Quang cảnh hội nghị. Ảnh PE

Theo đó, thời gian qua, toàn tỉnh có hơn 16.800 học sinh nghèo, dân tộc thiểu số (DTTS) ở 40 trường tiểu học thuộc vùng đặc biệt khó khăn tham gia thực hiện chương trình SEQAP, với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh thông qua hỗ trợ chuyển đổi mô hình dạy học 1 buổi/ngày sang dạy học 2 buổi/ngày; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, sửa chữa nhỏ ở các trường học; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên…

Nhờ chương trình này, học sinh ở các trường tiểu học vùng khó khăn có thêm thời gian học tập, được củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng các môn học và có bữa ăn dinh dưỡng bán trú tại trường.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường thuộc chương trình có thêm cơ hội bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ; tiếp cận phương pháp giáo dục mới lấy học sinh làm trung tâm.

Các trường còn được hỗ trợ nguồn lực xây dựng, sửa chữa nhỏ các hạng mục công trình giáo dục; trang thiết bị giảng dạy, học tập; tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp; tổ chức bữa ăn trưa; bố trí giờ sinh hoạt, học tập hợp lý với các em tại trường và rèn luyện cho các em có kỹ năng sống…

Qua đó, chất lượng giáo dục học sinh vùng đặc biệt khó khăn đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể, học sinh tiểu học thuộc các trường tham gia chương trình có học lực đạt khá giỏi và trung bình tăng từ 94,8% lên 95,1% (năm học 2010 – 2011 so với 2014 – 2015); học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học tăng từ 98% lên 99,3%.

Hội nghị đã thống nhất đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen cho 2 tập thể và 4 cá nhân ở các trường học trên địa bàn tỉnh Kom Tum đã tham gia chương trình có nhiều thành tích đóng góp trong thời gian qua./.

Tin, ảnh: Nguyễn Phi Em