Ghé thăm nhà hàng cổ nhất thế giới

Anh Quân (Ban Thời sự)-Thứ tư, ngày 04/05/2016 20:00 GMT+7

VTV.vn - Được khai trương từ năm 1725, nhà hàng Botin được mệnh danh là nhà hàng cổ nhất thế giới.

Tên của nhà hàng này đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm của nhà văn Mỹ nổi tiếng Ernest Hemmingway. Không chỉ là một địa chỉ ẩm thực nổi tiếng, nhà hàng này còn là một địa điểm thu hút khách du lịch mỗi khi đến với đất nước Tây Ban Nha.

Nhìn bên ngoài, nhà hàng Botin giống như bao nhà hàng khác ở thủ đô Madrid nhưng ít ai biết được rằng nhà hàng này đã có lịch sử gần 3 thế kỷ. Ban đầu, nơi này là một quán trọ nhưng đầu bếp người Pháp Jean Botin đã đến đây và biến nó thành nhà hàng phục vụ ẩm thực truyền thống, trong đó có món thịt lợn sữa quay ngon trứ danh hay còn gọi là Cochinillo.

Cochinillo được tẩm ướp bằng húng tây, nguyệt quế, ô liu và tỏi trước khi đưa vào lò nướng. Theo chủ nhà hàng, chiếc lò nướng bằng củi chính là bí quyết để đem lại hương vị đặc trưng cho món ăn và cũng chính chiếc lò nướng đã cho món lợn sữa quay lớp da giòn tan và phần thịt mềm bên trong.

Nhà hàng Botin đã được tổ chức kỷ lục thế giới Guiness công nhận là nhà hàng cổ nhất thế giới. Để đạt được danh hiệu này, nhà hàng phải đạt được 3 tiêu chí: luôn mở cửa từ khi khai trương và không thay tên hay đổi địa điểm. Không chỉ được biết đến vì danh tiếng nhà hàng trứ danh, nơi đây cũng thu hút du khách vì đã xuất hiện trong các tác phẩm của nhà văn người Mỹ Ernest Hemmingway.

Nhà văn Hemingway mê món lợn sữa ở Botin đến mức đã viết trong cuốn Mặt trời vẫn mọc như sau: "Chúng tôi ăn trưa ở tầng trên của Botin. Đó là một trong những nhà hàng tuyệt nhất thế giới. Chúng tôi dùng món lợn sữa quay và rượu rioja alta".

Món ăn ngon phải đi kèm rượu hảo hạng. Vì thế, nhà hàng Botin còn có một hầm rượu mà tuổi thọ của mỗi chai rượu ở đây có thể tính bằng thế kỷ.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước