Những nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế liệu có thể làm hạ nhiệt xung đột Hamas - Israel?

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 15/10/2023 13:09 GMT+7

VTV.vn - Các nước trong khu vực Trung Đông và cả các đồng minh của Israel đã tiến hành nhiều bước đi ngoại giao để kêu gọi các bên hạ nhiệt căng thẳng.

Một tuần sau khi xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas bùng phát khiến hơn 3.000 người thiệt mạng, các đợt không kích dữ dội vẫn liên tiếp được Israel thực hiện nhằm vào Dải Gaza với mục tiêu xóa sổ hoàn toàn Hamas.

Israel đã yêu cầu hơn 1 triệu người Palestine ở phía Bắc Gaza phải di tản về phía Nam để chuẩn bị cho những đợt tấn công dữ dội hơn.

Những nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế liệu có thể làm hạ nhiệt xung đột Hamas - Israel? - Ảnh 1.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (Ảnh: AP)

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: "Tình hình ở Gaza đã đạt đến mức thấp nguy hiểm mới. Toàn bộ lãnh thổ Gaza đang bị bao vây cực kỳ nguy hiểm".

Một thảm họa nhân đạo với quy mô chưa từng có ở Gaza đang hiển hiện trước mắt. Những nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế liệu có thể làm hạ nhiệt cuộc đối đầu khốc liệt này? Những nguy cơ nào đối với khu vực Trung Đông nếu xung đột Gaza lan rộng?

Chiến dịch tấn công bất ngờ của Hamas

Xung đột Palestine - Israel thật sự là một câu chuyện dài và bi thương với cả thế giới. Và những ngày gần đây, vòng xoáy bạo lực tấn công và trả đũa giữa lực lượng Hamas và Israel khiến tất cả chúng ta đều thấy đau buồn và lo ngại. Giữa lúc cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn kéo dài, gây nhiều hệ lụy trên toàn cầu thì việc "thùng thuốc súng Trung Đông" bùng nổ là một diễn biến rất nguy hiểm, bồi thêm vào bức tranh vĩ mô đã không có nhiều sáng sủa của thế giới.

Tiếng nổ của tên lửa trên bầu trời Israel. Hàng nghìn quả tên lửa được Hamas phóng đi chỉ trong 20 phút khiến hệ thống phòng thủ Vòm Sắt bị quá tải và không thể bắn hạ.

Trong lúc tiếng rocket gầm rít trên bầu trởi, các tay súng Hamas áp sát hàng rào biên giới, bắt đầu cuộc tấn công đáng sợ nhất vào Israel trong hơn 7 thập kỷ. Đồng loạt từ đường bộ, đường biển, đường không, một cuộc tấn công bất ngờ khiến Israel không kịp trở tay.

Nhưng đây không phải là một hoạt động tự phát mà là một chiến dịch đã được chuẩn bị công phu. Theo CNN trích dẫn video tuyên truyền của lực lượng Hamas, Hamas đã triển khai các hoạt động huấn luyện cho cuộc tấn công hàng năm trời ngay tại khu vực biên giới giáp với Israel. Lực lượng này thậm chí đã xây dựng một khu định cư mô phỏng Israel ở Gaza, nơi họ thực hành hoạt động đổ bộ và huấn luyện tấn công.

Ông Khaled Elgindy - Giám đốc Chương trình về Palestine và Các vấn đề Palestine - Israel, Viện Trung Đông, Mỹ - cho rằng: "Rõ ràng đây là điều mà Hamas đã lên kế hoạch từ lâu. Tôi nghĩ nhiều người đã bị ru ngủ. Tôi nghĩ mục tiêu của Hamas trong việc này là thay đổi cuộc chơi, thay đổi tính toán".

Các chuyên gia cũng nhận định, trong suốt hai năm qua, Hamas đã thực hiện một chiến dịch đánh lạc hướng khi gửi đi các thông điệp ám chỉ không muốn bắt đầu thêm một cuộc chiến mới với Israel với việc kiềm chế các hoạt động quân sự chống lại Israel.

Về phần mình, Israel thừa nhận đã mất cảnh giác. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, lực lượng tình báo Israel đã thất bại trước cuộc tấn công của Hamas.

Ông Justin Crump từ Công ty phân tích rủi ro Sibylline, Anh - nhận định: "Đây thực sự là sự kiện thay đổi hình thái xung đột. Sự việc đã gây ra sự bối rối lớn cho Lực lượng Phòng vệ Israel khi mà các thông tin tình báo của họ rõ ràng là sai. Hamas thực hiện cuộc tấn công cùng với các nhóm Hồi giáo cực đoan Palestine và những tổ chức khác. Những báo cáo về điều đó đã bị đánh giá thấp, bị hiểu sai".

Để đáp trả, Israel đang liên tiếp triển khai các cuộc không kích nhằm vào Hamas với mục tiêu "quét sạch Hamas khỏi Trái đất".

Trong diễn biến mới nhất, theo Reuters, Bộ binh Israel đã thực hiện các cuộc tấn công đầu tiên vào dải Gaza, bước đi có thể đẩy xung đột lan rộng. Để chuẩn bị cho trận tấn công này, Israel cũng đã yêu cầu khoảng 1,1 triệu người Palestine ở phía Bắc Gaza rời đi.

Theo con số thống kê chưa chính thức, các cuộc tấn công giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine ở Gaza kể từ hôm 7/10 đã khiến khoảng 1.800 người ở Palestine và hơn 1.300 người ở Israel thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương. Con số thương vong còn tăng lên khi mà chiến dịch tấn công trả đũa chưa thể ngừng lại.

Bạo lực bùng phát nguy hiểm tại Trung Đông

Hầu hết các nhận định của giới quan sát đều cho rằng, chiến dịch tấn công ngày 7/10 của lực lượng vũ trang Hamas đã thay đổi mạnh mẽ hình thế đối đầu giữa Israel và người Palestine.

Cùng với những lo ngại về sự lan rộng của bạo lực và trả đũa, một câu hỏi đặt ra là: Israel với ưu thế quân sự vượt trội sẽ đi đến đâu trong cuộc đối đầu với Hamas? Israel sẽ phải đối đầu với một đối thủ ngày càng có năng lực quân sự mạnh hơn chứ không phải là những phong trào phản kháng như hàng thập kỷ trước đây.

Hamas là một tổ chức chính trị Hồi giáo dòng Sunni, từ năm 2007 đóng vai trò là nhà cầm quyền trên thực tế tại Dải Gaza, nơi sinh sống của hơn 2 triệu người Palestine. Cái tên Hamas là từ viết tắt của Phong trào Kháng chiến Hồi giáo. Hamas được thành lập vào năm 1987 sau khi bắt đầu phong trào Intifada hay còn gọi là cuộc nổi dậy của người Palestine đầu tiên.

Ngoài vai trò là một tổ chức vũ trang, Hamas còn là một trong hai đảng chính trị chính của người Palestine. Đối thủ chính trị của Hamas là phong trào Fatah - có chủ trương đấu tranh ôn hòa và hiện nắm quyền ở Bờ Tây, nơi Israel áp đặt lệnh chiếm đóng.

Trong cuộc đối đầu và để kiềm chế Hamas, Israel duy trì lệnh phong tỏa Gaza trong 16 năm qua, hạn chế việc di chuyển hàng hóa và người ra vào vùng lãnh thổ này.

Về đất liền, Dải Gaza chỉ giáp hai quốc gia là Ai Cập và Israel.

Ở phần giáp Israel, dọc đường biên giới, Israel xây dựng một bức tường bê tông dây thép gai cao 8 mét cùng hệ thống tháp canh cao 10 mét, bố trí lính canh 24/24 giờ, bất cứ người Gaza nào không được cho phép vượt qua cũng sẽ bị bắn.

Về phía giáp với Ai Cập cũng có một cửa khẩu bị kiểm soát nghiêm ngặt. Nhưng Hamas đã đào hàng loạt hệ thống hầm ngầm để thoát ra khỏi sự kiểm soát đó và tích lũy vũ khí cũng như tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Israel.

Hamas nhận được sự ủng hộ bí mật của những người Hồi giáo cùng chí hướng khắp Trung Đông và lãnh đạo của lực lượng này cũng có mối quan hệ gần gũi với một số quốc gia Trung Đông.

Lãnh đạo của Hamas lên tiếng rằng, nếu cuộc tấn công trên bộ của Israel tiếp tục, cuộc đối đầu này sẽ không chỉ giới hạn ở Gaza mà sẽ lan nhanh trở thành một cuộc xung đột nguy hiểm ở Trung Đông.

Ẩn số con tin trong cuộc xung đột Hamas - Israel

Trong lúc này, Hamas tuyên bố đang giam giữ khoảng 150 con tin từ phía Israel, trong đó có cả người nước ngoài. Số phận của các con tin cũng như tác động của vấn đề này tới chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza vẫn là một ẩn số. Những con tin trong tay Hamas đang làm phức tạp thêm tính toán của Israel trong kế hoạch quân sự ở Dải Gaza.

Vài giờ sau khi các tay súng Hamas tấn công vào các khu định cư của người Do Thái gần Gaza hôm 7/10, hàng loạt video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy nhóm này đã bắt nhiều dân thường làm con tin. Hamas tuyên bố, đây là những mục tiêu hợp pháp bởi họ đều bị coi là "người định cư chiếm đất của người Palestine".

Chưa có con số chính xác nhưng Hamas xác nhận nhóm đang giữ hơn 100 người Israel làm con tin, bao gồm cả quân nhân và các sĩ quan cấp cao của Israel, đồng thời bày tỏ ý định dùng con tin để đổi lấy tù nhân Palestine đang bị Israel giam giữ.

Hamas cảnh báo sẽ sát hại con tin nếu Israel tiếp tục tấn công trả đũa nhằm vào các tòa nhà dân cư và cơ sở dân sự tại Dải Gaza.

Ông Abu Obaida - Phát ngôn viên Lữ đoàn Izz el-Deen al-Qassam thuộc Lực lượng Hamas - cho biết: "Chúng tôi tuyên bố rằng, bất kỳ hành động nhắm vào người dân của chúng tôi mà không có cảnh báo trước sẽ dẫn đến việc hành quyết một con tin dân thường mà chúng tôi đang giữ. Chúng tôi sẽ buộc phải phát sóng vụ việc đó bằng âm thanh và video. Với quyết định này, chúng tôi buộc Israel phải chịu trách nhiệm. Bây giờ quả bóng đang ở bên phía Israel".

Hiện Isral vẫn tiến hành chiến dịch không kích lớn chưa từng có chống Hamas. Chiến dịch nhắm đến các mục tiêu như kho chứa, nhà máy chế tạo vũ khí, sở chỉ huy với mục tiêu "xóa sổ Hamas khỏi bề mặt Trái đất".

Hamas chưa có động thái gì liên quan tới các con tin nhưng nếu Israel không lùi bước, có những hành động quyết liệt hơn trong chiến dịch bộ binh, chẳng biết kịch bản xấu nào sẽ xảy ra.

Một kịch bản khác được giới phân tích nói tới, đó là trao đổi tù nhân. Ước tính có khoảng 5.200 người Palestine đang bị Israel giam giữ, trong đó có khoảng 200 người là phụ nữ và trẻ em.

Về phía Israel, nước này tuyên bố đã chặn nguồn cung nước, điện và nhiên liệu vào Dải Gaza cho tới khi các con tin được Hamas phóng thích.

Tấn công trên bộ vào Gaza - thách thức của Israel

Quân đội Israel đã huy động khoảng 350 nghìn quân dự bị hôm thứ Hai để bổ sung vào lực lượng thường trực 170 nghìn quân của mình. Trong khi đó, các ước tính cho rằng, lực lượng Hamas có khoảng 30 nghìn binh lính.

Nếu xét theo lẽ thường thì quân đội Israel gần như chắc chắn sẽ đè bẹp lực lượng Hamas nếu một chiến dịch trên bộ được phát động. Nhưng mọi sự lại không đơn giản như vậy. Đó là bởi lẽ một chiến dịch trên bộ, dù muốn dù không, sẽ đẩy quân đội Israel phải đối mặt thêm với những rủi ro thương vong. Sau những thiệt hại vừa rồi thì thêm những thương vong là điều mà chính phủ Israel muốn tránh bằng mọi cách trong lúc này. Ngoài ra, một chiến dịch trên bộ cũng sẽ đẩy binh lính Israel phải đối mặt trực tiếp với sự kháng cự của người dân Palestine tại dải Gaza, trong đó sẽ có cả dân thường.

Những nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế liệu có thể làm hạ nhiệt xung đột Hamas - Israel? - Ảnh 2.

Xung đột khiến hàng nghìn người dân thiệt mạng và bị thương (Ảnh: AP)

Israel chắc chắn không muốn mình bị dính vào những hình ảnh tiêu cực, khi phải đối đầu trực diện với người Palestine, để rồi có thể làm chệch hướng tiến trình hòa bình với các quốc gia Arab hiện nay. Ngoài ra, còn một câu hỏi nữa là liệu Israel sẽ có thể làm gì nếu tiến hành một chiến dịch trên bộ rồi giành quyền kiểm soát dải Gaza? Nó sẽ đẩy Israel vào những bài toán phức tạp hơn. Thiết lập một chế độ kiểm soát nào đó tại dải Gaza vừa là điều Israel không mong muốn vừa không khả thi và cũng là điều dư luận quốc tế sẽ khó có thể chấp nhận.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố rất rõ, mục tiêu của Israel sẽ là bằng mọi cách để "đè bẹp và loại bỏ" Hamas. Hay như tuyên bố của Bộ quốc phòng Israel là phải tước bỏ quyền lực của Hamas tại dải Gaza. Để làm được điều đó thì mục tiêu phía Israel đặt ra trước nhất là phải loại bỏ hoàn toàn khả năng quân sự của lực lượng này, chẳng hạn như phá hủy cơ sở hạ tầng của Hamas, đánh sập một hệ thống đường hầm chằng chịt của lực lượng này trong lòng dải Gaza. Nhưng Israel liệu có thể đi đến đâu trong mục tiêu của mình thì vẫn còn là dấu hỏi.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Israel đặt ra mục tiêu đè bẹp và loại bỏ Hamas. Họ đã thử làm điều đó cách đây gần một thập kỷ trong cuộc tấn công vào dải Gaza năm 2014. Vậy nên chỉ một điều gần như có thể tiên đoán khá chắc chắn trong lúc này, đó là thời gian tới sẽ là một thời gian Israel tiến hành những biện pháp an ninh ngặt nghèo xung quanh dải Gaza.

Nỗ lực hạ nhiệt xung đột Hamas - Israel

Đối mặt với cuộc huy động tổng lực và chiến dịch quân sự trả đũa Hamas không khoan nhượng của Israel, cục diện tình hình hiện nay thực sự rất khó khăn. Các nước trong khu vực Trung Đông và cả các đồng minh của Israel cũng đã tiến hành nhiều bước đi ngoại giao để kêu gọi các bên hạ nhiệt căng thẳng.

Ngay sau khi xung đột nổ ra, Ai Cập, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã đứng ra đề nghị làm trung gian hoà giải. Riêng với Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã điện đàm với cả lãnh đạo Israel và Palestine cũng như các nhà lãnh đạo của Jordan, Algeria và Saudi Arabia nhằm hạ nhiệt căng thẳng.

Những nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế liệu có thể làm hạ nhiệt xung đột Hamas - Israel? - Ảnh 3.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (Ảnh: AP)

"Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng làm những gì có thể để xung đột kết thúc càng sớm càng tốt và giảm bớt căng thẳng vốn đã gia tăng sau những sự cố mới nhất" - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố

Ai Cập, nước từng thành công trong vai trò trung gian hòa giải giúp chấm xung đột hồi tháng 5/2021 giữa Hamas và Israel, cũng đang duy trì liên lạc với cả hai bên để ngăn chặn bạo lực leo thang. Nhiều nước đang phối hợp với Ai Cập để đưa cứu trợ nhân đạo khẩn cấp tới Gaza thông qua cửa khẩu biên giới Rafah của nước này.

Hiện tại, các nỗ lực ngoại giao đang tập trung vào hai mục tiêu chính là thúc đẩy một lệnh ngừng bắn và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động viện trợ nhân đạo. Và đặc biệt là không để xung đột này lan rộng với sự tham gia của một bên thứ ba.

Bà Nomi Bar-Yaacov từ Chương trình an ninh quốc tế, Tổ chức nghiên cứu và tư vấn chiến lược Chatham House cho rằng: "Rủi ro lớn là một cuộc chiến ở quy mô khu vực với các cuộc tấn công đổ bộ. Tôi không nói rằng đã có bên khác tham gia. Nhưng Israel chắc chắn sẽ không đối phó với Hamas một mình. Viễn cảnh gần nhất có thể là một cuộc tấn công do Hezbollah thực hiện ở phía Bắc. Thậm chí là sẽ có các cuộc tấn công nhằm vào người Do Thái và người Israel trên khắp thế giới. Đó sẽ là một thảm họa nhân đạo và thảm họa chính trị rất lớn".

Công đồng quốc tế nhiều năm qua vẫn hối thúc các bên giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột, trong đó có đàm phán nhằm chấm dứt sự chiếm đóng và cho phép hiện thực hóa một giải pháp hai nhà nước trên cơ sở đường biên giới năm 1967, nghị quyết của Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận chung, bảo đảm lợi ích của các người Israel và người Palestine.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết: "Tầm nhìn lâu dài về giải pháp hai nhà nước, phù hợp với các nghị quyết của Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận trước đây có thể mang lại sự ổn định lâu dài cho người dân vùng đất này và khu vực Trung Đông rộng lớn hơn".

Tuy nhiên, cả Israel và Hamas đều tỏ ra kiên quyết rằng sẽ tiếp tục tấn công. Khả năng đạt được bước đột phá sớm trong các nỗ lực hòa giải đang khá mờ mịt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước