Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Ảnh: VA

Mở đầu, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng về Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 với tổng kinh phí hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2008-2015 đã tiêu hết 5.000 tỷ đồng nhưng nhiều mục tiêu chưa đạt như mong muốn. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Đề án không đạt mục tiêu. Theo Bộ trưởng có nhiều nguyên nhân, trước hết dạy và học ngoại ngữ là vấn đề lớn cần phải có thời gian và chi phí rất lớn. Khi xây dựng Đề án, Bộ rất cố gắng đưa ra một lộ trình với quyết tâm cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, gặp nhiều vấn đề về thời gian, về kinh phí... Với trách nhiệm Bộ trưởng, chúng tôi nhận trách nhiệm khi xây dựng Đề án phải thiết thực, khả thi, bám sát thực hiện.

Đưa ra giải pháp căn cơ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, gần đây, Bộ GD&ĐT cho rà soát để điều chỉnh về cách tiếp cận. Đề án Ngoại ngữ 2020 không phải chịu trách nhiệm đào tạo ngoại ngữ cho tất cả đối tượng vì như thế không khả thi. Chương trình nội dung phải thống nhất, biên soạn hệ thống, trong đó tính hội nhập quốc tế chứ không phải biên soạn theo năng lực các thầy các cô. Bên cạnh đó, tập trung đào tạo cho giáo viên, vì trước đây khâu này chưa chuẩn bị kỹ nên khi thực hiện gặp khó khăn.

Phương thức để tổ chức giảng dạy không nhất thiết phải có bằng cấp mà ai cũng có quyền và được hưởng thành quả hội nhập, được học. Do đó, phương thức được thiết kế phù hợp, đặc biệt nhấn mạnh xã hội hoá, là tâm điểm tạo ra môi trường, động lực học ngoại ngữ.

Với cách tiếp cận đó đã điều chỉnh lại và sắp tới trình Chính phủ. Cũng cần thấy rằng giai đoạn đầu thực hiện đề án đã đạt được nhiều kết quả.

“Kinh nghiệm của Malaysia và Singapore từ khi độc lập, họ đã có một nền ngoại ngữ tương đối tốt nhưng khi đạt được trình độ tiếng Anh trung bình phải mất 38 năm. Do đó, phải có thời gian” – Bộ trường giải bày – “Tới đây, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Nội vụ và nhóm cán bộ có điều kiện phát triển, phải cho học thêm, tránh tình trạng mua bán chứng chỉ. Một khi có lộ trình và đúng nhóm đối tượng thì sẽ khả thi”.

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đặt câu hỏi, tính đến nay có hơn 191.000 sinh viên ra trường không có việc làm, gây lãng phí cho dân, cho nước? Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu khi xảy ra tình trạng trên và giải pháp thời gian tới? Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời: Không phải sinh viên nào ra trường cũng có việc làm, ngay Đại học Harvad cũng vậy. Phải có một thời gian, phải đào tạo bổ sung mới thích ứng với điều kiện công việc, chứ không phải đào tạo lại. Nội dung kiến thức trong trường học rất quan trọng để sinh viên ra trường không phải mất thời gian nếu phải đào tạo lại.

Bộ trưởng cho hay, theo thống kê các trường ĐH thì mỗi năm có khoảng 80% sinh viên ra trường có việc làm. Tuy nhiên, nhìn kỹ vào số sinh viên có việc làm ngay hoặc thất nghiệp ngắn hạn rơi vào các trường đại học tốp trên, là những trường có bề dày, có kinh nghiệm. Còn phần lớn sinh viên chưa có việc làm hoặc thất nghiệp lâu rơi vào những trường ĐH có điều kiện đảm bảo yếu, phần lớn mới thành lập. Đây là vấn đề đặt ra. 

“Bộ GD&ĐT nhận thức được vấn đề này và đang cố gắng, tới đây sẽ làm rất mạnh điều chỉnh mạng lưới các trường đại học, áp dụng các chuẩn đảm bảo điều kiện trường để làm sao những trường mới mở, điều kiện yếu kém được hỗ trợ theo hướng hoặc thành phân hiệu; hoặc thành một trường thành viên của trường ĐH lớn. Ví dụ như trường ĐH ở An Giang là trường địa phương, sắp tới Bộ sẽ có hướng dẫn để trở thành trường phân hiệu hoặc một trường thành viên của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh để nâng cao  chất lượng. Một số tỉnh như Lào Cai không nâng cấp các trường trung cấp, cao đẳng thành đại học. Lãnh đạo tỉnh lập phân hiệu trước sau đó phát triển lên” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra giải pháp.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT quy hoạch lại mạng lưới và hình thành nhóm các trường chất lượng. Đối với ĐH tập trung ở trung ương hoặc ở các vùng miền, không nên mở ở địa phương vì quy mô quá nhỏ, chất lượng không đảm bảo.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng có nhiều giải pháp khác như hiện các trường sư phạm thừa thiếu cục bộ rất nhiều, số sinh viên sư phạm ra trường theo thống kê khoảng 70.000 em mỗi năm. Căn cứ vào nhu cầu của giáo viên từng bậc học thì Bộ rà soát lại, áp dụng chuẩn và có đào tạo bổ sung để cố gắng làm sao sử dụng số giáo viên hiện có theo chuẩn để không lãng phí, để tạo điều kiện có được việc làm đúng nghề học./. 

 Phối hợp tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng 1 triệu doanh nghiệp khởi nghiệp

Liên quan đến đào tạo gắn với nhu cầu lao động, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận là Bộ GD&ĐT đã có làm việc nhưng thời lượng và giải pháp để phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với các bộ đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa được nhiều. Đây cũng là khuyết điểm.

Bộ trưởng cho hay, hiện có những ngành thừa rất nhiều, ví dụ như khối xã hội, nhân văn, kinh tế thậm chí ngay cả luật sư thừa rất nhiều. Trong khi có những ngành rất cần về kỹ thuật công nghệ, y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng lại rất thiếu. Bản thân trong một trường cũng đã bất cập về cơ cấu nguồn nhân lực. Tới đây, Bộ đã làm việc với một số bộ trưởng và các địa phương. Đặc biệt, chúng tôi làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn các các hiệp hội, ví dụ như VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), để chúng tôi chỉ đạo các trường phải phối hợp với người tuyển dụng để nắm bắt được nhu cầu, từ đó xây dựng cơ cấu tuyển sinh vào doanh nghiệp.

"Hiện Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã có một quyết tâm đến năm 2020 cố gắng 1 triệu doanh nghiệp khởi nghiệp. Chúng tôi sẽ bám rất sát vào việc này để tạo nguồn nhân lực cho 1 triệu doanh nghiệp này. Cố gắng làm sao cùng với doanh nghiệp khởi hành ngay từ đầu, để đào tạo được những nguồn nhân lực, từ nghề cho đến đại học chứ không phải chỉ có kỹ sư. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ làm việc rất kỹ với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng thống nhất, phối hợp với nhau để làm sao cùng thống nhất các chương trình liên thông đào tạo, tạo ra một thị trường lao động linh hoạt” – Bộ trưởng nói.

 

Mỹ Anh