VTV.vn - VTV Đặc biệt mang tên “Mảnh ký ức” mang đến một hành trình đặc biệt của những cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam và tham gia vào quá trình tìm kiếm hài cốt liệt sỹ.

Vào 20h40 tối 23/7, bộ phim tài liệu Mảnh ký ức do Ban Truyền hình đối ngoại thực hiện được phát sóng trong khung VTV Đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023). Lần đầu tiên, một bộ phim tài liệu về đề tài chiến tranh đã xoáy sâu vào nỗi đau, day dứt và sự ám ảnh của những người lính ở phía bên kia chiến tuyến, những người mà chúng ta từng coi là kẻ thù. Hơn nửa thế kỷ, có những cựu chiến binh Mỹ mới lần đầu tiên quay trở lại Việt Nam, đối diện với chiến trường năm xưa và đi tìm lại những hài cốt liệt sỹ mà chính tay họ từng chôn cất. Phim mang đến cho khán giả những khoảnh khắc khó quên, đó là khi những người lính từng đối địch nhau giờ nắm tay coi đối phương là bạn, là khi những cựu chiến binh Mỹ từng chĩa súng, nòng pháo về phía ta thì giờ nắm tay thắp nén hương, cúi đầu bật khóc trước những ngôi mộ liệt sỹ và suốt bao nhiêu năm khi nỗi đau, ký ức mà những cựu chiến binh Mỹ muốn chôn giấu thì giờ lại trở thành những điều vô cùng quý giá trong công cuộc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. 

Bộ phim còn khiến người xem ấn tượng khi tái hiện lại trận đánh ác liệt vào đêm ngày 26/12/1966 tại khu vực đồi Xuân Sơn, Bình Định. Những chiến sỹ của chúng ta đã chiến đấu vô cùng anh dũng, nhưng cuối cùng lại hi sinh quá đau thương. Để rồi 56 năm trôi qua, ngôi mộ tập thể chôn cất 60 liệt sĩ của chúng ta mới được tìm thấy. Xót xa thay khi tìm thấy được các chiến sỹ cũng là lúc hình hài xương thịt của các anh đã hòa vào cùng đất mẹ, chỉ còn sót lại những di vật từng cất giữ bên mình. Vẫn còn những ngôi mộ khác chưa được tìm thấy và thế hệ sau vẫn luôn đau đáu, mong mỏi được đưa các liệt sỹ trở về. Xem bộ phim, chúng ta cũng nhận ra rằng, chính những ký ức mơ hồ và rời rạc của cựu chiến binh Mỹ là nguồn thông tin quý giá để chúng ta có thể tiếp tục tìm kiếm. Và cũng chính nhờ điều này mà các cựu chiến binh Mỹ mới tìm thấy sự thanh thản và trút đi được gánh nặng đè trĩu trong lòng.

Từ tháng 7/1965, Sư đoàn không kỵ số 1 Lục quân Hoa Kỳ được điều động tới Việt Nam và là lực lượng xung kích, với nhiệm vụ tìm diệt và bình định trên chiến trường Bình Định. Thời điểm đó, Bình Định là địa bàn chiến lược trọng điểm của Mỹ bởi nếu mất Bình Định là chia đôi hai nửa miền Nam và cắt đường tiếp tế lên Tây Nguyên. Sư đoàn 3 Sao vàng của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập vào tháng 9/1965 là đơn vị cấp sư đoàn đầu tiên của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhiệm vụ chính trị là chia cắt chiến lược giữa vùng 1, vùng 2 chiến thuật của Mỹ và cắt đứt con đường lên Tây Nguyên. 

Chiến trường Bình Định trở thành trận địa đối đầu trực tiếp giữa hai lực lượng này. Để phục vụ cho các trận càn quét vào mùa khô năm 1966, Sư đoàn không kỵ số 1 Lục quân Hoa Kỳ xây dựng tại Bình Định 3 bãi đáp trực thăng cũng là 3 trận địa pháo mang tên: LZ Bird, LZ Pony và LZ Hammond.  LZ Bird là trận địa pháo được đặt tại đồi Xuân Sơn.

Vào đêm ngày 26/12/1966, ngay sau khi thời gian ngừng bắn hết hiệu lực vì đúng dịp Giáng sinh, lợi dụng thời tiết mưa lớn khiến nước sông lên cao và địch chủ quan, Trung đoàn 22 thuộc Sư đoàn 3 Sao vàng đã bất ngờ tập kích căn cứ pháo binh thuộc Sư đoàn không vận số 1 Mỹ đang đóng tại đồi Xuân Sơn. Trận chiến đã diễn ra vô cùng ác liệt, khiến địch không kịp trở tay và thương vong rất nhiều. Khi thế trận bị áp đảo, lần đầu tiên quân đội Mỹ đã phải sử dụng đến loại vũ khí hỏa lực mạnh mang tên Beehive (tổ ong). Beehive là đạn pháo, là loại vũ khí bí mật có tính sát thương vô cùng lớn, bên trong có chứa đến 8.000 mũi tên thép. Khi đạn nổ cách mặt đất 20m, Beehive sẽ bắn đinh có hình nón 30 độ phủ kín khu vực rộng 300m. Bộ đội Việt Nam đang xung phong trên trận địa thì bị trúng đạn, hi sinh vô cùng đau đớn. 

Buổi sáng ngày hôm sau, lính Mỹ trở lại chiến trường, xung quanh là la liệt tử thi của bộ đội Việt Nam. Họ đã phải thay nhau kéo các thi thể xuống hố chôn tập thể. Những người lính Mỹ khi đó hầu hết còn rất trẻ và là tân binh, đối diện với khung cảnh chết chóc đó, họ chỉ muốn quên đi những gì kinh khủng nhất mà con người có thể thực hiện với đồng loại. Trở về nước và trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, không một ai muốn nhớ về những hồi ức kinh hoàng đã trải qua trong quá khứ.


Stephen Holmes Hassett, Kinbourne Lo, Ivory Whitaker Jr và Spencer John Matteson - 4 cựu chiến binh Mỹ từng có mặt trong trận chiến ở đồi Xuân Sơn năm xưa đã quay trở lại chiến trường để tiếp tục hỗ trợ công tác tìm kiếm, quy tập các hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Trước đó, chính nhờ những thông tin quý giá từ họ, chúng ta đã tìm thấy được ngôi mộ tập thể, chôn cất 60 liệt sỹ đã hi sinh sau trận đánh kinh hoàng năm ấy.

Quay trở lại thời điểm vào năm 2017, từ một bài viết ban đầu của cựu chiến binh Mỹ - ông Spencer Matteson, kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng đã biết được trận đánh ở đồi Xuân Sơn vào cuối tháng 12 năm 1966 có một ngôi mộ chôn tập thể. Từ manh mối đó, ông Nguyễn Xuân Thắng đã tìm hiểu các trận đánh của quân đội nhân dân Việt Nam và đúng là có một trận đánh diễn ra trong lịch sử như vậy. Theo như mô tả của cựu chiến binh Mỹ Spencer Matteson thì đây là một trận đánh có thương vong rất nhiều của các liệt sỹ Việt Nam và họ đã chôn cất những liệt sỹ đó. Từ thông tin ban đầu, ông Nguyễn Xuân Thắng đã kết nối với Thiếu tá - Đặng Hà Thụy, nguyên cán bộ Đoàn 5501, là một người cựu chiến binh nhiều năm gắn bó với việc tìm liệt sỹ ở Bình Định. Tuy nhiên, những chỉ dẫn của ông Spencer Matteson còn rất mơ hồ, khó có thể xác định được chính xác vị trí ngôi mộ đó. Thiếu tá - cựu chiến binh Đặng Hà Thụy đã đến trận địa không biết bao nhiêu lần để đối chiếu từ những bức ảnh, tấm bản đồ so với vị trí địa hình hiện tại. Thế nhưng công cuộc tìm kiếm vẫn đi vào bế tắc, khi giữa mênh mông chốn địa hình hiểm trở đó, việc khoanh vùng là cực kỳ khó khăn.

Sau khi nhiều lần tìm kiếm mà không đem lại kết quả, mọi việc tưởng như là dừng lại thì may mắn ông Nguyễn Xuân Thắng kết nối được với ông Bob March, cũng là một cựu chiến binh của Sư đoàn 1. Ông Bob March đã tập hợp thông tin thêm từ 6 lính Mỹ đã chiến đấu trong trận đánh này.

Những thông tin của ông Bob March giống như những mảnh ghép cuối cùng của cỗ máy, là chìa khoá cuối cùng để kích hoạt cho cỗ máy chuyển động. Sau khi tổng hợp lại, mọi người đều thống nhất với nhau hố chôn tập thể ở phía Tây Nam. Vị trí được khoanh vùng lại và công cuộc khai quật bắt đầu vào ngày 10/03/2022. Cuối cùng, sau 56 năm, 60 liệt sỹ đã được tìm thấy, nhưng sự khắc nghiệt của thời gian đã khiến hình hài xương thịt của các anh đã hòa vào cùng đất mẹ và chỉ còn lại những di vật được tìm thấy. Sau khi trở lại Việt Nam, các cựu binh Mỹ vẫn tiếp tục giúp Bình Định tìm kiếm hố chôn thứ hai các liệt sỹ tại trận địa Xuân Sơn.

Hơn 50 năm trước, cả 4 cựu chiến binh Mỹ Steve Hassett, Kinbourne Lo, Ivory Whitaker và Spencer Matteson đều đến Việt Nam tham chiến khi tuổi đời chỉ 18-20. Họ bị điều đến một đất nước xa lạ để chiến đấu, không biết lý do là tại sao mình phải làm thế. Khi trở lại Mỹ, không dễ dàng gì để họ vượt qua mặc cảm là những kẻ thất bại và cả nỗi sợ hãi, ám ảnh khi từng chứng kiến đồng đội hi sinh ngay trước mắt mình.


Ông Spencer John Matteson - Cựu chiến binh Mỹ khi gặp lại những người lính ở phía bên kia chiến tuyến, đã nói: "Khi đó chúng tôi còn rất trẻ và không hiểu gì về chính trị. Chúng tôi không biết tại sao chúng tôi phải tham chiến, trừ những gì người ta nói rằng chủ nghĩa cộng sản là xấu và nền dân chủ của chúng tôi mới là tốt. Các ông có lý tưởng để chiến đấu. Còn chúng tôi, chỉ cố gắng sống sót để trở về". 

Ông Spencer Matteson cũng chính là người chịu những chấn thương tâm lý ở thời điểm hậu chiến. Sau khi từ Việt Nam trở về, ông Spencer Matteson đã uống rượu, sử dụng ma túy và làm mọi thứ để cố quên đi những ký ức ảm ảnh đeo bám mình. 

Nhưng ông không thể nào quên và uống rượu nhiều đến mức suýt chết. Cuối cùng, ông Spencer Matteson và vợ tan vỡ sau 9 năm chung sống, khi đã có 3 đứa con. Sau khi ly hôn, ông Spencer Matteson đã bỏ mặc con để vợ cũ chăm sóc. Đến thời điểm hiện tại, ông Spencer Matteson và các con đều rất xa cách nhau. 

"Đến năm 1991, tôi cuối cùng cũng tỉnh ra. Tôi bỏ rượu, bỏ ma túy và đầu óc bắt đầu sáng ra. Đạo Phật đã giúp tôi tỉnh ngộ. Từ đó trở đi, tôi thường ngồi thiền trước bức tượng Phật bà Quan âm nhỏ mang từ Việt Nam về. Tôi bắt đầu viết về cuộc chiến tranh tại Việt Nam, mở lòng về quá khứ và đối diện với con quỷ trong mình" - ông Spencer Matteson chia sẻ. 

Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng cũng chia sẻ nếu như không có những ký ức của các cựu chiến binh Mỹ, chúng ta rất khó có thể tìm thấy.

"Xâu chuỗi cả việc tìm kiếm ở Xuân Sơn, có lúc bế tắc nhưng rồi như một cơ duyên, một may mắn nào đó, chúng tôi lại gặp được những nhân chứng, những người chỉ đường. Cỗ máy nó lại tiếp tục vận hành, đã có kết quả là tìm thấy và nó là sự tổng hợp của rất nhiều thứ.

Từ thông tin của nhân chứng, từ nỗ lực của đội tìm kiếm, từ từng cá nhân tham gia. Và nếu nó thiếu một mắt xích trong đó thì có thể là sẽ không bao giờ có được kết quả mà chúng ta đã biết" - ông Thắng chia sẻ.

Với ông Bob March, giờ các cựu chiến binh Mỹ cũng đã già, thời gian không còn nhiều. Những mảnh thông tin, ký ức quá mơ hồ và nó đã diễn ra quá lâu rồi. Hiện tại, cả hai phía phải chắp nối những điều đó để đưa các liệt sỹ trở về.

"Để đi tìm mộ liệt sĩ, 50% phụ thuộc vào ký ức của các cựu binh. Nếu không có những ký ức đó, thì không thể. Bạn sẽ gặp bế tắc.

Chúng tôi phải lục lọi trong ký ức của những người cựu binh khác mà tôi biết vẫn còn đâu đó ngoài kia. Tôi biết họ vẫn còn đó. Nếu họ hiểu được những gì đang diễn ra, họ sẽ ngay lập tức nhấc điện thoại lên và nói, tôi có thể giúp. Khi tôi biết về LZ Bird, tôi nghĩ, điều này thật kỳ diệu. Đây không phải là nhắc lại lịch sử, nhắc lại quá khứ. Đây là việc hoàn thiện thêm lịch sử" - ông Bob March chia sẻ. 

Bộ phim khép lại nhưng lại mở ra những hy vọng, cơ hội khác. Vẫn còn rất nhiều mảnh ký ức khác chúng ta có thể kết nối lại, để từ đó sẽ có thật nhiều hơn nữa những cuộc tìm kiếm, khai quật có kết quả.  Những cựu chiến binh Mỹ cũng đã trút bỏ được phần nào gánh nặng trong lòng mình, họ thấy thanh thản hơn sau chuỗi ngày ác mộng.

Những người lính vốn từng ở hai bên chiến tuyến, giờ trở thành bạn của nhau, cùng đồng hành với nhau trong bước đường phía trước với mục đích vô cùng cao cả và ý nghĩa. 

Ông IVORY WHITAKER - Cựu chiến binh Mỹ tại Xuân Sơn

Tôi muốn giúp chấm dứt nỗi đau cho các gia đình liệt sĩ. Và điều đó cũng sẽ giúp tôi phần nào, vì tôi biết mình đã làm điều gì đó có ích. Sau tất cả những điều tồi tệ mà chúng tôi đã làm.

Ông SPENCER MATTESON - Cựu chiến binh Mỹ tại Xuân Sơn

Chỉ một đêm hôm đó thôi đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi về sau. Thật buồn khi có mặt ở đây, sau tất cả những đau thương và mất mát. Còn gì hơn khi chúng ta có thể đi cùng nhau như những người bạn, cố gắng đem lại một hồi kết có hậu cho người Việt Nam, cho tất cả những người thân đã mất của chúng ta.

VTV Đặc biệt “Mảnh ký ức”: Hành trình hàn gắn những vụn vỡ đau đớn, day dứt còn lại sau chiến tranh - Ảnh 15.

VTV Đặc biệt - Mảnh ký ức

Chu Anh
7/2023

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước