Về với Hải Phòng

Chùa tháp Tường Long - Danh thắng và điểm đến tâm linh hấp dẫn tại Hải Phòng

Theo Cổng TTĐN Đa ngôn ngữ TP Hải Phòng | 08/03/2023 09:02

Tháp Tường Long về đêm.

Là một trong những điểm du lịch được công nhận, tháp Tường Long hay chùa tháp Tường Long chắc chắn sẽ là nơi dừng chân, ghé thăm đáng nhớ khi đến thành phố cảng.

Là bán đảo nhỏ do dãy núi Rồng vươn dài ra biển, với chín ngọn núi cao thấp uốn lượn, nơi hàng ngàn cây phi lao, thông, cọ ngày đêm hòa cùng vũ điệu của từng con sóng, ngọn gió, Đồ Sơn từ lâu đã là một khu du lịch biển nổi tiếng và hấp dẫn không chỉ của thành phố cảng Hải Phòng mà còn của cả miền Bắc Việt Nam. Hàng năm, nơi đây thu hút hàng vạn du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng.Tuy nhiên, không nhiều người trong số này được biết tới chùa tháp Tường Long, một danh thắng và điểm đến tâm linh hàng đầu đối với người dân Hải Phòng, nằm trên đỉnh Long Sơn, ngọn núi đầu tiên trong dãy núi Rồng chín ngọn và ở ngay gần bãi biển đầu tiên của khu du lịch Đồ Sơn.

tl1

Ngọn tháp linh thiêng mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử

Lịch sử chùa Tháp Tường Long

Tháp Tường Long hay còn gọi là chùa Tháp hoặc tháp Đồ Sơn, được xây dựng vào thời vua Lý Thánh Tông - giai đoạn Phật giáo phát triển mạnh mẽ và được tôn làm quốc đạo tại nước ta. Theo “Đại Nam nhất thống chí”, tháp Tường Long có 9 tầng, được dựng trên khu đất rộng 1000m2, cửa mở ra hướng tây. Tháp cao 100 thước ta (tương đương 45m), lại được đặt trên ngọn núi cách mặt biển hơn 100m nên thuộc loại cao nhất so với các tháp ở Việt Nam lúc bấy giờ. Cùng với chùa Long Đọi (Duy Tiên - Hà Nam), chùa Một Cột, tháp Báo Thiên, chùa Thắng Nghiêm, Chân Giáo... (Hà Nội), tháp Chương Sơn (Ý Yên - Nam Định), tháp Tường Long được liệt vào hàng “đại danh lam” thời Lý.

tl2

Chùa tháp Tường Long xưa

Theo sách “Đại Việt sử lược”, năm Mậu Tuất (1058), vua Lý Thánh Tông kinh lý qua vùng biển Ba Lộ đã dừng chân tại nơi này cho người xây tháp (Truyền thuyết kể rằng, xưa kia vùng cửa biển Đồ Sơn là một trong những cái nôi tiếp nhận Phật giáo, nên tháp được dựng ở đây để thờ Phật). Vua nằm mộng thấy rồng vàng, nên ban cho tháp cái tên Tường Long (nghĩa là “Thấy rồng vàng hiện lên) để ghi nhớ điềm lành. Cũng theo dân gian lưu truyền, khi xưa nơi đây còn được xây dựng như một đài quan sát nhằm theo dõi các biến động phía Đông Bắc (Hồi đó, các đài quan sát ven biển nằm trong hệ thống "truyền đăng", mỗi khi có biến, sẽ đốt cỏ khô cho khói bay lên trời, truyền tín hiệu báo động về kinh thành Thăng Long). Trong thực tế, xét theo những nét riêng về sự phân bố trong nền cảnh quan của kiến trúc Phật giáo Việt Nam xuất hiện ở thế kỷ XI-XII, các chùa tháp như chùa tháp Tường Long ngoài chức năng tôn giáo, tín ngưỡng còn là một hành cung, nơi nghỉ ngơi của các vua chúa, quan đại thần trong những chuyến tuần du trên mọi miền đất nước.

Giai đoạn tiếp theo, tháp Tường Long nhiều lần được tu tạo và khôi phục trong triều Trần và triều Lê, nhưng đến năm Gia Long thứ 3 (1804), triều đình nhà Nguyễn đã cho phá tháp để lấy gạch xây thành Hải Dương.

Trong các năm 1978 và 1998, di tích tháp Tường Long đã 2 lần được tiến hành khai quật nhằm nghiên cứu một cách toàn diện ngọn tháp này. Kết quả của các cuộc khai quật, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một nền móng tháp xây theo kiểu giật 3 cấp, móng có hình vuông, lòng rỗng; cấp dưới cùng là cạnh rộng nhất 7,96m, cấp giữa dài 7,36m, cấp trên cùng có cạnh dài 6,92m, ở bên dưới ngôi chùa đã có khi đó, cùng một nền móng có kích thước tương tự ở phía sau, nhưng theo kiểu giật 2 cấp (có thể nơi đây đã từng có một quần thể tháp chứ không chỉ một tháp đơn lẻ). Ngoài ra, nhiều di vật cũng đã được phát hiện như gạch xây tháp, bệ tượng A di đà bằng đá xanh, chân tảng hoa sen và các con giống đất nung mang hình dáng của các vật thiêng như rồng, phượng, chim thần ...

