước tới nay, trong đó xuất siêu 24,77 tỷ USD. Trong cơ cấu xuất nhập khẩu có thể thấy mức độ bền vững của xuất nhập khẩu khi chiếm 88,0% hàng xuất khẩu là nhóm công nghiệp chế biến. Còn ở hướng ngược lại, có tới 93,6% hàng nhập khẩu là tư liệu phục vụ sản xuất.

Trí tuệ nhân tạo là cơ hội phi thường cho Việt Nam

Chủ tịch Nvidia Jensen Huang

Với trụ cột cuối cùng là tiêu dùng, năm 2024 ghi nhận tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6,391 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023. Mức tăng cho thấy sức mua của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện sau dịch COVID-19.

Giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá trong năm 2025

Dự báo từ trang Seasia Stats cho thấy, Việt Nam sẽ gia nhập nhóm 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á vào năm 2025 với GDP đạt 506 tỷ USD. Sự tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam dự báo được thúc đẩy bởi sự bùng nổ sản xuất và thu hút FDI.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025 phải ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch năm 2026 và cả giai đoạn 2021 - 2030. Tăng trưởng 8% được xem là mục tiêu đầy thách thức cho nền kinh tế Việt Nam năm 2025 khi nó vượt xa chỉ tiêu 6,5-7% mà Quốc hội giao. 

Kinh tế Việt Nam 2025: Vững vàng vượt khó, tạo đà tương lai - Ảnh 7.

“Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Điều đó có nghĩa Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế và dễ bị tổn thương. Châu Âu dự báo gần như trì trệ trong tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang giảm. Tất cả những điều đó đều là trở ngại”, GS. Andreas Hauskrecht - Trường Kinh doanh Kelley, Đại học Indiana, Mỹ chỉ ra một trong các thách thức mà kinh tế Việt Nam có thể đối diện trong năm 2025. 

Ngoài ra, Việt Nam đang là nước có thặng dư thương mại lớn thứ 3 với Mỹ (sau Trung Quốc và Mexico). Điều này khiến cho Việt Nam có thể dễ bị tổn thương trước các phản ứng chính sách từ Mỹ. GS. Andreas Hauskrecht nhấn mạnh trong ngắn và trung hạn, Việt Nam cần phải tập trung vào FDI chất lượng cao. Bởi FDI chất lượng cao có nghĩa là leo lên nấc thang công nghệ. 

Mục tiêu tăng trưởng trên 8% của năm 2025 không hề dễ dàng khi nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều thách thức. Nhưng áp lực cũng là động lực để cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp đồng lòng cố gắng cho mục tiêu chung này.

Còn về dài hạn, theo GS. Andreas Hauskrecht, điều Việt Nam thực sự phải làm là theo đuổi một chiến lược kinh tế vĩ mô, chuyển dịch sang tiêu dùng trong nước nhiều hơn, nhu cầu trong nước, tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư của doanh nghiệp.

Thách thức là rất lớn, song Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Đức Tâm khẳng định, có cơ sở để kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8% trong năm 2025, đổi mới, hoàn thiện thể chế vẫn là một trong những động lực giúp tăng trưởng đạt kết quả cao.Dự kiến, tại kỳ họp giữa năm 2025, Chính phủ sẽ trình sửa nhiều dự án luật như Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp... để "cởi trói" các khó khăn của doanh nghiệp.

Đầu tư công cũng được tập trung giải ngân ngay từ đầu năm, bởi một đồng vốn công được giải ngân sẽ kéo theo gần hai đồng vốn cho đầu tư xã hội. "Đây sẽ là nguồn vốn mồi, tạo động lực lớn để kích thích tăng trưởng", Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết. 

Kế hoạch năm 2025, tổng vốn đầu tư công mà các bộ, ngành địa phương phải giải ngân là khoảng 295.000 tỷ đồng, cùng với số chuyển tiếp của năm 2024 kéo dài sẽ hơn 300.000 tỷ đồng. Các dự án hạ tầng trọng điểm, kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển như 3.000km đường bộ cao tốc và 1.000km đường bộ ven biển, cảng hàng không quốc tế Long Thành... đang gấp rút được hoàn thành. 

"Nhiều tuyến đường sẽ được nâng từ hai lên ba làn, trong khi trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là cuộc chơi mới, nếu làm được sẽ gia tăng nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế", ông Tâm nói thêm.

Cùng với đó, các động lực tăng trưởng truyền thống về tiêu dùng, xuất khẩu cũng được củng cố, làm mới. Chính phủ sẽ có các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, gồm thu hút 120-130 triệu khách du lịch nội địa và 20 triệu du khách quốc tế…


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước