Chất lượng nông sản - Rào cản xuất khẩu của Việt Nam

Lan Anh - Mạnh Thắng (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ tư, ngày 16/03/2016 12:57 GMT+7

Nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam bị trả về do chất lượng không đảm bảo.

VTV.vn - Hiện nay, xuất khẩu nông sản và thực phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế còn gặp nhiều khó khăn vì rào cản chất lượng.

Việc các hiệp định thương mại tự do được ký kết mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có ngành thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay việc xuất khẩu nông sản và thực phẩm của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn vì rào cản chất lượng. Làm thế nào để nâng cao giá trị các mặt hàng thực phẩm, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2015, xuất khẩu hồ tiêu đạt 133.000 tấn với 1,26 tỷ USD, giảm 14,4% về khối lượng nhưng tăng 5% về giá trị so với năm 2014. Mặc dù giá hồ tiêu tăng, song không ít DN xuất khẩu lại thường xuyên rơi vào trạng thái thấp thỏm vì sợ hàng bị trả về do không đảm bảo chất lượng.

“Tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm ở nhiều nước cao hơn ở Việt Nam. Hiện nay các nước EU đang áp dụng các biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Có lẽ nông dân Việt Nam cũng không biết rằng họ đã làm sai quy cách”. Marieke Van Der Pijl - Phó Chủ tịch Tiểu ban thực phẩm, Nông nghiệp & Nuôi trồng Thủy sản, Phòng Thương mại châu Âu cho biết.

Tương tự với hồ tiêu, nhiều lô hàng nông thủy sản của Việt Nam cũng bị trả về như tôm, cá tra, rau quả, chè… Trước tình hình đó, vào đầu tuần qua, Hiệp hội các doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức một buổi hội thảo nhằm chia sẻ và thảo luận thêm về vấn đề này.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng cho rằng, tiềm năng xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam nhiều, nhưng vẫn còn gặp rào cản về chất lượng. “Ở Việt Nam, do đặc thù sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, nguy cơ rủi ro về an toàn thực phẩm cũng khó tránh. Vì thế chúng ta cần phát triển rộng hơn các vùng sản phẩm an toàn”.

Ông cũng khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường áp dụng các mô hình như hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát giới hạn, các tiêu chuẩn ISO về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu kỹ hơn yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, vì mỗi nước lại có những quy định khác nhau về tồn dư chất bảo vệ thực phẩm.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước