Hiện nay, ung thư cổ tử cung được coi là một vấn đề cần quan tâm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe công cộng, là một căn bệnh đã và đang đe dọa tới đời sống và tình trạng sức khỏe của phụ nữ nói riêng và toàn bộ dân số nói chung. Trên phạm vi toàn thế giới, ung thư cổ tử cung đứng hàng thứ ba trong các căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, tính tới năm 2030, trên phạm vi toàn cầu, số ca tử vong do ung thư cổ tử cung sẽ lên tới 443.000 trường hợp. Con số này cao gấp đôi con số ước tính về tỷ lệ tử vong do các biến chứng liên quan tới sản khoa. Trên phạm vi toàn cầu, ước tính các chi phí hàng năm liên quan tới ung thư cổ tử cung sẽ tăng từ 2,7 tỷ đô la Mỹ năm 2010 lên 4,7 tỷ đô la Mỹ năm 2030.

 

Hội thảo phổ biến Kế hoạch hành động Quốc gia về dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn 2016 - 2025. Ảnh: ĐT

Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là một trong những nguyên nhân gây tử vong do ung thư thường gặp nhất. Năm 2012, ở Việt Nam có gần 6.200 phụ nữ được chẩn đoán mắc mới ung thư cổ tử cung và đã có trên 2.400 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung mỗi năm.

Tại Hội thảo, GS.TS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia về dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn 2016 - 2025. Kế hoạch đưa ra những phương hướng, giải pháp và hoạt động chính để thực hiện có hiệu quả việc phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư cổ tử cung tại Việt Nam.

Ứng phó quốc gia toàn diện với ung thư cổ tử cung bao gồm dự phòng, sàng lọc và điều trị. Vắc xin HPV là yếu tố quan trọng trong công tác dự phòng ung thư cổ tử cung. Các bằng chứng cho thấy, phần lớn ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa một cách triệt để và việc tiêm phòng vắc xin HPV cho trẻ em gái ở độ tuổi 12 sẽ giúp ngăn ngừa 690.000 ca nhiễm ung thư cổ tử cung và ngăn ngừa được 420.000 ca tử vong trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo chú trọng vào việc tiêm vắc xin HPV cho các em gái từ 9 đến 13 tuổi.

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc chia sẻ: Phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư cổ tử cung (UTCTC) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cứu mạng sống của người phụ nữ và cải thiện sức khỏe của họ một cách toàn diện. Ngoài ra, việc phát hiện và điều trị sớm UTCTC còn có những quan hệ tích cực tới việc thực hiện các mục tiêu về xóa đói giảm nghèo, giáo dục và bình đẳng giới. UTCTC thường xuất hiện ở phụ nữ tại lứa tuổi tương đối trẻ và tỉ lệ tử vong tăng dần khi phụ nữ bước vào lứa tuổi 40.

"Tử vong ở độ tuổi này khiến người phụ nữ mất đi nhiều năm tháng trong cuộc đời, đồng thời gây ra những tổn thất nặng nề cho gia đình, cộng đồng và toàn bộ nền kinh tế. Rất nhiều người trong số những phụ nữ tử vong do căn bệnh này là những người có vai trò trụ cột trong gia đình hoặc là những người có trách nhiệm trông nom chăm sóc người khác. Vì thế khi họ không còn nữa, gia đình của họ sẽ phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề về tài chính và tình cảm. Thu nhập trong gia đình giảm sẽ khiến trẻ em, nhất là trẻ em gái phải bỏ học để phụ giúp gia đình, điều này tạo ra vòng đói nghèo và sự bất bình đẳng dai dẳng từ thế hệ này sang thế hệ khác"- bà Astrid Bant nói.

Bà Astrid Bant nhấn mạnh: Tất cả phụ nữ đều có quyền được sàng lọc UTCTC. UNFPA và các đối tác phát triển cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp Việt Nam tạo dựng môi trường thuận lợi cho việc xây dựng các chính sách và luật pháp trong đó tôn trọng và đảm bảo quyền cho mọi người dân.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ, thảo luận các nội dung: thực trạng ung thư cổ tử cung tại Việt Nam, Kế hoạch hành động Quốc gia về dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn 2016 – 2025; dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương: bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; cách tiếp cận hiệu quả của Việt Nam trong việc dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung./.

Đỗ Thoa