1 năm sau thảm họa chìm phà Sewol, các thợ lặn vẫn bị ám ảnh

Thùy Hương (Theo Channel News Asia)-Thứ năm, ngày 16/04/2015 07:00 GMT+7

Các thợ lặn vẫn không thể quên được ký ức kinh hoàng về thảm họa chìm phà Sewol

VTV.vn - Dù một năm đã trôi qua, song, nhiều thợ lặn trong chiến dịch giải cứu phà Sewol vẫn đang phải sống trong nỗi ám ảnh và sợ hãi khi chứng kiến cái chết của quá nhiều người.

Khi chiếc phà Sewol chìm dần trong làn nước lạnh giá vào tháng 4/2014, rất nhiều thợ lặn chuyên nghiệp và nghiệp dư đã thẳng tiến tới đảo Jindo nằm ở phía Đông Nam Hàn Quốc nhằm thực hiện chiếc dịch giải cứu và trục vớt thi thể các nạn nhân.

Mặc cho điều kiện thời tiết khắc nghiệt cùng những hiểm nguy đang rình rập, một số thợ lặn vẫn ngâm mình trong làn nước tháng 4 lạnh như băng tới 5 lần một ngày. Tầm nhìn dưới nước vào thời gian này khá hạn chế, bởi vậy, ngoài việc tìm kiếm các thi thể, các thợ lặn còn phải tìm cách né tránh các vật cản dưới nước. Không màng tới tính mạng bản thân, những người hùng thầm lặng này chỉ mong sao thu thập được càng nhiều thi thể càng tốt, để những nạn nhân xấu số được trở về trong vòng tay ấm áp của gia đình.

“Khu vực chìm phà Sewol không chỉ sâu mà còn có nhiều con sóng lớn” – ông Jung Yong Hyun – Viện trưởng Viện Công nghiệp Lặn biển Hàn Quốc cho biết. Ở gần khu vực phà chìm là một nhà máy điện thủy triều – nơi nổi tiếng với trận thủy chiến Myeongnyang. Dù vậy, nghĩ tới thân nhân những người xấu số, các thợ lặn đã vượt qua những con sóng lớn để lặn sâu xuống đáy biển.

Và, không phải ai cũng sống sót khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Hai thợ lặn đã qua đời vì bị bất tỉnh trong quá trình tìm kiếm. Trong khi đó, đối với những người may mắn sống sót, 12 tháng vừa qua giống như một cơn ác mộng đeo bám họ hàng đêm.

“Tôi cảm thấy sợ hãi mỗi khi phải ở trong bóng tối một mình bởi những hình ảnh kinh hoàng đó sẽ hiện ra trong đầu” – thợ lặn Kim Kwan Hong nói – “Vì vậy, tôi luôn cố gắng ra đường gặp gỡ mọi người và không ngừng dịch chuyển trong những không gian mở. Mỗi khi bước đi, tôi sẽ nghĩ về điều đó ít hơn”.

Chứng kiến những thi thể bị phân hủy ngay trước mắt có lẽ là điều anh Kim cùng các đồng nghiệp không thể nào quên. Một thợ lặn có tên Kim Sang Woo chia sẻ: “Tôi lặn sâu xuống dưới nước với một tâm trạng buồn thảm và khi tiến vào thân tầu, tôi thực sự cảm thấy sợ hãi. Tình trạng của các thi thể vượt quá sức tưởng tượng của chúng tôi. Tất cả đều đã bị phân hủy đến mức không thể nhận diện”.

Thợ lặn Kim Dong Soo cũng là một trong số những người gặp phải các vấn đề trầm trọng về tâm lý sau tai nạn thảm khốc này. Dù trở thành một người hùng trong mắt nhân dân Hàn Quốc khi cứu sống hơn 10 người từ phà Sewol, song, đối với bản thân ông Kim, không gì có thể làm giảm đi cảm giác tội lỗi vì không thể cứu sống toàn bộ hành khách trên phà.

Tháng trước, tên ông có mặt trên nhiều trang báo lớn sau khi tự vẫn không thành. Chia sẻ về lý do cho hành động này, thợ lặn Kim Dong Soo nói ông không thể tha thứ cho bản thân mình vì đã không cố gắng cứu thêm nhiều sinh mạng khác. Cảnh sát Hàn Quốc cho biết ông Kim Dong Soo đã phải chịu đựng quá nhiều về mặt thể xác, tâm lý và cả về tài chính khi Chính phủ chưa thống nhất về khoản trợ cấp cho các thợ lặn tham gia chiến dịch giải cứu phà Sewol như ông.

Chiến dịch tìm kiếm và trục vớt các thi thể đã kết thúc vào tháng 11/2014. Cho tới giờ, chiếc phà xấu số vẫn ngâm mình trong làn nước băng giá ở ngoài khơi đảo Jindo.

Nhân kỷ niệm một năm ngày thảm họa kinh hoàng này diễn ra, rất nhiều người đã đổ về đảo Jindo để tưởng nhớ tới các nạn nhân. Đối với họ, việc có mặt tại khu vực diễn ra thảm họa đã mang lại những ký ức kinh hoàng về ngày này một năm trước, khi chiếc phà Sewol chìm sâu xuống biển kéo theo sinh mạng của hơn 300 hành khách, chủ yếu là học sinh.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước