Chiều cuối năm là một chương trình đã có thương hiệu của Ban Thời sự, Đài THVN, phát sóng vào chiều 30 Tết âm lịch hàng năm. Mỗi năm một chủ đề, một cách thể hiện nhưng Chiều cuối năm luôn mang tới cho khán giả một không khí ấm áp, một cảm xúc bâng khuâng trong ngày cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị chào đón năm mới với những hy vọng mới, thành công mới.
Kết thúc một năm Nhâm Dần với sự phục hồi và phát triển của đất nước, sau 2 năm dịch bệnh, giờ là lúc ai nấy đều hướng về gia đình nhỏ của mình với những niềm tin và hy vọng riêng. Mọi người dân Việt Nam dù ở bất cứ đâu cũng trân quý giá trị của gia đình với những khoảnh khắc sum vầy ấm áp. Gia đình cũng luôn là nơi mọi người hướng về mỗi dịp cuối năm, nơi mỗi người kiếm tìm hoặc trao gửi niềm tin. Gia đình là điểm tựa niềm tin và cũng là nơi trao hy vọng cho bất kỳ thành viên nào.
Bởi lẽ đó, ê-kíp sản xuất đã lựa chọn chủ đề "Về nhà ăn Tết" cho chương trình năm nay. Thông qua đó, khán giả sẽ cảm nhận được những giá trị của hai tiếng "gia đình".
Sau những năm tháng dịch bệnh, cả nước và thế giới đang dần "hồi sinh". Ý tưởng ban đầu của ê-kíp sản xuất Chiều cuối năm cũng xoay quanh chủ đề này nhưng nghĩ rằng đây là chủ đề này có thể là quá rộng, nếu không khéo léo khai thác sẽ bị dàn trải, ê-kíp sau đó đã họp bàn lại để tìm một chủ đề thật gần gũi, ấm cúng, đúng với không khí quây quần, đoàn tụ của chiều 30 Tết.
"Chúng tôi liệt kê hàng loạt câu chuyện mình muốn kể: câu chuyện về những con hẻm với những đứa trẻ mồ côi sau đại dịch ở TP Hồ Chí Minh, sức sống trở lại với những ngôi làng trải qua thiên tai bão lũ, người nước ngoài được về nước ăn Tết một cách bình thường, những người Việt gìn giữ Tết truyền thống nơi đất khách quê người… Chúng tôi tìm ra được một sợi dây vô hình liên kết các câu chuyện này là hai chữ ‘gia đình’.
Trải qua những biến cố, mất mát thì gia đình là nơi ta luôn ước ao trở về, gia đình cũng là nơi truyền cho chúng ta niềm tin và sức mạnh để vững vàng trước những thử thách không ngờ tới trong cuộc sống. Chúng tôi quyết định chủ đề là ‘Về nhà ăn Tết’ - một câu nói rất gần gũi mỗi dịp Tết về, như lời gọi của mẹ cha với các con phương xa trở về. Tết chính là gia đình, là sự trở về" - BTV Hoàng Dương, Tổ chức sản xuất và cũng là người dẫn chính của Chiều cuối năm, chia sẻ.
Xoay quanh chủ đề về gia đình, những câu chuyện được truyền tải trong Chiều cuối năm - Về nhà ăn Tết sẽ mang tới cho khán giả những cảm xúc đặc biệt. Không thể phủ nhận, mỗi chiều 30 Tết, ai ai cũng hướng về những giá trị cốt lõi chính là gia đình, là được trở về nhà. Gia đình luôn là nơi mỗi cá nhân luôn hướng về trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ và năm mới. Cũng bởi giá trị trân quý đó, ê-kíp sản xuất đã lựa chọn 6 từ khóa để gắn kết những câu chuyện ấy trong 90 phút của chương trình. Đó là: "gia đình", "hồi sinh", "hy vọng", "chiều cuối năm", "cộng đồng" và "Tổ quốc". Mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện được kể đều thật đặc biệt và ấm áp tình người với những gì họ đã trải qua trong năm Nhâm Dần.
Nhà báo Kiều Trinh - Tổng đạo diễn chương trình - chia sẻ: "Mỗi một năm có một thông điệp chuyển tải khác nhau và năm nay, sau khi đất nước đã trải qua 2 năm dịch bệnh, sau khi chúng ta đã có một sự bình an của chữ ‘An’ trong chương trình năm ngoái thì năm nay là một sự hồi sinh và những niềm hy vọng cho sự phát triển. Quan trọng hơn đó chính là đoàn kết để tạo nên sức mạnh. Mỗi người góp một chút sức nhỏ bé của mình dù ở cương vị nào thì sẽ làm nên một đất nước, đó chính là gia đình lớn, ngày càng phồn vinh và hạnh phúc".
Câu chuyện "Về nhà ăn Tết" ở Chiều cuối năm năm nay không chỉ của những người Việt Nam trong nước mà còn có cả những người Việt Nam ở nước ngoài. Theo chia sẻ của BTV Hoàng Dương, các nhân vật và các câu chuyện trong chương trình đều là những người trải qua những mất mát của dịch bệnh, thiên tai, biến cố của cuộc sống nhưng họ vẫn có một sức sống, một sự vươn lên mạnh mẽ. "Ẩn sâu bên trong các nhân vật và câu chuyện sẽ đều là hình ảnh của người thân, gia đình. Mái nhà nhỏ bé sẽ đem đến cho chúng ta chỗ dựa và sức mạnh lớn lao" - BTV Hoàng Dương tiết lộ.
Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Nam, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh là điểm đến của chương trình Chiều cuối năm - Về nhà ăn Tết. Tại đây, ê-kíp sản xuất đã gặp gỡ nhiều nhân vật và ghi lại những câu chuyện nhân văn ấm áp tình người. Với chủ đề "Về nhà ăn Tết", không gian đầm ấm của các gia đình là một trong những bối cảnh trò chuyện của Chiều cuối năm. Chia sẻ của khách mời đặc biệt trong chương trình về không khí sum vầy đón Tết hứa hẹn mang đến cho khán giả truyền hình những điều lý thú.
Trong 90 phút, Chiều cuối năm - Về nhà ăn Tết lần lượt đưa khán giả đến với những nhân vật đặc biệt và không ít câu chuyện truyền cảm hứng. Đó là câu chuyện về tình người trong một hẻm nhỏ có tới 6 đứa trẻ mồ côi sau đại dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh, là bác sĩ Lê Thanh Truyền của Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh - người cũng mồ côi cha mẹ từ nhỏ, là sức sống trở lại tại Trà Leng 2 năm sau ngày xảy ra trận lũ quét kinh hoàng, là không khí hối hả, nhộn nhịp của chiều 30 Tết khi ai nấy đều tất bật hoàn thành công việc để sớm trở về bên gia đình... Bên cạnh đó, khán giả sẽ được lắng nghe câu chuyện đặc biệt của một đại gia đình 40 người từ Ukraine về Việt Nam ăn Tết, chuyện đón Tết của những người Việt Nam ở nước ngoài, tâm sự của một chiến sĩ trẻ ăn Tết ở Trường Sa hay câu chuyện của những công nhân trực xuyên Tết không thể về bên gia đình đúng thời khắc giao thừa.
Một điểm nhấn khác của Chiều cuối năm - Về nhà ăn Tết là câu chuyện về những người Việt Nam làm rạng danh Tổ quốc. Ê-kíp sản xuất đã có cuộc trò chuyện với Huấn luyện viên Mai Đức Chung - Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, người góp phần quan trọng giúp các cô gái của thể thao Việt Nam giành ngôi vô địch SEA Games trong năm 2022. Ê-kíp cũng gặp gỡ GS Vũ Hà Văn - con trai nhà thơ Vũ Quần Phương, một trong hai nhà toán học có quốc tịch Việt Nam (người còn lại là GS Ngô Bảo Châu) mở đầu cho thời kỳ thăng hoa của Toán học nước nhà. GS Vũ Hà Văn vừa đảm nhận vị trí Giám đốc khoa học của Viện Big Data (Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn) tại Việt Nam. Năm nay, anh từ Mỹ trở về đón Tết cùng gia đình.
Với 4 phần: "Tết đang về trong mỗi gia đình", "Cuộc sống hồi sinh", Gia đình lớn Việt Nam", "Những hy sinh bình dị tạo nên gia đình lớn Việt Nam", Chiều cuối năm - Về nhà ăn Tết chuyển tải ý nghĩa giản dị mà sâu sắc của mái ấm gia đình, đặc biệt là khi Tết đến Xuân về. Đan xen trong chương trình là các MV ca nhạc ghi hình tại nhiều bối cảnh khác nhau, trong đó có những địa điểm gắn với câu chuyện mà Chiều cuối năm - Về nhà ăn Tết đề cập. Những ca khúc được vang lên trong chương trình như: Năm qua tôi đã làm gì?, Đường về nhà, Tết đi lên cùng nhau, Tết này con sẽ về và Việt Nam trong tôi là sẽ mang tới cho khán giả những cảm xúc yêu thương nhất trong buổi chiều cuối năm.
Nếu theo dõi "Chiều cuối năm - An" cách đây 1 năm, khán giả hẳn còn nhớ sự kết hợp của dàn người dẫn hùng hậu với 6 gương mặt đến từ Ban Thời sự và Trung tâm Sản xuất và phát triển nội dung số (VTV Digital). Năm nay, một lần nữa ê-kíp sản xuất có sự kết hợp này. Tuy nhiên, chỉ khác một điều chương trình năm nay có 4 gương mặt người dẫn là Hoàng Dương, Lan Anh, Thái Trang và Mạnh Cường. Trong đó, cặp đôi Hoàng Dương - Thái Trang đảm nhận vị trí dẫn chính xuyên suốt chương trình và đây cũng là lần đầu tiên họ cùng dẫn Chiều cuối năm.
Với Hoàng Dương, năm nay còn đặc biệt hơn khi một phóng viên trẻ như anh được giao trọng trách tổ chức sản xuất chương trình. "Đây là lần đầu tiên những người trẻ ở Thời sự có cơ hội được đóng ‘vai chính’ trong một chương trình có thương hiệu. Áp lực với tôi và các bạn trẻ trong nhóm nội dung là cực kỳ khủng khiếp! Những cuộc họp liên tục, những đêm ngủ không tròn giấc, những lo âu thường trực đã khiến cho cuộc sống của chúng tôi đảo lộn trong 1 tháng đầu tiên - khoảng thời gian suy nghĩ về ý tưởng và kịch bản khung" - Hoàng Dương kể.
Song, vượt qua những áp lực, cùng sự giúp đỡ từ những đồng nghiệp giàu kinh nghiệm, Hoàng Dương cùng ê-kíp đã tìm ra được hướng đi cho chương trình. Việc vừa làm nội dung, vừa làm người dẫn giúp Hoàng Dương ngấm kịch bản và hiểu thông điệp chính của Chiều cuối năm - Về nhà ăn Tết.
Làm việc chung với ê-kíp của VTV Digital quy tụ những gương mặt trẻ thích cách thể hiện sáng tạo, mới mẻ với những câu chuyện bình dị và giàu cảm xúc, theo Hoàng Dương, ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên, 2 ê-kíp đã có chung một hướng nhìn là những câu chuyện nhân văn về gia đình. Bởi vậy, Chiều cuối năm - Về nhà ăn Tết sẽ là điểm hẹn đưa mọi người về với tổ ấm yêu thương, nhiều kỷ niệm.
Dẫn chung với Thái Trang ở Chiều cuối năm, Hoàng Dương chia sẻ: "Tôi và Thái Trang đã làm việc với nhau khi còn làm cộng tác viên dẫn chương trình tại VTV6, cùng làm việc khi Trang thi Cầu vồng nên tôi khá hiểu lối dẫn và tính cách của bạn dẫn. Hai anh em đều thích cách dẫn chuyện tâm tình, chia sẻ với khán giả nên khi phân công viết lời dẫn và tác nghiệp tại hiện trường đều khá thuận lợi, ăn ý".
Trong khi đó, Thái Trang cho hay cô rất hào hứng vì lần đầu tiên được dẫn chương trình này. Thêm vào đó, được dẫn đôi với Hoàng Dương là thử nghiệm khá thú vị của Thái Trang. Thái Trang tiết lộ: "Cả hai anh em lần đầu tiên được dẫn dắt chương trình. Anh Dương hóm hỉnh, hoạt ngôn. Tôi thì hơi trầm tĩnh và mau nước mắt".
Chia sẻ về phân đoạn ấn tượng và tâm đắc nhất trong chương trình, Thái Trang cho hay đó chính là cuộc trò chuyện với các em nhỏ mồ côi do COVID-19 và bác sĩ Lê Thanh Truyền. Trong đó, hình ảnh khiến cô không bao giờ quên là nỗi buồn trong ánh mắt của các em nhỏ.
Được đón tất niên sớm hơn mọi người, Thái Trang cảm nhận Chiều cuối năm - Về nhà ăn Tết đặc biệt ngay ở cái tên của chương trình. "Theo dõi chương trình năm nay, ta sẽ thêm trân trọng mỗi khoảnh khắc được ở bên gia đình, được ở cạnh mẹ cha, được là một người con trong gia đình lớn Việt Nam" - Thái Trang chia sẻ về điều lắng đọng nhất với khán giả khi theo dõi chương trình trong buổi chiều cuối cùng của năm Nhâm Dần trước khi đón năm mới Quý Mão.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!