9 tuổi bắt đầu đặt chân lên chiếu chèo, 13 tuổi trúng tuyển vào Nhà hát Chèo Việt Nam, cái tên Ngoan chèo theo NSND Thanh Ngoan từ đó. Từ vai diễn đầu tiên trong Quan âm thị kính đến vai diễn vàng son trong Vợ chồng Cả Dậu, nghệ sĩ Thanh Ngoan đã khiến ngay cả những người thầy của mình cũng phải kính nể vì lối diễn sắc sảo, đa diện, biến hóa, nay là đào cay nghiệt nhưng mai thành đào thương, đa đoan, lấy nước mắt người xem.
Cuộc trò chuyện với NSND Thanh Ngoan diễn ra vào thời điểm gần dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Trong đó, chị chia sẻ về nhiều vai trò khác, bên cạnh một nghệ sĩ hát chèo. Chị nói giờ đây, khi không còn tham gia công tác quản lý trong cơ quan Nhà nước, chị có nhiều thời gian rảnh hơn. Chị dành nó cho công việc giảng dạy, truyền lửa cho những thế hệ nghệ sĩ trẻ, cho cả những chuyến đi khắp nơi trên cả nước để mang giai điệu chèo đến cho công chúng, cho vị trí đạo diễn dàn dựng những vở diễn chất lượng cao. Nhưng có lẽ người nghệ sĩ này không chỉ có vậy…
Cách đây vài tháng, nghệ sĩ Thanh Ngoan chính thức nghỉ hưu tại Nhà hát Chèo Việt Nam. Đây cũng thời điểm chị tham gia nhiều hơn vào môi trường sư phạm với những học trò học nghệ thuật một cách chuyên nghiệp và cả không chuyên. Nữ nghệ sĩ quan niệm, chị đứng trên bục giảng không phải để dạy dỗ mà với vị trí người đi trước, có kinh nghiệm nhiều hơn và mong muốn truyền lại cho thế hệ đi sau.
"Tùy từng đối tượng học sinh mà tôi có cách truyền đạt khác nhau, như dạy nghệ thuật biểu diễn cho lớp học sinh xiếc thì các em còn rất nhỏ nên bản thân phải biết cách soạn bài, truyền tải giúp các em dễ tiếp cận nhất, không thể cứng nhắc bổ giáo trình, hay dạy về sân khấu Chèo cho sinh viên năm nhất phải khác với sinh viên năm cuối… Tôi nghĩ người giảng viên gần gũi, trao đổi và tìm hiểu tâm tư tình cảm của các em để từ đó bài giảng sẽ có hiệu quả hơn", NSND Thanh Ngoan bộc bạch.
Nghệ sĩ Thanh Ngoan tâm sự, học trò thời nay khác thời của chị nhiều. Với sự phát triển của công nghệ, các bạn trẻ có các công cụ hiện đại để tiếp cận với nội dung học. Cũng vì thế, học trò có thể có chút xao nhãng mà không như nhất với việc học tập như thời chị. Người dạy học cũng theo đó mà có những phương pháp giảng dạy khác nhau với từng đối tượng, nhất là trong môi trường có đặc thù riêng như nghệ thuật.
"Học trò luôn nói nghe tiếng cô Ngoan thì nghĩ cô rất nghiêm túc, kỹ tính về nghệ thuật nhưng khi tiếp cận lại thấy phương pháp giảng dạy của cô dễ hiểu. Điều quan trọng nhất là cô khiến học trò cảm thấy gần gũi" – nữ nghệ sĩ cười nói tiếp – "Tôi cũng thấy bản thân rất nghiêm túc nhưng không gò bó các em, bởi giảng đường nghệ thuật không giống với những lĩnh vực khác, cần có cách tiếp cận, trao đổi khác, không chỉ có lý thuyết mà còn phải đưa thực tiễn vào minh họa, từ múa, hát, diễn đến kể chuyện đều từ kinh nghiệm bản thân… Đôi khi cũng hay bị quá giờ của các bạn…".
Học trò của NSND Thanh Ngoan rất đa dạng về lứa tuổi và ngành nghề, không chỉ là những sinh viên nghệ thuật chính quy mà còn có em nhỏ chỉ 9 – 10 tuổi, những cán bộ quản lý ở các đoàn chèo, đơn vị nghệ thuật, hay cả người làm trong môi trường doanh nghiệp yêu nghệ thuật truyền thống. Sau nhiều năm, không ít lứa học trò đi qua, NSND Thanh Ngoan lại có thêm những "tài sản" đáng quý, đó chính là nhiều học trò trở thành ngôi sao sáng trên bầu trời nghệ thuật Việt Nam. Chị kể về những cái tên như tác giả Lê Thế Song, nghệ sĩ Quỳnh Sen (Nhà hát Chèo quân đội), nghệ sĩ Hà Thảo (Nhà hát Chèo Việt Nam), nghệ sĩ Trần Thục Hiền (Nhà hát Chèo Việt Nam), nghệ sĩ Thái Sơn (Nhà hát Chèo Việt Nam)… với niềm tự hào.
"Dù ở lĩnh vực khác hay trong môi trường nghệ thuật, tâm huyết của các thầy cô dành cho học trò đều như nhau" – NSND Thanh Ngoan tâm sự - "Tôi cũng có nhiều bạn bè là giảng viên ở các lĩnh vực khác nên hiểu cách lên lớp của họ có nhiều cái khác với giảng dạy trong môi trường nghệ thuật. Có những thầy cô giảng bài rất hay nhưng để như vậy thì họ phải có kiến thức, kinh nghiệm đời sống".
"Với nghệ thuật, người giảng viên phải minh họa được, không chỉ nói lý thuyết. Môi trường nghệ thuật có đặc trưng riêng. Các thầy cô ở môi trường khác có thể chỉ cần kể chuyện ví dụ nhưng ở đây, chúng tôi không thể thực hành trên giấy được, phải thực hành bằng con người. Nghệ thuật dùng ngay chính con người mình làm phương tiện để thể hiện điều mình muốn nói".
NSND Thanh Ngoan bước chân vào sân khấu chèo chuyên nghiệp từ năm 13 tuổi. Đến nay, chị đã có 43 năm theo nghề và cảm thấy hạnh phúc vì là một trong những người nghệ sĩ được sống trọn đời với nghệ thuật chèo.
"Tôi sinh ra ở Thái Bình. Gia đình tôi sống ở cái nôi chèo, có nhiều anh chị em, cô dì chú bác tham gia công tác nghệ thuật. Vì thế, tôi biết hát chèo từ khi còn rất nhỏ, trưởng thành trong môi trường của chèo" - NSND Thanh Ngoan kể về người thầy đầu tiên của mình - "Người thầy đầu tiên của tôi là mẹ. Bà dạy tôi hát Mẹ ngồi khâu áo cho con khi nghe được trên đài phát thanh buổi trưa".
NSND Thanh Ngoan thời trẻ
"Sau này tôi theo học ở lớp do Nhà hát Chèo Việt Nam mở, đó là năm 1979 - 1983. 13 tuổi tôi lên Hà Nội học hát chèo, hành trang của tôi lúc ấy chẳng có gì cả. Xe cộ thời ấy cũng khó lắm, mẹ phải dậy từ 2h chuẩn bị cho xôi, trứng luộc để đi đường, rồi có người đưa xuống bến xe lúc 3h sáng chờ xe. Cả ngày chỉ có một chuyến xe từ quê lên Hà Nội thôi, nên nếu không bắt được xe thì sẽ rất vất vả" – nữ nghệ sĩ kể tiếp – "Lên tới Hà Nội, tôi ở tập thể của Nhà hát, lớp có 37 học sinh và ít tuổi nhất là tôi. Ngày ấy tôi tồ lắm, toàn là "con thoi" cho các anh chị trêu. Giờ họp lớp toàn trêu các anh chị về việc ấy".
Nghệ sĩ Thanh Ngoan nói chị và các bạn học của mình rất may mắn khi được theo học những nghệ sĩ là cây đa, cây đề trong làng chèo thời đó. Chị kể nhiều cái tên như NSND Tống Năm Ngũ, NSND Minh Lý, NSƯT Lệ Hiền, NSƯT XUân Mai, NSND Bùi Trọng Đang, NSND Mạnh Tuấn, NSND Trần Bảng, NSƯT Thanh Tuyết… và cố gắng để không bỏ sót những người thầy, người cô mà chị rất trân trọng.
"Lớp tôi là lớp cuối cùng được các thầy cô tham gia giảng dạy, sau này các thầy, cô lớn tuổi nên cũng không dạy nữa" – nữ nghệ sĩ tiếp tục – "Vừa bước vào môi trường học chuyên nghiệp lại được các nghệ sĩ gạo cội hướng dẫn, các thầy, cô trở thành tấm gương cho tôi. Mỗi nghệ sĩ gạo cội ấy định hình ở một thể loại vai và tôi đã có cơ hội được học hết những điều đó".
"Các thầy, cô dạy chúng tôi khi đã lớn tuổi nhưng từng câu hát, từng lời dạy đều chau chuốt. Thậm chí, học sinh chúng tôi còn phân biệt được câu này là của thầy này, câu hát kia là của thầy kia. Những vai diễn của từng thầy, cô ra sao đều được phân tích và nhớ như in. Tới hiện tại, những thế hệ học trò giờ lại được thấy lửa nghề trong chính chúng tôi".
"Thời ấy, chúng tôi học nghiêm túc lắm, khác bây giờ. Giờ giấc học cực chuẩn dù trong môi trường nghệ thuật. Cơm có Nhà nước lo nên việc của mình là đúng giờ theo lịch đi học, tập thể dục, đi ngủ theo quy chuẩn của Nhà nước. Khi mẹ dạy ở quê, hát chưa chuẩn thì cũng không ai bắt bẻ mình cả nhưng vào môi trường học chuyên nghiệp thì mọi yếu tố đều được chỉnh lại, từ xướng âm, đài từ cũng phải học lại. Là học sinh ít tuổi nhất lớp nhưng tôi rất chăm chỉ" – NSND Thanh Ngoan chia sẻ - "Một điều nữa là không có những những yếu tố khác như phim ảnh, điện thoại thông minh nên chỉ nhất nhất tập trung vào bài giảng trên lớp, từ học văn hóa đến nghệ thuật. Chính vì thế, thời chúng tôi học phải nhớ, phải ghim vào đầu, không học là thiệt. Tôi cũng phải cảm ơn thời ấy để có tôi ở hiện tại, sau bao nhiêu năm học mà những kiến thức lúc đó vẫn còn nhớ như in".
Nữ nghệ sĩ nhận xét bản thân là người rất nghiêm túc với nghiệp học hành. Còn về nguyên nhân, chị nói; muốn hiểu cốt lõi của việc mình làm thì cần trau dồi kiến thức chuyên nghành, thêm nữa là để chứng minh rằng nghệ sĩ không phải ai đi học cũng chỉ để lấy bằng.
"Cho tới gần đây tôi mới không đi học nâng cao nữa. Trước đây, tôi vẫn phải đi học các lớp về quản lý khi còn công tác tại Nhà hát Chèo Việt Nam. Dù ở bất kỳ lớp nào tôi cũng chọn bàn cuối cùng để ngồi, không bao giờ ngồi bàn đầu. Không phải để dễ trốn học mà chỉ vì không muốn lộ diện. Đi diễn nhiều, trong lớp học kiểu gì cũng có một vài thầy, cô giáo biết mình. Chỉ nhìn thấy cái tên là biết nên dù có ngồi ở xó nào trong lớp cũng bị thầy phát hiện" – chị nói – "Tôi học rất nghiêm túc. Dưới con mắt của nhiều người, nghệ sĩ hay trốn học, học chỉ để lấy bằng chứ không nghiêm túc nên tôi muốn khẳng định không phải nghệ sĩ nào cũng vậy. Cũng nguyên nhân đó mà tôi học tới tận tiến sĩ".
Cống hiến hết mình cho nghệ thuật theo nhiều cách khác nhau, lịch trình làm việc của NSND Thanh Ngoan dù sau khi nghỉ hưu vẫn rất bận rộn. Nữ nghệ sĩ tiết lộ chị có thói quen lên kế hoạch cho mình theo năm.
"Tôi quen là con người của công việc rồi. Nhưng giờ thoải mái hơn là nhận làm gì thì do quyền ở mình, không bị gò bó nữa" - chị nói - "Tôi chẳng có sở thích riêng nào vì tôi chỉ thích làm việc. Đi giảng cho học sinh cũng là thú vui vì được nói chuyện, xả kinh nghiệm cho các em nên đầu óc nhẹ nhàng lắm".
Sau khi nghỉ hữu, bên cạnh công việc, NSND Thanh Ngoan dành thời gian cho gia đình và chính bản thân mình. "Đến lúc nghỉ hưu mà vẫn có sức khỏe để hưởng thụ cuộc sống, lên sân khấu vẫn máu lửa là điều tuyệt vời rồi", chị nói.
"Tôi vẫn dành thời gian cho gia đình. Trước đây khi còn làm Nhà nước thì đầu tắt mặt tối, giờ cháu chơi thì mình không được ở nhà, vẫn phải ở cơ quan. Nhưng giờ trừ lịch diễn xa hay diễn tối, tôi đều dành cho gia đình. Mà không phải lịch diễn nào tôi cũng nhận, cơm áo gạo tiền không quan trọng, đã có hậu phương gánh vác thì mình phải dành thời gian cho gia đình, cho bản thân".
"Ôi không! Tôi còn nhiều việc chưa làm hết!" – chị ngay lập tức nói – "Tôi đã tự xếp thời gian để dành cho gia đình. Giờ tôi đã làm việc ít hơn trước, chọn những thứ mình thích để làm. Những việc tôi đã hứa làm thì sẽ làm, hoặc những kế hoạch trong lộ trình có trước thì tiếp tục. Không ai bắt mình làm việc nhưng tính tôi không phải kiểu nhàn cư, nên không làm nhiều nhưng vẫn duy trì để đảm bảo tâm hồn thoải mái. Làm việc đúng nghề của mình lại giúp ích cho xã hội, vậy tại sao không?"
Sau những chia sẻ về công việc, về cuộc sống hiện tại, NSND Thanh Ngoan khẳng định chị hài lòng với những điều đang có: "Tôi đang rất sung sướng. Cuộc đời không phải bằng mọi cách để đạt được mọi thứ, thành công cũng chỉ đến vậy. Tôi không muốn ép bản thân nữa mà để mình được an nhiên, tự tại, thoải mái. Đến lúc nghỉ hưu mà vẫn có sức khỏe để hưởng thụ cuộc sống, lên sân khấu vẫn máu lửa là điều tuyệt vời rồi".
Cuộc nói chuyện với NSND Thanh Ngoan được khép lại với câu hỏi về kế hoạch trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay. NSND Thanh Ngoan nói chị vẫn có lịch giảng dạy như thường lệ. Tuy không phải là một kế hoạch nghỉ dưỡng hay tụ tập bạn bè như nhiều người nhưng chị vui. Vì dù làm gì, chị vẫn được gắn bó với nghệ thuật, với chèo, không bao giờ buông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!