Sau vụ hiệp sĩ đường phố bị sát hại, có nên duy trì hình thức này?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 19/05/2018 14:12 GMT+7

VTV.vn - Câu hỏi về việc có nên duy trì các câu lạc bộ hiệp sĩ đường phố sẽ được đưa ra bàn luận trong chương trình Sự kiện và Bình luận tuần này.

3 hiệp sĩ bị thương nặng, 2 hiệp sĩ khác thiệt mạng trong khi tiếp cận nhóm đối tượng trộm cắp tài sản tại TP.HCM. Máu của những người dân nghĩa hiệp đổ xuống giữa thời bình khiến cho cả xã hội đau xót, bất bình. Khi sinh mạng của những người dân vốn không phải lực lượng hành pháp mất đi trong cuộc chiến với tội phạm thì cũng là lúc dư luận nhận ra rằng lâu nay những hiệp sĩ đường phố hoạt động trên các cung đường ở TP.HCM mà không được công nhận, huấn luyện hay trang bị công cụ hỗ trợ.

Sự việc đau lòng vừa qua đã thổi bùng những ý kiến tranh luận đa chiều. Câu hỏi là có nên duy trì một lực lượng tự phát, chưa được huấn luyện, trang bị công cụ hỗ trợ một cách bài bản? Trong khi, cuộc chiến với tội phạm đầy rẫy hiểm nguy và chết choc. Đây cũng là chủ đề được bàn luận trong chương trình Sự kiện và Bình luận ngày 19/5, với sự tham gia của khách mời gồm Đại tá Bùi Quang Chi – Phó Cục trưởng Cục phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an và nhà báo Phạm Trung Tuyến của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Đại tá Bùi Quang Chi phân tích: "Chúng ta cần có sự đánh giá toàn diện hoạt động tình nguyện như hiệp sĩ đường phố. Trên cơ sở đó, chúng ta có nghiên cứu để thành lập tổ chức quần chúng để tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Hiện nay, Bộ Công an đang chỉ đạo tổng kết 10 năm công tác nhân điển hình về phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, trong đó có các mô hình về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm như ở tỉnh Bình Dương".

Trong khi đó, theo nhà báo Phạm Trung Tuyến, TP.HCM nên duy trì hình thức các câu lạc bộ hiệp sĩ đường phố nhưng không cần hợp thức hóa.

"Hình thức tham gia đấu tranh chống tội phạm đường phố của những thanh niên được gọi là hiệp sĩ ở TP.HCM trước hết có tính chất tình nguyện. Trong hình thức tình nguyện nào thì yếu tố bảo vệ họ không ai khác chính là họ. Bản thân họ với tri thức, kỹ năng của chính mình mới là thứ bảo vệ tốt nhất cho chính họ".

"Theo tôi nghĩ, việc duy trì hay không duy trì với hoạt động tình nguyện như thế này không làm thay đổi bản chất vấn đề. Không nên đặt ra câu hỏi có duy trì hay không bởi hoạt động tình nguyện là thứ xuất phát từ nội tâm, ý thức của mỗi người và họ chỉ có thể được bảo vệ chính kỹ năng và tri thức của bản thân", nhà báo Phạm Trung Tuyến chia sẻ.

"Chúng ta đặt câu hỏi là nếu hợp thức hóa thì lực lượng hiệp sĩ này sẽ trở thành lực lượng gì? Theo quy chế nào? Còn hiệu quả hay không? Tôi nghĩ tinh thần hiệp sĩ luôn là tinh thần tình nguyện, chỉ có tình nguyện thì khi thấy chuyện bất bình giữa đường, họ ra tay thì nó mới thực sự hiệu quả. Đó mới là điều chúng ta muốn nhìn thấy ở xã hội".

Vụ hai hiệp sĩ bị sát hại: Khởi tố, bắt tạm giam 3 nghi can Vụ hai hiệp sĩ bị sát hại: Khởi tố, bắt tạm giam 3 nghi can

VTV.vn - Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam 3 nghi can trong vụ hai hiệp sĩ bị sát hại.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước