Trẻ mắc bệnh Kawasaki có biến chứng nặng gia tăng

Thủy Nguyễn, icon
02:35 ngày 26/09/2017

VTV.vn - Kawasaki, nhiều người vẫn chưa biết đây là tên của một căn bệnh, thế nhưng thời gian gần đây trẻ mắc bệnh này nhiều hơn và trường hợp bị biến chứng cũng gia tăng.

Một triệu chứng điển hình khi mắc Kawasaki là biến đổi khoang miệng.

Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh Kawasaki vẫn chưa được tìm thấy nhưng người ta nghĩ nhiều đến yếu tố nhiễm khuẩn và rối loạn miễn dịch. Bệnh gây tổn thương nhiều nơi như mắt, miệng, da nhưng tổn thương mạch vành và cơ tim là nguyên nhân có thể dẫn đến tử vong của trẻ hoặc bệnh lý tim mạch sau này.

Bác sĩ Lê Hồng Quang, Trưởng khoa HSCC Tim mạch tổng hợp, BV Nhi Trung ương cho biết: Gần đây, bệnh Kawasaki xuất hiện nhiều hơn ở trẻ, một phần là do các bệnh viện tuyến dưới phát hiện ra bệnh sớm hơn và một phần cũng là do các mẹ thấy con bị sốt, cho đi khám sớm nên đã chẩn đoán sớm căn bệnh này.

Các triệu chứng bệnh Kawasaki gồm có: Trẻ bị sốt trên 5 ngày trở lên, một triệu chứng điển hình là biến đổi khoang miệng, môi của trẻ bị đỏ lên, lưỡi đỏ, có trường hợp bị viêm loét trong miệng; mắt đỏ mà không có gỉ; xuất hiện ban ở ngoài da; có hạch ở cổ; phù nề mu bàn tay, bàn chân. Căn bệnh này khi bị nặng sẽ gây tổn thương động mạch vành, gây phình giãn động mạch vành, tạo cục máu đông gây tắc động mạch vành, có thể gây tử vong.

"Trong khoảng 2 tháng gần đây, chúng tôi gặp những bệnh nhân mắc Kawasaki có diễn biến bất thường hơn, biến chứng xuất hiện nặng hơn, như bị giãn động mạch vành, thậm chí có bệnh nhân bị giãn to ra làm tăng khả năng đông máu trong động mạch vành, làm cản trở luồng máu vào trong tim gây thiếu máu cơ tim cục bộ, có nguy cơ gây suy tim cấp" - Bác sĩ Lê Hồng Quang cho biết.

Trẻ mắc bệnh Kawasaki có biến chứng nặng gia tăng - Ảnh 1.

Môi, lưỡi của trẻ bị đỏ, rộp lên là một trong những triệu chứng của bệnh Kawasaki.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mẹ của cháu bé 4 tuổi ở Hưng Hà, Thái Bình chia sẻ: Lúc đầu cháu sốt 38,5 độ, có những ngày sốt lên tới 39,5 độ. Bé ăn ít đi, quấy khóc, môi, mắt cháu bé đỏ lên, tuy nhiên hai ngày sau lại hết triệu chứng đỏ. Bé sốt được 3 ngày, gia đình cho lên Bệnh viện Nhi Trương ương, tại đây bác sĩ nói con mắc bệnh Kawasaki. Mẹ cháu bé cho biết, chưa bao giờ nghe thấy căn bệnh này nên rất lo lắng cho con.

Cháu bé 2 tuổi ở Hải Dương cũng bị sốt đến ngày thứ 3, cha mẹ cho lên bệnh viện tỉnh Hải Dương khám. Khi sốt, môi, mắt của cháu đỏ lên, sang đến ngày thứ 4 vừa đỏ và rộp, không ăn được nhiều. Khi sốt đến ngày thứ 6, gia đình đã cho bé lên Bệnh viện Nhi Trương ương khám, sau khi làm các xét nghiệm, gia đình mới biết con mắc bệnh Kawasaki.

Việc phát hiện bệnh sớm sẽ giúp điều trị sớm hơn, hạn chế được những biến chứng nguy hiểm. Khi bệnh bị biến chứng nặng, sẽ nguy hiểm tới tính mạng của trẻ, làm tắc động mạch vành, gây thiếu máu vành dẫn tới suy tim cấp, nguy cơ tử vong tăng lên.

"Với những bệnh nhân bị biến chứng nặng, động mạch vành phình giãn, chúng tôi sẽ dùng thuốc chống đông kèm theo, bệnh nhân phải làm xét nghiệm định kỳ để kiểm tra diễn biến bệnh và quá trình điều trị sẽ kéo dài hơn, chi phí sẽ tốn kém" - bác sĩ Lê Hồng Quang cho biết.

Trẻ mắc bệnh Kawasaki có biến chứng nặng gia tăng - Ảnh 2.

Một trẻ mắc Kawasaki có hiện tượng bị bong da.

Bệnh được mang tên một bác sĩ Nhật Bản Tomisaku Kawasaki, người đã phát hiện ra bệnh lần đầu vào năm 1961. Ở thời điểm đó Kawasaki nhận thấy nhiều trẻ em nhỏ có biểu hiện sốt cao kéo dài, nổi hạch góc hàm, ban đỏ ở người, bong da, phù và đỏ tím các đầu chi, có thể viêm long đường hô hấp. Mặc dù các triệu chứng rất rõ ràng nhưng không đặc hiệu và có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau. Các xét nghiệm đưa ra để tìm nguyên nhân gây bệnh đều âm tính. Nhưng mãi đến năm 1974 ông mới công bố bệnh này bằng tiếng Anh. Đây là một bệnh sốt cấp tính có viêm mạch hệ thống thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới năm tuổi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TVOnline!

Cùng chuyên mục