Đạo diễn Phan Duy Linh: "Người ta hay nhầm lẫn khái niệm biên tập - đạo diễn..."

-Thứ năm, ngày 27/09/2012 08:00 GMT+7

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khẳng định tên tuổi trong giới truyền hình khi bộ phim tài liệu “Những chiến binh chống tắc đường” do anh làm đạo diễn được phát lần đầu tiên trên kênh Discovery, nhưng ít ai biết đến công việc chủ yếu của Phan Duy Linh là đạo diễn các chương trình talkshow... Anh chia sẻ những quan điểm về nghề đạo diễn chương trình – một khái niệm còn khá mở trong truyền hình hiện đại.

PV: Là một trong 4 người Việt Nam đầu tiên có phim tài liệu phát sóng trên kênh truyền hình nổi tiếng thế giới Discovery, hẳn đó là một trải nghiệm khó quên trong sự nghiệp truyền hình của anh. Phan Duy Linh của thời điểm đó và công việc hiện tại có gì khác biệt?

Đạo diễn Phan Duy Linh: Sau dự án này, tôi lại trở lại với công việc hàng ngày là đạo diễn các phim tài liệu và các talkshow truyền hình trong chuyên mục Rubic 8 phát trên sóng VTV3 và mới đây là chương trình Trà Chanh, phát trên kênh VTV6. Rubic 8 vốn là một chương trình được thay đổi từ Văn nghệ Chủ Nhật ngày xưa và tôi gắn bó với nó tính ra cũng được 10 năm tròn.

PV: 10 năm gắn bó với truyền hình khi mà tuổi đời anh vẫn đang được xếp vào hàng đạo diễn trẻ (Phan Duy Linh sinh năm 1980), vậy tuổi tác có gây điều gì khó khăn cho anh khi làm công tác đạo diễn chương trình, một việc đòi hỏi sự uy tín của một người chững chạc?

Đạo diễn Phan Duy Linh: Sòng phẳng mà nói thì thời kỳ đầu việc là một đạo diễn trẻ cũng gây một chút trở ngại cho tôi trong quá trình tác nghiệp. Cũng khó có thể bắt ai đó thực hiện mệnh lệnh của một người mà tuổi tác kém hơn mình, đó cũng có thể do đặc tính của người Việt Nam thiên về duy tình hơn duy lý hay họ thường để cảm nghĩ chủ quan của mình áp đặt lên công việc...

PV: Được làm việc với một cường độ cao, chuyên nghiệp trong việc sản xuất một chương trình truyền hình với dự án Discovery, chắc hẳn điều đó cũng ảnh hưởng phần nào đến phong cách làm việc hàng ngày của anh là một đạo diễn chương trình?

Đạo diễn Phan Duy Linh: Rất nhiều là đằng khác. Đã từ lâu tôi rất trăn trở về định nghĩa nghề nghiệp của những người làm truyền hình chúng ta hiện nay.

‘ PV: Tôi thiết tưởng khái niệm định nghĩa về điều gì đó thì luôn có sẵn trong các sách giảng dậy ở trường đại học, tại sao anh lại còn trăn trở?

Đạo diễn Phan Duy Linh: Tôi trăn trở về những người mang chức danh biên tập. Nếu bạn là một người sản xuất ra một chương trình truyền hình, người ta hỏi tôi làm gì? Tôi sẽ nói tôi là biên tập viên truyền hình. Trong nhiều năm trước, người chịu trách nhiệm trong việc sản xuất một chương trình truyền hình vẫn được gọi với chức danh "biên tập". Thế nhưng, chức danh "biên tập" là một cách gọi trừu tượng và dễ gây nhầm lẫn.

PV: Anh có thể giải thích cụ thể hơn?

Đạo diễn Phan Duy Linh: Cụ thể, biên tập nếu trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình thì có thể hiểu là người chịu trách nhiệm chỉnh sửa kịch bản phim. Biên tập nếu trong ngành báo viết thì là người chỉnh sửa bài do các phóng viên gửi về. Biên tập trong tiếng Anh là editor, từ này có thể được hiểu theo cả nghĩa người dựng phim, hoặc dựng các chương trình truyền hình.

Còn ở truyền hình Việt Nam thì biên tập viên cũng mang cả nghĩa bao hàm về những người chỉnh sửa và cắt dựng lại những tin tức mà phóng viên chuyển về. Hoặc đôi khi cũng có người hiểu biên tập viên là người viết và chỉnh sửa kịch bản các chương trình truyền hình. Nói chung là rất ít người định nghĩa được công việc của một biên tập viên là gì.

PV: Vậy theo anh nên gọi họ là gì?

Đạo diễn Phan Duy Linh: Hãy gọi họ là đạo diễn chương trình.

PV: Nhưng trước đây ở truyền hình Việt Nam vẫn xuất hiện chức danh đạo diễn đấy chứ?

Đạo diễn Phan Duy Linh: Đúng vậy, nhưng trước đây chức danh đạo diễn chủ yếu chỉ xuất hiện trong các bộ phim truyền hình. Còn ở mảng chương trình, lúc thì đạo diễn hình ảnh được gọi tắt là đạo diễn (đạo diễn hình), lúc thì người chịu trách nhiệm phát sóng cũng được gọi là đạo diễn (đạo diễn phát sóng)...

PV: Tôi cũng nghe thấy cả đạo diễn âm thanh, đạo diễn ánh sáng, thậm chí là đạo diễn âm nhạc trong một chương trình?

Đạo diễn Phan Duy Linh: Ở các chương trình lớn, các thành phần như âm thanh, ánh sáng, sân khấu của chương trình đều có thế được "nâng lên" vai trò đạo diễn. Vậy mà đôi khi người chịu trách nhiệm sản xuất chương trình đó lại được gọi là biên tập viên. Điều này là hết sức vô lý.

PV: Thế còn hiện nay thì sao?

Đạo diễn Phan Duy Linh: Hiện nay tôi thấy tuy chưa phải tất cả nhưng rất nhiều chương trình truyền hình đã bắt đầu xuất hiện chức danh đạo diễn chương trình. Đạo diễn chương trình là người chỉ huy về mặt hồn cốt, nội dung cho chương trình đó. Đứng dưới đạo diễn chương trình có thể có đạo diễn hình ảnh (phụ trách về hình ảnh), đạo diễn ánh sáng, âm thanh, sân khấu...

PV: Đó có thể chỉ là vấn đề tên gọi cho một công việc không ?

Đạo diễn Phan Duy Linh: Đó không chỉ là chuyện tên gọi, đó là cả một nghề nghiệp: Nghề đạo diễn chương trình. Chức danh này vừa làm tăng trách nhiệm của người đạo diễn, vừa là một dấu mốc, đòi hỏi người đó phải đảm bảo về trình độ, năng lực bản thân và chức danh này cũng làm cho các thành phần có trật tự, trên dưới, tổ chức rõ ràng trong một ê-kíp sản xuất chương trình.

PV: Phải chăng nghe tên đạo diễn chương trình thì “kêu” hơn biên tập rồi?

Đạo diễn Phan Duy Linh: Không chỉ nghe "kêu" mà nó còn đầy uy lực. Nó giúp cho người đạo diễn (chịu trách nhiệm chính trong việc sản xuất chương trình đó) dễ được anh em nể trọng hơn, qua đó dễ làm việc hơn. Tất nhiên chức danh đó cũng đòi hỏi anh phải có một trình độ nhất định, chưa có thì phải trau dồi cho có, chứ đạo diễn chương trình đâu phải là chức danh mà ai cũng có thể khoác lên người được.

‘ Tác nghiệp tại hiện trường...

PV: Khi nói chuyện với anh thế này tôi lại thấy Đạo diễn chương trình có vẻ cũng là một khái niệm khá rộng?

Đạo diễn Phan Duy Linh: Đúng vậy. Đạo diễn các chương trình truyền hình cũng phong phú như các thể loại của truyền hình vậy. Có người mạnh về phóng sự truyền hình, có người lại giỏi làm talkshow, có người mạnh về liveshow, có người lại thiện nghệ trong làm gameshow hoặc các chương trình thực tế... Trong xu thế phát triển của truyền hình hiện đại, mỗi đạo diễn chương trình đang tự biết chọn cho mình một thể loại sở trường để phát triển.

PV: Vậy đặc trưng khác biệt của đạo diễn chương trình là gì ?

Đạo diễn Phan Duy Linh: Lấy ví dụ với một đạo diễn chương trình talkshow về văn hoá nghệ thuật chẳng hạn. Anh ta phải có kiến thức nền về các lĩnh vực nghệ thuật tốt, vừa phải có quan hệ khá mật thiết và rộng rãi với các khách mời, các nghệ sĩ trong giới nghệ thuật.

Bên cạnh đó còn phải nắm bắt được những sự kiện nóng, những điều đang được xã hội quan tâm trong lĩnh vực nghệ thuật này, khả năng phát hiện vấn đề và phát triển đề tài. Đó là còn chưa kể đến cách thức tiếp cận vấn đề cũng phải rất "văn nghệ" và thậm chí là cả cách sắp đặt decor, trang trí trường quay cũng phải mang màu sắc "nghệ thuật"... Đó cũng là lý do tại sao một chương trình cần phải có một người đạo diễn để chịu trách nhiệm về chương trình đó.

PV: Vậy tạo sao bây giờ chức danh này mới được nhiều người sử dụng ?

Đạo diễn Phan Duy Linh: Theo tôi thì đây là vấn đề của sự hội nhập. Một thế hệ đạo diễn chương trình xuất thân từ các trường đại học về báo chí, truyền hình, điện ảnh... khi bước vào nghề, họ biết trách nhiệm và nghĩa vụ của họ. Và đương nhiên, họ cũng biết định nghĩa tên gọi cho nghề nghiệp của mình. Nếu không định nghĩa được nghề nghiệp của mình thì không thể làm tốt công việc được.

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này.

TCTH

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước