VTV.vn - Truyền thuyết kể rằng mỗi em bé là một món quà mà các bà tiên đã nhờ những chú cò mang đến cho bố mẹ...

GALA "CUỘC SỐNG VẪN TƯƠI ĐẸP 2018: KHÁT VỌNG U Ơ" - KHI NHỮNG CHÚ CÒ MANG EM BÉ ĐẾN MUỘN...

Gala “Cuộc sống vẫn tươi đẹp 2018: Khát vọng ầu ơ” – Khi những chú cò mang em bé đến muộn - Ảnh 1.

(Ảnh: John Lund/Getty Images)

Truyền thuyết kể rằng mỗi em bé là một món quà mà các bà tiên đã nhờ những chú cò mang đến cho bố mẹ. Nếu bố mẹ phải chờ đợi lâu hơn, thì có lẽ bởi vì, ngay cả phép màu cũng cần có chút thời gian…

Đây chính là cách mở đầu của Gala Cuộc sống vẫn tươi đẹp của năm nay – một chương trình nói về những người mang trong mình khát vọng được làm bố mẹ nhưng vì nhiều lý do, mong ước của họ gặp nhiều trở ngại hơn những người khác. Với chủ đề "Khát vọng ầu ơ", Gala Cuộc sống vẫn tươi đẹp 2018 sẽ mang đến nhiều câu chuyện mà qua đó, bạn – nếu đã được làm bố mẹ và có những em bé – sẽ cảm thấy mình may mắn đến nhường nào. Và nếu bạn chưa có được em bé của mình thì sẽ có thêm niềm tin, sự mạnh mẽ để tiếp tục cuộc hành trình. Như gửi gắm từ chính những người làm chương trình, từ chính những nhân vật – phép màu cũng cần chút thời gian.

Theo thống kê của Bộ Y tế, có khoảng 7.7% các cặp vợ chồng ở VN bị vô sinh hiếm muộn, nghĩa là cả nước có tới 1 triệu cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ khó có khả năng có con.

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo: Vô sinh và hiếm muộn là vấn đề lớn thứ 3 của ngành y tế, chỉ đứng sau ung thư và bệnh tim mạch ở thế kỷ 21 và căn bệnh này dần trở nên phổ biến ở các nước Châu Á trong đó có Việt Nam.

Tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ở nam và nữ ngang nhau (40% – 40%), 10% do cả vợ và chồng, còn lại 10% là vô sinh-hiếm muộn không rõ nguyên nhân.

NƯỚC MẮT VÀ NHỮNG KHẮC KHOẢI...

Đến với Gala Cuộc sống vẫn tươi đẹp 2018: Khát vọng ầu ơ khán giả sẽ được lắng nghe những câu chuyện của chính những người trong cuộc - về nỗi đau, về khát khao, về hành trình gian nan của họ để được có con và trở thành bố mẹ. 

Gala “Cuộc sống vẫn tươi đẹp 2018: Khát vọng ầu ơ” – Khi những chú cò mang em bé đến muộn - Ảnh 4.

Anh Lê Đức Du.

Chương trình mở đầu với câu chuyện của Lê Đức Du, 42 tuổi, người Quốc Oai. Anh Du chia sẻ với chương trình về ngày anh nhận được kết quả mình bị vô sinh: "Vì mình ít bệnh tật nên khi đi khám bảo mình vô sinh là mình không tin đâu. Nên đến lúc nhận được kết quả đó thì hoàn toàn sụp đổ... Mình không tin. Nhìn vào kết quả, đánh mắt từ trên xuống dưới, chỉ toàn là số 0".

"Buồn thì đi đôi với tuyệt vọng".

Chị Huyền, vợ anh Du nghẹn ngào: "Cái hôm nhận được kết quả về thì đêm đấy hai vợ chồng ôm nhau khóc. Thực sự lúc đấy rất bế tắc, thực sự không biết lúc đấy mình phải vượt qua như thế nào?".

"Ở quê thì kinh tế eo hẹp, chúng tôi cũng không có tiền" - Anh Du tiếp lời vợ - "Mà bây giờ thấy những cặp đôi đi trước người ta tốn nhiều tiền, lên đến trăm, vài trăm triệu. Chúng tôi ở nông thôn thì nói thật lương được bao nhiêu, làm đến bao giờ mới được mấy trăm triệu để đi chữa? Cũng có lúc nản lắm chứ".

"Mình hầu như bỏ hết các cuộc vui với bạn bè, chỉ vì mình chưa có con. Nhiều lúc chúng nó động đến con cái thì cảm xúc lại ùa về, thậm chí mình khóc ngay tại cuộc vui đó, nên là tôi dần dần bỏ hết".

"Mỗi tối về sớm, trời mưa, hai vợ chồng ngồi thui thủi ăn cơm với nhau. Nghĩ cũng chán".

Gala “Cuộc sống vẫn tươi đẹp 2018: Khát vọng ầu ơ” – Khi những chú cò mang em bé đến muộn - Ảnh 5.

Hay câu chuyện của chị Lan, anh Quỳnh ở Hà Nội - cặp vợ chồng đã có 8 năm đằng đẵng chờ chú cò mang con đến. 

"Tôi nhớ có khoảnh khắc anh hỏi tôi thích con trai hay con gái? Tôi nói tôi muốn có thật nhiều công chúa vây quanh mình. Còn anh nói, nếu là một đội bóng thì sao?" - Chị Lan kể về thời điểm đầu sau khi anh chị kết hôn. Cũng giống như bất kỳ cặp đôi nào, họ mơ ước về những đứa trẻ.

Tuy nhiên, hai năm sau khi cưới là quãng thời gian chị Lan sống chung với que thử thai, que rụng trứng. Trong một lần đi làm xét nghiệm, hai vợ chồng chị Lan được chẩn đoán ở trong trường hợp đặc biệt, rất khó để có con.

"Thật sự tôi thấy rất sợ hãi, lo lắng, bất an. Cảm thấy mọi thứ như đang tuột khỏi tay mình. Mình nghĩ mình không có cơ hội để được làm mẹ. Chồng mình không có cơ hội để làm một người cha" - chị Lan nhớ lại - "Tôi nhìn bất cứ người phụ nữ nào đơn thuần nhất ở ngoài kia cũng thấy ghen tị với họ rất nhiều. Một thứ đơn giản nhất mà bất kể người phụ nữ nào cũng có thể có được là thiên chức làm mẹ thì không có ở tôi".

Gala “Cuộc sống vẫn tươi đẹp 2018: Khát vọng ầu ơ” – Khi những chú cò mang em bé đến muộn - Ảnh 6.

Chị Lan đã nghĩ tới chuyện giải thoát cho chồng khi cảm thấy quá vô vọng trong hành trình được làm mẹ, được có con...

Khi một cánh cửa đóng lại, cũng là lúc cánh cửa khác mở ra. Anh Quỳnh và chị Lan tìm đến phương pháp thụ tinh ống nghiệm IVF với hy vọng sẽ có những đứa con của riêng mình. Cho đến khi trải qua 5 lần thụ tinh thất bại.

"Những giai đoạn đầu tiên chúng tôi còn gắng gượng động viên nhau. Nhưng chúng tôi làm lần 3, lần 4, lần 5, lần 6 vẫn không được. Thì quãng thời gian đó cực kỳ là vô vọng. Không biết đâu là điểm dừng, không biết mình còn phải làm bao nhiêu lần nữa mới có kết quả" - chị Lan nói - "Thời điểm đó, với tình yêu dành cho anh rất nhiều thì tôi đã nói rằng hãy giải thoát cho nhau. Tôi nói: Nếu anh không đủ can đảm nói lời chia tay với em, thì chính em sẽ là người mạnh mẽ, chính em sẽ là người ra đi trước".

"Nhưng mà đó cũng chính là khoảng lặng lớn nhất của hai vợ chồng chúng tôi. Anh tiến lại, anh khóc òa lên, anh ôm chầm lấy tôi và anh nói rằng: Không, mình đang còn yêu nhau, sao có thể như thế này được? Anh không tin chúng ta bất hạnh đến thế này. Chúng ta là người tốt mà, mình hãy cứ cố gắng thôi em ạ" - chị Lan nói tiếp - "Và lúc đấy thì chiếc nhẫn chúng tôi đã vứt đi rồi. Tôi tháo nhẫn của anh và tôi vứt ra ngoài. Và anh nói rằng: Ngày mai mình đi mua đôi nhẫn mới!".

Và rất nhiều những câu chuyện khác được kể...

"Em đã đi làm IVF nhiều lần lắm rồi, từ năm 2013 và lần này là lần thứ 5 rồi. Em hết khoảng 6 – 700 triệu rồi. Nhiều lắm, bằng cái xe đắt tiền rồi...".

"Ở chỗ chị mà nói đi làm cái này thì bị đàm tiếu đấy. Nói đi vào đây kiếm con họ sẽ nghĩ làm cái này là không phải con của mình...".

 "Có nhà hai vợ chồng đi làm thụ tinh trong ống nghiệm, về nhà mẹ chồng không nhận đâu, bảo không phải là con của 2 vợ chồng. Sau này đẻ ra rồi thấy giống bố thì mới nhận cháu...".

PHƯƠNG PHÁP IVF (THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM) - NHỮNG CHÚ CÒ MANG PHÉP MÀU...

Gala “Cuộc sống vẫn tươi đẹp 2018: Khát vọng ầu ơ” – Khi những chú cò mang em bé đến muộn - Ảnh 7.

11h47’ ngày 25/7/1978, 40 năm trước...

