IPP Grand Harvest Day 2018 tìm giải pháp thúc đẩy phát triển cộng đồng đổi mới sáng tạo bền vững ở Việt Nam

T.K-Thứ sáu, ngày 06/07/2018 18:31 GMT+7

VTV.vn - Sáng kiến, giải pháp thúc đẩy phát triển cộng đồng đổi mới sáng tạo bền vững ở Việt Nam là một trong những chủ đề được thảo luận tại IPP Grand Harvest Day.

Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) - Chương trình hợp tác phát triển giữa hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan do Bộ Ngoại giao Phần Lan và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đồng chủ trì thực hiện - sẽ tổ chức Sự kiện IPP Grand Harvest Day vào ngày 6/7/2018 tại Hà Nội. Đây cũng là một trong các hoạt động có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan.

Các nội dung chính của Sự kiện bao gồm:

1.Tổng kết hoạt động của IPP2 giai đoạn 2014-2018; giới thiệu các sản phẩm hỗ trợ đổi mới sáng tạo của IPP2; trình diễn kết quả các tiểu dự án;

2.Thảo luận chuyên sâu về 03 nội dung: Đào tạo, xây dựng năng lực về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hướng tới nền kinh tế sáng tạo; Đầu tư và tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng trưởng nhanh; Thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững;

3.Diễn đàn mở nhằm chia sẻ thông tin về thực trạng, các thách thức hiện tại và tương lai của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thảo luận các sáng kiến, giải pháp thúc đẩy phát triển cộng đồng đổi mới sáng tạo bền vững ở Việt Nam.

4.Các hoạt động kết nối hợp tác.

Tham dự Sự kiện sẽ có khoảng 250 đại biểu đại diện cho các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, các tiểu dự án, các trường đại học, tổ chức và cá nhân đã và đang tham gia các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo do Chương trình IPP2 tổ chức trong 4 năm qua. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kari Kahiluoto sẽ tham dự và có bài phát biểu đại diện cho hai Bộ chủ trì Chương trình IPP2.

IPP Grand Harvest Day 2018 tìm giải pháp thúc đẩy phát triển cộng đồng đổi mới sáng tạo bền vững ở Việt Nam - Ảnh 2.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu Hội nghị

Tham dự Sự kiện còn có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh - Trưởng ban chỉ đạo Chương trình IPP2 và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, các Sở Khoa học và Công nghệ, các trường đại học đối tác của IPP2. Về phía các khách mời quốc tế, có sự tham dự của đại diện Bộ Ngoại giao Phần Lan, Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam, đại diện một số đại sứ quán và tổ chức quốc tế đã hợp tác và hỗ trợ Chương trình IPP2 trong thời gian qua.

Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) được hai Chính phủ Phần Lan và Việt Nam đồng tài trợ (thông qua Bộ Ngoại giao Phần Lan và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam) với ngân sách 11 triệu Euro và thực hiện trong 4 năm (2014-2018).

IPP2 là chương trình ODA tiên phong thử nghiệm ở Việt Nam mô hình mới trong hỗ trợ xây dựng chính sách, đào tạo và xây dựng năng lực, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lành mạnh, thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp sáng tạo tăng trưởng nhanh, hướng tới nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững ở Việt Nam.

IPP2 đã cung cấp các hỗ trợ tài chính và tư vấn, đào tạo cho 35 dự án khởi nghiệp, dự án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, dự án hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học với mục đích trình diễn để nhân rộng mô hình hỗ trợ khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững ở Việt Nam.

IPP Grand Harvest Day 2018 tìm giải pháp thúc đẩy phát triển cộng đồng đổi mới sáng tạo bền vững ở Việt Nam - Ảnh 3.

Ông Kari Kahiluoto – Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

IPP2 đã đưa các chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm tham gia tư vấn, soạn thảo các chính sách có tác động lớn trong dài hạn như Chương trình 844 Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2015; Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi; Chế định về khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm được lồng ghép vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn nâng cao năng lực cho gần 100 cán bộ hoạch định chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

IPP2 đã thực hiện nhiều hoạt động xây dựng năng lực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo theo tiêu chuẩn quốc tế cho các cá nhân, tổ chức và trường đại học tại Việt Nam. IPP2 đã thiết kế Chương trình đào tạo khung theo chuẩn quốc tế, thử nghiệm đào tạo và cấp chứng chỉ cho 12 chuyên gia tư vấn về khởi nghiệp và hơn 150 giảng viên nguồn về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ 50 trường đại học và tổ chức giáo dục trên toàn quốc. Chương trình đào tạo khung do các chuyên gia quốc tế của IPP2 phát triển dựa trên một số chương trình liên quan đã từng triển khai tại Phần Lan và Hoa Kỳ, với trọng tâm truyền thụ các kiến thức, kỹ năng, công cụ và phương pháp giảng dạy về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Các khóa đào tạo này đã đóng góp quan trọng cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam thông qua việc cung cấp nguồn chuyên gia tư vấn và giảng viên chất lượng cao, góp phần đổi mới tư duy, kiến tạo và lan tỏa văn hóa đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Bên cạnh hoạt động hỗ trợ, xây dựng năng lực cho các giảng viên, IPP2 còn tài trợ cho các dự án của một số trường đại học Việt Nam nhằm thử nghiệm thiết kế các chương trình đào tạo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo phù hợp với nhu cầu của từng trường, khuyến khích sự hợp tác giữa các trường đại học, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong khuôn viên đại học, góp phần thúc đẩy việc đưa chương trình đào tạo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào giảng dạy tại các trường đại học Việt Nam.

IPP Grand Harvest Day 2018 tìm giải pháp thúc đẩy phát triển cộng đồng đổi mới sáng tạo bền vững ở Việt Nam - Ảnh 4.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và ông Kari Kahiluoto đang được giới thiệu về một số kết quả nổi bật của IPP2

IPP2 cũng tổ chức các đoàn cán bộ hoạch định chính sách và doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam tham dự các sự kiện lớn thường niên về khởi nghiệp ở khu vực và thế giới như sự kiện SLUSH Phần Lan (2004, 2015, 2016, 2017), SLUSH Singapore (2017); tài trợ cho các sự kiện lớn của khởi nghiệp trong nước như Techfest, HATCH! Fair, SURF Đà Nẵng, Startup Day, WHISE,..

IPP2 đã tích cực triển khai hoạt động cầu nối cho hợp tác ngoại giao song phương giữa Việt Nam và Phần Lan, làm đầu mối xúc tiến các quan hệ hợp tác cấp cao giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. IPP2 đã và đang triển khai chương trình VMAP (năm 2017) và VMAP+ (2018) nhằm kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ Phần Lan sang tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác Việt Nam, qua đó đào tạo gần 30 chuyên gia Việt Nam đủ năng lực cung cấp dịch vụ tư vấn về đầu tư và thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài. Đây là hoạt động mở đường cho một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, từ viện trợ không hoàn lại chuyển sang hợp tác đối tác đôi bên cùng có lợi.

Thực hiện Chiến lược kết thúc Dự án (Exit Strategy), hướng tới tác động và tính bền vững của Chương trình, IPP2 đã xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm tri thức của Chương trình, đúc rút các bài học kinh nghiệm và thực hành tốt nhất về hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo để chuyển giao cho các đối tác Việt Nam khu vực công và tư như: Công cụ Hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp sáng tạo; Bộ tài liệu về phát triển năng lực đổi mới sáng tạo; 02 tài liệu thảo luận chính sách về cơ chế tài chính cho khởi nghiệp và thúc đẩy vai trò của đại học trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Các hoạt động của IPP2 đã và đang đóng góp tích cực cho việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lành mạnh và bền vững ở Việt Nam.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước