"Tem giấy" xuất hiện tại một số quán hàng xung quanh khu vực trường học ở TP Hồ Chí Minh

 và có nguy cơ lan rộng ra cả nước(Ảnh chỉ mang tính minh họa: VA)



Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc xuất hiện một loại ma túy dạng miếng giấy, có tên gọi là “tem giấy” hay “bùa lưỡi”, được tập trung bày bán ở một số quán hàng khu vực trường học tại TP Hồ Chí Minh và có nguy cơ lan rộng ra các tỉnh, thành trong cả nước.

Giá của các miếng “tem giấy” này rất rẻ, chỉ khoảng 20.000 đồng một miếng, trong khi giá các loại ma túy đá lên đến mấy trăm nghìn, đến tiền triệu. Hơn nữa, cách sử dụng "tem giấy" rất đơn giản: Chỉ cần liếm như dán giấy trên lưỡi. "Tem giấy" có nhiều hình thù kỳ quái, ngộ nghĩnh, màu sắc sặc sỡ nên trẻ em háo hức và dễ dàng tiếp cận.

Theo Đại tá Trần Như Nhận - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, qua nghiên cứu xác định loại ma túy “tem giấy” thực chất là LSD (chất ma túy nằm trong Danh mục I, Nghị định 82/2013/NĐ-CP của Chính phủ). Đây là chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội. 

LSD được tẩm trên các miếng dán giấy giống hình tem thư với các loại hình thù ngộ nghĩnh, đa dạng. LSD là loại chất ma túy có tác dụng kích thích thần kinh cực mạnh, chỉ cần một lượng rất nhỏ cũng làm cho người dùng có cảm giác thất thường, hoang tưởng, rối loạn vị giác, gây ảo giác. Mỗi miếng giấy tẩm LSD thông thường có kích thước 1,5cm x 1,5cm. “Tem giấy” được gắn một lớp nilon mỏng có khả năng tan trong nước và chất cồn. Nó có tác dụng trực tiếp đến cơ thể người sử dụng thông qua cơ quan vị giác là lưỡi.

Đại tá Trần Như Nhận cũng cho hay, đối tượng sử dụng tập trung vào thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần tăng cường giáo dục cho con về tác hại và cách nhận biết các loại ma túy, trong đó có ma túy “tem giấy”; phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất gây nghiện, chất hướng thần, ma túy "tem giấy", không để loại ma túy nguy hiểm này đầu độc giới trẻ.

Việc phụ huynh tăng cường giáo dục cho con em mình về tác hại và cách nhận biết các loại ma túy là hành động cần thiết. Thế nhưng, nếu chỉ có phụ huynh “xắn tay” thì ... chưa đủ, chưa  thể bảo vệ an toàn cho con mình trước những cám dỗ, hiểm họa rình rập nơi... cổng trường.

Đến thời điểm này, tại các bệnh viện, các khoa tâm thần ở Hà Nội chưa có trường hợp nào nhập viện vì loại ma túy này (TP. Hồ Chí Minh đã có). Tuy nhiên, không nói trước được điều gì vì việc ma túy “tem giấy” phát tán ra Hà Nội và các địa phương khác là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu không ngăn chặn kịp thời.

Mặc dù vẫn chưa phát hiện một trường hợp nào xảy ra ở Hà Nội, thế nhưng, chị Nguyễn Phương Thảo (45 tuổi) ở phường Kim Liên, Đống Đa (Hà Nội) vẫn tỏ ra lo lắng khi nghe nói đến loại ma túy này: “Con tôi đang học lớp 9. Lứa tuổi mới lớn, tò mò, thích khám phá. Nếu chẳng may gặp phải bạn bè hay đối tượng xấu dụ dỗ do chưa nhận thức hết tác hại thì không biết hậu quả sẽ ra sao. Chỉ mong nhà trường, lực lượng Công an cùng tích cực vào cuộc để ngăn chặn sớm tình trạng này trước khi lan rộng”.

Nỗi lo của chị Phương Thảo cũng là nỗi lo chung của rất nhiều phụ huynh, đặc biệt ở các thành phố lớn. Với lứa tuổi dậy thì, thích trải nghiệm cuộc đời, nếu không ngăn chặn kịp thời thì chính những miếng tem dán trên miếng bìa rất dễ qua mặt cơ quan chức năng. Chỉ một chiếc cặp học sinh đã có thể cất giấu hàng chục tấm bìa như thế, nên rất khó kiểm soát.

Một chuyên gia tâm lý cho rằng, để tránh những sự việc đáng tiếc, đau lòng có thể xảy ra, cha mẹ, thầy cô giáo cần chủ động giáo dục trẻ về những hậu quả khôn lường, kỹ năng nhận biết loại ma túy này. Nhà trường nên đưa vấn đề ma túy thành bài học cho học sinh, vừa có tác dụng giáo dục kỹ năng sống, vừa là nhắc nhở các em đề phòng và biết cách tự bảo vệ chính mình. Đồng thời, phụ huynh cần quan tâm sát sao tới con mình, nhất là các cháu ở độ tuổi 13-16. Đây là lứa tuổi được coi là “nguy cơ” cao. Cần chú ý khi con em mình có những thay đổi tâm sinh lý, biểu hiện bất thường, sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Nhằm ngăn chặn nguy hại trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, địa phương liên quan kịp thời triển khai các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả đối với hiện tượng này; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/10/2016.

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an các địa phương tăng cường quản lý địa bàn, đặc biệt khu vực xung quanh trường học; xử lý nghiêm các trường hợp quảng bá, mua bán, dụ dỗ, lôi kéo học sinh, sinh viên sử dụng ma túy.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho học sinh, sinh viên và phụ huynh về tác hại, cách nhận biết các loại ma túy, đặc biệt là chất LSD; phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất gây nghiện, chất hướng thần trong trường học; kiểm tra, đánh giá và hướng dẫn công tác phòng ngừa ma túy trong trường học ở một số địa bàn trọng điểm.

Tại Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường tổ chức khám sức khỏe đầu năm cho học sinh, kết hợp kiểm tra, xét nghiệm sử dụng ma túy ngẫu nhiên và xét nghiệm đột xuất khi cần thiết đối với những học sinh có biểu hiện nghi vấn sử dụng ma túy trái phép.

Bên cạnh đó, Sở đề nghị các trường học cần chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương kiểm tra, theo dõi, giải tỏa các hàng quán, người bán hàng rong, các tụ điểm có biểu hiện phức tạp, liên quan đến ma túy ở các khu vực xung quanh trường học.

Với sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tin rằng ma túy “tem giấy” sẽ được ngăn chặn một cách kịp thời, đảm bảo môi trường sống và học tập an toàn cho học sinh./.

Mỹ Anh