Giá vàng khép lại tháng 7 "rực rỡ" với mức tăng hơn 10%

Ngọc Linh (Tổng hợp)-Thứ bảy, ngày 01/08/2020 16:32 GMT+7

VTV.vn - Trong tháng 7, giá vàng đã có những màn "nhảy múa" ấn tượng với mức tăng giá xô đổ mọi kỷ lục trước đó.

Phiên 31/7, giá vàng thế giới kết thúc tuần giao dịch ở quanh mức cao nhất mọi thời đại khi đồng USD suy yếu và những số liệu kinh tế ảm đạm đã châm ngòi cho làn sóng tìm kiếm sự an toàn của kim loại quý này. Giá vàng trong tháng Bảy cũng ghi nhận mức tăng theo tháng lớn nhất kể từ tháng 2/2016.

Cụ thể, giá vàng giao ngay phiên 31/7 đã tăng 0,6% lên 1.971,83 USD/ounce vào lúc 1 giờ 17 phút (sáng 1/8 theo giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 1% lên 1.985,9 USD/ounce.

Trong sáng nay (1/8), công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,63 triệu đồng/lượng mua vào và 57,93 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 50.000 đồng so với phiên giao dịch trước đó.

Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 56,5 triệu đồng/lượng mua vào và 57,5 triệu đồng/lượng bán ra, không đổi so với chốt phiên hôm qua.

Giá vàng khép lại tháng 7 rực rỡ với mức tăng hơn 10% - Ảnh 1.

Một tuần "thăng hoa của giá vàng"

Có thể nói vàng đã có một tuần "thăng hoa" hiếm có khi hầu như phiên nào giá kim loại quý này cũng có lúc chạm những ngưỡng kỷ lục mới. Nhu cầu trú ẩn an toàn đã thúc đẩy nhà đầu tư tìm tới vàng, trong khi một kênh từng cạnh tranh mạnh mẽ với kim loại quý này là đồng USD lại đang "chìm" xuống.

Đáng chú ý nhất trong tuần này là giá vàng giao ngay đã lập ngưỡng cao nhất trong lịch sử là 1.980,57 USD/ounce vào thứ Ba (28/7), sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất trong khi cam kết sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ phục hồi sau giai đoạn suy thoái do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ngày 30/7 vừa qua, Chính phủ Mỹ công bố số liệu cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới này trong quý II/2020 đã giảm 33%, ghi dấu số liệu kém nhất kể từ năm 1947, chủ yếu do chi tiêu tiêu dùng - chiếm tới 70% nền kinh tế Mỹ - giảm 34%. Trong khi đó, theo Bộ Lao động Mỹ, số lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở nước này trong tuần qua đã lên tới 1,43 triệu người, tuần thứ 19 liên tiếp ghi nhận số liệu này ở trên mức 1 triệu, cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Mỹ.

Giá vàng khép lại tháng 7 rực rỡ với mức tăng hơn 10% - Ảnh 2.

Chính phủ các nước đã tung ra những gói kích thích khổng lồ nhằm hỗ trợ nền kinh tế do sự khủng hoảng đại dịch COVID-19 và môi trường lãi suất thấp đã giúp giá vàng tăng gần 30% từ đầu năm đến nay.

Tình chung trên tuần vừa qua, giá vàng đã tăng 4,7%. Còn trong cả tháng Bảy, giá vàng đã tăng 10,3%. Vàng đã tăng giá gần 30% kể từ đầu năm tới nay nhờ sự thúc đẩy từ môi trường lãi suất thấp trên toàn cầu cùng các biện pháp kích thích từ các ngân hàng trung ương.

Vàng có thể đạt ngưỡng 3.000 USD/ounce trong 18 tháng tới?

Nhà phân tích Connor Campbell tại công ty môi giới đầu tư Spreadex cho biết dù thị trường chứng khoán Mỹ vẫn ghi nhận mức tăng trong tháng Bảy và các "đại gia" công nghệ đều công bố báo cáo kinh doanh đầy khả quan, nhà đầu tư vẫn không cảm thấy thực sự thoải mái. Bằng chứng là đợt tăng giá vừa qua của vàng. Chuyên gia này lưu ý kim loại trú ẩn an toàn này hiện đang tiến gần tới mức 2000 USD/ounce lần đầu tiên, phản ánh sự lo lắng tiềm ẩn của thị trường.

Một số nhà phân tích tin rằng giá vàng có thể sẽ bước vào giai đoạn ổn định sau khi đã trải qua một đợt tăng lịch sử gần đây. Ngoài ra, giá vàng cũng chịu tác động bởi sự sụt giảm của đồng bạc xanh, khi Chỉ số đồng USD – được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – đã rơi xuống mức thấp của hơn hai năm trong tuần này.

Giá vàng khép lại tháng 7 rực rỡ với mức tăng hơn 10% - Ảnh 3.

Thêm một lý do nữa khiến giá vàng tăng giá cao chính là việc nhiều quốc gia cũng tăng lượng dự trữ vàng trong giai đoạn khủng hoảng này. Dịch COVID-19 đã khiến khả năng khai thác vàng thời gian qua giảm mạnh, việc giao vàng cũng đã từng bị gián đoạn. Vì thế khi vàng đã cập các bến giao dịch như New York các nước đều tăng gom mua. Gom vàng trên thị trường hàng hoá với các nước lúc này được ví như việc người dân gom đồ ăn ở siêu thị trong thời kỳ đỉnh dịch.

Chuyên gia cao cấp của trung tâm Circle Squared Alternative Investments Jeffrey Sica nhận định giá vàng có thể lên tới ngưỡng kháng cự gần 2.000 USD/ounce. Trong khi đó, công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường BofA Global Research nhận định với lãi suất chính sách đã ở mức hoặc thậm chí dưới mức 0%, đà hỗ trợ cho giá vàng sẽ đến từ lạm phát tăng cao hơn. BofA Global Research dự kiến vàng có thể đạt ngưỡng 3.000 USD/ounce trong 18 tháng tới.

Theo số liệu mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới, trong số 10 nước có dự trữ vàng nhiều nhất thế giới, Mỹ đứng đầu bảng với 8.133,5 tấn, chiếm 78,9% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia.

Giá vàng châu Á tăng mạnh nhất trong gần 9 năm Giá vàng châu Á tăng mạnh nhất trong gần 9 năm

VTV.vn - Giá vàng tại thị trường châu Á đảo chiều đi lên trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7, ghi nhận tháng tăng tốt nhất kể từ tám năm rưỡi qua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước