Đại biểu hai nước Việt Nam và Liên bang Nga tham dự Hội nghị (Ảnh: Khánh Lan)

 

Tham dự Hội nghị có: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov; bà Natalia Valerievna Shafinskaia, Quyền Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Việt Nam; ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT Việt Nam); Viện sĩ Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nga, Chủ tịch Hiệp hội những người tốt nghiệp các trường đại học Nga cùng đại diện một số trường Đại học của Việt Nam và đại diện một số trường Đại học hàng đầu của Nga.

“Ngày cựu sinh viên thống nhất” là Chương trình nhằm phát triển và tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, khoa học, giáo dục và kinh doanh thông qua lực lượng cựu học viên Việt Nam đã tốt nghiệp các trường đại học ở Nga (Liên Xô) thời gian qua. Bên cạnh đó, giới thiệu các chương trình giáo dục của các trường đại học của Nga tới các trường đại học của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin V.Vnukov cho biết: Số lượng người Việt Nam đã tốt nghiệp các trường đại học của Nga (Liên Xô) hiện lên đến hàng trăm nghìn người, đóng góp vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam. Mặc dù số lượng học viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Nga là khá lớn, nhưng Chính phủ Nga vẫn mong muốn tăng thêm số lượng người Việt học tại Nga. Hàng năm, Chính phủ Liên bang Nga đều gia tăng số lượng học bổng miễn phí dành cho công dân Việt Nam. Nhiều trường đại học của Nga cũng có chủ trương kết nối trực tiếp với các cơ sở giáo dục của Việt Nam.

Đại sứ Konstantin V. Vnukov kỳ vọng, Chương trình trở thành một sân chơi hiệu quả, nâng cao tính hấp dẫn, thu hút của nền giáo dục Nga tại Việt Nam, đưa sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước lên một tầm cao mới.

Theo bà Natalia Valerievna Shafinskaia, Quyền Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, Chương trình “Ngày cựu sinh viên thống nhất” diễn ra từ ngày 7 - 12/11 với sự tham dự của các trường đại học hàng đầu của Nga như: Trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga, Trường Đại học Công nghệ nghiên cứu Quốc gia Sắt và Luyện kim, Trường Đại học Nông nghiệp Quốc gia Nga (Học viện Nông nghiệp Matxcơva), Trường Đại học Sư phạm Matxcơva và Trường Đại học Nghiên cứu Kinh tế cao cấp” (Thành phố Saint Petersburg).

Thay mặt lãnh đạo Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ Giáo dục và Đào tạo), bà Nguyễn Thị Thư, Trưởng phòng Lưu học sinh hoan nghênh và đánh giá cao việc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tổ chức Hội nghị bàn tròn với chủ đề “ Tăng cường quan hệ giữa các trường đại học Nga và học viên tốt nghiệp nhằm mục đích phổ biến nền giáo dục Nga ở Việt Nam”.

Bà Nguyễn Thị Thư cho biết, với chức năng quản lý nhà nước về đào tạo với nước ngoài và thực hiện các dịch vụ công trong lĩnh vực đào tạo với nước ngoài, Cục Đào tạo với nước ngoài đặc biệt chú ý đến hợp tác giáo dục với Liên bang Nga trên hai phương diện chính là hoạt động đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật cho Việt Nam và phát triển việc dạy tiếng Nga tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như tiếng Việt tại Liên bang Nga. Hằng năm, Việt Nam nhận được số lượng lớn chỉ tiêu để cử người đi học ở tất cả các trình độ: Đại học, sau đại học và thực tập sinh tại các cơ sở giáo dục đại học của Liên bang Nga. Năm 2015 có 795 chỉ tiêu; năm 2016: 855 chỉ tiêu; dự kiến năm 2017 là 925 chỉ tiêu, và đến năm 2018, theo lộ trình tăng số chỉ tiêu học bổng cho Việt Nam, số lượng chỉ tiêu sẽ đạt tới con số 1000. Trong số hàng ngàn lưu học sinh đã tốt nghiệp, có rất nhiều người đang làm việc và đảm nhận những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước của Việt Nam.

Hiện tại, Việt Nam có hơn 2000 lưu học sinh đang nghiên cứu, học tập tại Liên bang Nga. Đây chính là nguồn bổ sung quý báu cho đội ngũ trí thức, cán bộ kỹ thuật có trình độ cao của Việt Nam. Đây cũng chính là cầu nối, góp phần củng cố, duy trì và phát triển mối quan hệ tốt đẹp truyền thống giữa Liên bang Nga và Việt Nam và là những nhân tố tích cực trong hoạt động phổ biến nền giáo dục Nga tại Việt Nam. “Việc tăng cường quan hệ giữa các trường đại học Nga với học viên tốt nghiệp là hoạt động rất thiết thực cần được quan tâm và có những biện pháp hữu hiệu để thực hiện. Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ hoạt động đó trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình”, bà Nguyễn Thị Thư nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Chương trình, các đơn vị đào tạo hai nước đã liên tiếp có các hoạt động thúc đẩy trao đổi, hợp tác lĩnh vực giáo dục như: Giới thiệu các chương trình giáo dục của Nga với Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Trường Trung học phổ thông Vinschool, Trường song ngữ quốc tế Hanoi Academy, Trường Trung học phổ thông thuộc Đại sứ quán Nga tại Việt Nam; tổ chức giờ dạy mẫu tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; trao đổi khả năng ký kết thỏa thuận hợp tác khung với các trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tổ chức các buổi Seminar của Trường Đại học nghiên cứu Kinh tế cao cấp (Thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga)./.

Khánh Lan