Mức lương chưa tương xứng, giáo viên tại nhiều nước muốn bỏ nghề

Thế giới hôm nay-Thứ năm, ngày 08/09/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Thực trạng thiếu hụt giáo viên đang diễn ra tại nhiều nước phát triển trên thế giới, mà nguyên nhân hàng đầu là tiền lương chưa tương xứng.

Đầu tháng 9 là thời điểm khai giảng năm học mới tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nhiều nơi, tình trạng thiếu giáo viên đang gây ra không ít khó khăn. Có nhiều lý do khiến các giáo viên có kinh nghiệm quyết định chuyển nghề và người trẻ thì không mặn mà với nghề giáo.

Một năm học mới lại bắt đầu tại trường Trung học số 1 ở Warsaw, Ba Lan với nhiều thách thức. Áp lực kinh tế đang khiến nhiều giáo viên lo lắng về tương lai nghề nghiệp của mình.

Cô Ewa Jaworska - Giáo viên Trung học nói: "Tôi đã nghĩ đến việc đổi nghề, chủ yếu là do nguyên nhân tài chính. Tôi vẫn hy vọng tình hình sẽ khởi sắc, nhưng không may là mọi chuyện cứ ngày càng xấu đi. Có thể năm nay sẽ là năm cuối tôi dạy học".

Số lượng giáo viên được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới, khi có nhiều người đến tuổi về hưu và nhiều giáo viên trẻ cảm thấy nản lòng vì mức lương không tương xứng. Liên đoàn Giáo viên Ba Lan cho biết, các trường học ở nước này đang thiếu khoảng 20 nghìn giáo viên.

Mức lương chưa tương xứng, giáo viên tại nhiều nước muốn bỏ nghề - Ảnh 1.

Áp lực kinh tế khiến nhiều giáo viên tại Ba Lan lo lắng về tương lai nghề nghiệp của mình.

Bà Renata Kaznowska - Phó Thị trưởng thành phố Warsaw, Ba Lan cho biết: "Hơn một nửa số giáo viên tuyên bố muốn đổi nghề với nhiều nguyên nhân: nguyên nhân hàng đầu là tiền lương, nhưng cũng có những lý do khác, như mệt mỏi, chán nản, chính sách thay đổi liên tục, hay nghề giáo viên không được coi trọng".

Thực trạng thiếu hụt giáo viên cũng đang diễn ra tại những nước phát triển như Pháp hay Mỹ. Số liệu từ Bộ Giáo dục Pháp cho thấy, ngay trước thềm năm học mới này, vẫn còn khoảng 4 nghìn vị trí giáo viên bị bỏ trống trong các trường học cả công và tư. Nhiều báo cáo ở cấp hạt và cấp bang của Mỹ cũng nêu lên tình trạng thiếu từ hàng trăm tới hàng ngàn giáo viên.

Theo ông Miguel Cardona - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ: "Chúng ta đang thiếu nhiều giáo viên, cả ở những bộ môn hay lĩnh vực quan trọng như giáo dục song ngữ, giáo dục đặc biệt, STEM, dạy nghề, đúng vào lúc mà chúng ta cần có nhiều giáo viên hơn".

Vấn đề thiếu hụt giáo viên không phải là điều gì quá mới ở một số nơi, nhưng COVID-19 đã khiến nó trở nên trầm trọng hơn. Như tại Mỹ, theo kết quả khảo sát được công bố đầu năm nay của Hiệp hội Giáo dục Quốc gia Mỹ, 86% thành viên hiệp hội nhận thấy tỷ lệ giáo viên chuyển nghề hoặc nghỉ hưu sớm gia tăng mạnh kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020.

Mức lương chưa tương xứng, giáo viên tại nhiều nước muốn bỏ nghề - Ảnh 2.

Tại Mỹ, tỷ lệ giáo viên chuyển nghề hoặc nghỉ hưu sớm gia tăng mạnh kể từ khi đại dịch bùng phát.

Nhiều giải pháp ứng phó tạm thời

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngành giáo dục các nước đã đề ra các giải pháp ứng phó tạm thời. Nhưng vẫn cần phải có các giải pháp căn cơ và bền vững để không chỉ đảm bảo đủ số lượng giáo viên, mà hơn thế nữa là đảm bảo chất lượng giáo dục.

Một lớp học đặc biệt dành cho các giáo viên hợp đồng tại Thủ đô Paris của Pháp. Các giáo viên được đào tạo cấp tốc trong 1 tuần trước khi chính thức đứng lớp.

Cô Isabelle Dosso-Greggia - Giáo viên hợp đồng chia sẻ: "Khóa đào tạo này cung cấp cho chúng tôi những hướng đi, công cụ và tài nguyên để giảng dạy, sau đó chúng tôi sẽ tự xoay sở trên thực địa. Nghề giáo là một nghề phải làm việc thực tế, có thể nhiều người trong chúng ta đã quên mất điều này, nhưng hồi trước bạn chỉ cần có bằng Tú tài là đã có thể tôi luyện từ thực tế để trở thành giáo viên, tôi đang nói đến việc dạy cấp tiểu học".

Thông thường, để được làm giáo viên ở Pháp, bạn phải có bằng Cao học về giáo dục và vượt qua một kỳ thi lấy chứng chỉ rất nghiêm ngặt. Nhưng năm nay, Bộ Giáo dục Pháp đã hạ thấp yêu cầu và cho phép tuyển dụng các giáo viên hợp đồng tạm thời để bù đắp sự thiếu hụt nhân sự.

Mức lương chưa tương xứng, giáo viên tại nhiều nước muốn bỏ nghề - Ảnh 3.

Tại Pháp, các giáo viên được đào tạo cấp tốc trong 1 tuần trước khi chính thức đứng lớp.

Ông Sébastien Pierrisnard - Cố vấn sư phạm cho Sở Giáo dục Paris cho rằng: "Có các cố vấn giáo dục sẽ tiếp tục hỗ trợ giáo viên hợp đồng, họ cũng sẽ có thêm những khóa đào tạo khác, họ sẽ có thể vừa tham gia đào tạo vừa hòa nhập vào các nhóm giảng dạy trong trường học. Năm nay sẽ có một hệ thống cố vấn là những đồng nghiệp giàu kinh nghiệm".

Nhưng đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế cho một vấn đề đã tồn tại từ lâu. Các chính phủ đang nỗ lực giải quyết tận gốc tình trạng thiếu giáo viên bằng cách cải thiện mức lương của giáo viên, cũng như có kế hoạch đào tạo hợp lý để thu hút nhiều người trẻ đến với nghề nghiệp này.

Ông Pap Ndiaye - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp cho biết: "Chúng tôi đang đề xuất sẽ tăng lương cho giáo viên từ tháng 10 tới, trong khuôn khổ điều chỉnh ngân sách của Nghị viện. Sau đó chúng tôi sẽ trao đổi với các liên đoàn để tiến hành đánh giá lại mức lương".

Ông Marty Walsh - Bộ trưởng Bộ Lao động Mỹ thông tin: "Chính quyền hiện nay đã đầu tư hơn 383 triệu USD vào mô hình lao động học việc trong một khoảng thời gian ngắn, khoản đầu tư tiếp theo cho mô hình này sẽ là hơn 100 triệu USD. Chúng tôi sẽ ưu tiên lĩnh vực giáo dục để đáp ứng nhu cầu của quốc gia và mở ra những cơ hội trong ngành giáo dục trên khắp cả nước".

Các nước đều đang làm mọi cách để đảm bảo mỗi lớp học đều có giáo viên. Nhưng ngay cả khi mục tiêu này đã đạt được, những tác động về lâu dài của việc rút ngắn thời gian đào tạo hay hạ thấp tiêu chuẩn giáo viên là điều chưa ai có thể khẳng định.

Nghịch lý thiếu giáo viên cho năm học mới: Thừa vẫn thừa, thiếu cứ thiếu Nghịch lý thiếu giáo viên cho năm học mới: Thừa vẫn thừa, thiếu cứ thiếu

VTV.vn - Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa, năm học mới sẽ chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, trên cả nước vẫn còn thiếu tới hơn 90.000 giáo viên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước