Kỷ nguyên mới hợp tác ba bên Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản

Thế giới hôm nay-Thứ năm, ngày 17/08/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Một trong những sự kiện quốc tế được quan tâm nhất sẽ diễn ra vào cuối tuần này tại Mỹ là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn.

Đây là hội nghị thượng đỉnh độc lập đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida, khi mà các cuộc thảo luận ba bên trước đây đều được tổ chức bên lề các hội nghị quốc tế.

Phát biểu tại họp báo sau cuộc họp trực tuyến giữa Bộ trưởng Ngoại giao ba nước, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết, Washington tin tưởng hội nghị thượng đỉnh với Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đánh dấu "kỷ nguyên mới" trong quan hệ hợp tác ba bên.

Ông Antony Blinken - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ: "Phần lớn những gì sẽ được chứng kiến tại hội nghị thượng đỉnh này là những sáng kiến cụ thể nhằm giải quyết phạm vi rộng lớn của chương trình nghị sự, bao gồm các vấn đề an ninh, các vấn đề an ninh kinh tế, nhưng cũng bao gồm cả những vấn đề như phối hợp về viện trợ phát triển, hỗ trợ nhân đạo, định hình việc sử dụng các công nghệ mới nổi, về tăng cường giao lưu giữa nhân dân các nước".

Trước đó, trong bài phát biểu ngày 15/8, Tổng thống Hàn Quốc cho biết, nước này sẽ tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ và Nhật Bản để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Kỷ nguyên mới hợp tác ba bên Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản - Ảnh 1.

Ông Antony Blinken - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol: "Ý nghĩa của hợp tác an ninh ba bên Hàn Quốc - Mỹ - Nhật Bản ngày càng lớn trên Bán đảo Triều Tiên và trong khu vực. Để ngăn chặn cơ bản các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản phải hợp tác chặt chẽ về các thiết bị trinh sát và chia sẻ theo thời gian thực dữ liệu tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên".

Hội nghị Thượng đỉnh ba bên sắp tới diễn ra chỉ vài tháng sau khi chính quyền Tổng thống Biden thúc đẩy các hoạt động ngoại giao nhằm đưa các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc trở thành một phần trong chiến dịch tăng cường các liên minh quân sự châu Á để đối phó với Trung Quốc. Bắc Kinh đã lên tiếng bày tỏ thái độ.

Ông Uông Văn Bân - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc: "Trung Quốc phản đối các hành vi kết bè phái, làm gia tăng đối đầu và gây nguy hiểm cho an ninh chiến lược của các quốc gia khác. Các quốc gia liên quan nên tuân theo xu thế thời đại và thực hiện nhiều hành động có lợi hơn cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực".

Ngoài việc mở rộng phạm vi hợp tác để đối phó với Triều Tiên và cùng nhau duy trì trật tự quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhiều nội dung quan trọng khác cũng dự kiến sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Chẳng hạn như thúc đẩy tài chính minh bạch, củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu về chất bán dẫn và các khoáng sản quan trọng, biến an ninh kinh tế trở thành một lĩnh vực hợp tác mới giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Kỷ nguyên mới hợp tác ba bên Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản - Ảnh 2.

Ông Uông Văn Bân - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Hội nghị lần này được coi là Hội nghị Thượng đỉnh nhóm đồng minh có tầm ảnh hưởng rất lớn trong cấu trúc trật tự châu Á - Thái Bình Dương. Các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên và những lo ngại sâu sắc về sự trỗi dậy của Trung Quốc đã thúc đẩy ba đồng minh không ngừng thúc đẩy liên kết với nhau trong thời gian gần đây.

Trang Nikkei của Nhật Bản nhận định, bằng việc mời Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc tới Trại David, địa danh của những cuộc gặp lịch sử giữa các Tổng thống Mỹ và chức sắc nước ngoài, Tổng thống Joe Biden đang thể hiện mong muốn củng cố tình hữu nghị và lòng tin giữa ba nhà lãnh đạo.

Quan trọng hơn, hội nghị thượng đỉnh ba bên độc lập đầu tiên này sẽ cho phép ba nhà lãnh đạo mở rộng và thể chế hóa hợp tác ba bên trước các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên và những bất ổn ngày càng tăng trong môi trường an ninh khu vực và toàn cầu.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời phát biểu của Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Kim Tae-hyo tại cuộc họp báo của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc.

Kỷ nguyên mới hợp tác ba bên Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản - Ảnh 3.

Theo đó, Hội nghị thượng đỉnh lần này có thể tạo ra một khuôn khổ quan trọng trong tương lai cho hợp tác an ninh ba bên giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, đồng thời thể chế hóa khuôn khổ này. Ông Kim cũng lưu ý rằng các nhà lãnh đạo sẽ nhân dịp này để thảo luận về tầm nhìn chung và các nguyên tắc cơ bản cho hợp tác ba bên, cũng như xây dựng các cơ chế hợp tác toàn diện, đa tầng giữa các lĩnh vực ở mọi cấp độ.

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đăng bài phân tích trong đó các nhà phân tích cho rằng, khó có thể thành lập một liên minh an ninh chính thức giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, song một hiệp ước có sự tham gia của Mỹ sẽ dễ đạt được hơn nhiều. Cho dù Nhật Bản hoan nghênh mối quan hệ được cải thiện với Hàn Quốc, nhưng vẫn còn những nghi ngại về tính lâu bền của các thỏa thuận dựa trên những vấn đề còn tồn tại.

Hãng tin Reuters thì dẫn lời các quan chức cấp cao của Mỹ, cho rằng dù hội nghị thượng đỉnh khó có thể tạo ra một thỏa thuận an ninh chính thức buộc các quốc gia cam kết bảo vệ lẫn nhau, nhưng các bên sẽ đạt được đồng thuận về trách nhiệm khu vực và thiết lập một đường dây nóng ba chiều nhằm giải quyết khủng hoảng.

Mối quan hệ tay ba Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc rất giàu sức mạnh, vì nó được xây dựng xung quanh hai đồng minh sở hữu nền tảng công nghệ tiên tiến, khả năng phòng thủ đáng gờm và cùng có khoảng 100 căn cứ quân sự thường trực với 80.000 binh lính Mỹ. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn vào thứ Sáu tới sẽ được định vị là thời điểm lịch sử, chứng kiến sự hợp nhất giữa hai liên minh Mỹ - Nhật và Mỹ - Hàn, trở thành một khuôn khổ hợp tác vững chắc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước