Cuộc chiến trừng phạt giữa phương Tây và Nga chưa có dấu hiệu dừng lại

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 27/02/2023 17:51 GMT+7

VTV.vn - Những tuyên bố mới nhất cho thấy, các bên chưa có kế hoạch dừng lại trong cuộc chiến trừng phạt này.

Kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nước phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt quyết liệt đối với Nga, nhắm đến những cá nhân cấp cao nhất của nhà nước Nga, cũng như ngành công nghiệp, ngân hàng và lĩnh vực dầu mỏ của nước này. Ngược lại, Nga cũng sử dụng những quân bài quan trọng để trả đũa. Tác động của các lệnh trừng phạt này được thấy ở Nga, châu Âu và cả thế giới cũng bị ảnh hưởng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì chế độ trừng phạt lớn nhất từng được áp dụng ở bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử. Chúng tôi sẽ công bố thêm các biện pháp trừng phạt trong tuần này cùng với các đối tác của mình".

Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Phương Tây đã quay lưng lại với Nga không chỉ về quân sự mà còn về kinh tế. Những người khởi xướng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đã tự trừng phạt chính họ, gây ra tình trạng tăng giá, mất việc làm và khủng hoảng năng lượng ở quốc gia của họ".

Về phía phương Tây, việc Mỹ và hơn 40 quốc gia trừng phạt Nga sau 1 năm đã không hạ gục nền kinh tế Nga như dự tính. GDP năm 2022 của Nga chỉ sụt giảm khoảng 2%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo âm 15% mà Quỹ Tiền tệ quốc tế từng đưa ra.

Cuộc chiến trừng phạt giữa phương Tây và Nga chưa có dấu hiệu dừng lại - Ảnh 1.

Còn về phía Nga, quân bài năng lượng mạnh nhất nước này sử dụng cũng không khiến châu Âu khuất phục trong mùa Đông. Giá dầu hiện đã về mức trước chiến tranh. Châu Âu thậm chí còn phản ứng lại, áp giá trần 60 USD một thùng với dầu thô Nga. Một cuộc chiến gây tổn hại cho cả hai mà chưa ai đạt được mục tiêu cuối cùng.

Chính sách trừng phạt của châu Âu hướng tới mục tiêu làm suy yếu cỗ máy phục vụ xung đột của Điện Kremlin. Tuy nhiên, Nga đã học cách chung sống với các lệnh trừng phạt từ sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và cho thấy không dễ khuất phục trước đòn đánh kinh tế.

Vượt qua khuôn khổ xung đột Ukraine, cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây là cuộc đối đầu vì thể diện quốc gia, vì những giá trị mà hai bên theo đuổi.

Ông John o'loughlin - Đại học Colorado Boulder, Mỹ: "Có cảm giác rằng phương Tây có tham vọng lớn hơn nhiều so với việc chỉ giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ucraina. Đó là vô hiệu hóa Nga với tư cách là một cường quốc thế giới. Kịch bản có thể xảy ra nhất là cả hai bên sẽ tiếp tục làm những gì họ đang làm và đó sẽ là một cuộc chiến tiêu hao". 

Phương Tây, đặc biệt là Mỹ không muốn thua. Vì điều đó sẽ giáng một đòn mạnh vào uy tín nước Mỹ như một siêu cường chi phối toàn cầu. Nhưng Nga cũng không muốn thất bại vì quan điểm của người Nga cho rằng đây là cuộc chiến vệ quốc, vì sự sống còn của tổ quốc họ.

Đức nghiên cứu đề xuất gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga Đức nghiên cứu đề xuất gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga

VTV.vn - Mục đích chính của Đức là ngăn chặn các mặt hàng nằm trong diện bị châu Âu cấm vận tiếp tục chảy vào Nga thông qua các nước thứ ba.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

trừng phạt

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước