Khác với những năm trước, Chiều cuối năm năm nay được Ban Thời sự giao cho một ê-kíp toàn người trẻ thực hiện. BTV Hoàng Dương - người dẫn quen thuộc của Việt Nam hôm nay - giữ trọng trách tổ chức sản xuất và cũng là người dẫn chính của chương trình năm nay. Trong cuộc trò chuyện với VTV News, Hoàng Dương đã có những chia sẻ về áp lực khi lần đầu đóng "vai chính" trong một chương trình có thương hiệu của Ban Thời sự cùng những điều đặc biệt mà Chiều cuối năm mang tới cho khán giả trong ngày 30 Tết sắp tới.
Đảm nhận vai trò tổ chức sản xuất một chương trình lớn của Ban Thời sự và đã có thương hiệu như "Chiều cuối năm", bạn có thấy bị áp lực?
Chiều cuối năm năm nay là lần đầu tiên Đoàn Thanh niên Ban Thời sự được giao nhiệm vụ từ Trưởng ban, coi đây là công trình thanh niên của năm và đây cũng là lần đầu tiên những người trẻ ở Thời sự có cơ hội được đóng "vai chính" trong một chương trình có thương hiệu. Áp lực với tôi và các bạn trẻ trong nhóm nội dung là cực kỳ khủng khiếp chứ không phải là lớn. Chúng tôi phải bắt đầu làm và học hỏi từ những điều cơ bản nhất trong việc tổ chức một chương trình lớn. Những cuộc họp liên tục, những đêm ngủ không tròn giấc, những lo âu thường trực đã khiến cho cuộc sống của chúng tôi đảo lộn trong 1 tháng đầu tiên - khoảng thời gian suy nghĩ về ý tưởng và kịch bản khung.
Có nhiều lúc chúng tôi sợ hãi nghĩ là không thể cáng đáng nổi trọng trách này nhưng khó khăn sinh ra để người trẻ vượt qua, tôi và các bạn trẻ vẫn bền bỉ suy ngẫm và phát huy sức mạnh tập thể. Thời khắc khủng hoảng lớn nhất với chúng tôi là khi tổ chức hậu cần và suy nghĩ các tiết mục văn nghệ. Đây hoàn toàn không phải thế mạnh của những người làm phóng viên Thời sự.
Thật may mắn, chúng tôi cũng nhận được sự động viên, hỏi thăm thường xuyên của Trưởng ban Thời sự, sự giúp sức trực tiếp từ nhà báo Kiều Trinh - người nhiều năm gắn bó chương trình này, cùng đạo diễn Hoàng Tuấn - người kinh qua nhiều chương trình lớn của ban Thời sự. Bởi vậy, từ áp lực và sự khủng hoảng, chúng tôi dần tìm ra lối đi, biết cách thực hiện các phần công việc, sắp xếp hậu cần và đến giờ chúng tôi vẫn đảm bảo được tiến độ của chương trình. Những người trẻ như tôi luôn biết ơn sự giúp đỡ và kinh nghiệm của thế hệ đàn anh đi trước.
Vì sao ê-kíp lựa chọn chủ đề năm nay là "Về nhà ăn Tết"? Chương trình được ghi hình ở những bối cảnh nào?
Ý tưởng đầu tiên được chúng tôi nghĩ đến và đạt giải nhì trong Ngày hội sáng tạo của VTV là chủ đề "hồi sinh" sau dịch bệnh. Nhưng khi phân tích thì ý tưởng này có thể sẽ trùng với rất nhiều chương trình khác và chủ đề này có thể là quá rộng, nếu không khéo léo khai thác sẽ bị dàn trải. Ê-kíp có họp bàn lại tìm một chủ để nào đó thật gần gũi, ấm cúng, đúng với không khí quây quần, đoàn tụ của chiều 30 Tết.
Chúng tôi liệt kê hàng loạt câu chuyện mình muốn kể: câu chuyện về những con hẻm với những đứa trẻ mồ côi sau đại dịch ở TP Hồ Chí Minh, sức sống trở lại với những ngôi làng trải qua thiên tai bão lũ, người nước ngoài được về nước ăn Tết một cách bình thường, những người Việt gìn giữ Tết truyền thống nơi đất khách quê người… Chúng tôi tìm ra được một sợi dây vô hình liên kết các câu chuyện này là 2 chữ "gia đình".
Trải qua những biến cố, mất mát thì gia đình là nơi ta luôn ước ao trở về, gia đình cũng là nơi truyền cho chúng ta niềm tin và sức mạnh để vững vừng trước những thử thách không ngờ tới trong cuộc sống. Nên chúng tôi quyết định chủ đề "Về nhà ăn Tết" - một câu nói rất gần gũi mỗi dịp Tết về, như lời gọi của mẹ cha với các con phương xa trở về, Tết chính là gia đình, là sự trở về.
Từ chủ đề này thì các câu chuyện đều xoay quanh các gia đình ở mọi miền đất nước và gia đình Việt ở nhiều nơi trên thế giới. Các bối cảnh năm nay rất giản dị như chính chủ đề, đó là những con hẻm mồ côi của TP Hồ Chí Minh, những ngôi làng ở Trà leng, câu chuyện về một chiến sĩ ăn Tết xa nhà ở quần đảo Trường Sa thiêng liêng. Không gian các cuộc trò chuyện được đặt trong ngôi nhà của các nhân vật. Bối cảnh ấy sẽ làm cho khán giả cảm thấy sự gần gũi, ấm cúng.
Không gian chiều 30 Tết được tái hiện khi thời điểm ghi hình là 1 tháng trước Tết Nguyên đán
Vậy những nhân vật, câu chuyện nào sẽ là điểm nhấn của "Chiều cuối năm - Về nhà ăn Tết"?
Các nhân vật và các câu chuyện mà chúng tôi kể cho khán giả sẽ đều là những người trải qua những mất mát của dịch bệnh, thiên tai, biến cố của cuộc sống nhưng họ vẫn có một sức sống, một sự vươn lên mạnh mẽ. Ẩn sâu bên trong các nhân vật và câu chuyện sẽ đều là hình ảnh của người thân, gia đình. Mái nhà nhỏ bé sẽ đem đến cho chúng ta chỗ dựa và sức mạnh lớn lao.
Tết được trở về bên người thân và gia đình có lúc là một ước mơ giản dị, ước mong thật bình thường nhưng cũng có những lúc nó là điều thật xa vời khi đi qua những biến động cuộc đời ta mất người thân trong một tíc tắc. Trong những ngày Tết với không khí đoàn viên gia đình, mỗi người đều biết trân quý nhiều hơn ngôi nhà nhỏ của chính mình.
Vừa là tổ chức sản xuất, vừa đảm nhận vai trò của người dẫn chính xuyên suốt chương trình, bạn có gặp khó khăn?
Tôi vừa làm nội dung, vừa làm người dẫn, vừa phụ trách một số chất liệu trong chương trình nên khối lượng công việc cũng rất lớn, đặc biệt chúng tôi vẫn chạy song song các bản tin hàng ngày, làm chương trình Tết Con đường nông sản của nhóm Nông nghiệp (chuyên môn chính của tôi) nên việc sắp xếp công việc, thời gian để tập trung vào một chương trình là một thử thách rất lớn. Ngoài ra, để kết nối nội dung cho một chương trình lớn như Chiều cuối năm là một cái rất khó, khi phải sâu chuỗi các chất liệu, nhân vật, phóng sự, văn nghệ tạo nên một thể thống nhất và cùng toát lên chủ đề chính của chương trình.
Bản thân những người trẻ chúng tôi vốn sống và kinh nghiệm làm các chương trình lớn chưa nhiều nên chưa thể tạo nên độ sâu cho thông điệp, các ẩn ý trong các chất liệu. Chúng tôi mất nhiều thời gian để họp bàn và chốt các chất liệu cho chương trình. Song, việc vừa là người tổ chức sản xuất vừa là người dẫn giúp tôi ngấm kịch bản và hiểu thông điệp chính của chương trình. Quá trình quay của tôi cũng khá thuận lợi, không bị vấp hay phải quay lại nhiều, có những đúp quay một lần là được luôn vì mình tự viết lời, tự truyền tải thông tin nên chắc chắn cũng có nhiều cảm xúc truyền tới khán giả.
Năm nay là năm thứ 2 Ban Thời sự phối hợp với VTV Digital thực hiện "Chiều cuối năm" nhưng với Hoàng Dương lại là lần đầu tiên được dẫn đôi với một MC của đơn vị khác. Việc "ghép đôi" này có khiến bạn thêm hào hứng để tạo nên một màu sắc tươi mới cho "Chiều cuối năm", thoát khỏi sự "khô cứng" của bản tin Thời sự?
Ê-kíp của các bạn VTV Digital có một điểm chung với ê-kíp của Thời sự năm nay là đều tập hợp những gương mặt trẻ thích cách thể hiện sáng tạo, mới mẻ với những câu chuyện bình dị và giàu cảm xúc. Ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên chúng tôi đã có chung một hướng nhìn là những câu chuyện nhân văn về gia đình. Chiều cuối năm sẽ là điểm hẹn đưa mọi người về với tổ ấm yêu thương, nhiều kỷ niệm.
Tôi và Thái Trang đã làm việc với nhau khi còn làm cộng tác viên dẫn chương trình tại VTV6, cùng làm việc khi Trang thi Cầu vồng nên tôi cũng khá hiểu lối dẫn và tính cách của bạn dẫn. Hai anh em thì đều thích cách dẫn chuyện tâm tình, chia sẻ với khán giả nên khi phân công kịch bản dẫn, viết lời dẫn và tác nghiệp tại hiện trường khá thuận lợi, ăn ý. Khán giả sẽ nhìn thấy chúng tôi không còn là những người dẫn Thời sự hay là các phóng viên hiện trường nữa mà thực sự là những người bạn, người thân trong nhà để cùng trò chuyện, sẻ chia với nhân vật.
Chiều cuối năm luôn rất đời thường và gần gũi chứ không hối hả và nghiêm túc như các bác bản tin.
BTV Hoàng Dương và Thái Trang trong một cảnh quay của "Chiều cuối năm - Về nhà ăn Tết"
Nhắc tới 3 từ "chiều cuối năm", ai cũng bâng khuâng khi được quây quần bên gia đình và người thân mỗi dịp Tết Nguyên đán. Với những người dẫn của "Chiều cuối năm - Về nhà ăn Tết", chắc hẳn cũng sẽ có nhiều cảm xúc đặc biệt?
Khi chúng tôi dẫn chương trình này như một dạng nhập vai, chúng tôi luôn đặt mình vào tâm thế của đúng chiều 30 Tết, dù các bối cảnh đều quay trước Tết. Nhưng từ chính việc dựng cảnh đậm không khí gia đình, có hình ảnh làng quê, các cụ già, trẻ nhỏ, công nhân, sinh viên về quê ăn Tết khiến cho chúng tôi cũng có cảm giác thật hơn.
Khi bạn dẫn Thái Trang là người trực tiếp được đến với những con hẻm ở TP Hồ Chí Minh nghe các con, các mẹ đỡ đầu kể chuyện chiều cuối năm nhớ người thân, nhớ mẹ cha, bạn ấy đã không thể cầm được nước mắt. Còn tôi, ngoài vai trò người dẫn còn thường xuyên trò chuyện với các phóng viên về các phóng sự và nhân vật để đảm bảo tiến độ, nắm được các diễn biến mới nên bản thân cũng có nhiều cảm xúc vui buồn cùng các nhân vật.
Trong các nhân vật của Chiều cuối năm - Về nhà ăn Tết, có gia đình mấy năm rồi mới từ Ukraine về Việt Nam ăn Tết, có những bạn lính xa nhà tâm sự nhớ quê, có những công nhân trực xuyên Tết không thể về đón giao thừa bên gia đình… Chỉ nghe thôi tôi cũng thấy thổn thức theo tâm trạng của các nhân vật. Đây cũng là niềm động viên rằng tôi và ê-kíp đang đi đúng hướng, chọn được một chủ đề khoét sâu vào "những ngóc ngách" trong tâm hồn con người mỗi dịp Tết về, nhất là trong một buổi chiều cuối năm nhiều tâm tư.
Năm nay là lần đầu tiên BTV Hoàng Dương đảm nhận vai trò tổ chức sản xuất và người dẫn chính của "Chiều cuối năm"
Thông điệp ê-kíp sản xuất muốn gửi tới khán giả qua chương trình là gì?
Chiều cuối năm là một chương trình đã có thương hiệu của Ban Thời sự, phát sóng vào chiều 30 Tết mỗi năm. Vào thời khắc này, người ta thường hướng về những giá trị cốt lõi chính là gia đình, là được trở về bên người thân. Gia đình chính là nơi để trao gửi niềm tin và hy vọng, cũng là nơi mỗi cá nhân luôn hướng về trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới.
Cùng với đó, trải qua những năm tháng chao đảo bởi dịch bệnh, thiên tai ở khắp mọi nơi và ngay ở Việt Nam, con người lại càng thêm trân quý những giá trị gần gũi nhất với mình chính là người thân, gia đình và những khoảnh khắc được sống bên người thân. Thông qua những câu chuyện dung dị, đời thường gắn với những câu chuyện có tính thời sự trong năm qua, Chiều cuối năm - Về nhà ăn Tết làm toát lên giá trị của gia đình - nơi mọi người hướng về vào dịp cuối năm, nơi mỗi người tìm kiếm hoặc trao gửi niềm tin.
Gia đình là điểm tựa của niềm tin và cũng là nơi trao hy vọng cho bất cứ ai. Những câu chuyện trong Chiều cuối năm sẽ đi từ gia đình nhỏ đến gia đình lớn Việt Nam. Ở đó, gia đình nhỏ luôn biết hy sinh vì gia đình lớn, cống hiến cho dân tộc, cho Tổ quốc.
Hy vọng những câu chuyện của Chiều cuối năm như sự trở về trong tâm thức của bất cứ ai đang hướng về gia đình, về Tổ quốc với niềm tự hào chúng ta là một đại gia đình - gia đình của những người máu đỏ da vàng!
Cảm ơn Hoàng Dương về những chia sẻ!
Chiều cuối năm - Về nhà ăn Tết sẽ lên sóng vào 17h30 ngày 21/1 (30 Tết) trên các kênh sóng của VTV. Mời quý vị chú ý đón xem!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!