Về Đồng Tháp nhớ nếm thử nem Lai Vung

Theo Dân trí-Thứ hai, ngày 27/02/2017 21:49 GMT+7

Những chiếc nem gói vuông vức làm nên thương hiệu làng nghề Lai Vung. (Ảnh: Dân trí)

VTV.vn - Nghề làm nem xuất hiện nhiều nơi dọc theo chiều dài đất nước nhưng nem chua Lai Vung lại có hương vị rất riêng.

Nhắc tới Đồng Tháp, ngoài những điểm du lịch miệt vườn sông nước hấp dẫn, vùng đất này còn các làng nghề nổi tiếng, trong đó có làng nem Lai Vung với món nem ngon nổi danh. Nghề làm nem xuất hiện nhiều nơi dọc theo chiều dài đất nước nhưng nem chua Lai Vung lại có hương vị rất riêng.

Nem Lai Vung đã đi vào lòng người với những câu quen thuộc:

"Lai Vung là xứ lạ lùng

Nem chua mà ngọt, thơm lừng mà say…"

Miệt vườn sông nước Đồng Tháp không chỉ nổi tiếng với hoa sen, đây còn là nơi sản sinh ra món nem chua có tiếng Lai Vung với hương vị đậm đà, chua dịu, ăn một miếng lại muốn thử miếng thứ 2. Thoạt đầu, người dân Đồng Tháp làm nem với mục đích ăn chơi, nhưng rồi, do chinh phục khẩu vị nhiều người, món nem trở thành đặc sản của xứ sen, khiến ai tới đây cũng phải mua đôi ba chục làm quà.

Suốt dọc chiều dài đất nước không thiếu gì những loại nem chua nổi tiếng, nhưng vì đâu, nem Lai Vung vẫn có chỗ đứng riêng?

Xuôi theo quốc lộ 1A từ Sài Gòn xuống Cần Thơ, qua Mỹ Thuận, du khách thấy dọc bên đường là những quán hàng bán nem. Khác với loại nem của miền bắc hay miền trung, nem Lai Vung gói bằng lá chuối, vuông vắn và buộc thành từng chục. Loại nem gắn liền với địa danh huyện Lai Vung. Sau nhiều năm tháng, món nem tồn tại và có chỗ đứng trong những đặc sản ở Việt Nam.

Bắt nguồn từ trước năm 1975, những chiếc nem đầu tiên do bà Tư Mặn ở ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung, Đồng Tháp, làm ra. Ban đầu, bà Tư chỉ làm nem trong các bữa tiệc địa phương. Bà con thấy ngon liền học nghề rồi đen bán. Không ngờ "món ăn chơi" lại phát triển và nổi tiếng như ngày nay.

Tới làng nghề mới biết món nem đòi hỏi sự công phu thế nào, từ cách chế biến tới bí quyết riêng của từng gia đình. Một chiếc nem ngon phải đủ 8 phần thịt, 2 phần bì. Thịt lợn ngon, đem vào cuối giã nhuyễn, còn da heo thì thái mỏng. Sau đó, người ta sẽ trộn cả thịt, da, tới tiêu ớt và lót lá vông và bên ngoài dùng lá chuối tươi gói từ 3-4 ngày cho lên men.

Ngày nay, hương vị của những chiếc nem Lai Vung có phần đổi khác. Lá vông trở nên thiếu hiếm khiến nhiều hộ gia đình buộc phải thay bằng lá tầm ruột, buộc dây nilong thay lá chuối. Thịt và bì lợn không giã thủ công nữa mà cho vào máy xay nhuyễn. Dù vậy, vị đậm đà thơm ngon của nem không biến đổi là mấy.

Khi thưởng thức, người ta sẽ bỏ phần lá chuối, lộ bên trong phần nem đỏ hồng, nổi đủ vị chua cay mặn ngọt, thêm cái giòn sần sật của bì càng thêm khoái khẩu. Thương hiệu nem Lai Vung ngày nay mang tới kinh tế cho nhiều hộ gia đình có tên tuổi như nem Út Thẳng, nem Năm Thơ, nem Chiến Ngoan, nem Tư Minh…

Có dịp đến Đồng Tháp và ghé thăm làng làm nem, đừng quên bỏ chút thời gian tham quan và thư thái thử vài miếng nem thơm nồng đậm vị để cảm nhận cái hồn của mảnh đất này.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước