Mục tiêu hình thành mạng lưới thư viện hiện đại
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt ra mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại.
Mục tiêu chủ yếu đến năm 2025 là 100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông; 100% thư viện có vai trò quan trọng, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thư viện đại học và thư viện chuyên ngành ở trung ương có trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ trực tuyến; 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập có giá trị đặc biệt của các thư viện có vai trò quan trọng trong quản lý số hóa; 100% số cộng tác viên, những người công tác tại thư viện được đào tạo và đào tạo lại cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại.
Tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, nơi có lịch sử hàng trăm năm tuổi và là "đầu tàu" của ngành thư viện Việt Nam, công tác xây dựng thư viện số đã được triển khai thực hiện từ rất sớm. Năm 2001, Thư viện Quốc gia Việt Nam bắt đầu có phần mềm tích hợp để đưa toàn bộ hoạt động của thư viện phục vụ bạn đọc. Tới năm 2009, Thư viện đã khai trương thư viện điện tử phục vụ độc giả.
Ông Nguyễn Xuân Dũng – Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam
Ông Nguyễn Xuân Dũng – Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam cho biết, năm 2021, Bộ VHTTDL triển khai Quyết định 2175 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của ngành thư viện, trong đó có đề cập đến Thư viện Quốc gia Việt Nam với 2 nhiệm vụ rất quan trọng. Đó là số hóa tài liệu quốc gia và xây dựng mục lục liên hợp quốc gia. Đây là những nhiệm vụ lớn, là căn cứ để Thư viện Quốc gia Việt Nam tiếp tục được đầu tư cải thiện, bứt phá nâng cao năng lực số, xây dựng nền tảng công nghệ có thể tích hợp, xử lý lượng dữ liệu lớn, tạo lập hạ tầng công nghệ, trung tâm dữ liệu dùng chung của ngành thư viện nhằm dễ dàng phân phối, chia sẻ, liên thông với các thư viện trong và ngoài nước. Thư viện quốc gia đã hướng dẫn các địa phương thực hiện theo chuẩn kỹ thuật chung để mô tả thư viện số, tạo siêu dữ liệu phục vụ cho việc tra cứu, khai thác tốt nhất.
Chia sẻ dữ liệu sau số hóa
"Việc có một dữ liệu quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng. Dữ liệu khi được số hóa thì phải làm thế nào để tạo ra mô tả siêu dữ liệu, sau đó khai thác chứ không thể số hóa rồi để đó.Thư viện quốc gia Việt Nam có lượng tài liệu lớn hàng đầu trong cả nước. Nhiệm vụ quan trọng là có thể sẻ chia dùng chung nguồn dữ liệu phong phú đó. Nhưng muốn làm được thì cần một nền tảng công nghệ. Thứ hai là có cơ chế để chia sẻ dữ liệu. Hiện nay, thư viện quốc gia vẫn đang cố gắng xây dựng những đề án để làm được câu chuyện đó", ông Nguyễn Xuân Dũng cho biết.
Theo ông Nguyễn Xuân Dũng, việc số hóa dữ liệu hướng tới xây dựng siêu dữ liệu mục lục liên hợp quốc gia hiện đang gặp một vấn đề khó khăn lớn là bản quyền. Ngoài ra, đối với vấn đề tài liệu xuất bản điện tử của các nhà xuất bản vẫn là khoảng trống còn bỏ ngỏ.
"Có nhiều tài liệu hiện đã được Thư viện Quốc gia Việt Nam số hóa như kho tài liệu Đông Dương, kho tài liệu Hán Nôm…, đưa lên phục vụ miễn phí cho bạn đọc. Nhưng vẫn có nhiều tài liệu vì bản quyền mà chưa thể đưa lên được hệ thống số, điển hình như kho tài liệu luận án tiến sĩ. Trong thời gian tới, Thư viện sẽ đưa nhóm tài liệu này lên nhưng vẫn sẽ cảnh báo là nếu khai thác thì bạn đọc cần liên hệ với tác giả để trích dẫn", ông Nguyễn Xuân Dũng cho hay.
Không chỉ ở Việt Nam, mô hình thư viện số quốc gia còn được quan tâm phát triển ở nhiều nước, với những mục đích khác nhau như bảo tồn di sản tư liệu, tăng cường năng lực tiếp cận nguồn tài nguyên quý hiếm do các cơ quan thông tin, thư viện lưu trữ, sở hữu, phát triển dịch vụ hiện đại theo tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông. Như tại Ấn Độ, thư viện số quốc gia là một sáng kiến của nhiệm vụ giáo dục quốc gia về thông tin và truyền thông, do Bộ Giáo dục Ấn Độ tài trợ. Đây là nền tảng học ảo, không chỉ cho phép tìm kiếm dữ liệu mà còn cung cấp các dịch vụ cho cộng đồng người sử dụng, có thể truy cập thông tin qua 10 ngôn ngữ thông dụng với người Ấn Độ, tiếp cận 88 triệu tư liệu mà thư viện cung cấp.
Song song với số hóa các thư viện truyền thống, thời gian gần đây mô hình thư viện số cộng đồng ngày càng phát triển ở các địa phương. Sự phát triển ở các thư viện địa phương, tư nhân, dòng họ đã khiến việc đọc sách trở nên gần gũi hơn.
Chuyển đối số trong hoạt động thư viện đang mang lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều vấn đề như bản quyền, thiết bị số hóa, nhân lực vận hành, bố trí nguồn ngân sách để tiếp tục đầu tư và nâng cấp thư viện. Để đạt được mục tiêu số hóa ngành thư viện, hướng tới xây dựng mục lục liên hợp quốc gia, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều phía, từ Nhà nước đến cộng đồng.
Thư viện Số lan tỏa văn hóa đọc VTV.vn- Trong thời đại công nghệ thông tin, đọc sách báo qua Internet là xu hướng được lựa chọn khi người dùng có thể đọc sách ở bất cứ đâu và dễ dàng tìm kiếm cuốn sách mình muốn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!