Đề thi Ngữ văn 2018 có độ phân hóa tốt, “đánh thức được tiềm lực đất nước”

T.K-Thứ hai, ngày 25/06/2018 17:37 GMT+7

VTV.vn - Nhận xét về đề thi Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, các giáo viên cho rằng, đây là đề thi hay, có độ phân hóa rất tốt và “đánh thức được tiềm lực đất nước”.

Sau khi các thí sinh hoàn thành bài thi Ngữ văn tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018, nhiều giáo viên Ngữ văn đều có chung quan điểm khi cho rằng, đề thi bám sát đề thi tham khảo Bộ GD&ĐT đã công bố và kiến thức của học sinh được học tại THPT, đồng thời, đề thi khá hay, có sự phân hóa học sinh giỏi bằng cách dành "đất" cho sự sáng tạo.

Cô giáo Bùi Thu Hằng - Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho hay, phần đọc hiểu đảm bảo các yêu cầu nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. "Nội dung ‘đánh thức tiềm lực đất nước’ gần như xuyên suốt yêu cầu của đề Ngữ văn, trừ câu 2 phần Nghị luận văn học. Đây là vấn đề rất sâu sắc, mới mẻ, với học sinh thì ngay bản thân vấn đề đưa ra với các em đã có tính phân loại. Vấn đề tiềm lực nói ở đây không chỉ chỉ là vật chất như khoáng sản, châu báu, rừng đại ngàn, phù sa… mà còn là vấn đề tiềm lực con người, tiềm lực trí tuệ".

"Tôi ấn tượng với câu hỏi số 4 phần đọc hiểu và câu số 1 phần làm văn, đây là 2 câu hỏi có tính phân hóa rất rõ, đòi hỏi chính kiến, quan điểm học sinh rất rõ ràng, suy nghĩ sâu sắc mới có thể trả lời tốt câu hỏi này.

Cụ thể, câu 4 phần đọc hiểu, trả lời được học sinh cần cắt nghĩa được quan điểm của tác giả, sau đó yêu cầu có tính nâng cao là học sinh phải phân tích xem quan điểm đó có phù hợp thực tiễn không. Đây là yêu cầu mở, học sinh có thể đồng tình, có thể phản biện, hoặc có thể đồng tình kết hợp phản biện. Đây chính là mảnh đất để học sinh phát huy năng lực", cô giáo Bùi Thu Hằng nhận xét.

Cô giáo Bùi Thu Hằng chia sẻ quan điểm: "Cấu trúc đề thi có 3 phần. Phần đọc hiểu có đủ kiến thức nhận thức thông hiểu, vận dụng; bên cạnh đó cũng kiểm tra được khả năng sáng tạo, gắn được văn học với đời sống thực tế. Phần Nghị luận xã hội có mức độ phân hóa cao hơn trước. Câu hỏi về đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân, điểm mới là gắn được đánh thức tiềm lực đất nước với bản thân mỗi người, nâng cao hơn so với cách ra đề trước đây chỉ hỏi về đánh thức tiềm lực đất nước".

Đề thi Ngữ văn 2018 có độ phân hóa tốt, “đánh thức được tiềm lực đất nước” - Ảnh 1.

Nội dung ‘'đánh thức tiềm lực đất nước" gần như xuyên suốt yêu cầu của đề Ngữ văn năm nay.

Chung quan điểm, cô giáo Nguyễn Thị Hiền, tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường THPT chuyên Thái Bình (Thái Bình) cho rằng, đề Ngữ văn năm nay bám rất sát vào hướng dẫn và đề mẫu của Bộ GD&ĐT: "Phần Nghị luận văn học có đưa kiến thức của lớp 11 vào nhưng tỷ lệ không nhiều, trọng tâm kiến thức vẫn là lớp 12. Qua hai hình ảnh đối lập của hai tác phẩm, từ đó đưa ra nhận xét về cách nhìn hiện thực nghĩa là đã kiểm tra được kiến thức văn học sử.

Với các học sinh, do được ôn tập đã theo định hướng này từ khi nhận được đề thi mẫu của Bộ GD-ĐT nên sẽ không bất ngờ, xa lạ với dạng đề này. Các học sinh giỏi có đất để sáng tạo, vì vậy đề phân hóa được các học sinh giỏi".

Trong khi đó, cô giáo Vũ Thị Bình, giáo viên Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) cho rằng, thí sinh sẽ không bị bất ngờ với đề thi Ngữ văn năm nay: "Theo tôi, đây là một đề phân hóa và phân hóa cao hơn so với đề thi năm ngoái. Với đề thi này, học sinh của trường tôi sẽ làm được từ 60-80%, đương nhiên có những em ở mức độ cao hơn nên phổ điểm trung bình sẽ từ 6-8 điểm".

"Cái hay của đề phân loại được học sinh. Ngữ liệu trong phần đọc hiểu cũng là ngữ liệu đánh thức tiềm lực đất nước và đánh thức được ý thức trách nhiệm của mỗi học sinh đối với đất nước. Tùy theo trình độ, khả năng nhận thức của mỗi người để có thể bàn luận theo những hướng khác nhau. Cá nhân tôi rất mong có những vấn đề phân loại tốt, văn học gắn với cuộc sống, hình thành nhân cách cho học trò, có trách nhiệm với bản thân và xã hội", cô giáo Vũ Thị Bình nêu ý kiến.

Đề thi Ngữ văn 2018 có độ phân hóa tốt, “đánh thức được tiềm lực đất nước” - Ảnh 2.

Đè thi Ngữ văn năm 2018 được cho là hay, có tính phân hóa cao.

Thầy giáo Nguyễn Phi Hùng, giáo viên dạy văn trường THPT Anhxtanh, Hà Nội chia sẻ: "Trong những năm gần đây, đề thi Ngữ văn đáp ứng được xu hướng đổi mới thi. Đề thi không mang tính học thuộc mà thiên về kỹ năng làm bài, đòi hỏi tư duy. Đề thi gần gũi, thiết thực với cuộc sống, đây là phần tạo được sự hứng thú cho thí sinh".

Theo thầy Nguyễn Phi Hùng, đây là đề thi mang tính quốc gia nên đã đảm bảo được sự phân hóa tốt, đặc biệt là câu 2, phần II. Đối với câu này, thí sinh cần luyện tập bài bản và chăm chỉ mới có điểm cao. Thầy Nguyễn Phi Hùng dự đoán, phổ điểm sẽ ở xung quanh điểm 6 hoặc từ 5,5- 6,5 điểm.

Đề thi Ngữ văn năm nay bao gồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 12, trong đó, lượng kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 30% và lớp 12 chiếm khoảng 70% trong câu nghị luận văn học. Đề thi gồm có 2 phần: Phần 1 đọc hiểu, chiếm 30% tổng số điểm. Phần 2 làm văn, chiếm 70% tổng số điểm bài thi.

Riêng môn Ngữ văn được chấm theo 2 vòng độc lập Riêng môn Ngữ văn được chấm theo 2 vòng độc lập Thí sinh hào hứng đánh giá đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn Thí sinh hào hứng đánh giá đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2018 Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2018

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước