Cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép tại An Giang. Ảnh: ENV

Tình trạng nhập lậu ĐVHD gia tăng

Theo khảo sát gần đây của ENV , tình trạng nhập lậu ĐVHD tại các cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD ở Việt Nam, việc chủ cơ sở  lợi dụng kẽ hở của pháp luật và cơ chế quản lý lỏng lẻo để kiếm lời bất chính là những hiện tượng phổ biến.

Kết quả khảo sát của ENV tại 26 cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD tại Việt Nam cho thấy: 26/26 cơ sở gây nuôi được khảo sát có các dấu hiệu nhập lậu ĐVHD, 16/26 chủ cơ sở gây nuôi cho biết cơ sở của họ đã nhập lậu ĐVHD, 18/18 chủ cơ sở gây nuôi cho biết họ mua ĐVHD không kèm giấy phép vận chuyển; 14/14 chủ cơ sở gây nuôi cho biết họ bán ĐVHD không kèm giấy phép vận chuyển.

Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm ĐVHD có khả năng gia tăng sau khi các sản phẩm nuôi nhốt được phép lưu thông trên thị trường.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng từ tháng 1-8/2016, nhiều vụ việc về buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép đã bị bắt và xử lý từ đầu năm đến nay. Cụ thể, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày 18/1/2016, sau khi nhận được thông tin từ một du khách  qua  đường  dây  nóng  của  ENV,  Đội  quản  lý  thị trường tỉnh đã kiểm tra và tịch thu 09 tiêu bản rùa biển được bày bán tại một cửa hàng đồ lưu niệm. Chủ cửa hàng đã bị xử phạt 5 triệu đồng. Ngày 3/6/2016, sau khi nhận được thông tin từ cán bộ Quỹ bảo  vệ  thiên  nhiên  quốc  tế  (WWF)  về  trường  hợp  nuôi nhốt một số cá thể vích tại một nhà hàng ở  thành  phố  Vũng Tàu,  ENV  ngay  lập  tức  chuyển  giao thông tin cho Chi cục quản lý nguồn lợi Thủy sản tình Bà Rịa - Vũng Tàu. Cơ quan này sau đó đã tịch thu và thả về biển 03 cá thể vích.

Tại Bắc Giang, ngày 21/5/2016, Công an tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh, đã bắt giữ một chiếc xe bán tải vận chuyển 553 kg ngà voi tại Yên Lãng. Số ngà voi này (107 khúc) được giấu trong 17 bao tải. Theo thông tin ban đầu, đối tượng đang trên đường vận chuyển ngà voi cho một người đàn ông ở Lạng Sơn

Tại Bình Dương, tháng 12/2014, ENV nhận được thông tin từ người dân về một đối tượng có hành vi quảng cáo bán ĐVHD trên mạng xã hội như:  cu  li, mèo  rừng,  khỉ và  nhiều  loài ĐVHD khác. Vào thời điểm đó, đối tượng đang kinh doanh ĐVHD tại Hồ Chí Minh. ENV đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT) – Công an thành phố Hồ Chí Minh tiến hành bắt giữ đối tượng, tịch thu 01 cá thể khỉ đuôi lợn và 01 cá thể mèo rừng. Tuy nhiên, sau đó, đối tượng vẫn tiếp tục buôn bán trái phép ĐVHD tại tỉnh Bình Dương. Ngày  4/1/2016,  đối tượng đã bị bắt giữ với tang vật là 02 cá thể cu li. Cơ quan chức năng hiện đang hoàn thiện hồ sơ khởi tố đối tượng  theo quy định pháp luật.

Không chỉ dừng ở hình thức trên, các cơ quan thực thi pháp luật cho rằng, tính chất nghiêm trọng của việc sử dụng internet  như  thị  trường  buôn  bán,  tiêu  thụ  ĐVHD,  cũng như sự cần thiết phải theo dõi, xử lý triệt để loại hình tội phạm mới mẻ này. Cuối năm 2015, một đối tượng khác cũng  bị  bắt  trong  một  vụ  việc  tương  tự  xảy  ra  tại  Bình Dương. Sau khi nhận được thông báo về một đối tượng thường xuyên buôn bán cu li bằng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội. ENV đã ngay lập tức chuyển giao đến cơ quan chức  năng địa phương. Đối tượng này và kẻ cung cấp ĐVHD cho đối tượng ngay sau đó đã bị bắt giữ.

Cần có giải pháp bảo tồn

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, việc cho phép gây nuôi và buôn bán các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm trên thị trường sẽ cản trở những nỗ  lực  bảo  tồn  các  loài  này  trong  tự  nhiên.  Các nỗ lực bảo tồn luôn hướng tới mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học vì một xã hội phát triển bền vững. Trong khi đó, gây nuôi thương mại là hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận. Để có được lợi nhuận, các chủ cơ sở gây nuôi phải lựa chọn những loài có đặc tính sinh sản và sinh trưởng tốt trong môi trường nuôi nhốt để đem lại lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất ít chủ cơ sở gây nuôi am hiểu về các loài được gây nuôi hay chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cần thiết để gây dựng một cơ sở gây nuôi và buôn bán hợp pháp ĐVHD. Tình trạng giao phối cận huyết và lai tạp nguồn gen diễn ra phổ biến do các cơ sở thiếu kiến thức và cơ sở vật chất cần  thiết. Chính vì vậy, các cá thể ĐVHD được sinh ra tại các cơ sở gây nuôi ở Việt Nam không có giá trị bảo tồn. Nếu được thả về tự nhiên, chúng sẽ khó sống sót do mất bản năng sinh tồn để tồn tại trong tự nhiên. Hiện nay, hầu hết các cơ sở gây nuôi ĐVHD, đặc biệt là các cơ sở có quy mô lớn, thường tối đa hóa lợi nhuận bằng cách nhập lậu toàn bộ hoặc thường xuyên bổ sung đàn giống bằng nguồn ĐVHD săn bắt trái phép từ tự nhiên.    

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cũng cho rằng, các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm phải được bảo vệ tuyệt đối và không cho phép gây nuôi thương mại dưới bất kỳ hình thức nào. Số lượng cá thể của các loài này trong tự nhiên còn lại rất ít; do đó chỉ riêng hoạt động khai thác để nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu cũng có thể khiến các loài này bị tuyệt chủng trong tự nhiên.

Hơn nữa, hoạt động gây nuôi nhằm mục đích bảo tồn các loài ĐVHD  nguy  cấp,  quý,  hiếm  chỉ  được  thực  hiện  bởi các chuyên gia và nhà khoa học tại cơ sở nghiên cứu hoặc theo dự án bảo tồn do Nhà nước quản lý. Các cơ sở bảo tồn này không được phép kinh doanh thương mại ĐVHD nguy  cấp,  quý,  hiếm cũng như  bộ  phận, dẫn xuất của chúng dưới bất kỳ hình thức nào.

Nhằm hạn chế vấn nạn trên, các nhà bảo tồn cũng cho rằng, cần có sự khuyến  cáo  mạnh mẽ đến người  dân  không  nên  mua hoặc  nuôi  nhốt  ĐVHD  làm  cảnh  bởi  hành  vi  này  không những là vi phạm pháp luật mà còn tiếp tay cho nạn săn bắt ĐVHD trái phép trong tự nhiên để đáp ứng nhu cầu thị trường../.

Bích Liên