Nợ cước viễn thông: Hàng loạt hộ dân ra Tòa

Thái Bảo - Thắng Hòa-Thứ tư, ngày 27/07/2011 16:45 GMT+7

Hàng loạt chủ thuê bao điện thoại của VNPT Lào Cai đang bị kiện ra Tòa vì nợ cước. Điều đang nói, đây hầu hết là những hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở những xã nghèo nhất trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Chính sách phát triển thuê bao ồ ạt ở khu vực nông thôn miền núi, cộng với những chiêu kích thích nhu cầu sử dụng dịch vụ đắt tiền, đã khiến cho nhiều hộ nghèo lại càng nghèo hơn.

Xã Na Hối, gần trung tâm huyện Bắc Hà đã có lúc số điện thoại cố định trên 100 hộ dân lên đến 50, 60 máy. Nhưng chính những chiếc điện thoại cố định ấy, giờ chỉ còn là thứ đồ chơi cho con trẻ. Không một hộ nào ở đây hiện còn dùng điện thoại bàn của VNPT, do cước phí vượt quá khả năng chi trả của họ.

Gia đình 6 miệng ăn của anh Lù A Dào ngày ngày vẫn trông vào mảnh nương và vườn ngô, khoản tiền hơn 2 triệu đồng cước điện thoại thực sự là một cú sốc lớn đối gia đình anh. Thậm chí, Dào còn không hiểu nổi vì sao tiền gọi điện lại đắt đến thế. Bán ngô, bán gà, bán cả con lợn đang tuổi lớn để trả tiền điện thoại.

Bắc Hà là một trong ba huyện nghèo nhất tỉnh Lào Cai, giữa năm ngoái, tự nhiên hàng trăm hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở đây được mời lắp điện thoại cố định. Những khuyến mãi hấp dẫn, những lời thuyết phục ngọt ngào của nhân viên kinh doanh đã khiến nhiều hộ dân hào hứng lắp đặt. Nhiều người không biết chữ, nhưng vẫn sẵn sàng điểm chỉ vào bản hợp đồng cung ứng dịch vụ. Nhưng tất cả đều không ngờ rằng, chính những bản hợp đồng mà họ không biết đọc, hoặc không thể hiểu lại là căn cứ quan trọng khiến họ bị kiện và nhanh chóng trở thành người thua kiện.

Tráng Seo Phừ, Ma Seo Vảng, Giàng Seo Hòa, Vàng Seo Say, Thào Seo Sớ… những cái tên khác nhau nhưng đều phải hầu Tòa với cùng một tư cách là bị đơn, với cùng một lý do là nợ cước điện thoại. Hộ ít là vài trăm ngàn, hộ nhiều cũng là tiền triệu. Cho đến tận lúc này, lý do vì sao mà tiền cước điện thoại của các hộ đồng bào nghèo lại nhiều đến thế vẫn còn là một bí ẩn. Đồng bào dân tộc gần như không có thói quen giữ thông báo cước điện thoại, trong khi vì một lý do nào đó, Viễn thông Bắc Hà không thể công khai những bản thông báo cước này.

Ông Nguyễn Văn Tiện, Giám đốc Trung tâm Viễn thông Bắc Hà - Simacai cho biết: “Chúng tôi làm đúng quy định của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam và VNPT Lào Cai. Còn người sử dụng dịch vụ người ta có thể hiểu, hay không hiểu, hoặc do cán bộ công nhân viên giới thiệu trình bày cho người ta có thể chưa đầy đủ”.

Chuyện kiện tụng ở Bắc Hà đặt ra câu hỏi về bất cập trong quá trình triển khai dịch vụ viễn thông tại vùng sâu vùng xa. Phát triển theo số lượng mà không tính đến khả năng chi trả và nhu cầu thực sự của đồng bàodân tộc thiểu số không những không đem đến sự tiện lợi cho họ, mà còn khiến người dân khó lại càng thêm khó.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước