Đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Khả năng thí sinh "ảo" tăng cao gấp đôi

Minh Đức-Thứ tư, ngày 24/08/2016 14:10 GMT+7

VTV.vn - Nếu thí sinh nộp nguyện vọng vào cả 3 trường trong đợt xét tuyển bổ sung này thì lượng thí sinh trúng tuyển ảo sẽ tăng lên rất nhiều so với kỳ đăng ký xét tuyển đợt trước.

Khác với kỳ đăng ký xét tuyển đợt 1, trong đợt xét tuyển bổ sung từ ngày 21/8, các thí sinh sẽ được đăng ký 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Như vậy có nghĩa mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 6 nguyện vọng. Trước tình hình này, có thể khẳng định quy chế này tuy làm tăng cơ hội cho thí sinh nhưng cũng khiến mức độ trúng tuyển ảo của các trường trong đợt xét tuyển bổ sung tăng cao hơn rất nhiều so với đợt đăng ký xét tuyển trước đó.

Theo thống kê, trong số 396.496 thí sinh đã đăng ký thì mới chỉ có 200.000 thí sinh nộp phiếu chứng nhận kết quả, vậy còn gần 100.000 thí sinh nữa đã đi đâu? Ngoài ra, trong kỳ đăng ký xét tuyển đợt 1, đã có khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển 2 trường 1 lúc, như vậy có nghĩa tỉ lệ trúng tuyển ảo là trên 50% đối với bất cứ trường ĐH nào vì thí sinh chỉ được chọn 1 trường để theo học. Trong đợt ĐKXT bổ sung này, số lượng thí sinh ít đi nhưng số lượng trường công bố xét tuyển bổ sung vẫn còn rất nhiều, dễ thấy việc số lượng thí sinh trúng tuyển ảo tăng cao là điều không thể tránh khỏi.

Đại diện trường Học viện Ngoại giao cho biết: "Việc có thí sinh trúng tuyển ảo là điều không thể tránh được. Vì mỗi thí sinh có thể nộp vào 3 trường cùng một lúc để tăng khả năng đậu, nếu các em lựa chọn 1 trường thì tất nhiên 2 trường còn lại sẽ bị hụt chỉ tiêu".

Kể cả đối với các trường lựa chọn tuyển sinh theo nhóm, nếu thí sinh chỉ nộp đơn xét tuyển vảo 1 hoặc 2 trường trong nhóm mà vẫn nộp đơn vào 1 trường ngoài thì khả năng trúng tuyển ảo vẫn không thể mất được.

Năm nay, nhiều trường top đầu cũng đã phải thông báo xét tuyển bổ sung, điều này khiến nhiều trường Đại học top dưới khá lo lắng. Nếu thí sinh cùng nộp đơn xét tuyển vào hai trường có ngành đào tạo giống nhau thì chắc chắn sẽ ưu tiên lựa chọn trường ĐH có danh tiếng và uy tín hơn. Điều này làm tăng sự lo âu, "thấp thỏm" chờ đợi thí sinh của các trường ĐH. Trong đợt xét tuyển bổ sung này, các trường ĐH uy tín còn ít chỉ tiêu sẽ đưa ra số lượng chỉ tiêu vừa phải bởi đã có sức thu hút thí sinh ngay từ thương hiệu của trường. Nhưng đối với những trường ĐH thiếu nhiều chỉ tiêu, đặc biệt là những trường ngoài công lập có thể họ sẽ công bố số chỉ tiêu cao gấp nhiều lần cho phép để đề phòng thí sinh ảo.

Bà Nguyễn Thị Kim Phung, vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD - ĐT cũng đã nhận định rất khó để giải quyết đồng thời mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu và không được tuyển vượt để thực hiện đúng quy chế, lại phải đảm bảo được chất lượng đào tạo. Nguy cơ "đói thí sinh" cũng diễn ra đối với các trường ĐH top đầu. Những ngành tuyển bổ sung của các trường top đầu thường không phải là ngành "hot" vậy nên cũng khá kén thí sinh. Đặc biệt, đối với những trường hạ điểm chuẩn thấp xuống để thu hút hồ sơ xét tuyển cũng sẽ khiến chất lượng thí sinh bị kéo xuống theo. Vậy nên, các trường có thể sẽ phải đứng trước lựa chọn hoặc chấp nhận không đủ chỉ tiêu hoặc làm mọi cách để thu hút người học, bất chấp việc chất lượng đầu vào không đảm bảo như các năm trước.

Sự thật là tâm lý của các thí sinh đang có chiều hướng thay đổi. Tình trạng thất nghiệp của sinh viên ra trường hiện nay ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ của các thí sinh, vậy nên chắc chắn sẽ có không ít người cân nhắc giữa lựa chọn học nghề hay học Đại học.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước