Mở cửa lại nền kinh tế hay tiếp tục "bế quan tỏa cảng": Canh bạc của nước Mỹ!

Thùy An - Như Anh-Thứ năm, ngày 14/05/2020 06:36 GMT+7

VTV.vn - Những tranh cãi đang bùng nổ tại nước Mỹ về việc có hay không sớm mở cửa lại nền kinh tế ở thời điểm này.

Hiện tại Mỹ, nhiều bang đã sẵn sàng mở cửa trở lại, trong khi nhiều bang vẫn "bế quan toả cảng". Cuối cùng, sau khi mở cửa, làm thế nào để hàng trăm, hàng nghìn công nhân được đi làm mà không lo làn sóng lây nhiễm mới?

Nhà máy ô tô Tesla bức xúc với chính quyền California

Đầu tuần này, CEO nổi tiếng và tai tiếng của công ty xe điện Tesla Elon Musk - đã đăng một dòng tweet đầy thách thức nhắm tới giới chức bang California, Mỹ.

"Nhà máy Tesla sẽ hoạt động sản xuất trở lại, bất chấp lệnh phong toả của Quận Alameda. Tôi sẽ sát cánh với các công nhân. Nếu có bất kỳ ai bị bắt giữ, tôi đề nghị là chỉ nên bắt giữ tôi thôi", trích Twitter Elon Musk.

Mở cửa lại nền kinh tế hay tiếp tục bế quan tỏa cảng: Canh bạc của nước Mỹ! - Ảnh 1.

Elon Musk thách thức chính quyền California

Elon Musk đã phàn nàn không dứt về việc đóng cửa nhà máy, kể từ khi công ty này công bố kết quả kinh doanh Quý 1 vào cuối tháng 4 vừa rồi. Vị CEO này cho rằng lệnh đóng cửa này là quá hà khắc, và rằng chính phủ đang cướp đi quyền tự do của người lao động.

Mọi việc càng trở nên căng thẳng, khi chính quyền bang California vẫn quyết định kéo dài thời hạn giãn cách xã hội tới cuối tháng 5. Tới lúc đó, bang này cũng chỉ ưu tiên mở cửa những doanh nghiệp thiết yếu, và Tesla không nằm trong danh sách "thiết yếu" này. 

Đáng chú ý tối qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng đàn bênh vực Tesla trên trang Twitter cá nhân.

Mở cửa lại nền kinh tế hay tiếp tục bế quan tỏa cảng: Canh bạc của nước Mỹ! - Ảnh 2.

"California nên cho phép Tesla mở cửa NGAY! Điều này có thể thực hiện một cách nhanh chóng và an toàn mà", ông Trump viết trên Twitter.

Elon Musk cũng cho rằng, công ty này có nhiều kinh nghiệm hơn hẳn giới chức bang trong việc ngăn ngừa và phòng dịch cho người lao động, sau khi nhà máy Tesla ở Thượng Hải cũng vừa trải qua thời kỳ bị phong toả khi Trung Quốc chìm trong dịch. 

Nhưng câu chuyện ở Mỹ có thể lại hoàn toàn khác. Mỹ ghi nhận ca bệnh đầu tiên khá muộn, nhưng chỉ trong vài tháng đã bùng phát với tốc độ kinh hoàng lây lan và trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới.

Các xưởng chế biến thịt đương đầu với COVID-19

Tin tức về dịch COVID-19 tại xưởng chế biến thịt gia cầm Tyson Foods, chi nhánh bang Georgia, lan ra một cách rất chậm chạp.

"Hình như họ đang cố tình giấu diếm," Tara Williams, một công nhân 47 tuổi, nói về cái chết do COVID-19 của người đồng nghiệp Elose Willis. "Phải mất 2 tuần họ mới đăng ảnh lên công bố danh tính người tử vong."

Mở cửa lại nền kinh tế hay tiếp tục bế quan tỏa cảng: Canh bạc của nước Mỹ! - Ảnh 3.

Công nhân xưởng chế biến thịt gia cầm Tyson Foods

Trong khi rất nhiều ngành nghề thực hiện việc giãn cách xã hội, yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà, thì một số xưởng chế biến thực phẩm lớn lại nhận chỉ thị ngược lại của Tổng thống Donald Trump: Phải mở cửa bất chấp dịch bệnh lây lan. 

Tổng thống Trump đã dùng tới đạo luật DPA (Defense Production Act-Bảo vệ sản xuất), vốn là một đạo luật thời chiến tranh, để yêu cầu các công ty, doanh nghiệp mở cửa để đảm bảo nhu cầu an ninh quốc gia. Thậm chí, Nhà Trắng còn cam kết bảo vệ pháp quyền của doanh nghiệp nếu như công nhân bị mắc bệnh.

"Tôi cảm thấy vô cùng tổn thương, và sụp đổ hoàn toàn", Tara Williams nói về đạo luật DPA.

"Phía nhà máy không hề quan tâm đến sức khoẻ của chúng tôi. Chúng tôi phải nghỉ giải lao cùng một lúc. Hàng trăm người dùng chung 7 cái toilet", cô nói thêm.

Với điều kiện làm việc lúc nào cũng tụ tập đông đúc như vậy, ngày 13/4 vừa rồi, một trong những xưởng chế biến thịt lợn lớn nhất nước Mỹ, Smithfield chi nhánh Dakota, cũng phải thông báo đóng cửa sau khi có hơn 800 ca nhiễm. 

Thay vì củng cố các biện pháp phòng tránh cho công nhân, các chi nhánh Smithfield chưa bị đóng cửa lại tăng cường độ làm việc để chạy theo năng suất. Điều này đã khiến các công nhân Smithfield tại bang Missouri phải đâm đơn kiện công ty.

Những biện pháp phòng dịch sau mở cửa

Quay trở lại những tranh cãi giữa CEO Tesla Elon Musk và giới chức bang California: Elon Musk đã đe doạ nếu chính quyền địa phương không cho phép Tesla mở cửa, thì ông này sẽ cân nhắc di dời nhà máy tới bang Texas hay Nevada "ngay lập tức." Đó là vì các bang Texas và Nevada có chính sách nới lỏng hơn với các nhà máy.

Mở cửa lại nền kinh tế hay tiếp tục bế quan tỏa cảng: Canh bạc của nước Mỹ! - Ảnh 4.

Những biện pháp phòng dịch sau mở cửa đang được các nhà máy tại Mỹ thực hiện

Bình luận về vấn đề này, bà Deborah Weinswig, CEO của Coresight Research đã nói: "Chúng ta có 50 bang cư xử như thể họ là 50 quốc gia khác nhau vậy." Tuy nhiên, mặc dù khác nhau về thời hạn mở cửa nền kinh tế, nhưng mẫu số chung là các nhà máy trên khắp nước Mỹ đều đang nỗ lực có các biện pháp phòng dịch ngay tại nơi làm việc. Sử dụng những tấm chắn, bình xịt khuẩn, hay việc yêu cầu công nhân giãn cách nhau khi làm việc đều đã được triển khai.

Nước Mỹ sẽ 'đau đớn và chết chóc' nếu mở cửa lại kinh tế quá sớm Nước Mỹ sẽ "đau đớn và chết chóc" nếu mở cửa lại kinh tế quá sớm

VTV.vn - Đây là cảnh báo được đưa ra bởi tiến sỹ Anthony S. Fauci, chuyên gia y tế thuộc lực lượng đặc nhiệm chống dịch COVID-19 của Nhà Trắng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước