Đậm đà món ăn từ cây lá của núi rừng Tây Bắc

Theo VOV-Thứ hai, ngày 19/02/2018 11:01 GMT+7

VTV.vn - Ai có tâm hồn ẩm thực, đừng ngại ngùng khi đến với núi rừng Tây Bắc. Những món ăn từ cây lá trên rừng sẽ để lại ấn tượng khó phai với du khách.

Lạ lẫm món dưa đọt chuối rừng

Muốn có được món nộm dưa chuối rừng, người ta phải cất công leo núi, có khi mất tới cả buổi mới lên tới rừng để tìm kiếm những cây chuối rừng đang độ non.

Để có nguyên liệu chế biến món dưa nõn chuối, khi chặt cây chuối, người ta khéo léo lấy những đọt non. Không phải tất cả thân đọt chuối đều làm được nộm mà chỉ cắt lấy đoạn gốc đến ngang thân cây vì đoạn dưới, lõi vừa ngọt, vừa mềm chứ không chát như ở trên ngọn.

Bởi vậy, nếu chế biến món này cho đông người ăn, chắc chắn người thực hiện sẽ phải kì công tìm kiếm nhiều cây chuối cho cả buổi leo núi.

Đậm đà món ăn từ cây lá của núi rừng Tây Bắc - Ảnh 1.

Nõn chuối rừng được nén dưa trong xô.

Khi mang đọt chuối non về nhà, cần phải bắt tay vào chế biến luôn bởi nếu để lâu, nõn chuối sẽ ngả màu nâu sẫm và sẽ không thể sử dụng được. Nõn chuối non được thái khúc tròn dài chừng hai đốt ngón tay rồi cho vào nước ấm ngâm khoảng 10 phút cho ráo nhựa.


Trước khi làm thành món nộm, nõn chuối rừng phải trải qua công đoạn muối dưa. Khâu này khá đơn giản, chỉ cần vớt nõn chuối ra khỏi nước, để ráo rồi cho vào chậu xóc cùng với muối hạt với độ mặn vừa phải. Sau đó, cho nõn chuối đã ngấm muối vào vại hoặc xô, dùng đá hay vật nặng sạch nén thật chặt lên bề mặt chuối rồi dùng nắp đậy kín.

Dưa nõn chuối để sau một đêm là có vị chua và có thể chế biến được thành món nộm. Sau khi muối dưa, nõn chuối chuyển màu nâu nhạt. Nhưng sau khi được trộn với nước chanh pha lẫn đường, bột ngọt, nõn chuối lại tươi trở lại.

Lúc này, món nộm chuối đã mang một màu sắc trắng ngần, căng mọng nước và có thể thưởng thức. Muốn thêm dư vị, người chế biến không quên rắc thêm ớt tươi và rau mùi tầu thái chỉ lên bề mặt.

Đậm đà món ăn từ cây lá của núi rừng Tây Bắc - Ảnh 2.

Món dưa nộm chuối rừng dân dã và mát ngọt

Món nộm chuối là món ăn dân dã và đậm đà dư vị. Khi thưởng thức, người ăn sẽ cảm nhận được độ giòn lật sật, vị ngọt mát của nõn chuối, vị chua nhẹ của men dưa và nước chanh hòa vào vị thơm của rau thơm, vị cay cay của ớt. Đặc biệt, khi thưởng thức, thực khách có cảm giác như đang ăn món ăn này ngay trên cửa rừng với vị ngon khá tự nhiên.


Ấm lòng với món lá mơ nướng trên than hồng

Muốn có món rau mơ nướng ngon và thơm nức, người chế biến ra vườn nhà chọn loại mơ tam thể, một giống mơ phía dưới lá có màu tím tía, to bản. Loại mơ này mới thơm ngon và bổ dưỡng hơn các loại mơ lông, mơ lá trắng. Chọn hái lấy những lá bánh tẻ, không quá già và không quá non.

Đậm đà món ăn từ cây lá của núi rừng Tây Bắc - Ảnh 3.

Nguyên liệu để chế biến món lá mơ nướng

Nguyên liệu để chế biến món ăn này khá đơn giản, toàn những hương đồng gió nội nơi vườn quê. Ngoài lá mơ hái trên bờ rào là những quả trứng gà ri, một loại trứng nhỏ, thơm ngon nơi đồng quê.


Khi đã đủ nguyên liệu, rau mơ được rửa sạch, thái nhỏ sau đó cho vào bát, đập trứng gà, nêm muối và bột ngọt rồi dùng đũa đảo đều để cho rau mơ, gia vị và trứng gà được hòa quyện.

Để chừng 5 phút cho rau ngấm trứng và gia vị rồi lấy nửa tàu lá chuối nhỏ hơ qua lửa cho lá mềm và dai, lau sạch bề mặt lá để gói mơ. Lá mơ và trứng trộn đều đổ vào giữa lòng tàu lá chuối sau đó gói lá vuông thành bốn góc đều đặn giống như chiếc bánh có hình vuông dẹt.

Để món mơ nướng thành công thì than củi là yếu tố khá quan trọng. Than phải to viên, hồng và cháy rực. Sau khi gói lá mơ xong, dùng nan nướng đặt giữa lòng bếp rồi đặt gói mơ vào chính giữa. Dùng quạt nan quạt đều để than được đỏ đều.

Trong khi nướng, chừng 10 phút lại lật gói mơ trở lại để mơ và trứng được chín đều. Thời gian nướng mơ không dài như nướng thịt hoặc cá. Nướng chừng 20 phút là gói mơ tỏa mùi thơm, bề mặt lá cháy xém là có thể mang ra thưởng thức. Món ăn này thưởng thức ngon nhất khi còn nóng hổi.

Đậm đà món ăn từ cây lá của núi rừng Tây Bắc - Ảnh 4.

Món mơ nướng khoảng chừng 20 phút có thể thưởng thức

Khi bóc gói mơ nướng ra, bên trong có màu trắng xám xen màu đen nhạt. Đó là màu sắc của sự hòa quyện giữa lá mơ và trứng gà. Bề mặt miếng bánh mịn bóng nhờ tiếp xúc với lá chuối. Cả bánh mơ hòa quyện chứ không tả tơi thành miếng nhỏ.


Món lá mơ trộn trứng gà nướng trên bếp than hồng tuy dễ làm, dân dã nhưng dư vị lại đậm đà và khó quên. Thưởng thức miếng lá mơ nướng nóng hổi, người ăn sẽ cảm nhận được vị bùi bùi của lá mơ, vị béo ngậy của trứng gà, vị ngọt thơm của mơ nướng, vị thơm ngai ngái của lá chuối.

Cay cay vị măng riềng

Riềng mọc mầm quanh năm, kể cả mọc tự nhiên trên rừng già hay được trồng trong vườn nhà thì măng riềng vẫn nhú lên đều đặn. Để có món ăn chế từ măng riềng, người dân lặn lội lên rừng già, lách những cây riềng đã già để hái lấy những búp măng riềng non mỡ màng.

Đậm đà món ăn từ cây lá của núi rừng Tây Bắc - Ảnh 5.

Măng riềng sau khi bóc có màu trắng hồng

Theo kinh nghiệm của người dân vùng núi thì măng riềng ngon phải là những búp măng còn non, chưa mọc thành lá, đầu nhọn hoắt, màu phơn phớt hồng, mỗi ngọn măng riềng thường cao từ 20-25cm.


Khi hái măng riềng về, người ta dùng tay bóc tách vỏ bọc bên ngoài để lấy phần đọt non bên trong. Bóc măng riềng phải thật khéo léo để lựa lấy cả phần lõi và phần vỏ non của cây măng. Lõi măng sau khi bóc có màu trắng hồng, có khi lẫn cả phần lá non có màu xanh lơ còn đang cuộn tròn. Khi chế biến, người ta dùng tay bẻ đôi, bẻ ba lõi măng để dễ thưởng thức.

Đậm đà món ăn từ cây lá của núi rừng Tây Bắc - Ảnh 6.

Măng riềng là đặc sản của núi rừng

Măng riềng là gia vị “khoái khẩu” với món cá kho. Muốn chế biến món ăn này, người ta dùng cá mổ sạch, thêm vài quả trám rừng và kẹo đắng cùng với măng riềng để kho lẫn. Kho chừng 2 giờ đồng hồ, cá sẽ nhừ, măng riềng chuyển sang màu nâu nhạt, quắt lại, khi đó có thể mang ra thưởng thức.


Nhờ có măng riềng, nồi cá kho trở nên thơm lạ lùng và đậm đà dư vị. Có vị thơm của cá, vị bùi của trám rừng và lạ miệng bởi mùi vị của măng riềng.

Không quá cay như phần củ, măng riềng khi ăn có độ dai giòn, vị ngọt nhẹ, vị thơm cay nhè nhè. Vì thế, khi thưởng thức món ăn này, đôi khi thực khách lại ăn cho kì hết măng riềng rồi mới ăn cá vì măng riềng vừa lạ lại vừa thơm ngon.

Đậm đà món ăn từ cây lá của núi rừng Tây Bắc - Ảnh 7.

Đậm đà món cá kho măng riềng.

Măng riềng còn được người dân vùng núi chế thành món măng riềng xào thịt lợn hay thịt trâu. Thịt thái mỏng tạo độ cong khi chín, măng riềng bẻ dài chừng ngón tay trỏ, chờ thịt xào gần chín rồi mới cho măng riềng vào xào lẫn. Xào chừng mươi phút có thể mang ra thưởng thức. Măng riềng xào thịt lợn có độ giòn lật sật khó tả, vị cay thanh nhẹ, tạo sự đậm đà cho thịt.


Ngoài ra, người dân miền núi cao còn dùng măng riềng để kết hợp với các loại gia vị khác trên rừng hay trong vườn nhà để chế món lam cá suối. Món ăn này dậy mùi, lạ miệng nhờ những búp măng riềng nõn nà.

Đúng là kỳ diệu khi mỗi loại cây lá của núi rừng lại có thể chế biến được những món ăn vừa lạ lẫm, vừa đậm đà dư vị. Những món ăn ấy chỉ có thể để lại ấn tượng sâu đậm với thực khách khi được chế biến qua bàn tay khéo léo của con người ở những nơi sơn thẳm và cả lòng mến khách của họ.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước