Tháo gỡ khó khăn nâng cao chất lượng chương trình TH tiếng dân tộc

Đăng bởi Đức Huỳnh 0 Bình luận

10 Tháng 9 2014

Hội nghị truyền hình tiếng dân tộc do Ban Truyền hình tiếng dân tộc, Đài THVN tổ chức với sự tham gia của một số bộ, ngành trung ương, đại diện 41 Đài phát thanh truyền hình địa phương có chương trình truyền hình tiếng dân tộc. Đây là dịp gặp gỡ trao đổi giữa các đài với Đài THVN, các đơn vị có liên quan và giữa các đài với nhau nhằm tìm ra hướng hỗ trợ tích cực hiệu quả nhất với mục tiêu chung nhất là nâng cao chất lượng chương trình truyền hình tiếng dân tộc; mang chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước tới bà con dân tộc.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Hồng Minh, Phó trưởng ban Truyền hình tiếng dân tộc, Đài THVN cho biết, từ khi ra đời đến nay, kênh truyền hình tiếng dân tộc VTV5 đã liên tục tăng thời lượng phát sóng chương trình, tăng số lượng thứ tiếng dân tộc và đến nay thời lượng phát sóng là 24h/ngày, với 28 thứ tiếng dân tộc khác nhau. Có được bước tiến bộ, trưởng thành như ngày hôm nay, kênh VTV5 đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ các bộ ngành: Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ tài chính, Ủy ban Dân tộc; có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đài THVN và sự hợp tác tích cực hiệu quả của các Đài PTTH địa phương trên cả nước.

Dự án “Truyền hình tiếng dân tộc giai đoạn 2011-2015” đã đi gần hết chặng đường với 3 nhiệm vụ quan trọng: Đào tạo, kinh phí hỗ trợ sản xuất và cung cấp thiết bị sản xuất chương trình. Ban TH tiếng dân tộc, Đài THVN là đơn vị đầu mối đã tổ chức thực hiện, hỗ trợ đắc lực các đài địa phương nâng cao hiệu quả sản xuất, đạt được những kết quả nhất định.

Là một đơn vị thuộc Đài THVN, VTV5 có nhiều điều kiện để phát triển, nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên sóng tới đồng bào dân tộc thiểu số nhưng với các đài địa phương các nguồn lực hỗ trợ còn gặp không ít khó khăn.

Trưởng ban Truyền hình tiếng dân tộc, ông Nguyễn Văn Hợp thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, các đài địa phương có chương trình tiếng dân tộc đội ngũ về con người, trang thiết bị máy móc và kinh phí đều thiếu và yếu. Con người chưa được đào tạo, kinh phí hạn hẹp, máy móc lạc hậu cũ kỹ chủ yếu là sản xuất được SD trong khi đó kênh VTV5 đã dần chuyển đổi sang HD.

Từ những kết quả được thụ hưởng từ Dự án “Truyền hình tiếng dân tộc giai đoạn 2011-2015” và căn cứ vào thực tế tại các địa phương, Ban TH tiếng dân tộc dự kiến xây dựng Dự án “Truyền hình tiếng dân tộc giai đoạn 2015-2020” trình Chính phủ phê duyệt.

Kỳ vọng về những chính sách trong Dự án này, đại diện các đài địa phương đều mong muốn sẽ nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ về đào tạo, kinh phí và trang thiết bị để tăng cường năng lực sản xuất, nhằm phục vụ tốt hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế các vùng khó khăn, đảm bảo an ninh quốc phòng đúng như định hướng của Đảng và nhà nước.

Đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cũng đánh giá cao vai trò quan trọng của các chương trình truyền hình dân tộc và cam kết sẽ cùng với Đài THVN, các địa phương thực hiện tốt các mục tiêu mà Dự án đưa ra.

Hội nghị cũng đã dành thời gian trao đổi về phương thức phối hợp trong sản xuất chương trình giữa VTV5 và các đài địa phương, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chương trình chuẩn HD để chuẩn bị cho kênh VTV5 phát sóng HD vào thời gian tới.

Bạn có thắc mắc cần VTV giải đáp, bạn có thông tin cần cung cấp, hoặc chỉ đơn giản là bạn có băn khoăn muốn chia sẻ với chúng tôi, xin sử dụng form dưới đây và gửi nội dung cho Tòa soạn.