Ổn định tỷ giá góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 25/07/2022 21:02 GMT+7

VTV.vn - Theo nhận định của các tổ chức và báo chí quốc tế, trong ASEAN, tiền đồng Việt Nam có mức biến động tỷ giá ít nhất so với đồng USD.

Mức biến động tỷ giá hiện nay khoảng 2% so với cuối năm ngoái được đánh giá là phù hợp với diễn biến trong và ngoài nước, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Tại Công ty TNHH Nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam, những thấu kính sản xuất được dùng cho các hãng máy ảnh, máy quay tại Nhật Bản. Từ đầu năm đến nay, lượng hàng doanh nghiệp này đã xuất khẩu khoảng 7 triệu USD. Việc sử dụng đồng USD để thanh toán giúp doanh nghiệp hạn chế thua thiệt khi hàng loạt đồng tiền biến động mạnh.

"Nếu tính chung cả giá trị nhập khẩu nguyên liệu thì chúng tôi giao dịch khoảng 10 triệu USD từ đầu năm đến nay. Chúng tôi hầu như không phải bận tâm đến tỷ giá. Đặc biệt sự ổn định của tỷ giá giữa USD và tiền đồng Việt Nam giúp doanh nghiệp tự tin triển khai những kế hoạch còn lại trong tương lai", ông Ogawa Toshihiro - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam cho biết.

Nhu cầu ngoại tệ đến nay đã tăng gần 40% so với năm ngoái nhờ kinh tế phục hồi. Việc Ngân hàng Nhà nước chuyển sang mua bán ngoại tệ giao ngay, thay vì mua bán theo kỳ hạn, đã giúp điều tiết cung cầu.

Đồng USD đã tăng giá đến 10% so với đầu năm, đẩy nhiều đồng tiền khác giảm sâu. Giảm mạnh nhất là Yên Nhật bản khoảng 20%, tiếp theo là Euro rơi 12% về mức ngang giá so với USD. Nhiều đồng tiền khác như Bảng Anh, Bath Thái Lan, Won Hàn Quốc cũng đồng loạt giảm hơn 10%. Trong khi đó biến động của đồng Việt Nam chỉ khoảng hơn 2%. Mặc dù vậy áp lực tỷ giá vẫn còn rất lớn. Các doanh nghiệp vẫn cần thận trọng và có biện pháp chủ động ứng phó với rủi ro.

"Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp như như thay đổi địa điểm nhập khẩu các linh kiện hoặc thay đổi nơi sản xuất để cân đối chi phí theo tình hình thực tế", ông Ogami Noriyoshi - Phó Tổng Giám đốc Daikin Việt Nam cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Mùi - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, các công cụ phòng chống rủi ro tỷ giá như công cụ quyền chọn - thường được gọi là bảo hiểm tỷ giá. Hay là công cụ hợp đồng tương lai, thanh toán ở tương lai hay trong kỳ hạn với tỷ giá đã được ấn định ở thời điểm ký. Các doanh nghiệp Việt Nam ở một chừng mực nhất định sử dụng các công ngừa rủi ro tỷ giá vẫn còn mới.

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào hơn 14 tỷ USD trong nửa đầu năm nay cũng góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ để can thiệp khi cần thiết. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tỷ giá USD/VND sẽ biến động trong mức hợp lý khoảng 2,5%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước