Tại Thư viện Quốc gia Việt Nam - nơi có lịch sử 107 năm, Phòng Bảo quản tài liệu được các cán bộ ở đây gọi là "bệnh viện sách" và nhân viên làm việc ở đó được coi là "bác sĩ" chữa bệnh cho sách. Âm thầm, tỉ mẩn mỗi ngày, các "bác sĩ" đã phục chế, bảo tồn thành công. góp phần lưu giữ lại hàng chục nghìn cuốn sách và tư liệu cổ quý hiếm của quốc gia, cho các thế hệ sau những kho tàng tri thức và giá trị văn hóa của dân tộc.
"Bệnh viện sách" của Thư viện Quốc gia Việt Nam nằm ở một góc yên tĩnh, với vỏn vẹn 7 cán bộ, kỹ thuật viên. Thế nhưng, số lượng "bệnh nhân" của họ không hề ít. Trong năm 2023, đơn vị này đã vệ sinh được 34.596m tài liệu, tu bổ 2,602 tài liệu; phục chế 69.872 trang tài liệu, soạn đóng 3.342 tập báo – tạp chí, đặc biệt trong đó có không ít tài liệu là cổ, quý hiếm hay độc bản ở Việt Nam.
Theo cán bộ của Phòng Bảo quản tài liệu, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, việc tu bổ, phục chế sách đều phải được làm thủ công, máy móc hỗ trợ rất ít. "Việc phục chế sách thường là dựa vào tay nghề, chuyên môn của các kỹ thuật viên nên có đòi hỏi riêng với nghề này. Chúng tôi thường gọi là những "bác sĩ sách", giống như bác sĩ chữa bệnh cứu người, họ rất tỉ mỉ, khéo léo cứu từng trang sách", chị Phạm Thị Kiều Giang – Phó Trưởng phòng Bảo quản tài liệu, Thư viện Quốc gia Việt Nam chia sẻ.
Với các kỹ thuật viên, những tài liệu được ưu tiên cứu chữa là tài liệu quý hiếm, tài liệu có khả năng bị hư hại trong quá trình lưu trữ, tài liệu trải qua thiên tai, hỏa hoạn… Với những sách in hiện đại thì sẽ có bộ phận tu bổ riêng, với cách xử lý nhẹ nhàng hơn như chỉ vệ sinh, đóng lại. Còn ở bộ phận trùng tu sách, kỹ thuật viên phải "chẩn đoán" và lên phương án sửa chữa cho từng cuốn sách, tài liệu. Nhiều tình trạng có thể xảy ra trong quá trình bảo quản như ố, giòn, vỡ, rách… cần được xử lý. Các tài liệu bị hư hỏng nặng có thể sẽ phải xử lý cả về vật lý và hóa học, để giữ được tài liệu ở trạng thái ít bị hư hại hơn.
Những tài liệu hư hỏng đơn giản thì sẽ xử lý rất nhanh, nhưng tài liệu hư hỏng nặng thì cần rất nhiều thời gian, vài tuần, thậm chí vài tháng để xử lý. Trong đó, tài liệu khó trùng tu nhất thường là các bản đồ cổ. Chị Kiều Giang chia sẻ: "Bản đồ không như sách, chỉ có 1 tờ, các nét in bản đồ mảnh, và có dán băng dính, việc bóc lớp băng dính ra rất khó để không mất nét. Một số tài liệu khác cũng khó xử lý như báo in, vì chất lượng giấy in, mực in không đảm bảo cao như in sách. Qua thời gian hàng trăm năm, trong khi các tài liệu giấy dó phục chế dễ vì rất dai và bền thì tài liệu giấy in mục nát, rất khó xử lý".
Đối với công việc phục chế sách, sự tỉ mỉ, cẩn trọng và khéo léo là những đòi hỏi hàng đầu. Kỹ thuật viên phải xem xét đó là loại sách gì, dùng loại giấy nào, chữ in bằng loại mực nào, tình hình hư hại tổng thể ra sao, đánh giá mức độ hư hại của từng trang… sau đó mới lên phương án xử lý, bởi nếu phục chế sai cách có thể khiến mất chữ, mất thông tin. Kỹ thuật viên cũng phải phục hồi về nguyên bản từng trang rồi mới ghép sách lại, đóng bìa theo đúng kiểu cách ban đầu. Ngoài ra, nguyên liệu để phục vụ cho công tác trùng tu cũng khá đắt đỏ do phải nhập khẩu từ nước ngoài, nên khi thao tác càng cần thận trọng.
Cũng chính vì lẽ đó, các "bác sĩ sách" thường có thời gian ngồi làm việc rất dài, thậm chí từ sáng tới chiều chỉ để sửa chữa cho một trang sách. Không chỉ vậy, công việc của họ còn thường xuyên tiếp xúc với bụi, các hóa chất diệt mối mọt cho sách nên sức khỏe bị ảnh hưởng. "Công việc này phải thực sự yêu nghề mới theo được. Kỹ thuật viên sẽ cố gắng tối đa, ít can thiệp nhất khi phục chế sách. Đó cũng là yêu cầu quan trọng của công việc này. Cảm giác sau khi hoàn thành trùng tu một cuốn sách thật tuyệt vời. Đó là lúc mọi người cảm nhận công sức mình bỏ ra được đền đáp, thấy mình là người có ích" – chị Kiều Giang cho biết.
Hiện tại, Việt Nam chưa có trường nào đào tạo về trùng tu, bảo tồn sách. Do đó, các kỹ thuật viên lành nghề ở lĩnh vực này đều được truyền thừa trực tiếp từ thế hệ trước, cầm tay chỉ việc rèn luyện trong thời gian dài. Một tín hiệu đáng mừng là ngày càng có nhiều bạn trẻ yêu thích công việc này, thậm chí ra nước ngoài để theo học những trường lớp đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Điều đó sẽ tạo ra một thế hệ những "bác sĩ sách" có tay nghề cao cho Việt Nam.
Sách dù cổ nhưng không bao giờ cũ. Đây là cách người ta vẫn hay nói về giá trị vượt thời gian của những cuốn sách. Bởi sách không chỉ lưu giữ tri thức mà đó còn là văn hóa, giá trị truyền thống và tinh thần của người Việt. Và với các "bác sĩ sách", bằng sự cống hiến âm thầm và lặng lẽ, họ đã giúp tôn vinh, lan tỏa những giá trị ấy đến thế hệ sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!