Những kết quả khảo cổ học, đã khẳng định sự hình thành, tồn tại rồi đổ nát theo thời gian của tháp Tường Long, cùng ngôi chùa đến nay đã có niên đại hàng ngàn năm tuổi, từng được biết đến như một trung tâm phật giáo lớn của thế kỷ XI-XII (thời Lý) tại nước ta.

Chùa tháp Tường Long ngày nay

Năm 2007, tháp Tường Long được phỏng dựng lại, khởi công xây dựng trên nền khu di tích cũ, có diện tích khoảng 2.000m2, với các hạng mục: Tòa tháp 9 tầng, phần chân hình vuông có 4 lối lên xuống, bên trong đặt pho tượng A-di-đà ngồi trên toà sen bằng đá. Chùa Tháp có Tam quan ngoại được thiết kế theo lối kiến trúc mở, với bốn trụ cổng bằng đá đục chạm hoa văn tinh xảo. Tam quan nội và tường lan can có 3 cửa chính và khung bằng gỗ lim hài hoà cùng tam bảo với tiền đường gồm 5 gian. 20 pho tượng đồng nặng hơn 20 tấn được đặt trong nhà tam bảo. Đặc biệt, chuông chùa nặng 1 tấn mô phỏng chuông chùa Vân Bản của Đồ Sơn, được đúc trực tiếp trên đỉnh núi Ngọc với sự góp công của hàng nghìn tăng, ni, phật tử.

tl3

Toàn cảnh Tháp Tường Long nhìn từ trên cao xuống

Sau hơn 9 năm xây dựng kỳ công, công trình phỏng dựng, tôn tạo chùa tháp Tường Long đã hoàn thành, tạo nên một trong những quần thể kiến trúc phật giáo lớn nhất vùng duyên hải Bắc Bộ, nằm trong tuyến du lịch trọng điểm quốc gia Đồ Sơn - Cát Bà - vịnh Hạ Long. Trong quần thể chùa tháp Tường Long, bên cạnh các tòa tiền đường, chính điện, hậu đường… đều khá rộng đẹp, uy nghi, còn có nhiều tiểu cảnh, tượng Quan Thế  m Bồ Tát và các vị chư Phật. Điểm nhấn trong quần thể là công trình "Chùa vàng Thiên Trúc" được dát vàng bên trong. Đây là công trình tâm linh mang nét văn hoá Phật giáo nối liền giữa cổ và kim, truyền thống và hiện đại. Chùa vàng Thiên Trúc là biểu trưng của cõi Phật, vừa là nơi phục vụ việc tâm linh tín ngưỡng cho nhân dân còn có tác dụng trấn yểm cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

tl4

Tháp Tường Long cao 9 tầng với màu đỏ gạch cổ kính

tl5

Phần mái vút cong được chạm khắc tỉ mỉ

Không chỉ vậy, Cạnh tháp Tường Long là nhà che bia và che hố khảo cổ 2 tầng, nơi lưu giữ nhiều hiện vật vô cùng giá trị với các chi tiết, nguyên liệu, hoa văn… làm từ gỗ, đá, ngói, gạch thời Lý. Đây là nơi để du khách đến tham quan quần thể tìm hiểu về lịch sử, văn hoá qua các di tích khảo cổ học. Di tích tháp cổ còn nền móng hình vuông với lòng tháp rỗng, có diện tích khoảng 9m2. Những viên gạch xây tháp được tìm thấy có khoét lõm, độ sâu vừa phải, khung hình chữ nhật, in nổi hai hàng chữ Hán về niên đại xây tháp: "Lý gia đệ tam đế, Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo".

tl8

Tháp Tường Long về đêm

Công trình đi vào hoạt động không những góp phần bảo vệ, lưu giữ những giá trị lịch sử văn hoá dân tộc, phục vụ du lịch, văn hóa sinh thái, tâm linh mà còn giúp nghiên cứu thêm về các giá trị của tháp Tường Long trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Tháp Tường Long không những được biết đến là một đại danh lam kiêm hành cung của các nhà vua thời Lý mà công trình này còn là một trong các địa điểm du lịch Hải Phòng xuất phát từ hệ tư tưởng có ảnh hưởng trực tiếp của đạo Phật. Ngọn tháp nhiều tầng như một chiếc cột linh quang rực rỡ chiếu rọi đạo pháp, phản ánh sự hội nhập và truyền bá rằng tôn giáo này đã trải qua một quá trình dài và phát triển đến đỉnh cao. Với tất cả những đặc trưng và giá trị của mình, quần thể chùa tháp Tường Long xứng đáng là một danh thắng và điểm đến tâm linh hấp dẫn tại thành phố cảng Hải Phòng. Một địa điểm mà khi đến, tất cả mọi người đều có những trải nghiệm thú vị, những hiểu biết ý nghĩa và những phút giây thật an yên, vui vẻ, đặc biệt vào những dịp Tết đến xuân về, khi mà những loại cây, hoa trong chùa như mộc lan, đào, bưởi... đua nhau khoe sắc, hòa cùng không khí lễ hội của các gian hàng đầu xuân mang tính dân tộc và sự hội tụ tinh khí của đất trời.

 

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

đơn vị đồng hành

HOTLINE: 02253.611.799 - 02253.611.588