Một buổi chiều cuối tuần, tôi tranh thủ hẹn ngồi cafe với chị Nguyễn Nga – phóng viên Phòng Văn hóa, Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số VTV Digital. Năm nào cũng vậy, thời điểm này, chị và ekip đang bận rộn cho Gala Việc tử tế Tết. Đặc biệt trong 2 năm nay, chị còn dành phần lớn thời gian của mình cho một dự án mới về điểm trường, mà tôi ví như “mùa xuân” của các em nhỏ vùng cao, bởi nó mang đến những lớp học mới, gian bếp mới, những bữa cơm có thịt…
Nói về lý do ra đời dự án này, phóng viên Nguyễn Nga kể: “Trong chuyến tác nghiệp Việc tử tế 2 năm trước, tôi ghi hình phóng sự về vợ chồng thầy cô giáo cắm bản ở xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc. Rồi sau đó biết rằng, cả huyện có đến gần 30 cặp đôi như vậy. Tôi trở lại và làm một bộ phim tài liệu dài 15 phút về những thầy cô cắm bản. Ekip đã ghi lại được hình ảnh hai vợ chồng giáo viên dùng chiếc xô nhựa màu đỏ để đựng mì tôm cho học sinh. Ở đây, mỗi em đi học đều mang theo một cái bát, đến giờ ăn trưa, cô sẽ đơm mì cho các con.
Hình ảnh các em ăn mì từng thìa, ngon lành ấy vô cùng xúc động. Ngay sau khi phóng sự phát trên VTV1, rất nhiều người bạn của các phóng viên nhắn tin muốn giúp đỡ. Tôi đã đề xuất với nhà báo Thành Vũ để đăng tải phóng sự lên fanpage Việc tử tế. Điều bất ngờ là chỉ sau một tuần, điểm trường đã được ủng hộ hơn 1 tỷ đồng từ khán giả cả nước”. Thậm chí sau những hình ảnh ấn tượng đó, có một đơn vị đã ngỏ ý muốn tài trợ cho chuỗi các điểm trường như vậy, và dự án điểm trường ra đời. Từ đó, nhiều phóng viên khác của Phòng Văn hóa cũng lên đường thực hiện sứ mệnh của mình. Với mỗi điểm trường khó khăn mà ekip ghi nhận, đơn vị này sẽ hỗ trợ từ 200 – 300 triệu đồng để sửa trường, xây lớp, làm bếp ăn, hay tài trợ bữa ăn cho các bé trong 1 – 2 năm. Ngoài ra, phóng sự được đăng tải lên các fanpage Việc tử tế, Cặp lá yêu thương, VTV24 để khán giả chung tay ủng hộ thông qua số tài khoản của Quỹ Tấm lòng Việt.
Điểm trường chính thức đầu tiên của dự án là Trường PTDTBT Tiểu học Mậu Duệ B. Bắt đầu từ tháng 9/2022 đến nay, dự án đã giúp đỡ được hơn 30 điểm trường với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng từ cộng đồng và các tổ chức hỗ trợ. Những bữa trưa chỉ có mèn mén chan nước lọc, thiếu dinh dưỡng nay được thay bằng những bữa cơm trắng có trứng, có thịt. Nhiều em nhỏ thích đi học để được ăn mì tôm thì nay được ăn thêm tôm, thêm cá. Nói về kết quả của dự án điểm trường, phóng viên Nguyễn Nga xúc động: “Sau 1 năm kể từ khi những điểm trường đầu tiên được giúp đỡ, các cô giáo vẫn thường xuyên gửi cho chúng tôi hình ảnh về cơ sở vật chất và cập nhật bữa ăn của các em. Họ rất mừng vì học sinh chăm chỉ đi học hơn, các em háo hức đến trường để được ăn ngon, thầy cô cũng không phải vất vả đến từng nhà để huy động học sinh đi học nữa”.
Sức lan tỏa của các câu chuyện đã chạm tới trái tim của nhiều nghệ sĩ. Trong đó, nhạc sĩ Minh Cà Ri viết ca khúc “Bước chân của em” với những câu từ thật đẹp. Ví những chiếc túi bóng đựng bát cơm là “túi mơ”, ví thầy cô nấu mì tôm như “đan những sợi vàng”…tác giả bài hát hẳn đã vô cùng yêu mến và thấu cảm với hành trình đến lớp gian nan, dung dị của cô trò vùng cao.
Để quay được hình ảnh tại các điểm trường mà như rapper Đen Vâu gọi là “view triệu đô” là cả quá trình gian nan vất vả của ekip phóng viên. Phóng viên Nguyễn Nga chia sẻ: “Lần đầu đến Hà Giang năm 2022, tôi bảo với quay phim rằng chỉ đi một chuyến cho biết thôi. Thế mà không ngờ chỉ sau 2 năm, tôi đã đi lên đây nhiều đến nỗi đếm trên đầu ngón tay là không hết”. Chuyến đi đáng nhớ nhất của chị là điểm trường Nà Pinh. Ngày hôm đó trời mưa, nhưng ekip vẫn quyết tâm mặc áo mưa để theo chân giáo viên, dù đã được cảnh báo về sạt lở, đá lăn. Con đường ngày thường chỉ đi hết 2 tiếng nhưng ekip đã đi hết 8 tiếng (từ 8h sáng đến 16h chiều) mới đến nơi. Đoàn đã gặp phải những con suối rất to, nước dâng cao nên phải đi đường vòng men theo sông Nho Quế trong tình trạng mệt mỏi, không có đồ ăn. Thậm chí quay phim phải cõng biên tập vì chị đã kiệt sức.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, phóng viên Nguyễn Nga đã đi Hà Giang 5 lần, đi Tây Nguyên 1 lần, mỗi chuyến công tác kéo dài từ 7 – 10 ngày. Chị Nga tâm sự: “Chính sự lan tỏa của các phóng sự và được tận mắt chứng kiến sự thay đổi của các điểm trường là động lực để tôi bước tiếp. Mình vất vả một chút nhưng các con sẽ có bữa ăn ngon, ngôi trường mới. Tôi cũng là phụ nữ, sức khỏe không đủ dẻo dai, nhưng chính niềm vui của con trẻ đã giúp tôi vượt qua giới hạn của bản thân. Đặc biệt, tôi may mắn có người chồng cùng nghề, gia đình đều hiểu và yêu thương”.
Là đất nước có 3/4 diện tích lãnh thổ là đồi núi, Việt Nam còn rất nhiều điểm trường ở vùng cao đang gặp khó khăn, thiếu thốn. Thế nhưng, hơi ấm của tình người đã giúp đá “nở hoa”, tương lai của các em sẽ dần tươi sáng. Giống như lời của phóng viên Nguyễn Nga khi chúng tôi kết thúc cuộc trò chuyện: “Mình phải tin vào tấm lòng của các thầy cô, tin và lãnh đạo địa phương. Có lòng tin vào điều tốt thì điều tốt nhất định sẽ đến”.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!