Trước khi đi đến vòng Chung kết của Đường tới Cầu vồng 2020, Tuyết Ngân, Thành Phong và Hải Sơn đã trải qua những vòng thi đầy cam go. Nhưng chính từ những vòng thi ấy đã giúp họ vượt qua giới hạn bản thân, rèn giũa bản lĩnh, trau dồi kinh nghiệm và hun đúc tinh thần quyết tâm để sẵn sàng cho chặng cuối cùng trong hành trình của mình với Đường tới Cầu vồng.
TOP 3 ĐƯỜNG TỚI CẦU VỒNG
HỌ LÀ AI?
Là nữ thí sinh duy nhất trong Top 4 rồi bước tới Top 3, thí sinh Tuyết Ngân nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả truyền hình. Qua các số phát sóng của chương trình, cô dành được nhiều sự yêu mến của khán giả bởi lối dẫn duyên dáng, giọng nói dễ chịu và thông minh. Tuyết Ngân dù không có lợi thế về ngoại hình như nhiều thí sinh nữ miền Nam khác nhưng lại ghi dấu bằng sự chân thành và gần gũi trong cách dẫn.
Xuất phát điểm của Tuyết Ngân là giáo viên Ngữ văn, một công việc tưởng như không có sự liên quan tới nghề dẫn chương trình - vì đều là nghề nói, nhưng thực tế thì không. Nữ MC tâm sự, cô lựa chọn nghề giáo theo ý của gia đình bởi đó là công việc ổn định, dễ lấy chồng và có môi trường làm việc lành mạnh.
"Làm nghề giáo thì Ngân sẽ cả đời được an nhàn hạnh phúc" - cô bộc bạch - "Chính vì vậy khi tôi nói sẽ theo con đường dẫn chương trình, ba mẹ vì thương con gái nên hết sức lo lắng, sợ thứ gọi là showbiz, nhiều cám dỗ, nhiều thị phi... Nhưng nhờ Đường tới Cầu vồng, ba mẹ đã hiểu hơn con đường tôi theo đuổi. Và bây giờ, tôi có hậu phương vững chắc nhất cuộc đời".
"Trước khi đi thi, không ai nghĩ tôi sẽ vào sâu đến vậy, chính tôi cũng không ngờ" - Tuyết Ngân tâm sự - "Không phải vì tôi quá tệ mà bởi tôi không có những yếu tố phù hợp với mảng truyền hình, như một gương mặt khả ái, một chiều cao lý tưởng hay một giọng nói chinh phục người nghe từ những chữ đầu tiên. Nhưng sau cùng, thật may mắn vì tôi đã thay thế những điều đó bằng sự chân thành và gần gũi".
Ở những vòng đầu, Tuyết Ngân từng nhận được những nhận xét tiêu cực như mắt và ngôn ngữ cơ thể quá hoạt so với truyền hình, cần điều chỉnh lại. Sau 3 tháng đồng hành cùng Đường tới Cầu vồng, Tuyết Ngâm cho hay cô đã tìm thấy một điều đặc biệt, đó là phát hiện những điểm còn thiếu của bản thân để trưởng thành hơn.
"Tôi nghĩ ở Đường tới Cầu vồng, tôi không là thí sinh giỏi nhất, tôi chỉ là thí sinh tiếp thu rất nhanh thôi", Tuyết Ngân tâm sự.
"Sau quá trình thi Đường tới Cầu vồng, sự tự tin của tôi về bản thân giảm xuống, cảm thấy mình có nhiều khuyết điểm hơn, thấy mình có nhiều thứ chưa biết hơn... Nhưng tôi lại rất vui với điều đó. Tôi nghĩ đó là trưởng thành. Thi ở Hà Nội, tôi xa ba mẹ, bạn bè, ít có thời gian về quê hay đi cà phê tán gẫu hơn, phải tự cân đong chi tiêu hợp lý. Nhưng tôi không còn tủi thân mà thấy rất tự hào vì mình đã làm được. Và đó cũng là trưởng thành", Tuyết Ngân nói.
"Tôi cảm thấy sau cuộc thi mới là cuộc chiến thực sự. Sẽ không còn lần nào là thử, sẽ là áp lực thật, tình huống thật, khách mời thật... Có lẽ để vượt qua hết thảy điều đó thì cần tình yêu nghề, tình yêu truyền hình,... Và nếu ta biết mình đang làm công việc thiêng liêng đến chừng nào thì sẽ càng mạnh mẽ chừng ấy".
“Những cơ hội được dẫn các chương trình thể thao đều là những trải nghiệm không thể quên nổi. Có cảm giác như Aladdin đã tìm được cây đèn thần, hay Alice đã đến được xứ sở thần tiên, mỗi lần bước vào trường quay S12 với tôi đều là những trải nghiệm nhiệm màu” - Thành Phong -
Thành Phong có bước ngoặt quan trọng khi bước chân vào cánh cổng đại học
Thành Phong – chàng trai có tình yêu mãnh liệt với thể thao đã tạo nên một điểm cầu đầy thú vị tại trường quay S12 – Bản tin thể thao qua chủ đề "Công việc của sự thích nghi". Từng là cựu chủ nhiệm tại CLB MC sinh viên có tiếng ở trường, là thí sinh duy nhất được đào tạo theo con đường MC chuyên nghiệp từ các bậc tiền bối, Thành Phong có lợi thế lớn. Dù là một trong những thí sinh nhỏ tuổi nhất chương trình nhưng anh chàng lại là đối thủ mạnh khi chưa từng rơi vào top nguy hiểm.
Năm 2016 được Thành Phong nhận định là một dấu mốc quan trọng của cuộc đời, đó là thời điểm anh trúng tuyển Học viện Báo chí và Tuyên truyền, được tiếp xúc với truyền hình và đam mê nó. Một tháng sau khi nhập học, Thành Phong quyết định thử thức với con đường cầm mic một cách nghiêm túc hơn, bằng việc đăng ký thi tuyển vào câu lạc bộ MC nổi tiếng nhất trường – AMC.
"Những gì diễn ra sau đó thì quả thực là lịch sử! AMC chỉ dạy cho tôi các kỹ năng mà những người dẫn chương trình cần có, trao cho tôi cơ hội thực hành kiến thức được học bằng việc dẫn dắt những chương trình có quy mô lớn bậc nhất trường, những sự kiện mang tôi đến gần hơn với khán giả báo chí và đó là cú hích lớn để sau này, tôi được nhiều người biết đến hơn ở ngoài cánh cổng đại học. Nhờ sự cố gắng, cầu thị không ngừng, những cơ hội xuất hiện trên sóng truyền hình cũng đã đến. Tôi vẫn nhớ chương trình đầu tiên của tôi trên sóng truyền hình là trên VTC10 khi mới vào trường được 3 tháng, và lần đầu tiên tôi được lên sóng VTV là 5 tháng sau đó, sớm nhất trong các bạn đồng trang lứa vào câu lạc bộ", Thành Phong kể lại.
"Giờ đây khi đã ra trường, tôi chinh phục Đường tới Cầu vồng để trả lời cho câu hỏi - Liệu mình có nên theo đuổi con đường người dẫn chương trình trong tương lai không?" – Thành Phong nói tiếp – "Chiếc cúp, danh hiệu quán quân, nghe hấp dẫn thật đấy, đã tham gia hành trình này ai mà chẳng muốn chinh phục, nhưng suy cho cùng, câu trả lời cho câu hỏi trên mới là giá trị lớn nhất mà tôi mong muốn nhận được".
Đường tới Cầu vồng mang tới cho Thành Phong tình yêu mới, một tình yêu khác với những người khác. "Không phải một cô gái mà cả những người đàn ông. Không phải một người, mà là rất nhiều người. Đó chính là những thành viên trong ê-kíp sản xuất của Ban Thanh thiếu niên – VTV6. Giờ đây đi vào Đài mà được gặp người của VTV6 là tôi lại rộn ràng, lại cười nói và có cảm giác nơi này thật sự thân thuộc với mình", Thành Phong bộc bạch.
"Tôi vẫn hay nói rằng Ban Thể thao là tình yêu trăm năm, nhưng giờ đây tôi xin lỗi vì đã để người thứ 3 xen vào cuộc tình này, đó là Ban Thanh thiếu niên. Tôi thật sự yêu mọi người rất nhiều".
Nếu như Thành Phong có lối dẫn dắt khéo léo thì người bạn đồng trang lứa Hải Sơn lại gây ấn tượng bởi sự hài hước, duyên dáng. Hải Sơn hiện đang là MC tại nhà hàng Bữa trưa vui vẻ.
Mặc dù bị đánh giá không phù hợp với những chương trình mang tính chất chính luận, nghiêm túc nhưng trong Đường tới Cầu vồng, anh vẫn luôn cố gắng và nỗ lực thay đổi để có thể hoàn thành những thử thách khó. Ở vòng bán kết, tại trường quay S11 – Bản tin Tài chính kinh doanh với chủ để "Công việc của sự nỗ lực", Hải Sơn đã có sự bứt phá mạnh mẽ để ghi tên mình trong Top 3 chung cuộc.
Hải Sơn từng là một cậu sinh viên Học viện Ngân Hàng, từ quê lên Hà Nội và đến với nghề MC để đỡ buồn sau đổ vỡ tình đầu. Thời điểm đó, anh chỉ đơn giản muốn tìm một hoạt động ngoại khoá nên đã nộp đơn tham gia vào CLB MC của trường. Từ đó, đam mê với nghề MC dần hình thành và theo Hải Sơn đến tận bây giờ.
Bỏ qua những khó khăn bước đầu phải vượt qua như giọng địa phương, ngại ngùng, thiếu tự tin, Hải Sơn quyết định tìm kiếm cơ hội bằng việc tham gia 3 cuộc thi cùng về lĩnh vực này và may mắn mình vào được đến vòng chung kết ở cả ba cuộc thi.
"Đó chính là lúc tôi biết mình không lường trước được sức của bản thân khi chỉ trong một tuần mà vừa phải bay vào TP. Hồ Chí Minh thi một cuộc, rồi lại bay ra Hà Nội thi hai cuộc khác. Và cả ba cuộc thi đều không đạt được kết quả như mình mong muốn. Đó là lúc tôi biết đam mê thôi là chưa đủ", Hải Sơn tâm sự.
Tiếp tục thử sức với công việc phóng viên của một báo điện tử, một cậu sinh viên 19 tuổi, lần đầu tiên một mình bay sang Singapore để làm phóng sự, Hải Sơn nhớ như in ngay đêm đầu đã phải ngủ bên vệ đường, để cập nhật tin liên tục vào sáng sớm ngày hôm sau. Mưa lạnh cũng không đủ áo nên phải dải tạm áo mưa để nằm còn ôm cặp giữ ấm. Nhưng lúc đó vẫn rất vui vì được làm công việc mình thích, mà cũng nghĩ bụng "sau này làm còn nhiều cái khổ nữa, này đã là gì".
"Gia đình cũng không khá giả gì nên dù học phí hay sinh hoạt phí hàng ngày, tôi cũng cố gắng tự chu cấp mà không xin mẹ. Thật may là mẹ tôi luôn ủng hộ dù mình không còn theo ngành kinh tế mà mẹ mong muốn", Hải Sơn cho biết.
Hiện tại, Hải Sơn là cộng tác viên dẫn chương trình Bữa trưa vui vẻ do Ban Thanh thiếu niên, Đài THVN thực hiện. Đường tới Cầu vồng được anh xem là cơ hội để trải nghiệm thật nhiều với nghề MC. Nhưng khi đồng hành cùng cuộc thi này, Hải Sơn đã thú nhận – "Đường tới Cầu vồng 2020 quá khắc nghiệt".
"Cả một chặng hành trình từ tháng 6, kỉ niệm đáng nhớ nhất với tôi chắc chắn là tại chương trình Cất cánh do Ban Thanh thiếu niên thực hiện. Đó là lần đầu tiên tôi dám đứng vào một chương trình không phải thế mạnh của bản thân, qua đó muốn khẳng định Hải Sơn không phải chỉ dẫn được giải trí.
Đó có lẽ cũng là khó khăn lớn nhất khi tham gia Đường tới Cầu vồng 2020, trong một khoảng thời gian ngắn, bạn phải ép mình vào quá nhiều thể loại chương trình khác nhau, làm tốt tất cả nhưng vẫn thể hiện được màu sắc riêng, nhiều lúc thi đến tận đêm, trên đường đi về dù mệt nhưng vẫn được đi tiếp, vẫn được nhìn ngắm toà nhà trung tâm VTV, trong lòng cảm thấy tự hào và như được tiếp thêm năng lượng để bước tiếp".
Trận chung kết Đường tới Cầu vồng 2020 sẽ được THTT vào 8h00 ngày 21/11 trên kênh VTV3, đồng thời tường thuật trực tuyến trên Báo Điện tử VTV News. Mời quý vị đón xem!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!