Đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Nga

Duy Nghĩa - Kiều Oanh (Thời sự - thoisuvtv@vtv.vn)-Thứ hai, ngày 27/10/2014 16:56 GMT+7

Ảnh minh họa

Nga là một thị trường rộng mở về nông sản và Việt Nam lại có thế mạnh về nông sản, nhưng trên thực tế, tỷ trọng xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Nga vẫn chưa cao.

Theo Bộ Công Thương, tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Nga hiện rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 1,5% thị trường này. Trong khi đó, những thị trường khác như Hàn Quốc có tỷ trọng là 6,1%; Mỹ là 23,6%; Nhật Bản 10,7%... như vậy, dường như các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thể khai thác tối đa tiềm năng từ thị trường Nga rộng lớn.

Khảo sát của các đoàn doanh nghiệp Việt tại Nga cho thấy, vẫn còn rất nhiều cơ hội để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này. Một ví dụ điển hình là cà phê. Là thị trường rộng lớn với trên 143 triệu người tiêu dùng, mỗi năm Nga nhập khẩu trung bình hơn nửa tỷ USD cà phê, trong đó Việt Nam là 1 trong 3 nước xuất khẩu chính trên thế giới, chỉ sau Brazil và Indonesia.

Trước năm 2009, trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Nga, nhóm hàng nông sản, thủy sản chiếm tỷ trọng đến 50-60%. Nhưng từ năm 2012 đến nay, tỷ trọng xuất khẩu của nhóm hàng này đã giảm chỉ còn 10-20%.

Bà Phùng Thị Lan Phương, Chuyên gia WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Nga đã gia nhập WTO, tuy nhiên mức thuế trung bình của Nga với hàng hoá nhập khẩu tương đối cao, đặc biệt đối với các sản phẩm nông nghiệp. Việc ký kết FTA với Liên minh hải quan sẽ giúp chúng ta dỡ bỏ hàng rào thuế quan này”.

Tới đây, việc hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ có điều kiện gia tăng thị phần tại đất nước này. Tuy nhiên, việc tiếp cận mạng lưới tiêu thụ, nhất là vào các chuỗi siêu thị lớn tại Nga không phải là điều dễ dàng.

Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hầu như không có đầu mối giao dịch thương mại tập trung, ổn định tại Nga. Còn việc đặt văn phòng đại diện tại Nga cũng yêu cầu những thủ tục pháp lý phức tạp và tốn kém nhiều chi phí. Vì vậy, để có thể tiếp cận sâu rộng vào thị trường này, cách tốt nhất là xây dựng một sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà xuất khẩu Việt Nam với các đơn vị phân phối, tiếp thị tại Nga để đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt.

Với GDP khoảng 1.500 tỷ USD/năm, Liên bang Nga là một trong những đối tác thương mại đầy tiềm năng của Việt Nam. Vấn đề là phải có chiến lược đầu tư bài bản và khẩn trương xúc tiến thương mại những nông sản thế mạnh của Việt Nam.

Về phía Liên bang Nga, họ coi Việt Nam là cửa ngõ để giới doanh nghiệp Nga vào châu Á. Do đó, các thỏa thuận giữa Nga và Việt Nam trong thời gian tới sẽ bao hàm không chỉ thương mại, mà còn cả đầu tư và lĩnh vực dịch vụ.

 

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước