VTV.vn - Nhà báo Thành Vũ - Phụ trách chương trình “Cặp lá yêu thương” - nói về hành trình 9 năm qua: “Nhìn lại 9 năm, đó là một hành trình rất tự hào của chúng tôi”.

Năm 2024 đánh dấu năm thứ 9 của chương trình Cặp lá yêu thương – một trong những chương trình thiện nguyện, mang tính chất xã hội của Đài THVN. Chương trình được thực hiện bởi nhóm sản xuất của Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital).

“CẶP LÁ YÊU THƯƠNG”

HÀNH TRÌNH 9 NĂM ĐẦY TỰ HÀO

Nhà báo Thành Vũ – Phụ trách chương trình “Cặp lá yêu thương” – nói về hành trình 9 năm qua: “Nhìn lại 9 năm, đó là một hành trình rất tự hào của chúng tôi”.

Cặp lá yêu thương - Giúp những người khó khăn chạm tay vào cơ hội - Ảnh 4.

ĐẾN NHỮNG NƠI XA NHẤT, ĐẾN NHỮNG NƠI KHỔ NHẤT…

VÀ NHỮNG BÀI HỌC VỀ TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ SỰ NỖ LỰC

BTV Hải Yến là một trong những thành viên đầu tiên của ê-kíp sản xuất chương trình Cặp lá yêu thương khi chương trình được thành lập vào năm 2015. Hải Yến nói cô không nghĩ đã đi qua 9 năm và mọi chuyện như vẫn còn rất mới mẻ.

Cặp lá yêu thương - Giúp những người khó khăn chạm tay vào cơ hội - Ảnh 6.

BTV Hải Yến. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Số đầu tiên của Cặp lá yêu thương được thực hiện ở Hà Giang. Đường đi lúc đó rất khó khăn và trong 3 ngày, ê-kíp sản xuất 3 phóng sự. Hồi đó khi họp, mọi người hay nói với nhau là mình cứ đi đến nơi xa nhất. Trời tối cũng đi, chưa ăn cơm cũng đi, sáng sớm cũng đi… Dù tất cả đều biết đi xa thì không có nhiều hậu thuẫn và cũng không có nhiều thuận lợi nhưng lúc đấy bọn mình chỉ nghĩ đi đến những nơi  khổ nhất vì ở những nơi đấy các em cần được giúp đỡ nhất. Hồi đấy chúng mình tư duy như vậy” – Hải Yến nhớ lại.

“Lúc làm Cặp lá yêu thương mình là một phóng viên mới. Mình làm phóng sự không hay, không có điểm nhấn, không có một phong cách gì và cũng không biết làm phóng sự làm sao cho cảm động. Vì thế, cảm giác rất áp lực” – Hải Yến nói tiếp – “Và khi ấy, được sự chỉ dẫn của các anh chị lớn, mình đã làm phóng sự đầu tiên của mình cho chương trình – bằng tình cảm của mình và những gì cảm nhận được từ nhân vật. Khi chương trình phát sóng, phóng sự ấy đã lấy được cảm xúc và nước mắt của mọi người. một bác ở Hà Giang đã nhắn tin muốn ủng hộ cho nhân vật 5 triệu đồng…”.

“Phản ứng của mọi người thực sự vượt quá sức mong đợi của mình, với một phóng viên trẻ mới vào nghề như mình nó còn hơn cả 1 lời khen. Nó khiến những người làm như mình cảm thấy đã góp được 1 chút sức nhỏ để đưa câu chuyện của những bạn nhỏ đến gần hơn với mọi người, những chiếc lá chưa lành được đến gần hơn với những chiếc lá lành. Và phóng sự đầu tiên ấy thực sự là bài học lớn giúp cho mình trưởng thành hơn – kể cả trong công việc cũng như trong đời sống”.

“Việc các em nhỏ của Cặp lá yêu thương trưởng thành phụ thuộc vào rất nhiều sự cố gắng của các bạn ấy và những người giúp đỡ các bạn ấy. Còn bọn mình chỉ là một chiếc cầu nối thôi”.

BTV Hải Yến.

“Cặp lá yêu thương thực sự một chìa khóa mở cả về tâm hồn lẫn về nghề đối với mình” – Hải Yến nhìn lại 9 năm của cô – “Mình là người hay than thở nhưng khi gặp các em nhỏ, mình thấy những vấn đề của mình chẳng là gì nữa. Mình thức dậy vẫn có gia đình, vẫn có cái ăn, cái mặc… vậy sao mình lại than thở?”.

Cặp lá yêu thương - Giúp những người khó khăn chạm tay vào cơ hội - Ảnh 9.

BTV Hải Yến trong một chuyến đi. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Khi làm Cặp lá yêu thương mình không nghĩ đây là công việc phải làm mà đây là công việc mình được làm. Chương trình đã thay đổi mình khá nhiều trong 9 năm qua. Và khi làm xong phóng sự nào mình cũng đều mở cho con mình xem. Nó vừa là niềm hãnh diện khoe với con nhưng cũng là để các con được biết ngoài kia còn nhiều khó khăn như thế nào”.

Cặp lá yêu thương - Giúp những người khó khăn chạm tay vào cơ hội - Ảnh 10.

MC Hạnh Phúc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong khi đó, với MC Hạnh Phúc – người cũng đã đồng hành với Cặp lá yêu thương từ năm đầu tiên: "Cặp lá yêu thương không dừng lại ở công việc của mình nữa, mà thực sự nó là một phần cuộc sống của mình rồi. Với Cặp lá yêu thương, mình được khóc nỗi buồn của các em nhỏ và được vui cùng các em trong niềm vui được tiếp tục đến trường. Thực sự đó là những thứ làm cho mình yêu nghề, say nghề hơn; cũng là động lực để mình tiếp tục làm nghề. Được làm Cặp lá yêu thương cũng là niềm tự hào của riêng mình khi được cùng với ê-kíp chương trình thực hiện nhiệm vụ "Trao cơ hội đi học, cho cơ hội đổi đời" đến với các em nhỏ ở khắp đất nước Việt Nam mình".

"Bài học về tình yêu thương là điều Phúc nhận được nhiều nhất khi đồng hành cùng chương trình này".

Khác với Hải Yến, Mạnh Hùng – gương mặt đã quá quen thuộc của Cặp lá yêu thương – tham gia ê-kíp muộn hơn. Anh bắt đầu làm Cặp lá yêu thương từ năm 2017. Hùng bảo: “Khi xem các phóng sự mọi người hay hỏi sao đi đến những nơi xa xôi cực khổ như vậy nhưng mình không thấy cực khổ. Chưa bao giờ mình thấy áp lực với việc đi làm chương trình. Đi làm Cặp lá yêu thương, với mình, nó nhẹ nhõm giống như 1 cái duyên”.

“Lúc đầu, mình cứ nghĩ khi đi làm những chương trình như thế này – chứng kiến nhiều hoàn cảnh khóc khăn quá - cảm xúc của mình sẽ bị chai sạn. Mình đã xúc động, đã khóc khi lần đầu tiên đi làm và đến bây giờ, sau 7 năm gắn bó, mình vẫn khóc, vẫn xúc động như thế” – Mạnh Hùng nói tiếp – “Lần gần đây nhất mình đến Quảng Trị, khi tiếp xúc với hoàn cảnh của một bạn nhỏ, mình thấy nó bức bối, nó khó khăn quá… mình đã khóc từ lúc đi quay đến lúc làm hậu kỳ, phóng sự lên sóng xem lại mình vẫn thấy cay sống mũi và cho đến cả lúc này, khi ngồi đây nói chuyện vẫn thấy rất cay sống mũi”.

BTV Mạnh Hùng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Nhiều khi mình là người lớn, đặt bản thân mình vào các em nhỏ mình cũng không hiểu sao lại sống được như thế?… Nhà có 5 đứa con nít và để quay bà và 3 đứa cháu lên hình thì 2 bạn nhỏ khác phải nhịn… Mọi người cứ nói đi làm Cặp lá yêu thương tốn, tốn thật. Tốn vì cứ gặp như thế là mình lại cho thêm, nhiều khi vượt luôn cả định mức thu nhập của mình”.

BTV Mạnh Hùng.

Mạnh Hùng nói sau 7 năm đi làm Cặp lá yêu thương, anh đã thay đổi rất nhiều – đồng cảm hơn, biết lắng nghe hơn, chia sẻ hơn.

“Mình thấy may mắn khi được giao làm chương trình này vì khi đi như thế, mình làm được công việc là giúp được cho các con. Nói chuyện với các con nhiều mình cũng học được cách suy nghĩ một cách hồn nhiên nhất trước những biến cố của chính bản thân mình, của cuộc sống của mình. Và sự nỗ lực là thứ mình học được lớn nhất qua câu chuyện của mỗi em nhỏ trong Cặp lá yêu thương”.

Cặp lá yêu thương - Giúp những người khó khăn chạm tay vào cơ hội - Ảnh 13.

BTV Trần Hướng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

BTV Trần Hướng gắn bó với Cặp lá yêu thương 9 năm qua. Chương trình đã cho cô được đi rất nhiều tỉnh thành, được gặp các em nhỏ và đó là những cuộc gặp gỡ khiến trái tim cô cảm nhận được tình yêu thương và sự an tâm trong mình. 

Trần Hướng chia sẻ: “Tôi thấy yên tâm vì đã tìm thấy các em nhỏ cần được giúp đỡ. Yên tâm vì có nhiều nhà hảo tâm đang tin tưởng và đồng hành cùng chương trình. Và điều tôi yên tâm nhất là gần 5.000 em nhỏ sẽ tiếp tục được đến trường và đã có rất nhiều em nhỏ trưởng thành, thành công và ổn định cuộc sống". 

"Đồng hành cùng Cặp lá yêu thương, tôi khóc khá nhiều nên điều tôi yêu thích nhất là những nụ cười: Nụ cười hồn nhiên của các em nhỏ trong gian khó; Nụ cười hạnh phúc khi có sự đồng hành của các nhà hảo tâm tới mỗi gia đình; Và nụ cười của chính mình khi được chứng kiến những khoảnh khắc ý nghĩa đó. Tôi thấy biết ơn khi được làm chương trình ý nghĩa này!”.

HÀNH TRÌNH CỦA NUÔI DƯỠNG

HÀNH TRÌNH CỦA TRỒNG CÂY VÀ HÁI QUẢ

HÀNH TRÌNH GIÚP AI ĐÓ KHÓ KHĂN CHẠM TAY VÀO CƠ HỘI...

Cặp lá yêu thương - Giúp những người khó khăn chạm tay vào cơ hội - Ảnh 18.

Nhà báo Thành Vũ tiếp cận với Cặp lá yêu thương khi chương trình này chỉ là một ý tưởng và sau 9 năm, anh khẳng định: “Với tôi, với những người làm Cặp lá yêu thương, dự án này không đơn thuần là một chương trình truyền hình mà còn hơn cả 1 chương trình truyền hình”.

“Cặp lá yêu thương ra đời bắt nguồn từ suy nghĩ sẽ giúp người xem biết đến câu chuyện của các nhân vật, cảm động với câu chuyện đấy và sau đó họ sẽ hành động” – nhà báo Thành Vũ nói tiếp – “Họ có thể cầm điện thoại chuyển khoản giúp đỡ, cầm tiền đến ngân hàng hoặc có thể tới để trao sự hỗ trợ trực tiếp. Mục đích của chương trình chính là thúc đẩy mọi người hành động. Còn với những người không đủ khả năng tài chính thì câu chuyện của các em cũng cho họ biết thêm về những em bé có nghị lực tuyệt vời với nỗ lực cố gắng vươn lên bất chấp những khó khăn của cuộc sống. Mọi người cũng cảm thấy trách nhiệm của mình lớn hơn – với chính bản thân mình cũng như với cộng đồng”.

“Với những phóng viên đi làm Cặp lá yêu thương, việc làm một phóng sự và phát sóng mới chỉ là  điểm khởi đầu” – nhà báo Thành Vũ nói tiếp – “Cặp lá yêu thương đòi hỏi các bạn phóng viên phải có sự gắn bó với nhân vật, gắn bó với chương trình và đâu đó, sự gắn bó ấy giống như những người thân ở trong một gia đình”.

“Điều Cặp lá yêu thương làm được là hình thành một cộng đồng bao gồm những người tham gia sản xuất với các đơn vị đồng hành (Bộ LĐTBXH, Ngân hàng chính sách xã hội) và với các em nhỏ, tạo thành một hệ thống có sự gắn kết với nhau - theo sát nhau với từng hành trình, từng bước đi để thấy được những điều mình làm đang được vận hành như thế nào, các em nhỏ đang trưởng thành ra sao… Tất cả những điều ấy đã vượt khỏi khuôn khổ của một chương trình truyền hình”.

Nhà báo Thành Vũ.

Cặp lá yêu thương - Giúp những người khó khăn chạm tay vào cơ hội - Ảnh 20.

Nói về sự khác biệt của Cặp lá yêu thương với các chương trình thiện nguyện khác, nhà báo Thành Vũ cho biết: “Mỗi chương trình, mỗi dự án có một quy định và luật riêng và với Cặp lá yêu thương đó là 1 sự cam kết: Chúng tôi sẽ giúp các em nhỏ từ thời điểm chúng tôi gặp, thẩm định hoàn cảnh của các em đến khi các em trưởng thành. Trong hành trình đó, nếu các em dừng việc học thì chương trình sẽ không hỗ trợ và giúp đỡ nữa. Điều này thể hiện sự cam kết của cả hai bên -  chương trình sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng các em và các em cũng sẽ có một cam kết là phải đi học, phải cố gắng để học thật tốt, theo đuổi chuyện học hành đến cuối chặng đường với cái đích có thể là đỗ vào một trường Đại học”.

“Cặp lá yêu thương sau đến nay đã giúp được hơn 5000 em nhỏ. Slogan của chương trình là “Trao cơ hội đi học, trao cơ hội đổi đời” và không phải đợi 9 năm đâu mà đến năm thứ 5 chúng tôi đã cảm thấy chúng tôi đã thực hiện được slogan ấy - đã hoàn thành trọn vẹn mục tiêu trao cơ hội cho rất nhiều bạn nhỏ được đi học và thay đổi cuộc đời của rất nhiều bạn” – nhà báo Thành Vũ nói trong phần kết chia sẻ của mình – “Và khi nhìn vào thành quả của 9 năm qua, tôi thấy khi một đứa trẻ được chăm sóc, được mọi người vun vén và bản thân các em cũng có nghị lực, có ước mơ và khát khao với cuộc sống thì nó sẽ tạo ra một thành quả rất trọn vẹn”.

“Một em bé được hỗ trợ không chỉ thay đổi bản thân của em đó. Về lâu dài, sự hỗ trợ này có thể thay đổi cuộc đời, số phận của cả một gia đình nghèo ở nông thôn, ở những nơi rất khó khăn – nơi những người nghèo không có khả năng chạm tay vào 1 cơ hội để cuộc sống của họ thay đổi. Đấy là điều Cặp lá yêu thương đã và đang làm được”.

“Nhìn lại 9 năm, đó là một hành trình rất tự hào của chúng tôi”.

(Ảnh: Nhân vật cung cấp)

___

Người thực hiện: Tiêu Trang Ngọc Bảo

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước