Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Tampere của Phần Lan đã hợp tác với Viện Tế bào gốc Harvard (Mỹ) phát triển một liệu pháp mới điều trị bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính (ALL) - một căn bệnh ung thư phổ biến ở trẻ em.
ALL là một loại ung thư máu ảnh hưởng đến các tế bào bạch cầu chưa trưởng thành từ tủy xương. Các tế bào chưa trưởng thành nhân lên một cách không kiểm soát được và chiếm đầy tủy xương. Điều này cản trở việc sản sinh ra các tế bào máu bình thường. Trẻ em mắc ALL phải chịu đựng sự thiếu máu, nhiễm trùng tái phát, các vết bầm tím và dễ bị chảy máu vì tủyxương của trẻ không sản xuất đủ các tế bào hồng cầu, các tế bào bạch cầu và các tiểu cầu.
Tiên lượng đối với những người mắc bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho T (T-ALL) khi tái phát là rất xấu. Do đó, nhu cầu về những biện pháp điều trị mới đối với căn bệnh này là cấp thiết. Trong điều trị bệnh bạch cầu, hiện tượng "nhờn thuốc" xảy ra khá nhanh, do đó các nghiên cứu mới đã tìm kiếm các kết hợp thuốc hiện hành trong một giải pháp mới. Liệu pháp điều trị do trường Đại học Tampere của Phần Lan hợp tác phát triển cùng Viện Tế bào gốc Harvard kết hợp các loại thuốc đã được chứng minh là có hiệu quả đối với 1/3 số bệnh nhân mắc căn bệnh này.
Giám đốc Nghiên cứu Olli Lohi thuộc trường Đại học Tampere cho biết: "Đây là một lựa chọn điều trị mới đầy hứa hẹn cho bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho T. Bước tiếp theo là đưa phát hiện này vào thử nghiệm lâm sàng đối với những bệnh nhân mắc bệnh tái phát hoặc khó chữa trị".
Nghiên cứu trên đã được công bố trên tạp chí Blood - một tạp chí về lĩnh vực huyết học. Ngoài các nhà khoa học thuộc trường Đại học Tampere và Viện Tế bào gốc Harvard, nghiên cứu còn có sự tham gia của các chuyên gia thuộc trường các đại học Bắc Carolina, Đông Phần Lan và Helsinki.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!