Gala “Cuộc sống vẫn tươi đẹp 2018: Khát vọng ầu ơ” – Khi những chú cò mang em bé đến muộn - Ảnh 8.

(Ảnh: www.louisejoybrown.com)

Cô bé ống nghiệm đầu tiên trên thế giới cất tiếng khóc chào đời tại bệnh viện Đa khoa Oldham (Anh). Tên cô bé là Louise Joy Brown. Joy có nghĩa là "niềm vui", bởi các bác sĩ tin rằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm sẽ mang đến niềm vui cho nhiều gia đình trong tương lai. Bố mẹ của Louise Brown, sau 8 năm nỗ lực trong vô vọng, đã quyết định thử vận may nhờ một kỹ thuật hoàn toàn mới lúc đó. Và họ đã toại nguyện.

Louise Joy Brown cũng là em bé đầu tiên trên thế giới được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Sự ra đời của em là một sự kiện y học gây kinh ngạc trên toàn thế giới lúc bấy giờ. 

Sau khi ra đời, Louise Brown đã phải trải qua hàng trăm cuộc xét nghiệm, cho đến khi có kết luận, cô bé hoàn toàn bình thường như bao đứa trẻ khác.

Năm 2010, Tiến sĩ Robert Edwards, cha đẻ của phương pháp thụ tinh ống nghiệm đã được trao giải Nobel y học…

Sau 40 năm, kỹ thuật IVF giờ đây đã trở nên phổ biến và hoàn thiện hơn rất nhiều. Và kể từ thời điểm Joy ra đời cho đến nay, đã có khoảng 5 triệu đứa trẻ ra đời nhờ IVF... Phương pháp này cũng đã đến Việt Nam và năm 2018 đánh dấu chặng đường 20 năm thụ tinh ống nghiệm của Việt Nam. Trong 20 năm ấy, hàng chục ngàn em bé đã ra đời nhờ phép màu IVF.

Có nhiều phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn, trong đó thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là phương pháp hỗ trợ sinh sản tiên tiến nhất giúp các cặp vợ chồng thực hiện ước mơ làm cha mẹ. Đây là phương pháp tạo phôi thai trong phòng lab từ trứng và tinh trùng, sau đó cấy vào tử cung người phụ nữ để làm tổ.

Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm được chỉ định tiến hành với các trường hợp vô cùng khó có thai theo phương pháp tự nhiên: Phụ nữ bị tắc nghẽn ống dẫn trứng, Lạc nội mạc tử cung, Đàn ông không có tinh trùng hoặc tinh trùng rất ít, yếu, dị dạng…

Chi phí thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam khoảng từ 60 đến 80 triệu đồng/chu kỳ. Trung bình một bệnh nhân điều trị phải 2.5 lần mới thành công, chi phí lên tới cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng đáp ứng được quy trình này.

Và với Gala Cuộc sống vẫn tươi đẹp: Khát vọng ầu ơ, khán giả sẽ có cơ hội được gặp gỡ 2 khách mời mà khi nhắc về chặng đường 20 năm thụ tinh ống nghiệm của Việt Nam sẽ không thể không nhắc đến họ. Đó là AHLĐ, Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyên GĐ BV phụ sản Từ Dũ. Bác sĩ Phượng là bác sĩ đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật IVF tại Việt Nam. 

Khách mời thứ 2 là GS - TS - Bác sĩ Nguyễn Viết Tiến, hiện là Thứ trưởng bộ Y tế, Giám đốc trung tâm hỗ trợ sinh sản Quốc Gia. Ông nguyên là GĐ Bệnh viện phụ sản Trung ương.

Gala “Cuộc sống vẫn tươi đẹp 2018: Khát vọng ầu ơ” – Khi những chú cò mang em bé đến muộn - Ảnh 10.

Lưu Tuyết Trân và mẹ. Cô là một trong 3 em bé thụ tinh ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam.

Hai khách mời sẽ chia sẻ những cảm xúc của họ khi phương pháp IVF lần đầu tiên được tiến hành tại Việt Nam, về cảm giác của họ khi những em bé IVF đầu tiên ra đời... Những chia sẻ ấy là gì, hành trình IVF 20 năm ở Việt Nam ra sao, câu chuyện của vợ chồng anh Du, vợ chồng chị Lan và biết bao nhiêu cặp vợ chồng hiếm muộn khác sẽ có hồi kết như thế nào? Những chú cò có kịp mang món quà của các bà tiên đến cho gia đình họ không? Mời các bạn đón xem Gala Cuộc sống vẫn tươi đẹp 2018: Khát vọng ầu ơ  được phát sóng vào 20h ngày 30/12 trên kênh VTV4. 

Chương trình được phát lại vào 1h30, 11h ngày 31/12 và 13h ngày 3/1/2019 trên VTV4. Mời các bạn đón xem!

Bài: N.A
Ảnh: Chương trình cung cấp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước